Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Amen nghĩa là gì?

Trong thánh lễ, nhiều lần bạn đáp Amen sau những lời nguyện mà linh mục chủ tế thay mặt cộng đoàn tuyên đọc. Thí dụ:
– “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời. – Amen”.
– “… đến muôn thuở muôn đời. – Amen”.
Amen là một chữ do-thái. Các tín hữu thời Cựu Ước thường dùng Amen để kết thúc lời cầu nguyện của họ. Chúa Kitô cũng đã sử dụng, không những lúc Người cầu nguyện, mà còn cả trong lúc giảng dạy để nhấn mạnh, làm nổi bật chân lý Người nói: “Amen – Thật – Ta bảo thật các ngươi…” Chúng ta thường gặp ngôn thức này trong Tin Mừng.
Trước kia, sau các lời nguyện, người ta thưa “Ước gì được như vậy”. Bây giờ người ta thích dùng chữ Amen hơn, vì Ước gì được như vậy không thể diễn tả hết được sự phong phú của chữ Amen.
Khi thưa Amen, người ta không chỉ bày tỏ ước muốn được như vậy, mà còn xác nhận một điều chắc chắn. Đó là trường hợp khi vị linh mục công bố: “Mình Thánh Chúa Kitô” và tín hữu thưa “Amen”. Chữ Amen ở đây có nghĩa “Vâng ! Tôi xác tín Chúa Kitô đến ngự trong tôi dưới hình bánh này”. Đó là một điều chắc chắn !
Khi bạn thưa Amen sau lời nguyện của linh mục chủ tế, điều đó không chỉ có nghĩa là ước muốn những lời cầu nguyện đó được chấp nhận, nhưng còn nói lên rằng: lời nguyện đó cũng là lời nguyện của chính bạn, và bạn muốn tháp nhập vào đó với hết tâm tình.
Hơn thế nữa, Amen diễn đạt đức tin của toàn cộng đoàn vào sự trung tín của Chúa. Người sẽ nhậm lời những gì cộng đoàn cầu xin với niềm tin tưởng. Bởi vì căn gốc của chữ do-thái này có ý nghĩa sự trung thành, trung tín. Như thế, khi thưa Amen, chúng ta tung hô sự trung tín của Chúa, như lời thánh Phaolô: “Xin Thiên Chúa là Đấng trung tín chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em, không phải là vừa “Có” lại vừa “Không”. Quả thế, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng tôi đã rao giảng nơi anh em, […], nơi Người chỉ là “Có” mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành “Có” ở nơi Người. Vì thế nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời “Amen” tôn vinh Thiên Chúa” (2 Cor 1, 18-20).

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Lạy Chúa, xin cho con biết chọn lấy mỗi một nẻo về, chỉ một cõi đi về là được về với Chúa, nơi có Chúa đang ngự trị.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Với Lễ Lá, chúng ta bắt đầu tuần lễ quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ gọi là Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế. Dầu cho với cái nhìn chính trị, xã hội của con mắt người đời, việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, là một việc có tính cách gây rối chính trị, vì đế quốc Rôma đang cai trị và Hêrôđê đang làm vua. Nhưng Chúa Giêsu, Người biết rõ việc Người làm. Trước mặt Philatô, Người tuyên bố rõ ràng: "Tôi là Vua nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này".
Vậy Phụng vụ Lễ Lá có thể gợi lên cho chúng ta ba ý nghĩa
- Trước tiên Chúa Nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Biến cố đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, biết rằng Người phải làm gì và Người đã tự nguyện bước vào cái chết sinh ơn cứu độ, như hạt lúa miến đã chết đi để sinh sự sống mới. Người tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Vì thế trước đó nhiều lần, những người Do Thái chống đối lập mưu để giết Người, như ném đá Người hoặc xô Người xuống vực thẳm, nhưng họ không làm được việc gì, vì giờ của Người chưa đến. Và cũng đã nhiều lần dân chúng hợp lại định tôn phong Người lên làm vua, nhưng Người đã lẩn trốn sang nơi khác cũng chỉ vì giờ của Người chưa đến.
- Ý hướng thứ hai của Lễ Lá là ngày lễ để tôn kính Chúa Kitô là Vua. Ðây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đồng ý để cho dân chúng tung hô vạn tuế Người là Vua: "Hoan hô chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời." Người vào Giêrusalem, thành của vua cả trong phong cách đế vương, và chính vì phong cách đế vương này mà Người đã bị kết án tử hình. Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng, Do Thái, La Tinh và Hy Lạp, "Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái." Vì thế, dầu cho Người bị kết án tử hình bằng một hình khổ dã man và nhục nhã, đóng đinh chân tay căng thây trần truồng trên Thập Giá, nhưng các sách Phúc Âm đều ghi đậm nét vẻ vương giả của Người để khai mào một vương quốc mới. Vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của yêu thương và an bình như Người đã nói trước mặt Philatô: "Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng Tôi." Vậy Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta một cơ hội nữa để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Vua các vua, Vua cả trời đất, nhất là Vua của mọi cõi lòng.
- Với ý nghĩa thứ ba, Chúa Nhật Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ, vì lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê. Khi chấp nhận bằng lòng vác thập giá mình mà theo chân Chúa Giêsu, đó là chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Người, noi gương Người để vác thập giá, nhưng điều quan trọng là không phải vác đi trong than khóc mà trong hy vọng. Vì với Chúa Giêsu, đau khổ và chết chóc không dồn con người vào ngõ bí, mà là dẫn đưa đến vinh quang của ngày sống lại.
Hôm nay trong cái nghịch lý của Lễ Lá, vị Vua của chúng ta tiến lên, vị Vua đã bênh vực nhân vị của con người, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác như tinh thần của những ai đến cùng Người. Vị Vua đó đã thu, đã hút tất cả những đau khổ của thể xác và tinh thần của con người vào chính bản thân mình, để chết đi một lần cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào chốn trường sinh. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.
Ðể có việc làm cụ thể trong tuần này, chúng ta sẽ tìm cách tế nhị giúp cho một người đang gặp khó khăn vật chất hoặc đau buồn tinh thần, để họ lấy lại được niềm hy vọng. Và noi gương Chúa Giêsu nơi vườn cây Dầu, khi Người cầu nguyện: "Lạy Cha nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa Con, nhưng xin đừng theo ý Con một theo ý Cha mà thôi," chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết vui lòng vâng phục thánh ý Chúa, dầu lắm khi chúng ta không hiểu được tại sao.
-FatimaCompany-​
 




Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết quan tâm đến những người xung quanh. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã có lần cảm nghiệm niềm vui khi phục vụ người khác. Chúng ta hãy nhân rộng niềm vui ấy trong cuộc sống này, vì “chính lúc hiến thân, là khi được nhận lãnh” (Kinh Hòa bình) và ““Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi” (Mark Link).

-Gm Giuse Vũ Văn Thiên-


Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016


Đời người là một cuộc lữ hành đi về sự sống vĩnh cửu. Sự sống con người không chỉ giới hạn trong không gian và thời gian này. Định mệnh của con người vượt trên những đòi hỏi và nhu cầu trần thế. Những đau khổ và thánh giá trong cuộc đời sẽ giúp thăng hoa cho cuộc sống mai hậu. Nếu không có cuộc sống mai sau, tất cả những khổ đau chúng ta phải chịu sẽ là gánh nặng muôn đời. Gia nhập vào cuộc đời là chúng ta phải chấp nhận: "Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (Stk 3:19). Chúa Giêsu đã dẫn chúng ta qua một ngõ khác, đó chính là con đường thập giá. Thập giá là con đường của sự sống. Đau khổ chính là thánh giá chúng ta phải mang vác mỗi ngày. Hãy vác thánh giá theo Chân Chúa, thánh giá sẽ biến đổi những đau khổ thành niềm vui và vinh quang bất diệt. Chúa Giêsu mời gọi: "Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được." (Mt 10:38-39).

-Giuse Trần Việt Hùng-NNT-


Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Một bóng mát bên đường luôn là hấp lực lôi kéo người khách bộ hành đang dong duổi giữa cái nắng chói chang trưa hè. Thế nhưng, chúng ta đã bao giờ tự hỏi, người khách bộ hành này có đến được nơi cần đến hay không, nếu như không dám từ bỏ bóng mát quyến rũ kia?
Thế mới biết, không ai có thể đi đến đích nếu không can đảm dứt bỏ những bóng mát bên đường. Như thế, mọi cố gắng để không phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, chỉ là ảo tưởng, và bước đường trải thảm, nơi nhiều người trẻ ngày nay mong muốn, thì không thực tế.
Điều thiết yếu đặt ra, là làm thế nào để sống và vượt qua thử thách, chứ không phải là làm sao để không có khó khăn.
Khi nhận ra điều này, mỗi người sẽ nuôi dưỡng cho bản thân sự can đảm và tinh thần vượt khó, để có thể kiến tạo cho tương lai một cuộc sống tốt hơn.
Thập Giá, dấu chỉ cho những gian nan phận người, thì các bạn tìm cách trách xa là điều phải lẽ rồi còn gì. Nhiều lần, tôi đã có suy nghĩ như thế, và có lẽ nhiều bạn trẻ cũng đồng quan điểm này. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra rằng người Kitô hữu không đón nhận đường Thập Giá Đức Giêsu đã đi, thì không còn là con cái Thiên Chúa nữa.
Thật vậy, người tín hữu, cách riêng những người trẻ Công giáo, không thể thực sự bước theo Đức Kitô nếu không đảm nhận con đường Thập Giá. Những gì gọi là đường tắt, sẽ không dẫn người Kitô hữu đến bến bờ hạnh phúc, bởi vì người môn đệ đích thực của Thầy Giêsu phải là người bước đi trên con đường Thập Giá và theo Thầy lên đỉnh đồi Canvê.
Những ai muốn tìm kiếm một “Thầy Giêsu không thập giá” thì rất có nguy cơ sẽ phải vác thập giá không có Chúa Giêsu. Thánh Giá có Thầy Giêsu cùng vác, cùng đồng hành, mà chúng ta còn ngại bước vào, thì thử hỏi thập giá chỉ riêng mình ta vác, sẽ gian nan biết chừng nào.
Thế nhưng, người trẻ hôm nay rất thường bị cám dỗ đi tìm một Giêsu không có Thánh Giá, đó là một Giêsu siêu sao, một Giêsu đáp ứng được những sở thích của bản thân. Họ mong muốn được lắng nghe Lời Chúa không chất vấn lương tâm, và đi theo một Đạo Công giáo dễ dãi, không ràng buộc. Nghĩa là họ theo đạo chỉ để tìm một sự an toàn nào đó sau khi không còn sống trên cõi đời này nữa.
Cứ theo lẽ này, chúng ta - rất có thể như thánh Phêrô ngày xưa- sẽ bị Chúa Giêsu khiển trách rằng: “Satan, hãy xéo đi khỏi mặt Ta!” (Mc 8,33). Tại sao vậy? Rất đơn giản, vì chúng ta đã không thực hiện công trình của Thiên Chúa, lại còn sống cho những dự định của bản thân.
Cũng cần biết rằng, Thập Giá không phải là điểm tới, nhưng là cánh cổng dẫn người Kitô hữu bước vào sự sống mới: ai đánh mất mạng sống mình thì sẽ tìm gặp lại sự sống, ai can đảm chết đi sẽ sống muôn đời... Và để cụ thể hóa con đường Thập Giá trong thời đại hôm nay, những người trẻ phải nhận ra rằng chúng ta được mời gọi để dấn thân cho cuộc đời này nhiều hơn nữa
Để cống hiến những khả năng của mình vì lợi ích xã hội, nhiều bạn trẻ ngày nay đã dấn thân hết mình cho những công việc của cộng đồng mà không đòi hỏi một quyền lợi nào cho bản thân. Họ sẵn sàng đón nhận những thua thiệt về mình chỉ vì muốn đem lại hạnh phúc cho người khác.
Người ngoài nhìn vào, không thể phủ nhận những đóng góp mà những người trẻ này đã và đang cống hiến cho xã hội. Sự chọn lựa của những người trẻ có tấm lòng quảng đại, khiến cho nhiều người cảm phục vì trong số họ, có người đã thành đạt, đã kiến tạo được sự nghiệp, nhưng cũng có người đang là sinh viên, là công nhân và cuộc sống còn nhiều khó khăn. Có lẽ điểm chung của tất cả các bạn trẻ này là nơi họ luôn ấp ủ một khát vọng được cống hiến, và cách thức tốt nhất họ chọn lựa, là con đường dấn thân.
Với người Kitô hữu, dấn thân cho hạnh phúc của người khác, luôn là lời mời gọi khẩn thiết và ưu tiên hàng đầu trong hành trình cuộc đời. Người trẻ Công giáo không chỉ sống tốt cho mình, với những cố gắng hoàn thiện bản thân, nhưng phải là cuộc đời dám chia sẻ với người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thể hiện điều này không đương nhiên dễ dàng, bởi một lẽ đơn giản là chúng ta còn phải nghĩ đến mình, một lối nhìn “quy ngã” rất tự nhiên của con người. Thế nhưng, nhiều người đã làm được điều này với tất cả con tim của họ, thì hẳn nhiên những người khác cũng sẽ thực hiện được khi biết đặt mình trong tương quan như những người con của Chúa.
Thật vậy, khi hướng lòng mình về Chúa, con người sẽ có những động lực để dá
Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn, nhưng với lòng tin và niềm hy vọng, người trẻ Công giáo sẽ đón nhận con đường dấn thân với tất cả tấm lòng của mình.
-Mai Văn, OP-photos NNT-


Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Xưng Tội Rồi Phạm Tội, Vậy Xưng Làm Gì?

Con có một vài thói xấu, con đã đi xưng tội rất nhiều lần rồi. Nhưng xưng xong lại phạm tội trở lại. Nhiều khi con chán nản, chẳng muốn đi xưng nữa. Xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì?
Bạn thân mến,
Kinh nghiệm của bạn là một kinh nghiệm rất thực tế mà bất cứ ai cũng trải qua. Chúng ta luôn cố gắng để không phạm tội. Nhưng chúng ta đã không thể chiến thắng được sự yếu đuối của bản thân, rồi chúng ta phạm tội. Sau đó, chúng ta đi xưng tội và cảm thấy như được giải thoát khỏi một gánh nặng nào đấy. Thế nhưng, không lâu sau, chúng ta lại tiếp tục phạm tội. Vòng chu kỳ phạm tội – xưng tội – phạm tội – xưng tội… nhiều khi làm chúng ta cảm thấy thất vọng về mình, có đôi khi còn khiến ta nghi ngờ về hiệu quả của Bí tích Hoà Giải, rồi dẫn đến chán nản. Từ đó, ta tự đặt câu hỏi nghe có vẻ rất có lý: cứ xưng tội rồi lại phạm tội, vậy xưng tội để làm gì?


Có người đã ví von “đối” lại câu hỏi này bằng một câu hỏi khác: ta ăn rồi đói, vậy ăn để làm gì? Thoạt nghe qua, ta thấy “câu đối” này dường như đã là một câu trả lời cho câu hỏi về vấn đề “phạm tội – xưng tội.” Nhưng để ý kỹ, ta vẫn thấy có chút gì đó không được thoả mãn cho lắm. Cơ bản là vì ví việc đi xưng tội với việc ăn uống, việc phạm tội với cái đói xem chừng không chuẩn xác cho lắm. Thứ nhất, việc ăn uống làm ta khoái khẩu; tự bản thân việc ăn khi đói mang đến cho người ta cảm giác sảng khoái, thoả mãn. Trong khi việc đi xưng tội thì chẳng làm ta thích thú chút nào vì nó bắt ta phải đối diện với biết bao điều xấu ta phạm phải. Thứ hai, xem ra việc ăn uống thì dễ dàng hơn, vì ta có thể ăn bất cứ nơi đâu và ăn cái gì ta thích, chẳng cần phải lệ thuộc vào ai. Trong khi muốn xưng tội, ta phải tuỳ thuộc vào một linh mục, giả như vị linh mục đó không chịu giải tội cho ta, hoặc gây khó dễ cho ta thì ta cũng đành chịu, chứ không thể làm gì khác hơn. Thứ ba, việc ăn uống xem ra thiết thực hơn, vì cơ thể của ta sẽ mách bảo cho ta rằng nếu ta không ăn thì ta sẽ đói và có thể sẽ chết; trong khi không phải ai cũng cảm thấy nhu cầu đi xưng tội. Không ăn thì ta trở nên tiều tuỵ và ai cũng nhận ra điều này, trong khi không đi xưng tội thì rất nhiều người vẫn cảm thấy chẳng có gì mất mát. Vì thế, dù ví von việc đi xưng tội với chuyện ăn uống cũng có nét đúng, nhưng có lẽ ví việc ăn uống với bí tích Thánh Thể thì hợp hơn.
Những người hỏi câu hỏi “xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì” dường như đã hiểu nhầm ý nghĩa của bí tích Hoà giải. Bí tích Hoà giải không phải là thuốc tiên, ngay lập tức biến người lãnh nhận trở thành một vị thánh, không còn yếu đuối, miễn nhiễm với tất cả mọi thói xấu trên đời. Họ cho rằng chỉ cần xưng tội một lần là mình trở thành một vị thần sáng láng, không cần vướng víu một chút gì nhơ nhớt giữa bụi trần này.
Kỳ thực, đi xưng tội là đi hoà giải (vì thế mà nó có tên là bí tích Hoà giải). Phạm tội là làm điều không đúng trước mặt Chúa, làm cho mối dây liên kết giữa mình với Chúa bị rạn nứt, làm cho tương quan giữa mình và Chúa bị sứt mẻ. Người ta tìm đến với Bí tích Hoà giải cũng giống như một đứa con làm gì đó ngỗ nghịch với bố mẹ, khiến bố mẹ buồn, quay về với bố mẹ và nói lời xin lỗi với bố mẹ. Có lỗi thì cần phải cầu xin sự tha thứ, thế thôi, dù ta có phạm lỗi đến trăm nghìn lần. Ta xin lỗi Chúa để nối lại mối dây thân tình và làm cho tương quan giữa ta với Người không còn xa cách. Sau khi xưng tội, ngoài việc được tha thứ, ta vẫn là một con người yếu đuối như trước. Và vì mang thân phận yếu đuối, ta vẫn có thể phạm tội. Đây là chuyện rất bình thường. Nhưng qua việc phạm rồi xưng rồi phạm này, ta càng nghiệm thấy rõ ràng hơn lòng bao dung, tình yêu vô biên và sự kiên nhẫn của Chúa dành cho mình.
Tại sao ta phải thường xuyên xưng tội? Vì càng đi xưng tội, ta càng ý thức về tội của mình. Càng ý thức về nó, ta càng có thể tránh được nó và vượt qua yếu đuối của mình hơn. Thực ra, những ai đi xưng tội với một ý hướng chân thành và một quyết tâm chừa tội thì người đó sẽ ít rơi vào cạm bẫy của tội hơn. Họ sẽ cảm thấy đỡ hơn rất nhiều khi phải chiến đấu với cám dỗ. Còn người nào xưng rồi phạm thì có lẽ cũng nên xem xét lại xem liệu mình đã có đủ lòng sám hối chưa, hay chỉ đi xưng tội vì “thủ tục”, theo kiểu “cho có”.
Như thế, ta đi xưng tội không phải vì bí tích Hoà giải có hiệu lực biến ta thành một vị thánh ngay trong chốc lát, nhưng là để ý thức hơn về thân phận mỏng dòn của mình và cảm nếm tình yêu dịu ngọt của Chúa. Toà giải tội là một nơi tỏ bày tình yêu, là nơi nối kết những gì rạn nứt, nơi gặp gỡ của sự thống hối và lòng xót thương. Chính qua nhiều lần gắn kết, gặp gỡ đó mà ta mới dần dần trở nên một vị thánh.


-Pr. Lê Hoàng Nam, SJ-