Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Bạn thân mến, chuyện kể rằng: Có một người thanh niên than thở với Chúa sao Chúa để thánh giá đời anh nặng nề quá. Chúa cho anh chọn lại thánh giá đời mình. Ngài dẫn anh vào một căn phòng có hàng triệu cây thánh giá. Anh được quyền lựa chọn. Sau một hồi nhìn ngắm, cân nhắc, anh cũng đã chọn cho mình cây thánh giá rất nhẹ. Chúa nói với anh rằng: “Con à, đó là cây thánh giá mà con đã mang từ hồi xưa tới giờ đó. Và đó cũng là cây thánh giá nhẹ nhất mà Ta đã chọn cho đời con”. Anh ta mới bắt đầu sám hối và cảm tạ tình thương của Chúa đã dành cho đời mình.
Ước gì, chúng ta cũng biết sám hối và cất lên lời cảm tạ Chúa Giêsu mỗi lần cúi mình và nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu. Ước gì thánh giá Chúa Giêsu đọng lại nơi tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta những cảm thức đức tin về tình Chúa và tình người.


Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Niềm hy vọng tràn đầy hân hoan, khi nhận ra giữa dòng đời đang chảy, giữa cuộc đời đang trôi, Thiên Chúa luôn hiện diện, luôn ở cùng để dẫn dắt chúng ta trên nẻo đường về quê trời. Đó chính là Tin mừng của Đức Kitô mà anh em được mời gọi để sống và loan báo bằng cả cuộc đời. Lời loan báo hữu hiệu nhất là chính cuộc sống tràn đầy yêu thương, niềm vui và hy vọng của anh em.


Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Thánh Gregory viết: “Kinh Thánh là một bức thư tình được Thiên Chúa sai đến với dân Ngài trong đó chúng ta có thể cảm nhận được trái tim của Thiên Chúa.
Lạy chúa, xin cho chúng con biết dùng thời giờ để đọc và lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày trong đời sống chúng ta. Và Thánh Giêrônimô nói: “Thiếu hiểu biết về Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.“. Và xin Chúa cho chúng con biết dùng Lời Chúa để chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn của chúng con, nhờ đó, giúp chúng con đối phó với những khó khăn và thử thách trong cuộc sống hằng ngày, vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” Amen.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Ước gì chúng ta thấy được sự vội vàng chóng qua của cuộc sống giữa một xã hội bon chen, ồn ào này, để biết dừng lại để cảm nhận sự yêu thương của con người. Và ước gì những rung cảm, cũng như những nhói đau của con tim cũng làm cho chúng ta hiểu: sống trong đời sống cần có một tấm lòng, và sống gần nhau thân mới thẳng.
-lời nguyện Người làm vườn-

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Lễ Các Đẳng 2016 Gx Tân Thạnh

              




Nguyện cầu


Bâng khuâng tháng Mười Một
Tha thiết quyện khói hương
Chạnh nhớ người đã khuất
Vời vợi niềm nhớ thương
Khởi đầu và kết thúc
Một tất yếu nhiệm mầu
Khổ đau và hạnh phúc
Xin nguyện cầu cho nhau
-NNT - TTT-

Phà Tân Thạnh


Tâm thành con tiến dâng lên
Niềm tin cậy mến vững bền khôn ngơi
Dâng lên trọn kiếp con người
Dâng lên khúc hát muôn đời tạ ơn
Chúa thương đổ xuống hồng ân
Chúa thương tha hết lỗi lầm trót sa
Đường trần dù có mấy xa
Ngài thương dẫn bước vượt qua sóng đời.

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Diễn Nguyện Mân Côi 2016

Mẹ ơi, Giáo xứ chúng con xin cùng nhau hiệp ý cầu nguyện theo lời Đức Thánh Cha dâng lên Mẹ. Xin Mẹ thương nghe đến chúng con. Xin ban bình an cho giáo xứ chúng con và tất cả giáo xứ nơi nơi luôn là con cái của Mẹ.

Lạy Đức Mẹ Đồng Trinh Fatima
Trong tâm tình tạ ơn tình mẫu tử của Đức Mẹ, Mẹ đã nối kết tiếng nói của chúng con với tiếng nói của tất cả mọi thế hệ, chúng con xin dâng lên lời kính mừng Mẹ.
Nơi Mẹ, chúng con xin dâng mừng tất cả các tuyệt tác của Thiên Chúa, Đấng luôn dủ lòng thương xót xuống cho nhân loại, một nhân loại bị đau khổ, bị tổn thương vì tội lỗi, để chữa lành và để cứu nhân loại.
Hôm nay trước bức tượng thân yêu của Mẹ, với tâm tình phó thác, chúng con xin tận hiến lòng mình cho Mẹ.
Chúng con đoan tin, mỗi chúng con đến quý báu dưới mắt Mẹ và không gì trong lòng chúng con mà Mẹ không biết.
Chúng con xúc động trước ánh mắt dịu hiền của Mẹ, trước nụ cười an ủi của Mẹ.
Xin Mẹ gìn giữ đời sống chúng con trong tay Mẹ;
Xin Mẹ chúc lành và củng cố tất cả mọi ước muốn tốt đẹp;
Xin Mẹ thổi bừng lên và nuôi dưỡng đức tin chúng con;
Nâng đỡ và soi sáng hy vọng;
Khơi dậy và lay động đức ái;
Hướng dẫn tất cả chúng con trên con đường thánh thiện.
Xin Mẹ dạy cho chúng con có tình yêu hàng đầu
Đối với những người nhỏ bé và nghèo khổ,
Những người sống bên lề và những người đau khổ,
Những người tội lỗi và những người đi lạc trong chính tâm hồn của mình:

Xin kết hiệp tất cả chúng con dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ và đặt tất cả chúng con vào lòng Con Yêu Quý của Mẹ, Chúa Giêsu, Chúa của chúng con. Amen.


-trích lời Cầu nguyện Đức Thánh Cha Phanxicô-





-MVTT  Gx Tân Thạnh-

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Diễn nguyện

"Kính mừng Maria đầy ơn phúc",
Đó là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường xuyên đọc nhất là trong tháng Mười. Nhưng nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gabriel khi chào kính Đức Maria lúc truyền tin (Lc1,28). Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc như lời sứ thần nói, vì có Thiên Chúa ở cùng. Phúc của Mẹ thật cao với khôn sánh, lời bà Ê-li-sa-bet xác nhận: " Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc". Ai có Thiên Chúa ở cùng, người ấy được đầy ơn phúc. Đức Maria là người diễm phúc không chỉ Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, mà Mẹ còn cưu mang Thiên Chúa ngay trong lòng mình nữa.
Những lời của sứ thần Gabriel và của bà Ê-li-sa-bet trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Đồng thời Giáo hội thêm vào đó lời cầu khẩn Mẹ thương nâng đỡ phù trì "Thánh Maria ĐứcMẹ Chúa Trời... và trong giờ lâm tử".
Phụng vụ mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay, dựa trên trang Tin Mừng (Lc 1,26-38) lại dìu ta về với "Đức Maria đầy ơn phúc". Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, và Con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Thế nên Giáo hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng hạnh phúc này: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc" để tôn vinh Mẹ Maria. Đức Maria là người hạnh phúc vì Mẹ đã đón nhận hồng phúc, được tuyển chọn để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Đấng Cứu Thế, là Mẹ Thiên Chúa. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Maria cũng rất hạnh phúc khi được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.
Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc "Mẹ nào mẹ chẳng thương con". Nên khi con cái lầm đường lạc lối, sa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay, dẫn lối chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc với lời nhắn nhủ: "Hãy ăn năn đền tội, hãy năng lần hạt Mân Côi". Làm theo lời dặn dò của Mẹ, Hội Thánh đã thoát nhiều cơn giông tố hiểm nguy xác hồn, phá tan được bao bè rối, mang lại bình an trong tâm hồn.
Lm Antôn Nguyễn văn Độ

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Hành hương



Dẫn nhập


Nhờ toàn cầu hóa và sự tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, các quốc gia và con người ngày nay đã xích lại gần nhau hơn. Những rào cản về khoảng cách địa dư, ngôn ngữ, văn hóa dần được thu hẹp và xóa bỏ. Nhờ đó, con người có thể dễ dàng “xuất hành” tham quan nhiều địa điểm du lịch trong cũng như ngoài nước trong thời gian rất ngắn. Nhờ các tour du lịch mà phạm vi hiểu biết thực tế của con người ngày được mở rộng chứ không chỉ gói gọn trong một khu vực, một quốc gia. Một phân khúc của nghành công nghiệp không khói là loại hình du lịch tâm linh. Bài viết ngắn dưới đây, xin nêu lên một số vấn đề xoay quanh vấn đề du lịch tâm linh của người Kitô hữu.


1- Từ ngữ


Du lịch tâm linh - hành hương (pilgrimage- tiếng Anh, pèlerinage- tiếng Pháp) - là một từ được Việt hóa từ chữ “pelegrin” trong phương ngữ Provençal, có nguồn gốc từ chữ peregrinus trong tiếng Latin có nghĩa là nước ngoài, hải ngoại, được thành lập từ tiền tố per: xuyên qua và ager vùng đất, cánh đồng. Hành hương là hành trình của cá nhân hay cộng đoàn Kitô hữu về một nơi thánh ở cách xa một khoảng cách nào đó hay một nơi đã được thánh hiến. Các cuộc hành hương có căn bản và mục tiêu là yếu tố tâm linh và tôn giáo. Quả vậy, ngày nay với nhiều áp lực trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc, con người tìm đến hành hương như là giải pháp xả stress và thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Hành hương là sự kết hợp giữa tôn giáo và nhu cầu hiểu biết, tham quan, học hỏi thêm về con người và vùng đất nơi mình đến.


2- Mục đích


Ngay từ thời thượng trung cổ, người Kitô hữu có quan niệm những chuyến đi như thế là sự biểu lộ của sự hy vọng về một quê trời đích thực. Theo các sử gia công giáo thì vào Thế kỷ thứ 4 khi Constantinus I ban hành "Sắc lệnh Milanô" năm 313 bãi bỏ các hình phạt bách hại dã man Kitô hữu trên toàn đế quốc và công nhận Kitô giáo là quốc giáo, việc hành hương được “nở rộ”. Người Kitô hữu thường hành hương đến Giêrusalem viếng các nơi thánh và đến Rôma viếng mộ thánh Phêrô và thánh Phaolô (ad limina apostolorum ), mà ngày nay các Giám mục vẫn giữ truyền thống này; đi viếng các hầm mộ và các vương cung thánh đường. Cũng vậy, việc hành hương mộ Thánh Giacôbê ở Compostella (nước Tây Ban Nha) được tổ chức rất thường xuyên giữa thế kỷ IX và XVI và còn mãi đến nay. Các Kitô hữu ở Việt nam cũng tổ chức các cuộc hành hương đến Đức mẹ La Vang, Trà Kiệu, Tà Pao, Bãi Dâu, Hòn Chông, cha Diệp như là phương thế giúp nuôi dưỡng, củng cố và làm phong phú đời sống đạo.






Ban đầu, khách hành hương xem mục đích của những cuộc hành hương nhằm ăn năn đền bù những tội đặc biệt nặng. Vì thế, khi đi hành hương họ thường đi bộ để đền bù tội lỗi vì họ tin rằng nhờ “công nghiệp” của những hy sinh hãm mình ấy họ sẽ lập được đại công trước mặt Chúa, xóa bỏ tội lỗi, trở nên công chính và được hưởng phúc thiên đàng (x.Youcat, số 276); nhưng ngày nay thì quan niệm lệch lạc này dần được “thanh tẩy” khi các Kitô hữu đã ý thức được ý nghĩa đích thực của việc hành hương là giúp cho họ kiếm tìm được sự bình an trong tâm hồn và có thể lấy được sức mạnh từ những nơi thánh. Ngoài ra, những chuyến hành hương ấy giúp họ củng cố lòng đạo đức; tìm được sự nâng đỡ tinh thần hoặc có thể là bước ngoặt giúp thay đổi cuộc sống vì được gặp Chúa, hiện diện trước Ngài, tôn kính thờ lạy và mở tấm lòng ra với Chúa để được biến đổi…






3- Người Việt Nam và hành hương


Cách chung người Việt sống nặng về tình cảm nên có những cảm thức tâm tình rất đặc biệt với các hoạt động tâm linh. Ngay từ khi đạo Chúa được các thừa sai truyền đến nước Việt, nắm được tâm lý thích lễ hội và ca hát của người Việt, nên các thừa sai và những mục tử bản xứ cũng có những cách thích nghi để truyền tải giáo lý, đức tin phù hợp với tâm tính và văn hóa Việt; sáng tác những bài giáo lý, kinh thường đọc theo cung giọng của các bài hát bình dân, truyền thống, những lễ hội. Đây là cách thích nghi và hội nhập văn hóa rất tốt và rất sâu. Đó là những hình thức của lòng đạo đức bình dân, đặc biệt người Việt rất “nhiệt tình” tổ chức các cuộc hành hương về các trung tâm kính Đức Mẹ, các vị thánh, hay cả ở đất thánh tại Israel.






Thật vậy, cuộc sống thường nhật với những bon chen, vội vã khiến con người cảm thấy nặng nề, nhiều người đã đến với hành hương như một phương thế thoát ra những bó buộc ấy, để tìm về với chính mình, nhìn lại bản thân và kết nối với Thiên Chúa và họ đã tìm được sự bình an sâu lắng trong tâm hồn. Tuy nhiên, bên cạnh những điều tốt đẹp lãnh nhận từ những cuộc hành hương ấy, nhiều người Kitô hữu có những ngộ nhận về việc hành hương.






Người Kitô hữu có thể rơi vào những lệch lạc mà không ý thức được như: mê tín, thể hiện niềm tin cách thái quá, có phần lệch lạc như vuốt ảnh tượng Chúa, các thánh và thoa lên chỗ đau cần chữa trị trên cơ thể, nên không lạ gì khi các bức tượng ở các trung tâm hành hương hay bị “tróc nước sơn”; hay phàm tục hóa, thương mại hóa các cuộc hành (đứng ra tổ chức thành các nhóm, để thu lợi mà không nhắm đến ý nghĩa đích thực của hành hương). Hơn thế nữa, nhiều người còn mang tâm lý “trả giá, thử nghiệm”- đi thử xem sao nếu xin được ơn thì đi tiếp, nếu không thì thôi! Hay bị tác động bởi tâm lý đám đông theo kiểu “Tấp tễnh người đi tớ cũng đi (Trần Tế Xương, Đi Thi). Những lệch lạc đó làm mất đi ý nghĩa thánh thiêng và tôn giáo; mang tính hình thức giả tạo chứ không đi vào ý nghĩa đích thực. Thế nên, cần xét lại xem đâu là động lực chính cho cuộc hành hương của chúng ta. Động lực tình yêu hay lợi nhuận? Làm phong phú đời sống thiêng liêng qua những cảm nhận có được từ hành hương hay nhu cầu du lịch đơn thuần? Để điều chỉnh cần phải thanh luyện để có một nếp suy nghĩ mới, nếp sống mới, nhờ đó thực sự gặp gỡ được chính Đức Kitô qua những lần hành hương và không chỉ dừng lại ở đó, nhưng phải để cho tinh thần của cuộc gặp gỡ và cảm nghiệm ấy kéo dài trong cuộc sống thường nhật.






Ngoài ra, không ít Kitô hữu “quên” mất điều quan trọng này: mỗi người Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh cũng đang là những người đang lữ hành tiến về thành Giêrusalem trên trời; một cuộc hành hương tối hậu về vương quốc trường cửu của Thiên Chúa. Quả vậy, không ai được thờ ơ với cuộc hành hương này vì hiện nay chúng ta là khách lữ hành đang trên đường tiến về quê hương đích thực trên trời. Vì vậy, cần phải điều chỉnh và thanh luyện những ngộ nhận này để hướng người Kitô hữu đến việc trưởng thành hơn trong việc hiểu và sống đức tin (x. Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Catechesis Tradendae, số 54)






4- Những điều chỉnh


Theo người viết, trước hết cần xác tín chính Chúa Giêsu cùng đích duy nhất mà con người phải hành hương và vẫn khuyến khích các cuộc hành hương tôn giáo. Thật ra, cũng có nhiều ý kiến muốn “tẩy chay” việc hành hương tôn giáo, tâm linh. Những người ủng hộ chủ trương này lý giải rằng: Ở đâu mà chẳng có Chúa, Chúa ở khắp mọi nơi mà. Quan điểm này chưa hoàn toàn xác đáng và thuyết phục. Những nơi gắn liền với những sự kiện trong Kinh Thánh, hay những cuộc “hiện ra” được nhìn nhận sẽ là những nơi dễ dàng khơi lên trong lòng những khách hành hương những tâm tình tôn giáo và lòng đạo đức cách mãnh liệt. Ông bà ta có câu: trăm nghe không bằng một thấy mà! Nhưng điều quan trọng là cần phải kết hợp việc hành hương tâm linh và hướng đến đi vào chiều sâu linh thánh để có được những cảm thức đức tin tốt hơn và ý thức đúng đắn về cuộc lữ hành tiến về thiên quốc. Đó chính là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho bước chân chúng ta dù cuộc lữ hành tối hậu đầy những gian lao và thách thức phải vượt qua. Tại sao? Xin thưa, nhờ sự kết hợp này sẽ giúp chúng ta có những tâm tình, thái độ đúng đắn hơn vì theo cách nói triết học thì có hình thức sẽ dễ đi vào nội dung hơn. Qua những cuộc hành hương theo kiểu tâm linh người tín hữu sẽ có cơ hội nhận ra rằng không phải những cuộc hành hương ấy là cùng đích, nhưng chỉ là phương tiện giúp chúng ta thờ phượng Chúa cách chân thật, là theo chân Đức Kitô, Đấng“là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).






Kết luận


Qua Bí tích Rửa tội, đời sống Kitô hữu được tháp nhập vào Hội Thánh, Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và được mời gọi bước theo Đức Kitô trên hành trình tiến về Giêrusalem trên trời. Một thái độ đúng đắn về những cuộc hành hương tôn giáo về những trung tâm hành hương sẽ giúp người Kitô hữu sống và diễn tả niềm tin cách phong phú để từ đó biết kết hợp tâm tình, cảm thức từ những chuyến hành hương, hầu có thể đón nhận dồi dào ơn sủng Chúa ban, dám can đảm từ bỏ con người cũ để Chúa biến đổi trở nên nhạy bén nhận ra thánh ý Chúa và thi hành. Hành hương là một cách thế sống những giá trị thiêng thánh ngay ở đời này, để hướng đến những thực tại trời cao. Đó chẳng phải là bàn đạp và điểm tựa vững chắc cho cuộc lữ hành về quê trời vĩnh cửu sao?


-Felicitas-
Hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu. Xin Mẹ thương và ban ơn bình an cho chúng con. Amen

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Linh mục – người của Chúa khi đến với các cộng đoàn, các ngài cũng noi theo gương Thầy Giê-su yêu thương và dấn mình vì đoàn chiên nên “Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?” ( Chế Lan Viên). Đặc biệt, cộng đoàn nơi các ngài dấn thân phục vụ đã và đang triển nở xanh tươi nhờ các ngài dày công vun tưới, thì làm sao cha con có thể không bịn rịn nhớ nhung khi phải chia lìa, vì “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên). Tuy nhiên, vườn hoa Giáo hội của Chúa thật rộng lớn và còn nhiều khóm hoa đang khô héo vì thiếu nước, nên cần người tưới hoa đến gấp để chăm sóc và vun tưới cho vườn hoa mỗi ngày thêm triển nở.
 
Trong vườn hoa muôn sắc màu cũng có những loài hoa rất khó chăm sóc, nên việc vun tưới cho hoa cũng cả là một nghệ thuật! Những cây hoa được tưới nhiều nước quá cũng dễ bị úng nước thối gốc mà chết, trái lại những cây chỉ được tưới ít nước cũng sẽ khô cằn và còi cọc….Như vậy, việc chăm sóc vườn hoa thật khó nên người tưới hoa luôn phải linh hoạt theo từng “khóm hoa” để tưới nước. Vườn hoa Giáo hội thật phong phú: Có những khóm hoa đã và đang triển nở tốt tươi, nhưng cũng còn nhiều khóm hoa khác đang khát từng giọt nước ơn cứu độ tưới xuống, nên người tưới nước luôn phải di chuyển để tưới đủ nước cho vườn hoa bao la này. Như vậy, cuộc đời linh mục quả là những chuyến đi, vì các ngài chẳng khác gì những người vun tưới cho vườn hoa Giáo hội của Chúa mỗi ngày thêm tươi đẹp, nên các ngài luôn cần “di chuyển” để tưới cho những “khóm hoa” đang khô héo xanh tươi trở lại.
 
Linh mục – người đại diện Chúa ở trần gian nắm giữ các phương tiện cứu độ nên các ngài luôn hăng say và chuyên tâm đem ơn cứu độ đến cho tất cả những ai chưa nhận biết Chúa. Các ngài chính là “Những ngọn hải đăng” được Thiên Chúa thắp trên gian trần. Ước mong sao chúng ta có thể thấu hiểu và cảm thông với các ngài qua việc cùng hát lên bài: Đuốc Sáng Tâm Linh để tỏ lòng tri ân các ngài.
-Nhựa Sống-


Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Lời khấn khó nghèo

Đối với những ai đã dâng mình cho Chúa, nhất là trong đời sống tu trì, “khó nghèo” là hai chữ rất quen thuộc. Đã đi tu là phải sống tinh thần khó nghèo, điều này đâu có lạ. Tuy vậy, xã hội ngày càng phát triển và chủ nghĩa thế tục ít nhiều len lỏi vào các cộng đoàn tu trì, thiết nghĩ các lời khuyên Tin Mừng vẫn là những đề tài mang tính thời sự, và phải luôn được đặt ra nhằm giúp người tu sĩ tìm lại căn tính đích thực của đời tu là theo Chúa Kitô trong việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm.

Khó nghèo – Một thách đố của đời tu
Thông thường người ta dễ nói về cái nghèo, nhưng để cảm nghiệm được cái nghèo thực sự như thế nào thì không dễ. Hơn nữa, ý nghĩa của sự khó nghèo cũng thay đổi tùy môi trường văn hóa, dân tộc, và điều kiện xã hội. Như những lời khấn khác, lời khấn khó nghèo là phương tiện cung cấp cho ta sự tự do để làm việc tông đồ. Nó phải hướng tới Chân Lý, tức Tình Yêu.

Xã hội phát triển kéo theo nền kinh tế cũng được nâng cao, chất lượng cuộc sống của mọi người vì thế cũng được nâng lên. Đời sống tu trì ngày nay, trong đà phát triển của xã hội, cũng được cải thiện. Các tu sĩ được Nhà Dòng và các Bề trên cung cấp đầy đủ những phương tiện phục vụ cho các nhu cầu cá nhân, từ việc ăn uống cho đến các sinh hoạt của đời tu.

Tuy vậy, với đà phát triển của xã hội, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa vật chất, sự thèm khát chiếm hữu đã và đang tìm cách len lỏi vào đời sống tu sĩ. Nếu không cẩn thận, các tu sĩ sẽ quên mất lời khấn khó nghèo và dễ cổ xúy cho sự giàu có với khẩu hiệu “phương tiện phục vụ cho sứ vụ”, và vì thế, họ phải mua sắm các thiết bị hiện đại và giá trị vượt mức cần thiết; hay“ăn uống không đủ chất thì không có sức khỏe học hành”, thế nên, ngoài các bữa ăn của Nhà Dòng thì căn phòng riêng trở thành những “siêu thị di động” với đủ loại thực phẩm và đồ ăn khác.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu tâm linh của người dân cũng tăng lên, hệ quả là các tu sĩ sẽ có nhiều việc phải làm: nào là đồng hành, nào là tư vấn, nào là gặp gỡ… Những lần gặp mặt như thế làm nảy sinh nhu cầu như phải ăn mặc thế nào để “y phục xứng kỳ đức”, và theo đó, quần áo ngày càng phải tươm tất, phải hợp thời, phải model, phải mới, phải… Đó là chưa kể đến vô vàn những cám dỗ về đức khó nghèo tự nguyện khác.
Cám dỗ của việc sở hữu nhiều, giàu có nhiều luôn rình rập người tu sĩ. Vì thế, họ phải cố gắng giảm bớt những chi tiêu không cần thiết, biết sống thanh đạm và tự đặt cho mình bổn phận kìm hãm những ước muốn hưởng thụ, lúc đó người tu sĩ mới sống được những giá trị đích thực của đời tu.

Khó nghèo – Giá trị của đời sống tu trì
Như đã nói ở trên, căn tính của đời tu là sống trọn vẹn và triệt để Tin Mừng hay nói cách khác là theo sát Đức Kitô để: “bằng cách tự nguyện sống khó nghèo, chúng ta san sẻ sự khó nghèo của Đức Kitô, Đấng tuy giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta” (x. 2 Cr 8,9).

Theo sát Đức Kitô qua sự khó nghèo, người tu sĩ được tự do, không lệ thuộc vào của cải vật chất để luôn trong tư thế sẵn sàng cho không những gì được lãnh nhận nhưng không. Bởi vì, kho tàng của chúng ta là sự công chính của nước Thiên Chúa với niềm tín thác sống động vào Ngài. Đó là sự giải thoát khỏi tình trạng nô lệ, và hơn nữa khỏi tình trạng lo lắng về của cải trần thế, để phục vụ Thiên Chúa cách mau mắn hơn, nói về Chúa cách quả cảm hơn. (x. SHC 31, 2).

Đang khi Giáo hội lên tiếng về thái độ ngày càng dửng dưng với người nghèo của con người thời đại ngày nay, thì tinh thần nghèo khó của người tu sĩ dễ dàng đến gần với những anh chị em kém may mắn này. Sống nghèo khó giúp mỗi người chúng ta dám đến gần, chia sẻ, giúp đỡ và cảm thông với họ.

Sau cùng, khi sống tinh thần nghèo khó, chúng ta chắc chắn nhận được phần thưởng vĩnh cửu, vì Chúa đã nói: “phúc thay ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Tóm lại, ngày nay có nhiều người thắc mắc tự hỏi: đời tận hiến có ý nghĩa gì? Tại sao lại chọn đời sống đó? Tại sao phải làm những chuyện ngược lại với xu hướng thời đại khi phải tuân giữ lời khuyên Tin Mừng? Những câu hỏi đó ngày càng được đặt ra cách thường xuyên và hơn bao giờ hết trong xã hội chúng ta, một xã hội bị ảnh hưởng của nền văn hoá thực dụng, chỉ muốn đánh giá tầm quan trọng của sự vật và cả con người trong mức độ tức thời.

Xã hội thực dụng là thế; còn các tu sĩ một khi nhất quyết bước theo Chúa sẽ phải phấn đấu không ngừng, chết đi mỗi ngày cho “cái tôi” của mình và làm chứng cho thế giới về một Đức Kitô khó nghèo. Cầu chúc mỗi anh em khi sống lời khấn khó nghèo luôn tìm được niềm vui, sự tự do và bình an trong Chúa và thánh Đaminh.
 T.D. - Học Viện Đa Minh-


Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

12 Hoa Quả Của Chúa Thánh Thần

Lạy Chúa Thánh Thần, Tình yêu hằng hữu của Chúa Cha và Chúa Con, xin đoái thương ban cho con:
Hoa quả Bác ái giúp con kết hợp với Chúa qua tình yêu.
Hoa quả Hoan lạc đổ đầy trên con niềm an ủi chí thánh.
Hoa quả Bình an nẩy sinh trong con một tâm hồn yên tịnh.
Hoa quả Nhẫn nại cho phép con chịu đựng cách khiêm nhường mọi trái ngược với ước muốn của riêng con.
Hoa quả Nhân hậu hướng dẫn con đáp ứng nhu cầu thiếu thốn của tha nhân.
Hoa quả Từ tâm làm cho con có lòng nhân từ đối với mọi người.
Hoa quả Khoan dung chẳng ngăn cản con không lưu tâm đến những người bị bỏ rơi.
Hoa quả Hiền hòa làm lắng dịu những cơn bốc đồng giận dữ trong con; chận đứng những sự cằn nhằn; đè nén những phản ứng quá độ trong mối quan hệ với tha nhân..
Hoa quả Trung tín cho con nên bình tĩnh, thành thật, trung thành giống Chúa.
Hoa quả Khiêm tốn giúp con chỉnh đốn cách cư xử bên ngoài của con.
Hoa quả Tiết độ và
Hoa quả Trong sạch giữ thân xác con xứng đáng là đền thờ của Chúa.
Lạy Chúa, với sự trợ giúp của Chúa, và sau khi có được các hoa quả, xin giữ trái tim con được tinh tuyền nơi trần gian này, để nhờ Chúa Giêsu và theo như Lời Kinh thánh, con đáng được nhìn thấy Thiên Chúa của con muôn đời trong vinh quanh. Amen.



Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Đóng góp tiền bạc cho giáo xứ, cộng đoàn

Hỏi:
Tại một nơi kia, khi kêu gọi giáo dân đóng góp tiền bạc cho giáo xứ, cộng đoàn làm cái này cái nọ, có người  nói "khó nghe" rằng:" người Tin lành đóng góp cho nhà thờ của họ 10% lợi tức trong tuần, còn anh chị em thì…hẹp hòi!"...
Xin hỏi bên đạo Công giáo, có luật nào phải đóng 10 % không mà người ấy nói như vậy?

Đáp:
Cha ông người Việt xưa nói: "Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược cũng không!".
Ngày nay bên VN, người ta còn chế thêm ra: "Tiền là tiên là Phật"…Ai muốn được việc, đừng quên thủ tục đầu tiên, nghĩa là tiền đâu?
Người Công giáo VN cũng có câu dân gian: "Tiền vào, Chúa ra".
 Trước năm 1954, ngoài Bắc hầu như xứ nào cũng có ruộng lúa, xứ giầu có nhiều, xứ nghèo có ít. Ruộng thóc này dùng vào việc điều hành xứ đạo (nuôi cha, thầy, các chú dự tu, sửa sang cơ sở…Sau năm 54, vào Nam, các cha mở trường tạo ngân khoản chi tiêu…xứ nào cũng phải tìm cách gây quĩ.
Giáo hội Âu châu điều hành cách khác. Xứ đạo bên Mỹ trông nhờ vào sự đóng góp của giáo dân. Nhiều khi gây quĩ giáo xứ cũng là vấn đề khó khăn. Linh mục xứ nói đến tiền bạc nhiều quá sẽ "ngượng miệng" khi rao truyền Lời Chúa nơi tòa giảng, mà không nói thì không được việc như ý.
Về việc đóng góp, Giáo luật khoản 222 dạy cách tổng quát rằng:
222,1 Các tín hữu có bổn phận chu cấp cho các nhu cầu của Giáo hội, để Giáo hội có sẵn những gì cần thiết hầu sử dụng vào việc phụng thờ Thiên Chúa, các công tác tông đồ, bác ái và việc trợ cấp xứng đáng cho các thừa tác viên (ý nói linh mục, tu sĩ, giáo dân …phục vụ giáo xứ, Giáo hội).
2, Các tín hữu có bổn phận cổ võ công bằng xã hội cũng như dùng tài sản riêng tư để giúp đỡ những người nghèo, theo lệnh truyền của Thiên Chúa".
Khoản 1261,1 thêm: Các tín hữu được tự do để dâng biếu tài sản cho Giáo hội.
Khoản 1262: Các tín hữu hãy trợ giúp Giáo hội bằng những đóng góp mà họ được yêu cầu…

Về việc đóng góp, Thánh Phaolo trong thư 2 gửi dân Corinhto có nêu tiêu chuẩn:
1- Tùy khả năng: Vậy nay anh em hãy hoàn thành công cuộc (lạc quyên) đó, để như anh em đã hăng hái quyết định thế nào, thì cũng tuỳ khả năng mà hoàn thành như vậy (2Cr 8,11). 
2- Tùy lòng: Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương (2Cr 9,7).
3- Gieo ít gặt ítTôi xin nói điều này, gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều (2 Cr 9,6).

Không thấy Tân Uớc và giáo luật nói tới đóng góp 10% lợi tức, nhưng bài Phúc âm Chúa nhật 30 năm C, người Pharisiêu có cầu nguyện rằng: "Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con"(Lc 18,12). Người Pharisiêu này giữ luật theo sách Nhị luật chương 14, câu 22-29. Luật này chỉ đòi dâng 1/10 hoa lợi về nông nghiệp, nhưng ông ta dâng 1/10 về cả các lợi tức thu nhập khác.
Vậy trong lý thuyết và thực hành, Giáo hội Công giáo để tùy tâm người giáo dân mà thôi, không có vấn đề cưỡng ép ai cả, hoàn toàn tôn trọng tự do, nhưng thánh Phaolo muốn nói: "Gieo nhiều thì gặt nhiều". Chúa ban cho ai nhiều thì cũng nên quảng đại hơn với Chúa, với Giáo hội, dù biết rằng gia đình quí vị còn nhiều khoản chi tiêu…Những ai nghèo khó hơn, cũng tùy lòng mình mà giúp đỡ Giáo hội, giáo xứ, để Chúa có thể khen thưởng cả 2 như Chúa đã khen người đàn bà góa trong Phúc âm Luca 21, 1-4.

Truyện kể rằng có một bà kia rất giầu có sau khi chết bước vào cổng thiên đàng. Bà được thánh Phêrô dẫn đi tìm nhà của bà. Đi hoài không thấy, nhưng bà thấy ngôi nhà đẹp đẽ của người đầy tớ gái của bà chết cách đây ít lâu. Sau cùng bà đã tìm được nhà của bà, đó chỉ là căn lều tồi tàn, bà không thèm bước vào, bà cằn nhằn với thánh Phêrô:
- Ngài không biết tôi là...sao nhà của đứa đầy tớ tôi lại đẹp đẽ thế còn tôi chỉ có túp lều xiêu vẹo này?
- Thánh Phêrô bèn trả lời: Xin lỗi bà, ở đây chúng tôi chỉ dựng nhà cho người ta tùy vật liệu người ta gửi từ dương thế lên, đầy tớ bà gửi nhiều qua sự chịu đau khổ theo Ý Chúa, giúp người nghèo, còn bà chỉ lo giữ tiền của làm giầu và gửi lên có chút ít...bà còn lôi thôi gì!

-NNT lược trích Hỏi để sống đạo Lm. Đoàn Quang-


Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Tiếng Hát

TÌNH YÊU là cốt lõi của sự sống 
Âm Nhạc là đường dẫn vào Tâm Hồn


Vâng theo lời Thánh Âu Tinh: Hát là cầu nguyện hai lần. Mong ước mỗi người luôn dâng tình yêu lên Chúa bằng những tiếng hát của riêng mình trong thánh lễ và cuộc sống hằng ngày. Để mỗi kinh mỗi việc cũng là mỗi lời hát, mang âm điệu du dương như khúc thánh ca yêu thương.
Bạn thân mến, hãy tự hào, vì chúng ta là người công giáo.


Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Cầu nguyện với Mẹ

Lạy Mẹ Maria là Người Mẹ luôn yêu thương chúng con, xin Mẹ giúp chúng con trở nên những chứng nhân của lòng thương xót Chúa trong đời thường của chúng con, xưa kia Mẹ cũng sống như chúng con nhưng Mẹ đã thực hiện Thánh ý Chúa cách trọn vẹn trong đời Mẹ.
Xin Mẹ luôn dẫn đường chỉ lối cho chúng con, đừng để chúng con đi sai đường mất lòng Chúa và nhất là giúp chúng con luôn tâm sự với Mẹ bằng lời kinh Mân Côi mỗi ngày, chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen


Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Con cầu xin

Lạy Chúa,
Con cầu xin ơn mạnh mẽ
Ðể thành đạt trong cuộc đời,
Chúa lại làm cho con ra yếu ớt
Ðể biết vâng lời khiêm hạ.


Con cầu xin có sức khỏe
Ðể mong thực hiện những công trình lớn lao,
Chúa lại cho con chịu tàn tật
Ðể chỉ làm những việc nhỏ tốt lành.


Con cầu xin được giàu sang
Ðể sống sung sướng thoải mái,
Chúa lại cho con nghèo nàn
Ðể học biết thế nào là khôn ngoan.

Con cầu xin được có uy quyền
Ðể mọi người phải kính nể ca ngợi,
Chúa lại cho con sự thấp hèn
Ðể con biết con cần Chúa.

Con xin gì cũng chẳng được theo ý muốn.
Nhưng những điều con đáng phải mơ ước,
Mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin,
Thì Chúa lại đã ban cho con
Thật dư đầy từ lâu.

Lạy Chúa,
Hóa ra, con lại là người hơn hết trên đời nầy,
Bởi con đã nhận được ơn Chúa vô vàn

-adgs Paradoxes Of Prayers-


Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Thánh nữ Monica, bao la tình mẹ


Ngày 27.08 hằng năm, Giáo hội hân hoan mừng lễ nhớ thánh nữ Mônica. Cả cuộc đời của thánh nhân là những chuỗi ngày hết mình phụng sự Chúa và hết lòng hy sinh vì chồng con. Bởi thế, thánh nữ Mônica được Giáo hội chọn làm bổn mạng của các bà mẹ Công giáo. Thánh nữ Mônica, một người phụ nữ bao la tình mẹ. Sự bao la ấy được ẩn sâu nơi những giọt nước mắt đau khổ của thánh nhân. Sự bao la ấy được thể hiện bằng những nghĩa cử vất vả hy sinh vì tương lai cho con mình.
Bạn thân mến, mừng lễ thánh nữ Mônica, cũng là dịp để chúng ta cùng nhau suy nghĩ và cảm nghiệm về tình thương bao la của mẹ. Nhạc sĩ Y Vân đã cảm nhận về lòng mẹ bằng những lời ca sâu lắng: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Tình mẹ chan chứa như đồng lúa chiều rì rào. Lời mẹ êm ái như dòng suối hiền ngọt ngào” (Bài hát Lòng Mẹ). Còn mỗi người chúng ta thì sao? Chúng ta cảm nghiệm về tình mẹ như thế nào và bằng cách nào? Phải chăng đó là những ký ức cảm động và đời thường về tình thương của mẹ đã dành cho chúng ta?
Những giọt nước mắt của mẹ vì yêu con
Trước hết, tình mẹ bao la được thể hiện nơi những giọt nước mắt của mẹ. Người ta thường bảo: những giọt nước mắt của người phụ nữ là vũ khí lợi hại nhất để chinh phục lòng người. Một tác giả đã viết như thế này: “Có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác. Có những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người khác. Giọt nước mắt của người mẹ luôn có tác dụng rất lớn đối với con cái.” Thật vậy, thánh nữ Mônica đã cầu nguyện và đã khóc ròng rã suốt mười tám năm trời: “Giọt nước mắt của thánh nữ Mônica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô, người con trai đầu lòng thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc.” Vâng, đó là những giọt nước mắt xuất phát từ sâu thẳm trái tim của một người mẹ. Giọt nước mắt của tình yêu. Giọt nước mắt như là cách giải tỏa những đau đớn lên đến tột độ trong tâm hồn và trái tim của mẹ.
Vì thế, Marie Antoinette đã cảm nhận thật thấm thía: “Không ai có thể hiểu những đau khổ của tôi, hay nỗi kinh hoàng dâng lên trong lồng ngực, nếu người đó không hiểu trái tim của một người mẹ.” Mẹ tôi cũng đã nhiều lần khóc. Mẹ khóc vì nhớ đến tôi đang đi học xa nhà. Mẹ khóc vì lâu quá tôi không điện thoại về thăm. Mẹ khóc vì sợ tôi té xe. Mẹ khóc mỗi lần tôi sai lầm vấp ngã trên đường đời. Và mẹ đã khóc vì lo lắng cho tương lai của tôi sau này. Có lẽ, mẹ là người dễ khóc và là người khóc nhiều nhất trên trần gian này. Bởi vậy, không phải vô tình mà Bernard Shaw đã cảm thấu: “Vũ trụ có nhiều kì quan, nhưng kì quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ.” Hay Florian cũng đã từng trải nghiệm: “Nơi ẩn náu yên ổn nhất là lòng mẹ.” Phải chăng những giọt nước mắt của mẹ đã trở thành một đại dương bao la vô bờ bến của tình thương trong cuộc đời này?

Những vất vả hy sinh vì con 
Hơn thế nữa, sự bao la của tình mẹ còn được cụ thể bằng những vất vả hy sinh vì tương lại con cái. Vì vậy, Napoleon I đã cảm nghiệm: “Tương lai của con là công trình của mẹ.” Thật vậy, bất kỳ tình yêu nào cũng đòi hỏi hy sinh. Không có hy sinh thì tình yêu trở nên vô nghĩa. Mẹ là người hy sinh cho con cái nhiều nhất. Hy sinh chín tháng mang nặng đẻ đau. Hy sinh nuôi dưỡng, chăm sóc cho con cái khôn lớn nên người. Mẹ hy sinh cả cuộc đời vì mạng sống, vì hạnh phúc và tương lai của con. Thánh nữ Mônica đã là một người mẹ như thế. Hay mới đây ở Hà Nội có một người mẹ lao vào đường ray để cứu đứa con của mình. Người mẹ ấy đã chết. Đứa con hấp hối. Thật cao cả tuyệt vọng và cảm động.
Bạn thân mến, tình mẹ thật bao la. Thật không bút mực nào diễn tả hết được. Vì thế, Balzac cảm nhận: “Chỉ trong sự nuôi dưỡng, người phụ nữ mới nhận ra bổn phận làm mẹ của mình một cách rõ ràng và hiện hữu; nó là niềm vui trong mọi khoảnh khắc.” Chị tôi đã chia sẻ kinh nghiệm làm mẹ của mình thế này: “Có làm mẹ mới biết thương con như thế nào. Làm mẹ đâu thể nào bỏ con của mình được. Dù có vất vả cỡ nào cũng phải sống chết vì con.”
Cuối cùng, Lamartine đã cảm nghiệm như sau: “Hạnh phúc thay cho người nào được Thượng Đế ban tặng cho một người mẹ hiền.” Vậy, bạn và tôi đã đáp lại tình thương của mẹ như thế nào? Xin mượn lời của một bạn trẻ cảm nhận về mẹ để khép lại bài viết này: “Đêm nay con ngủ giấc tròn. Mẹ là ngọn gió của con suốt đời. Mẹ ơi, mẹ hy sinh cho con nhiều đến thế mà chưa bao giờ mẹ đòi con trả công. Mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất, cao cả nhất, vĩ đại nhất. Đi suốt đời này có ai bằng mẹ đâu. Có ai sẵn sàng che chở cho con bất cứ lúc nào. Ôi mẹ yêu của con! Giá như con đủ can đảm để nói lên ba tiếng ‘Con yêu mẹ!’ thôi cũng được.”


-Viễn Dương- Tâm Thương-

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Gia Đình

Hạnh phúc không chỉ thiên đình
Ở ngay bên cạnh người mình đang yêu
- Mầu nhiệm gia đình, trước tiên, phải xác tín gia đình là một mầu nhiệm trong nhiệm cuộc sáng tạo và cứu rỗi nhân loại.
- Đức tin của chúng ta, Đức tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng, đã chọn lựa và chỉ định cho chúng ta người bạn đời, để  sống với nhau mà thực hiện thánh ý Chúa.
- Đức trông cậy của chúng ta, đức trông cậy duy nhất nơi sức mạnh của Thiên Chúa mới giúp chúng ta sống công chính thánh thiện và bình an hạnh phúc.
- Đức mến của chúng ta, đức mến phải được mặc lấy lòng khoan dung từ bi nhân hậu của Thiên Chúa mà chu toàn bổn phận Chúa giao phó trong sứ mệnh sáng tạo và cứu rỗi ngay trong chính gia đình mình. 
Nguyện cầu Thánh gia luôn phù trì để bao gia đình được sống an vui.
Nguyện cầu Thánh gia nghe lời cầu xin chở che noi bước trần ai.
-adgs-


Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Vu lan

“Làm con phải hiếu”. Có lẽ đây là điểm quan trọng nhất của bổn phận người làm con. Vì khi một người con có hiếu - tức là chu toàn đạo hiếu đối với cha mẹ - thì không còn điều gì phải phàn nàn về người con đó cả. Chính do lòng hiếu thảo mà người con biết vâng lời, trọng kính, và biết ơn cha mẹ. Mà vâng lời, trọng kính và biết ơn là tất cả những gì cha mẹ mong mỏi nơi con cái. Thật vậy, cha mẹ có thể mong mỏi con cái giàu sang, quyền quý và thành đạt. Nhưng trên hết vẫn là mong con cái biết suy nghĩ, biết sống một cuộc đời hiếu thảo.
Có lẽ không có nơi nào trong các điều luật về tôn giáo, hoặc ngay cả dân sự dạy cha mẹ phải hiếu thảo với con mình. Ngay cả đến tình thương yêu và săn sóc cho con cũng là bản năng và phát xuất ngay trong thiên chức làm cha hoặc làm mẹ. Qua thiên chức này, nảy sinh bản năng tự biết bảo vệ và lo lắng cho con. Điều này chúng ta có thể thấy xuất hiện ngay cả trong thế giới loài vật. Nhưng về phần con cái thì ngược lại, Thượng Đế đã phải ra lệnh, đã phải truyền đạt ý định của Ngài, và buộc con cái phải “hiếu thảo” cha mẹ.
Phật giáo khi đề cập tới hiếu thảo đã coi đây là đạo. Một một bổn phận thiêng liêng của người con. Trong tinh thần ấy, Phật giáo coi cha mẹ là “phật sống” tại nhà: “Nơi đâu không có Phật, thì cha mẹ chính là Phật”. Điều này có nghĩa là cha mẹ là hiện thân của Thượng Đế mà con cái phải hết lòng yêu kính, vâng lời, và thảo hiếu. Truyện nhà Phật có kể về Đức Mục Kiền Liên đã xin xuống chin tầng địa ngục để tìm và giải thoát mẹ. Ngài Mục Kiền Liên do đó đã trở thành một mẫu gương sống đạo cho mọi Phật Tử. Gương hiếu thảo của ngài luôn được nhắc nhở, đặc biệt là vào những dịp Vu Lan, mùa báo hiếu của Phật tử.
Thiên Chúa giáo, trong 10 Giới Răn Thượng Đế ban cho nhân loại, Ngài đã dành riêng một giới răn cho cha mẹ: “Hãy thảo kính cha mẹ ngươi”. Giới răn này, được xếp ngay sau 3 giới răn dành riêng cho Thượng Đế. Điều này cũng có nghĩa rằng, ngay sau Thượng Đế, cha mẹ là người quan trọng nhất, cần thiết nhất, và gần gũi nhất với người con. Và điều này cũng có nghĩa là, sau những bổn phận cần thiết con người đối với Thượng Đế, thì điều con người phải lo lắng và phải chu toàn là bổn phận và nghĩa vụ đối với đấng sinh thành. Không hiếu thảo với cha mẹ, người con cũng vẫn có thể bị trầm luân như không tuân giữ các huấn lệnh khác của Ngài vậy.
Đòi hỏi của Thượng Đế có quá đáng đối với người con không? Thật ra, đòi hỏi của Ngài không có gì là quá đáng. Một người con dù có làm gì cho cha mẹ đi nữa, cũng không trả nổi công ơn trời bể mà cha mẹ đã làm cho mình. Ai đã có dịp nghiên cứu về tâm sinh lý, hoặc tâm lý phát triển và giáo dục đều nhận thấy rõ điều này, một người con khi hoài thai trong lòng mẹ cho đến khi chào đời, và được nuôi dưỡng, giáo dục thành một người trưởng thành về cả tâm lý và thể lý, thì công ơn đó tiền bạc, hay bất cứ điều gì có tính cách vật chất và giá trị vật chất đều không thể so sánh và trả giá nổi.
Ca dao Việt Nam đã diễn tả rất hay và rất ý nghĩa về lòng yêu thương và sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái như sau: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Đứng trước công ơn trời biển ấy, thì lời khuyên dành cho con cái là phải sống sao “cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Chữ hiếu do đó, gắn liền với đạo làm con - Đạo hiếu. Một con đường dẫn tới hành vi hiếu thảo, và hoàn chỉnh đời sống nơi con cái. Nó không những chỉ đòi hỏi một ngày, một tháng, một năm, mà bao lâu người con còn sống, thì họ phải sống và thực hành hiếu thảo. Bất cứ ai đã làm con đều phải chu toàn đạo sống này. Không ai có quyền châm chước hoặc coi thường, vì một người con không thể nào sống trọn đạo, nếu họ không thảo hiếu đối với cha mẹ. Một người dù ăn chay trường, đi chùa, đi lễ và rất hăng say trong các công tác cộng đồng, đoàn thể, nhưng nếu họ lơ là với cha mẹ, không hiếu kính cha mẹ, chúng ta có quyền nghi ngờ về sự chay tịnh và những hành động xã hội của họ. Vì một người đã sinh thành ra họ, hy sinh cuộc sống mình cho họ, mà họ không yêu kính, không hiếu thảo, thử hỏi họ làm sao đối đãi công bình, trọng kính và yêu thương được những người khác.
“Cho tròn chữ hiếu”, hình ảnh của sự tròn trịa là không góc cạnh, không vết nứt, không sứt mẻ. Do đó, khi đề cập đến sự tròn đầy của lòng thảo hiếu là nói đến một chữ hiếu không vụ lợi, không hình thức, hoặc không gượng ép. Người con phải hiếu thảo và yêu thương cha mẹ như chính sự đầy đặn và thương yêu vô điều kiện của cha mẹ dành cho mình. Bởi thế, hành động hiếu thảo cũng không phải là cho mẹ, cho cha vài trăm, vài ngàn, hay vài chục ngàn. Hoặc cho cha mẹ bữa ăn, hay mua sắm vật này, vật khác. Của cải hay vật chất đối với nhiều người trẻ là quan trọng, nhưng đối với những người đã già, đã hiểu rõ thế nào là giá trị đồng tiền, và đã có thời nắm giữ tiền, hoặc đã trải qua nhiều thay đổi của cuộc sống, thì tiền bạc và những thứ lệ thuộc bên ngoài cuộc sống không có nghĩa gì đối với những người này cả. Cái mà những người lớn tuổi tìm kiếm là niềm vui vì nhìn thấy con cháu hạnh phúc và thăng tiến, thương yêu nhau. Do đó, đạo hiếu đòi hỏi người con không những giúp đỡ cha mẹ khi túng thiếu, mà còn làm sao cho cha mẹ được vui, nhất là khi cha mẹ đã bước vào tuổi già.
Tâm lý của những người già thường luôn hướng về quá khứ, rất dễ mủi lòng, và rất giàu tình cảm. Người già không có gì để nhìn về phía trước nữa, có chăng là ngôi mộ đang chờ đón họ. Do đó, người già ít bon chen, ít hồ hởi, và dường như không tha thiết với những lợi danh mà họ cho là phù phiếm. Khuynh hướng và tâm lý nhìn lại quá khứ như một yên ủi, và niềm hãnh diện để người già can đảm đi nốt quãng đường còn lại.
Vì có quá nhiều kinh nghiệm và từng trải qua nhiều gian nan, thách đố, nên tuổi già rất bén nhạy với những tiếp xúc bên ngoài, và do đó cũng rất nhạy cảm và giàu cảm xúc. Về mặt tình cảm, người Việt Nam có câu nói rất hay về tâm lý người cao niên: “Một già một trẻ bằng nhau”. Do tâm lý tế nhị và bén nhậy ấy mà người con hiếu thảo phải làm thế nào để cho cha mẹ không phải mủi lòng, không buồn phiền về cách đối xử và hành động của mình. Một nhận xét thực tế mà hầu như rất nhiều người quên sót, đó là, khi còn thơ trẻ, người con được cha mẹ lo lắng, săn sóc rất cẩn thận. Tuổi thơ với những bước đầu đời chập chững, cha mẹ đi theo sau hoặc đứng phía trước hồi hộp, nhẫn nại chờ đợi để hướng dẫn, nâng đỡ những bước chân run rẩy của con. Nhưng khi về già thì con cái lại đi sau hoặc trước nóng nẩy, khó chịu, cằn nhằn, và hối thúc những bước chân rủi rẩy của cha mẹ.
Đối với tuổi trẻ, hành động sống đạo hiếu là vâng lời cha mẹ. Một trong những điều khiến cha mẹ buồn phiền nhất, khổ tâm nhất là thái độ từ chối không vâng lời của con cái. Nhưng hành động này lại là một lỗi lầm trầm trọng nhất của tuổi trẻ. Rất nhiều người trẻ khi nhận ra lỗi lầm của mình, thì cha mẹ đã trở thành người thiên cổ. Lúc đó có khóc lóc, có ăn năn, hoặc có thống hối thì đã muộn. Thống kê cho hay, hằng năm riêng tại Hoa Kỳ có tới hơn 1 triệu trẻ vị thành niên bỏ nhà đi hoang, mong vượt thoát vòng tay của cha me, không muốn học và thực hành bài học vâng lời. Câu hỏi là những thành phần trẻ này đi đâu?
Cũng trong một khảo cứu khác cho hay, các em bỏ nhà ra đi đều mang một tâm trạng chung là hối hận và thèm khát mái ấm gia đình. Nhưng một khi đã ra đi, thì việc trở lại gặp rất nhiều khó khăn. Biết bao em gái vị thành niên đã bị dụ dỗ và bán vào các ổ mãi dâm. Biết bao em trai vị thành niên đã bị đẩy vào con đường tội phạm liên quan đến nghiện hút, trộm cướp, băng đảng cũng chỉ vì không vâng lời cha mẹ. Người ta không biết đã có bao nhiêu sông hồ để chứa những giọt nước mắt của cha mẹ, nhất là người mẹ trước cuộc sống của những người con này. Đây cũng là lời khuyên và cũng là lời cảnh tỉnh chung cho các em tuổi vị thành niên đang muốn làm người tự do, đang nuôi ước mơ tìm khung trời thần tiên bằng con đường thoát ly gia đình, bằng việc từ chối không vâng lời cha mẹ. Tóm lại, đối với tuổi trẻ, lối sống hiếu thảo nhất là vâng lời, và chuyên chăm vào việc học hành lo cho tương lai. Đây là hình thức hiếu thảo mà tất cả mọi cha mẹ đều mong mỏi nơi con cái.
Đạo hiếu, một bổn phận hay trách nhiệm vừa tinh thần và vừa thực tiễn của người con. Một người con ngoan, một người con tốt không thể thiếu sót bổn phận này đối với cha mẹ. Dù họ ở vào lứa tuổi nào, còn bé, vị thành niên, hay đã trưởng thành, điều quan trọng hơn hết vẫn là sự hiếu thảo. Hiếu thảo sẽ chỉ cho người con biết phải làm thế nào để vui lòng cha mẹ. Tròn đầy chữ hiếu tức là chu toàn bổn phận quan trọng nhất của người làm con: “Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. “Làm con phải hiếu”. Có lẽ đây là điểm quan trọng nhất của bổn phận người làm con. Vì khi một người con có hiếu - tức là chu toàn đạo hiếu đối với cha mẹ - thì không còn điều gì phải phàn nàn về người con đó cả. Chính do lòng hiếu thảo mà người con biết vâng lời, trọng kính, và biết ơn cha mẹ. Mà vâng lời, trọng kính và biết ơn là tất cả những gì cha mẹ mong mỏi nơi con cái. Thật vậy, cha mẹ có thể mong mỏi con cái giàu sang, quyền quý và thành đạt. Nhưng trên hết vẫn là mong con cái biết suy nghĩ, biết sống một cuộc đời hiếu thảo.
Có lẽ không có nơi nào trong các điều luật về tôn giáo, hoặc ngay cả dân sự dạy cha mẹ phải hiếu thảo với con mình. Ngay cả đến tình thương yêu và săn sóc cho con cũng là bản năng và phát xuất ngay trong thiên chức làm cha hoặc làm mẹ. Qua thiên chức này, nảy sinh bản năng tự biết bảo vệ và lo lắng cho con. Điều này chúng ta có thể thấy xuất hiện ngay cả trong thế giới loài vật. Nhưng về phần con cái thì ngược lại, Thượng Đế đã phải ra lệnh, đã phải truyền đạt ý định của Ngài, và buộc con cái phải “hiếu thảo” cha mẹ.

Phật giáo khi đề cập tới hiếu thảo đã coi đây là đạo. Một một bổn phận thiêng liêng của người con. Trong tinh thần ấy, Phật giáo coi cha mẹ là “phật sống” tại nhà: “Nơi đâu không có Phật, thì cha mẹ chính là Phật”. Điều này có nghĩa là cha mẹ là hiện thân của Thượng Đế mà con cái phải hết lòng yêu kính, vâng lời, và thảo hiếu. Truyện nhà Phật có kể về Đức Mục Kiền Liên đã xin xuống chin tầng địa ngục để tìm và giải thoát mẹ. Ngài Mục Kiền Liên do đó đã trở thành một mẫu gương sống đạo cho mọi Phật Tử. Gương hiếu thảo của ngài luôn được nhắc nhở, đặc biệt là vào những dịp Vu Lan, mùa báo hiếu của Phật tử.
Thiên Chúa giáo, trong 10 Giới Răn Thượng Đế ban cho nhân loại, Ngài đã dành riêng một giới răn cho cha mẹ: “Hãy thảo kính cha mẹ ngươi”. Giới răn này, được xếp ngay sau 3 giới răn dành riêng cho Thượng Đế. Điều này cũng có nghĩa rằng, ngay sau Thượng Đế, cha mẹ là người quan trọng nhất, cần thiết nhất, và gần gũi nhất với người con. Và điều này cũng có nghĩa là, sau những bổn phận cần thiết con người đối với Thượng Đế, thì điều con người phải lo lắng và phải chu toàn là bổn phận và nghĩa vụ đối với đấng sinh thành. Không hiếu thảo với cha mẹ, người con cũng vẫn có thể bị trầm luân như không tuân giữ các huấn lệnh khác của Ngài vậy.
Đòi hỏi của Thượng Đế có quá đáng đối với người con không? Thật ra, đòi hỏi của Ngài không có gì là quá đáng. Một người con dù có làm gì cho cha mẹ đi nữa, cũng không trả nổi công ơn trời bể mà cha mẹ đã làm cho mình. Ai đã có dịp nghiên cứu về tâm sinh lý, hoặc tâm lý phát triển và giáo dục đều nhận thấy rõ điều này, một người con khi hoài thai trong lòng mẹ cho đến khi chào đời, và được nuôi dưỡng, giáo dục thành một người trưởng thành về cả tâm lý và thể lý, thì công ơn đó tiền bạc, hay bất cứ điều gì có tính cách vật chất và giá trị vật chất đều không thể so sánh và trả giá nổi.
Ca dao Việt Nam đã diễn tả rất hay và rất ý nghĩa về lòng yêu thương và sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái như sau: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Đứng trước công ơn trời biển ấy, thì lời khuyên dành cho con cái là phải sống sao “cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Chữ hiếu do đó, gắn liền với đạo làm con - Đạo hiếu. Một con đường dẫn tới hành vi hiếu thảo, và hoàn chỉnh đời sống nơi con cái. Nó không những chỉ đòi hỏi một ngày, một tháng, một năm, mà bao lâu người con còn sống, thì họ phải sống và thực hành hiếu thảo. Bất cứ ai đã làm con đều phải chu toàn đạo sống này. Không ai có quyền châm chước hoặc coi thường, vì một người con không thể nào sống trọn đạo, nếu họ không thảo hiếu đối với cha mẹ. Một người dù ăn chay trường, đi chùa, đi lễ và rất hăng say trong các công tác cộng đồng, đoàn thể, nhưng nếu họ lơ là với cha mẹ, không hiếu kính cha mẹ, chúng ta có quyền nghi ngờ về sự chay tịnh và những hành động xã hội của họ. Vì một người đã sinh thành ra họ, hy sinh cuộc sống mình cho họ, mà họ không yêu kính, không hiếu thảo, thử hỏi họ làm sao đối đãi công bình, trọng kính và yêu thương được những người khác.
“Cho tròn chữ hiếu”, hình ảnh của sự tròn trịa là không góc cạnh, không vết nứt, không sứt mẻ. Do đó, khi đề cập đến sự tròn đầy của lòng thảo hiếu là nói đến một chữ hiếu không vụ lợi, không hình thức, hoặc không gượng ép. Người con phải hiếu thảo và yêu thương cha mẹ như chính sự đầy đặn và thương yêu vô điều kiện của cha mẹ dành cho mình. Bởi thế, hành động hiếu thảo cũng không phải là cho mẹ, cho cha vài trăm, vài ngàn, hay vài chục ngàn. Hoặc cho cha mẹ bữa ăn, hay mua sắm vật này, vật khác. Của cải hay vật chất đối với nhiều người trẻ là quan trọng, nhưng đối với những người đã già, đã hiểu rõ thế nào là giá trị đồng tiền, và đã có thời nắm giữ tiền, hoặc đã trải qua nhiều thay đổi của cuộc sống, thì tiền bạc và những thứ lệ thuộc bên ngoài cuộc sống không có nghĩa gì đối với những người này cả. Cái mà những người lớn tuổi tìm kiếm là niềm vui vì nhìn thấy con cháu hạnh phúc và thăng tiến, thương yêu nhau. Do đó, đạo hiếu đòi hỏi người con không những giúp đỡ cha mẹ khi túng thiếu, mà còn làm sao cho cha mẹ được vui, nhất là khi cha mẹ đã bước vào tuổi già.
Tâm lý của những người già thường luôn hướng về quá khứ, rất dễ mủi lòng, và rất giàu tình cảm. Người già không có gì để nhìn về phía trước nữa, có chăng là ngôi mộ đang chờ đón họ. Do đó, người già ít bon chen, ít hồ hởi, và dường như không tha thiết với những lợi danh mà họ cho là phù phiếm. Khuynh hướng và tâm lý nhìn lại quá khứ như một yên ủi, và niềm hãnh diện để người già can đảm đi nốt quãng đường còn lại.
Vì có quá nhiều kinh nghiệm và từng trải qua nhiều gian nan, thách đố, nên tuổi già rất bén nhạy với những tiếp xúc bên ngoài, và do đó cũng rất nhạy cảm và giàu cảm xúc. Về mặt tình cảm, người Việt Nam có câu nói rất hay về tâm lý người cao niên: “Một già một trẻ bằng nhau”. Do tâm lý tế nhị và bén nhậy ấy mà người con hiếu thảo phải làm thế nào để cho cha mẹ không phải mủi lòng, không buồn phiền về cách đối xử và hành động của mình. Một nhận xét thực tế mà hầu như rất nhiều người quên sót, đó là, khi còn thơ trẻ, người con được cha mẹ lo lắng, săn sóc rất cẩn thận. Tuổi thơ với những bước đầu đời chập chững, cha mẹ đi theo sau hoặc đứng phía trước hồi hộp, nhẫn nại chờ đợi để hướng dẫn, nâng đỡ những bước chân run rẩy của con. Nhưng khi về già thì con cái lại đi sau hoặc trước nóng nẩy, khó chịu, cằn nhằn, và hối thúc những bước chân rủi rẩy của cha mẹ.
Đối với tuổi trẻ, hành động sống đạo hiếu là vâng lời cha mẹ. Một trong những điều khiến cha mẹ buồn phiền nhất, khổ tâm nhất là thái độ từ chối không vâng lời của con cái. Nhưng hành động này lại là một lỗi lầm trầm trọng nhất của tuổi trẻ. Rất nhiều người trẻ khi nhận ra lỗi lầm của mình, thì cha mẹ đã trở thành người thiên cổ. Lúc đó có khóc lóc, có ăn năn, hoặc có thống hối thì đã muộn. Thống kê cho hay, hằng năm riêng tại Hoa Kỳ có tới hơn 1 triệu trẻ vị thành niên bỏ nhà đi hoang, mong vượt thoát vòng tay của cha me, không muốn học và thực hành bài học vâng lời. Câu hỏi là những thành phần trẻ này đi đâu?
Cũng trong một khảo cứu khác cho hay, các em bỏ nhà ra đi đều mang một tâm trạng chung là hối hận và thèm khát mái ấm gia đình. Nhưng một khi đã ra đi, thì việc trở lại gặp rất nhiều khó khăn. Biết bao em gái vị thành niên đã bị dụ dỗ và bán vào các ổ mãi dâm. Biết bao em trai vị thành niên đã bị đẩy vào con đường tội phạm liên quan đến nghiện hút, trộm cướp, băng đảng cũng chỉ vì không vâng lời cha mẹ. Người ta không biết đã có bao nhiêu sông hồ để chứa những giọt nước mắt của cha mẹ, nhất là người mẹ trước cuộc sống của những người con này. Đây cũng là lời khuyên và cũng là lời cảnh tỉnh chung cho các em tuổi vị thành niên đang muốn làm người tự do, đang nuôi ước mơ tìm khung trời thần tiên bằng con đường thoát ly gia đình, bằng việc từ chối không vâng lời cha mẹ. Tóm lại, đối với tuổi trẻ, lối sống hiếu thảo nhất là vâng lời, và chuyên chăm vào việc học hành lo cho tương lai. Đây là hình thức hiếu thảo mà tất cả mọi cha mẹ đều mong mỏi nơi con cái.
Đạo hiếu, một bổn phận hay trách nhiệm vừa tinh thần và vừa thực tiễn của người con. Một người con ngoan, một người con tốt không thể thiếu sót bổn phận này đối với cha mẹ. Dù họ ở vào lứa tuổi nào, còn bé, vị thành niên, hay đã trưởng thành, điều quan trọng hơn hết vẫn là sự hiếu thảo. Hiếu thảo sẽ chỉ cho người con biết phải làm thế nào để vui lòng cha mẹ. Tròn đầy chữ hiếu tức là chu toàn bổn phận quan trọng nhất của người làm con: “Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. 
- Lan Phong-