Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Đoàn Việt Nam tham dự Đại Hội Giới trẻ Thế giới lần 31 tại Krakow Ba Lan 2016

Còn nhớ, cuối thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28, tại thành phố Rio de Janeiro, Brasil năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo thời điểm và nơi cử hành Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới: “Các bạn trẻ thân mến, chúng ta có một cuộc hẹn trong Ngày Quốc tế giới trẻ lần tới, vào năm 2016, tại Cracovia, Ba Lan. Nhờ sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, chúng ta hãy cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Linh trên con đường dẫn chúng ta đến giai đoạn mới này của việc vui mừng cử hành niềm tin và tình yêu nơi Chúa Kitô”.
Phái đoàn các bạn trẻ Ba Lan hiện diện, nhiều người trong y phục truyền thống, đã nhẩy mừng và reo hờ, tung cờ, chào đón tin vui này.


Sau 3 năm chuẩn bị, nay Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31, được tổ chức tại thành phố Krakow, Balan, từ ngày 25 đến 31 tháng 7 năm 2016. Đức Thánh Cha Phanxicô đến gặp gỡ các bạn trẻ trong dịp đặc biệt này.

Đại hội lần này diễn ra trong Năm Thánh Lòng thương xót 2016, cho nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn câu phúc âm “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7) làm chủ đề. Đây cũng là dịp kỷ niệm 1050 năm nước Balan đón nhận Tin Mừng. Theo thống kê của Ban Tổ Chức, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm nay, sẽ có 47 vị Hồng Y, 800 vị giám mục và 20.000 linh mục và hơn 2 triệu bạn trẻ từ khắp thế giới tham dự Đại Hội Giới Trẻ. Thành phố Krakow được chọn làm địa điểm chính cho Đại hội, nơi đây là quê hương của Thánh Nữ Maria Faustina, sứ gỉa của lòng Chúa thương xót, và là quê hương của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II, chính ngài đã phong Thánh cho Maria Faustina và ngài đã thành lập lễ kính lòng Chúa thương xót vào ngày Chúa Nhật sau lễ Chúa Giêsu phục sinh trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Phái đoàn Việt Nam gồm Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên – Chủ tịch Uỷ ban mục vụ giới trẻ thuộc HĐGMVN, 18 linh mục (trong đó có cha Phêrô Quý thuộc giáo phận Bùi chu đã 78 tuổi mà vẫn trẻ trung yêu đời) và 32 bạn trẻ. Đức Cha Giuse đi qua đây trước mấy ngày, có 9 bạn trẻ Sài gòn đi trước mười ngày nay để làm tình nguyện viên.

Đoàn chúng tôi có 22 người, gồm 13 linh mục và 9 bạn trẻ đi theo tour do Công ty Carnival Group Sài gòn tổ chức. Chúng tôi đi từ Sài gòn, tối thứ hai lúc 9 giờ ngày 25/7. Sau 7 giờ bay đến Dubai, tiếp tục 7 giờ bay nữa mới đến sân bay Warsaw.

Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được cử hành long trọng lúc 17 giờ ngày 26.7, do Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám mục Krakow chủ sự tại công viên Blonia. Thật đáng tiếc, do không kịp giờ tham dự cho nên chúng tôi đi đến Czestochow, thánh địa của người Công Giáo Ba Lan, dâng thánh lễ tại Đền Thánh Đức Mẹ Czestochowa (Đức Mẹ Đen). Đây là Đền Thánh quốc gia Ba Lan, là một trong những trung tâm hành hương kính Đức Mẹ trên toàn thế giới.

Tại Đền Thánh này đặc biệt có bức linh ảnh là Đức Bà Czestochowa, thường gọi là Đức Bà Đen vì có màu da ngăm đen. Bức ảnh bằng gỗ cao 1,2m vẽ Đức Trinh Nữ mặc bộ áo thêu nhiều nhánh hoa huệ đang chỉ tay qua Chúa Giêsu là nguồn mọi ân sủng.
Thật lạ, nhìn bức linh ảnh Czestochowa ai cũng thấy trên má của Đức Mẹ có hai vết chém.

Truyền thuyết kể lại rằng bức linh ảnh do Thánh Sử Luca vẽ, ngài sử dụng một chiếc bàn thợ mộc mà Chúa Giêsu đã dùng. Khi vẽ, Thánh Luca cũng lắng nghe những câu chuyện cuả Mẹ Maria kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu, do đó mà trong Tin Mừng thứ ba có viết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu.

Huyền thoại cùng cho rằng chính Thánh Nữ Helena đã đến Jerusalem vào năm 326 để tìm Thánh Giá thật, Bà đã tìm thấy bức ảnh này. Bà đã đem tặng cho con trai là hoàng đế Constantine, và vị hoàng đế đã xây dựng một ngôi đền ở thành đô Constantinople để tôn kính.

Khi thành Constantinople bị quân Hồi Giáo Saracens vây hãm, người ta đã rước bức linh ảnh lên tường thành và quân Saracen đã bị đánh bại. Khi vua Charlemagne thống nhất Châu Âu và được tấn phong Hoàng Đế cuả 'Đế Quốc Thánh Roma', ông đã tặng bức linh ảnh cho vua Leo của Ruthenia (phía tây bắc Hungary, là vùng đất cuả giống người Slav, bao gồm Lithuania và Balan ).

Vào thế kỷ 11 Ruthenia bị xâm lăng bởi một vương quốc lớn mạnh hơn nhiều, nhà vua đã cầu nguyện với Đức Mẹ để che chở cho mình, và sự việc xẩy ra là trời đất đã đen khịt lại, bóng tối che phủ toàn thể quân địch, và họ đã tấn công tiêu diệt lẫn nhau.

Vào thế kỷ 14 thì bức linh ảnh được đưa tới Jasna Gora ở Ba Lan, từ đó chúng ta bắt đầu có những ghi chép cẩn thận vể những biến cố xảy ra sau này.

Năm 1382 quân Tartar vây hãm pháo đài Belz đang lưu giữ bức linh ảnh, một mũi tên đã ghim vào cổ của hình Đức Mẹ. Ông hoàng trấn thủ pháo đài lo sợ bức ảnh có thể rơi vào tay địch quân nên đã chạy trốn trong đêm và mang bức linh ảnh tới thị trấn Czestochowa.

Bức linh ảnh được đặt trong một nhà thờ nhỏ, và sau đó một tu viện được xây lên để đảm bảo sự an toàn cho bức linh ảnh.

Tuy nhiên vào năm 1430, loạn quân Hussites đã tràn ngập tu viện cướp được linh ảnh. Một tên cướp đã đặt bức linh ảnh vào một chiếc xe ngựa để đem đi. Nhưng những con ngựa không chịu bước. Tức giận, nó đã rút gươm và chém vào bức tranh hai lần, khi nó vung gươm lên lần thứ ba, thì đột nhiên ngã xuống, quằn quại trong đau đớn, và chết.

Những nỗ lực để sửa chữa những vết sẹo từ mũi tên và thanh kiếm đã gặp rắc rối và người ta đã phủ lên bức linh ảnh một lớp sơn pha với lòng trứng và sáp. Cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn thấy dấu tích cuả các vết thương.

Vào năm 1655, Ba Lan đã thua trận và gần như hoàn toàn bị tàn phá bởi Vua Charles X của Thụy Điển, chỉ còn vùng chung quanh tu viện cuả bức linh ảnh là chưa bị chiếm. Một cách kỳ diệu, với chỉ có 70 thầy tu và 180 dân quân tình nguyện từ các làng xã lân cận mà họ chống trả được một lực lượng tinh nhuệ cuả Thuỵ Điển đông đến 4.000 trong suốt 40 ngày đêm, sau cùng quân Thuỵ Điển đã nản chí phải lui binh. Từ đó nước Ba Lan đã lật ngược thế cờ và đánh đuổi được quân xâm lược.

Sau sự kiện kỳ diệu đó, vua John II Casimir Vasa đã đăng quang bức linh ảnh Đức Bà Czestochowa là Nữ Hoàng Ba Lan, đặt quốc gia dưới sự bảo vệ cuả Mẹ.

Trong thời cận đại, đã vẫn có những câu chuyện lạ được truyền tụng liên quan đến bức linh ảnh, như trong cuộc xâm lược của Nga vào Ba Lan năm 1920, khi quân Nga tiến đến bờ sông Vistula và đe dọa thành phố Warsaw, thì họ nhìn thấy hình ảnh của Đức Mẹ xuất hiện trong đám mây trên thành phố, và họ đã rút.

Czestochowa là địa điểm hành hương quan trọng nhất cuả người Ba Lan. Từ năm 1711 cho đến nay vẫn có nhiều người tham gia một cuộc hành hương đi bộ, họ khời hành từ Warsaw vào ngày 6 tháng 8 và đi qua một đoạn đường dài 230 km (140 dặm) đến nơi đây. Ngay trong những lúc khó khăn nhất vẫn có người thm gia cuộc hành hương này, nhiều cụ già vẫn còn nhớ lại những đêm tối mò mẫm, bất chấp hiểm nguy, đi lén lút theo những con đường mòn trong thời Ba Lan bị Đức Quốc Xã xâm chiếm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng từng đi lén lút như vậy trong thời Ngài còn là một sinh viên.

Sau thánh lễ, chúng tôi cầu nguyện sốt mến trước linh ảnh Đức Mẹ, tham quan thánh đường rồi về nghĩ ngơi lấy sức cho ngày mai.

Sáng nay ngày 27 tháng7, chúng tôi đến Nhà thờ nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, tại số 24 Garncarska để học giáo lý. Đây là một trong 240 địa điểm làm nơi học hỏi giáo lý của kỳ đại hội. Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên vui mừng đón tiếp các phái đoàn bạn trẻ người Việt đến từ nhiều nước trên thế giới. Tay bắt mặt mừng hỏi han tâm sự, bầu khí thân thiện, ấm áp tình gia đình.

Trong 3 ngày, Đức Cha Giuse trình bày 3 đề tài giáo lý: Đây là thời gian của lòng thương xót; Để cho lòng thương xót Chúa Kitô chạm tới; Lạy Chúa, xin làm cho con nên khí cụ của lòng thương xót Chúa.

Buổi đầu, sau 45 phút Đức Cha khai triển đề tài, các phái đoàn tự giới thiệu, các bạn tình nguyện viên chia sẻ…Bầu khí thật thân thương tình huynh đệ.

Đến 11 giờ, thánh lễ đồng tế, cộng đoàn hiệp ý tạ ơn Chúa. Sau khi ghi lại những tấm hình lưu niệm, chúng tôi lưu luyến chia tay nhau, mỗi đoàn theo chương trình hành hương riêng của mình.Chúng tôi hòa vào dòng chảy nhộn nhịp nhảy múa ca hát reo hò của những nhóm bạn trẻ khắp năm châu.

Vào năm 1938, khi nữ tu Faustina qua đời, chàng thanh niên Karol Wojtyla, sau này là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tới Krakow để khởi đầu chương trình học đại học. Hai vị thánh này chưa hề gặp gỡ nhau ở thế gian, nhưng Chúa Quan phòng lại định liệu để các ngài có cùng một lý tưởng chung, đó là quảng diễn lòng thương xót của Chúa. Hai vị thánh của quê hương Krakow được chọn làm thánh bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31. Các ngài là niềm tự hào của Giáo Hội Ba Lan, cách riêng của Thành phố Krakow. Dọc qua các đường phố, chúng tôi thấy hình ảnh của hai vị thánh được trưng bày trân trọng, với cờ hoa rực rỡ muôn màu sắc.

Đến với Krakow, bạn trẻ Công Giáo được mời gọi dấn thân để phục vụ Giáo Hội. Như lời Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz trong bài giảng lễ khai mạc, ngài mời gọi các bạn trẻ “Hãy mang đến cho mọi người ngọn lửa đức tin của các bạn và hãy thắp lên những bó đuốc mới để rồi trái tim của mọi người đập cùng một nhịp đập với trái tim của Chúa Giêsu, là lò lửa yêu mến. Ước chi ngọn lửa tình yêu bao trùm cả thế giới này, để không còn ích kỷ, bạo lực và bất công. Ước chi thế giới này được củng cố bởi nền văn minh của sự thiện, của hoà giải, của tình yêu và hoà bình”.

Đại Hội Giới trẻ Thế giới chính là hình ảnh môt Giáo Hội trẻ trung năng động đầy sức sống. Cầu chúc đại hội lần thứ 31 được diễn ra trong an bình và ân sủng của Chúa Giêsu Kitô. Xin cho các bạn trẻ luôn là khí cụ của Lòng Chúa Thương Xót.
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tình Chúa Nơi Đâu




Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016


“Bạn biết không, Thiên Chúa không nhìn đến tính vĩ đại hay sự khó khăn trong mỗi công việc của chúng ta, nhưng Người chỉ xem tình yêu chúng ta dành cho mỗi việc như thế nào. Vậy thì, có gì mà bạn phải e ngại?” 

– Thánh Theresa Hài Đồng Giê-su-

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Ca đoàn

Ca đoàn phục vụ cộng đoàn
Ca đoàn có là để phục vụ cộng đoàn. Bởi vậy, trong việc sắp xếp chỗ cho ca đoàn ở nhà thờ, nên xếp thế nào để ca đoàn được xem là thành phần của cộng đoàn chứ không xa lìa hay tách biệt. Muốn phục vụ cộng đoàn, ca đoàn phải hát thế cho cộngđoàn những bài hát hay nhưng khó, cộng đoàn không hát được, và yểm trợ cộng đoàn trong những phần hát dành cho họ. 
Tuyệt đối phải loại bỏ khuynh hướng này là ca đoàn bao thầu hết, không để cho cộng đoàn phần nào cả, nhất là vào các ngày Chúa nhật và lễ lớn. Một hình thức phục vụ cộng đoàn rõ rệt nhất là có mặt đông đủ trong những buổi lễ cần có ca đoàn. Nếu ca đoàn không đi, cộng đoàn không có người điều khiển nên sẽ khó hát và không biết hát thế nào cho phải. Vì vậy, huấn thị Âm nhạc trong Phụng vụ số 21 khuyên nên có một hai ca viên có khả năng tập và xướng các bài hát, để khi không có ca đoàn,cộng đoàn cũng có thể hát được : “Nơi nào thiếu phương tiện để thành lập một ca đoàn nhỏ bé, thì phải liệu cho có ít nhất một hoặc hai ca viên được huấn luyện vừa đủ. Ca viên đó phải có thể xướng lên một vài bài đơn giản cho các tín hữu tham gia,đồng thời cũng phải biết điều khiển và yểm trợ cho các tín hữu đó nữa.” Có thể xảy ra trường hợp một lúc nào đó ca đoàngiận cha sở hay một vị trong Ban hành giáo nên làm reo không đi hát. Kể cũng đáng buồn, nếu xảy ra trường hợp này. Nhưng vì tinh thần phục vụ, mong rằng những trường hợp như thế không xảy ra, hay có xảy ra, thì cũng sẽ mau chóng được giải quyết một cách ổn thỏa.
Lại cũng vì tinh thần phục vụ, ca đoàn nên chấp nhận một số hy sinh. Một trong những hy sinh đó là đi tập hát đều đặn vàđúng giờ. Điều này rất cần thiết cho sinh hoạt chung. Không đi tập hát đều đặn sẽ làm cho ca trưởng và các bạn ca viên nản chí; không đúng giờ sẽ làm mất thời giờ cho nhiều người và khiến người ta chán nản không muốn đi tập hát nữa. Ăn thua là ca trưởng làm gương tới đúng giờ và luôn nhắc nhở ca viên về điều này, vì đó là tư cách của người biết tự trọng, có văn hóa như những người văn minh.
Hy sinh thứ hai là chịu khó tập và hát cho hay. Hát hay là hát đúng cung giọng, chỗ to, chỗ nhỏ, chỗ mạnh chỗ yếu theo bố cục của bài hát, và hát với tiếng hát được uốn nắn cho dịu dàng, ngọt ngào, dễ nghe, không gắt gao, chát chúa. Đó là nghệ thuật. Phải trọng và thích nghệ thuật mới chịu khó luyện cho được như thế.
Hy sinh thứ ba là từ chối những bài hát và lối hát hợp cho người ngoài đời chứ không hợp cho nhà thờ. Người hát như thế thường bị cám dỗ phô trương tài nghệ cá nhân hơn là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu.
Khi nào ca đoàn tận tâm phục vụ cộng đoàn, chừng đó Nhà thờ và ca đoàn mới đóng đúng vai trò và chức năng của mình. Hai bên sẽ có những hoạt động hỗ tương để làm cho Nhà thờ nên nơi thờ phượng tốt đẹp với những tiếng hát thanh cao, và biến cađoàn thành nơi cho những con người thiện chí thể hiện tinh thần phục vụ và khả năng ca hát của mình, để góp phần đích đángvào công việc thờ phượng.
- NNT lước trích NÓI VỀ CA ĐOÀN - LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP-

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

MÂY

Mây đi muôn phương. Không có đồi thu nào giữ được chân mây. Không có rừng hạ nào bảo được mây thôi đi. Mây không có nhà, chẳng mảnh vườn nào quyến rũ được mây lưu lại chọn làm quê hương. Tôi mong đời mình như mây. Tôi mơ đời mình tự do như Đức Kitô: “Chồn có hang, chim có tổ, nhưng Ta không có viên đá dựa đầu” (Lc. 9:58). Chim có tổ nên phải nhớ lối về. Chồn có hang nên không quên được vùng đất mốc. Còn Đức Kitô thì tự do khắp đồi núi.
Tôi muốn như mây, dù có thương nhớ trên thung lũng nào đó, mây vẫn bay. Có tiếng gọi từ dòng suối nào đó bảo mây nghỉ ngơi, mây vẫn giã từ. Mây cứ nhẹ nhàng trôi. Mây tự do. Không ai ràng được chân mây. Tôi muốn đời tôi là thế. Tôi muốn không bao giờ xây hạnh phúc bằng những bến đỗ. Mây rong ruổi ngàn gió. Mây thuộc về trời cao thanh tịnh.

Lạy Chúa, đôi lúc con đã phân vân ở những lười biếng mà đáng lẽ con phải dứt khoát. Con đã ngại ngùng ở những bổn phận mà đáng lẽ con phải ấp ủ. Con khác mây vì mây ở trên cao còn con ở đất thấp. Mơ về trời cao từ đất thấp làm sao không gian nan. Để như mây, lạy Chúa, con cũng phải thản nhiên lên đường. Dũng cảm.
Mây tặng mưa xuống ngàn rồi mây quên. Con ban tặng là muốn họ lệ thuộc. Trong quà tặng cho đi có im lặng của ràng buộc tinh vi. Mây không muốn ai ngủ trong bóng mây của mình. Còn con muốn che chở người như căn nhà quen để họ lại tìm về. Mây cho bóng mát là mây cho nâng đỡ để họ tìm đường đi lên. Con cho bóng mát là muốn họ lưu luyến. Vì thế, bóng mát của mây cần thiết còn bóng mát của con có thể làm chậm lối người đi.
Mây cho mưa, mưa không bao giờ lấy lại. Dù sa mạc chẳng bao giờ có đồi cỏ, mây vẫn đem mưa không chối từ. Còn con, sao mà khó khăn khi muốn độ lượng. Trong cho đi có giằng co. Mây đem mưa vì bản tính của mưa là ban phát. Mưa không đòi điều kiện. Độ lượng của con nhiều khi phải qua những cánh cửa khắt khe của biết bao nhiêu tiêu chuẩn. Con biết như vậy mà hồn mình vẫn chưa thênh thang.
Mây bay hàng ngày qua ngõ nhà thờ. Mây bay hàng chiều qua ngõ hồn con. Ngày ngày có mây nhắc nhở mà sao kinh cầu vẫn quên.
Người nghệ sĩ yêu chiều mây. Không mây buổi chiều sẽ đơn điệu. Không mây trời chiều sẽ u mặc, lên màu sa mạc buồn tênh. Nhưng nếu mây không bay theo gió, mây chọn một khung trời rồi ngưng đọng, buổi chiều ở đấy rồi cũng thành nhạt nhẽo.
Nếu mây hợp rồi không tan, sắc mây sẽ nhàm chán. Nếu mây chỉ có một màu thì buổi chiều cũng là rất vắng. Chiều không quên chiều mà những áng mây biết hoà hợp với nhau để đem chiều lên muôn màu. Chiều chỉ có một màu mây là chiều mây sẽ không ai nhớ. Đời người cũng thế thôi. “Ai tìm kiếm sự sống mình thì sẽ mất” (Mt. 10:39).
Ngang đời là một bến chiều. Xin cho tôi biết nhìn mây mà dừng chân nhủ lòng tìm bến đỗ thiêng liêng cho tâm hồn.
Mây đem màu về góp hội. Mây không tranh giành nên mây không tính toán làm sao cho mình được nhớ. “Hoa quả của Thánh Thần là mến yêu, vui mừng, bình an, đại lượng, nhân hậu, trung thực, hiền từ, tiết độ” (Gal. 5:22).
Mây không băn khoăn muốn mình được nhớ vì mây luôn nhớ mình hợp đó nhưng sẽ tan. Có phải nhớ mình sẽ tan mà mây độ lượng bao dung. Khi muốn được nhớ là bắt đầu rơi vào những ràng buộc. Vũ điệu là tung hướng đi muôn phương. Ràng buộc sẽ làm vũ điệu thành những bến đỗ. Bến đỗ thì chỉ biết mong người đến chứ không đến được với người. Mây vào đời cũng như chào từ giã cuộc đời, nhẹ nhàng như một bến mơ.
“Nếu sống bởi Thánh Thần thì hãy theo Chúa Thánh Thần mà tiến bước” (Gal. 5:25). Lạy Chúa, lời nguyện ấy của Phaolô từ nghìn xưa năm cũ chớ gì cũng là lời nguyện của con hôm nay. Mây hôm nay cũng vẫn là mây của tháng ngày Phaolô ngồi viết Tông Thư bên đồi Galat thôi.
Gởi mây cho gió. Và, xin gời lời nguyện từ mơ ước của tâm hồn cho mây.
-Nguyễn Tầm Thường, SJ-
-Nguyễn Ngọc Tường-


Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Xin ơn Mẹ bình an

Xin ơn Mẹ bình an, chúng con hằng mong.
Bình an ơn thiêng đổ xuống cho ai ngay lành lòng đầy thiện ý.
Bình an đến với những ai con tim yêu thương chẳng hờn căm
Bình an ai biết thứ tha không sống ghen tương tâm thảnh thơi

Bình an không ai lấy mất dẫu muôn khổ sầu, nhọc nhằn, cay đắng
Bình an đến với những ai con tim đơn sơ như trẻ thơ
Bình an chỉ đến những ai không sống dối gian tâm sạch trong.
-adgs Roselove-


Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Quỳ bên cung thánh, 
Đoàn con thiết tha kêu cầu chúa. 
Lời kinh thắm lệ,
nguyện xin chúa thứ tha tội nhơ.
Vượt qua năm tháng,
Tình yêu chúa kiên trung bền vững.
Ngàn muôn thế hệ,
Cùng chung tiếng hát ca tôn thờ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này, để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con.Amen.



Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Hy lễ con dâng là Thập giá
Âm thầm con vác mỗi ngày qua
-adgs MDTT-

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Bạn có biết "goodbye" có nguồn gốc là "godbwye", là viết tắt của cụm từ "God be with you" (Chúa ở bên bạn), lúc đầu được mọi người trong Công Giáo sử dụng để ước những điều tốt đẹp khi tạm biệt một ai đó. Trải qua quá trình thời gian ngày nay cụm từ này được chuyển thành "goodbye" và được sử dụng rộng rãi hơn trên toàn thế giới.
Nói lời tạm biệt cho dù đi đâu Chúa vẫn luôn ở bên và đồng hành với bạn. God be with you.



Hoa dại

Những bông hoa dại tuy không sắc không hương nhưng ẩn sau đó là một sức sống mãnh liệt luôn vươn lên giữa điều kiện môi trường khắc nghiệt. Ước chi con cũng trở nên những cánh hoa nhỏ biết vươn lên trong cuộc sống để dâng Chúa những công việc nhỏ bé hằng ngày, những việc hy sinh thầm lặng, những bổn phận mà con làm vì lòng yêu mến Chúa.
Có những loài hoa mang tên hoa dại vì ít ai biết tên nó là gì mà cứ gọi cách chung là hoa dại. Dù biết rằng hoa dại không rực rỡ và kiêu sa, cũng không nổi bật như bao loài hoa khác. Nhưng hoa dại vẫn có một nét chấm phá riêng, một nét đẹp đơn sơ, giản dị mà ít loài hoa nào có được. 
Đặc biệt, hoa dại tuy bé nhưng sức sống thì không hề nhỏ. Từ lớp đất đá vừa cứng vừa khô cằn, nó vẫn âm thầm, ngày đêm cứ vươn mầm khỏi mặt đất để đón nhận một cuộc sống mới với bao điều kỳ diệu. Và những khi gặp phải gió mưa, tưởng chừng như những thân cây gầy guộc kia sẽ bị vùi dập, nhưng không thân cây vẫn bám chặt vào lòng đất hứng lấy những giọt mưa như muốn chứng tỏ sự dũng mãnh của mình để giành lấy sự sống. Và rồi sau những cơn mưa, nắng bắt đầu lộ diện, những d0óa hoa trở nên lung linh màu sắc với những giọt nước li ti còn đọng lại trên cánh hoa. Tuy đã từng trải qua giông tố nhưng loài hoa dại kia vẫn tiếp tục khoe sắc dưới ánh nắng Mặt Trời và vui tươi rung rinh theo làn gió. Một hình ảnh thật đẹp của những loài hoa dại.
Chúa ơi, Ước chi con cũng được trở thành một đóa hoa nhỏ bé trong lòng của Chúa. Để con được trọn đời dâng hiến trong tình Chúa “dẫu có đơn hèn không sắc hương”.
-Maria HY-

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

*Ta- Pao lên giấc mơ hồng,
Rừng thiêng sương quyện, núi linh mây ngàn.
Tô thêm nét đẹp Giang san,
Hòa bình ban xuống ngập tràn Tin Yêu. (ĐVTH).
Lạy Mẹ Tà Pao xin ban ơn cho chúng con và toàn Giáo xứ.

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

Cho dầu đời có lầm than,
Đời ta có Chúa song hành hiên ngang
Nụ cười tâm sáng bình an,
Ôm ghì lấy Chúa ân ban can trường.
Bềnh bồng sóng nhạc yêu thương,
Con xin đáp trả tơ vương tình nồng.
Xin dâng lên Chúa bông hồng,
Nhịp lòng phẳng lặng, mặn nồng tình yêu.
- Nam Giao -