Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

TÌNH YÊU VỚI CHÚA

“ Bố mẹ yêu quý,
Con đi tu đây ạ. Bố mẹ nhớ giữ sức khỏe nhé, con yêu bố mẹ nhiều. Nguyện xin tình yêu Chúa Giê su chúc lành cho gia đình mình.
Con gái của bố mẹ
con bé Tâm. ”
Ông Nam đưa tờ giấy cho bà, tay vịn chặt vào thành ghế, im lặng. Còn bà thì cứ khóc mãi không thôi và luôn miệng gọi: “Con ơi, đừng đi nữa, con về với mẹ đi con ơi… “
- Bà có im không nào! Con hư tại mẹ, còn khóc lóc gì nữa, tôi đã bảo bà phải trông nó mà. . . ông Nam ngắt lên.
Chiều tàn, mặt trời đi qua tháp nhà thờ kéo theo một vệt dài giâm mát tạo thành một khoảng không gian đẹp dưới sân nhà ông Nam, hương thơm của hoa lan bay khắp nơi. Ông Nam ra hiên hút thuốc, khói thuốc bay khắp gian nhà, những tàn thuốc đỏ còn rơi xuống đất, vẫn đang nhen nhóm đốm lửa. Ông Nam cau lông mày này, đầy vẻ tức giận và buồn bực. Bà dựa lưng vào cửa nhà, nước mắt bà chảy xuống ướt đẫm vùng ngực, bà nhìn ra cửa chờ con trở về. Bé Nga run sợ dúi mình vào lòng mẹ, nhìn mẹ khóc Nga cũng khóc theo hu. . . u. . u…Bà lại đưa tay vuốt lên mái tóc Nga, nín đi nín đi con. . .
Ông Nam quát to:
- Có nín đi không còn khóc gì nữa! Bà dạy con cái kiểu đó đấy à? Tôi đã nói rồi mà bà không có nghe, suốt ngày kinh với sách chẳng được cái tích sự gì.
Bà khóc:
 - Nào tôi đâu có muốn như vậy, sao ông cứ trách hết vào tôi? Con là do mình tôi dạy à?
Ông Nam yên lặng như đang suy tính một chuyện gì sâu xa lắm, đôi mắt ông lặng xuống, tay ông buông xuống như người không còn sức lực. Ông Nam uống rượu và nói luôn miệng: “Giê su ơi, ông mang con gái về cho tôi đi, ông đừng tranh con của tôi nữa. . . con ơi, về với bố mẹ đi con. . . . ”
Khói thuốc lá bay hòa vào mùi rượu xông lên nồng nặc, ông Nam đang mơ, say hay tỉnh ông cũng không biết nữa? Chuyện xưa chạy lại như một cuốn phim dài về đời người. Ông Nam nhớ cái ngày ông bắt Tâm đi nhà thờ, còn phần ông không bao giờ tin vào Chúa.
“ – Hôm nay, mày đi nhà thờ, tao trông nhà cho.
Con không đi đâu ạ, con ở nhà xem phim thích hơn nhiều.
Phải đi, tao không nói nhiều đâu đấy.
Con không đi, Tâm hét lên.
Có đi không tao đánh bây giờ? Phải đi…
Tâm cúi mặt xuống…”
Những hình ảnh đó lúc hiện ra lúc rõ nét, khi thì lại mờ mờ trong tâm trí ông Nam. Chính ông lại không ngờ, con bé chăm đi nhà thờ đến vậy. Ông Nam nhớ con, nhớ ngày Tâm học đại học, ông đã rất lo sợ nó đi tu và đã căn dặn nhiều lần.
“ – Đi học phải chăm chỉ, không được nhà thờ nhà thánh.
- Nhưng nhà thờ là điểm tựa của con, Thánh Lễ là hơi thở của con và Chúa Giê su là sự sống của con. Con không thể bỏ được, con xin lỗi bố.

- Nhà này không có cái kiểu đó đâu, con với cái, vớ vẩn, đường xuôi không đi, cứ thích đi ngược…”
Chỉ cần nhớ đến vậy nước mắt ông Nam rơi trên má. Ông Nam buồn và tự trách lòng, giá như ngày đó mình không bắt nó đi nhà thờ, thì bây giờ nó không thế, giá như… giá như… Ông Nam vơ lấy chai rượu đưa lên miệng nhưng ông không còn cảm thấy cay trên sống mũi nữa. Ông Nam luôn miệng: “ Ông Giê su ơi, ông mang con gái về cho tôi đi…”
Trong men rượu ấy, ông Nam vẫn nhớ về lời của mấy bà hàng xóm nói chiều nay khi ông đi ngang qua: ” Nhà ông đấy có con gái hư, cho chết cái tội không đi nhà thờ”, có người còn nói: ” Chúa phạt đó, tưởng con đấy ngoan, ai dè nó cũng đi theo trai. . . “, ” Đi xem được bao lâu, không khéo vác cái bụng về thì xấu mặt xóm đạo”. . . Ông Nam thấy lòng mình đau quá, tim co thắt lại từng đợt, người ta đã nghĩ về con bé Tâm vậy sao?
Ông Nam không một lời giải thích, cũng không thể chịu đựng được những tai tiếng đó. Ông Nam quyết định đi tìm con. Trên đường đi ông hỏi thăm các dòng tu. Ông Nam mang theo tiền khi tiêu hết ông kiếm việc làm thêm, từ việc rửa bát, gánh nước, . . . mỗi một công việc ông làm một thời gian, khi kiếm đủ số tiền cần thiết ông lại ra đi. Ông Nam ngủ ở gầm cầu, chợ. . . Khi ở xa ông Nam chẳng quen ai, nhưng ông Nam luôn nói chuyện với Chúa Giê su mà ông đã ghét. Ông Nam đã được nghe kể và gặp các linh mục tình nguyện đến vùng sâu vùng xa sống cùng người nghèo để phục vụ và rao giảng Tin Mừng, có những linh mục sống nghèo khổ trong các đan viện để cầu nguyện. Còn có những dòng tu nữ luôn chăm sóc yêu thương người bị bệnh, trẻ khuyết tật… Ông Nam được gặp những người giáo dân sống theo Chúa, luôn chia sẻ quan tâm giúp đỡ người khác, ông bà già dành tiền để giúp đỡ người nghèo, thiếu nhi tham gia chiến dịch “ bát cơm mùa Chay”…Ông Nam suy nghĩ, và không hiểu sao họ có thể hy sinh đến như vậy? Chúa là ai mà khiến họ sống vì nhau đến thế? Những câu hỏi đó luôn ở trong lòng ông.
Ông Nam vẫn đi tìm con, ở thành phố hay nông thôn, nơi nào ông Nam cũng đi đến. Một ngày, ông Nam dừng lại ở vỉa hè. Bỗng có một thằng bé lao qua trước mặt ông, người phụ nữ ở đâu chạy theo và nói vọng lên: “ Dừng lại, dừng lại con…” Nhưng thằng bé đã ngã xuống đất, người phụ nữ đó đến bên nâng nó dậy và phủi đi cát bẩn bám vào quần áo thật nhẹ nhàng và cẩn thận. Ông Nam quan sát những gì đã diễn ra. Khi người phụ nữ đó đi qua, ông Nam thấy dáng người và giọng nói đó rất quen, cổ họng nghẹn lên, mãi ông mới nói ra lời: “ T…â…m, Tâm đó phải không con?”
Người phụ nữ đó quay lại nhìn một lúc lâu, nước mắt chảy hai bên gò má, ngậm ngừng rồi thốt lên: “ Bố, bố ơi… bố …”.
Ông Nam nhìn con không nói năng gì, ông Nam vội kéo Tâm đi. Thằng bé hét to lên: “ Không, con không cho dì Tâm đi đâu. Ông đừng bắt dì tâm rời xa con. ” Ông Nam vẫn kéo tay và lôi Tâm đi thật nhanh. Thằng bé đuổi theo được hai bước chân nó vấp ngã xuống đất, nó đưa tay sờ vào khoảng không vô định, nhưng nó không thể tự đứng lên được. Tâm vội chạy đến bên thằng bé và dỗ dành: “ Dì không đi đâu con, dì sẽ ở đây với con”. Lúc này, ông Nam mới kịp nhận ra thằng bé không nhìn thấy gì. Ông buông lỏng tay xuống, quay mặt đi.
Tâm mời bố và dắt thằng bé vào nhà dòng. Ông Nam được biết Tâm cùng mọi người đã làm nhiều việc tốt. Khi hiểu và nhìn thấy những mảnh đời của đứa trẻ không cha mẹ, trẻ khuyết tật, những đứa trẻ được sinh ra làm người, nhưng lại không được coi là người … mà ông Nam thấy yêu và nhớ Tâm bao nhiêu thì ông cũng lại lo lắng và thương những đứa trẻ đó bấy nhiêu.
Những ngày ở lại nhà dòng, cũng chính là lúc ông Nam cảm nghiệm về niềm tin của con người dành cho Chúa, hiểu hơn những việc của nhà dòng và Tâm đang làm. Thật ý nghĩa và hạnh phúc khi con người biết cho đi những gì đáng quý của mình, để Tình Chúa và tình người hòa vào làm một. Khi về nhà ônng Nam có nói với Tâm: ” Con là niềm tự hào của cả nhà, hãy đến cùng Chúa đi, và đừng lo lắng gì cho bố mẹ nữa nhé. Con cứ sống hạnh phúc, còn phần bố mẹ đã phó thác cuộc đời còn lại ở bên Chúa”.
-adgs trích GVTĐT Mã số: 14-082-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét