Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Tại Sao Gọi Là CHỨC LINH MỤC

Với hình thức cắt nghĩa chức năng linh mục như một tác vụ được cộng đoàn Dân Chúa giao phó để thi hành công việc mục vụ, thần học của nhóm Cải Cách Tin Lành, từ thế kỉ 16, đã đối lập hoàn toàn với lối cắt nghĩa thần học về chức năng linh mục của giáo hội Công Giáo, và đã tạo nên một hiểu lầm lớn cho những người Công giáo không hiểu thấu đáo giáo huấn của Giáo Hội trong chức năng này.
Câu hỏi được đặt ra là: có phải linh mục là một Chức hay không? Hay chỉ là một thừa tác vụ được kêu gọi để phục vụ? Và trong Thánh Kinh không thấy nói đến Chức này, vậy Chức này hình thành khi nào?

Trước hết, hãy đọc lại lời dạy của Giáo Hội trong giáo lí Công Giáo số 1536: “Chức Thánh là bí tích qua đó sứ mạng Chúa Ki-tô ủy thác cho các tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến tận thế; vì thế, được gọi là bí tích của thừa tác vụ tông đồ. Bí tích này gồm 3 cấp bậc: giám mục, linh mục và phó tế.”[1]
Tiếp đó, Giáo Hội đặt câu hỏi: Tại sao gọi Bí Tích này là Chức, và đã trả lời như sau:
Số 1537 “Vào thời cổ Rô-ma, người ta dùng từ "Ordo" để chỉ những tập thể dân sự, nhất là tập thể lãnh đạo. "Ordinatio" chỉ việc được nhận vào tập thể đó. Trong Hội Thánh có những tập thể như vậy mà truyền thống, phần nào dựa trên cơ sở Kinh Thánh (x. Dt 5,6; 7,11; Tv 110,4), ngay từ xưa gọi là Taxeis (tiếng Hy lạp) hay "Ordines" (tiếng La-tinh). Chẳng hạn, Phụng vụ nói đến hàng giám mục, hàng linh mục, hàng phó tế. Nhiều nhóm khác cũng được gọi là "Ordo": giới dự tòng, giới trinh nữ, giới vợ chồng, giới góa bụa….””
Số 1538 “Việc gia nhập vào một tập thể của Hội Thánh xưa kia thường được cử hành bằng một nghi thức gọi là Ordinatio. Ðó là một hành vi tôn giáo và phụng vụ, có thể là thánh hiến, chúc lành hay bí tích. Ngày nay, từ Ordinatio dành riêng cho việc cử hành bí tích gia nhập hàng giám mục, linh mục và phó tế. Việc này có giá trị hơn việc cộng đoàn bầu cử, chỉ định, ủy nhiệm hay cắt đặt, vì ban hồng ân Thánh Thần cho phép thi hành một "quyền thánh chức" (x. LG 10) do chính Chúa Ki-tô ban qua Hội Thánh. Ordinatio còn được gọi là thánh hiến, nghĩa là được Ðức Ki-tô tách riêng và bổ nhiệm để phục vụ Hội Thánh. Việc giám mục đặt tay và lời nguyện thánh hiến, làm nên dấu chỉ hữu hình của sự thánh hiến này.”
Bối Cảnh Lịch Sử:
Giáo Hội, ngoài căn tính mầu nhiệm phản ảnh sự hiện diện của Chúa Kitô trên trần gian, còn là một tổ chức xã hội hữu hình, với những cấu trúc chịu ảnh hưởng của xã hội và học hỏi những ưu điểm của xã hội.
Về phương diện hành chính, giáo hội đã trưởng thành cùng với xã hội qua những thăng trầm trong lịch sử, và đã học từ xã hội để tạo cho mình một phẩm trật có hiệu quả trong hành trình tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.
Bí Tích Truyền Chức Thánh cho giám mục, linh mục và phó tế được nghi thức hoá cũng là kết qủa của những học hỏi này.
Danh từ Chức được sử dụng từ thời cổ Roma. Với những người tìm hiểu Thánh Kinh, họ không tìm thấy Chức trong những người được kêu gọi làm Tiên Tri hay Tư Tế, họ cũng không tìm thấy bằng chứng Chúa Giêsu Kitô đã phong Chức cho các tông đồ trong bữa ăn cuối cùng (Tiệc Ly), và không thấy nói đến các Tông Đồ cũng như những người kế vị được phong Chức trong các thư ghi lại trong Tân Ước.
Dĩ nhiên, bằng chứng về những người được tuyển chọn để tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng qua việc đặt tay của các Tông Đồ hay những người kế vị các Tông Đồ thì rõ ràng trong Thánh Kinh, nhưng để gọi những người này lãnh nhận Chức linh mục hay Chức giám mục thì không tìm thấy trong lịch sử giáo hội sơ khai.
Vì thế, dù về phương diện lịch sử, họ không có nhận Chức như ta hiểu ngày nay, nhưng về mặt tín lý, giáo hội luôn tin và dạy rằngChức linh mục hay giám mục họ lãnh nhận từ Chúa Giêsu Kitô qua việc đặt tay của các giám mục là Bí Tích với Chức Năng không hề thay đổi và không hề khác với những gì các linh mục và giám mục lãnh nhận ngày nay (dĩ nhiên cách giải thích và nghi thức ngày nay hoàn toàn khác xưa).
Điều muốn nói ở đây không phải là những người xưa có chịu Chức hay không, nhưng là Chức họ lãnh nhận đã hình thành thế nào trong lịch sử giáo hội.
Lịch Sử Hình Thành Chức Trong Giáo Hội
Như trong giáo lí Công Giáo giới thiệu, từ vài thế kỉ trước công nguyên, xã hội Hi Lạp-La Mã đã có một tổ chức chặt chẽ về hành chính. Trong xã hội, họ có những Chức (tiếng Latin là Ordines – số nhiều) gồm có: chức nghị viên (ordo senatorius), chức trưởng kị binh (ordo decurionum), chức hiệp sĩ (ordo equester). Những người trong các chức vụ này được kính trọng và những chức vụ tự nó, được coi là thánh thiêng (sacrosanct).
Thỉnh thoảng trong văn chương Hy-Mã, ta cũng tìm được “Chức người dân” trong một vài sách lịch sử, nhưng Chức này không được phổ biến, và tư tưởng “Chức người dân” (hay trong văn Latin gọi là ordo plebeius) không thông dụng.
Trong xã hội Hy-Mã, họ phân biệt rõ ràng giữa những người có Chức với những người dân thường.[2] Khi giáo hội hình thành và đang tìm cho mình một mẫu mực về mặt tổ chức, xã hội thời đó là đối tượng để giáo hội học hỏi theo.
Từ cuối thế kỉ thứ 2 vào đầu thế kỉ thứ 3, danh từ Chức (Latin, số ít, Ordo) dần dần bắt đầu được áp dụng trong giáo hội cho các giám mục, linh mục và phó tế.[3] Trong giáo hội, Chức cũng được dùng để phân biệt với thường dân (populus), hay đúng hơn là giáo dân (laikos).
Tín lí của giáo hội dạy rằng Chức Linh Mục (hay giám mục, hay phó tế) không là “quyền” của một giáo dân, nhưng là một ân huệ cho những người được lựa chọn; nghĩa là, một Kitô hữu không đòi hỏi mình phải được làm linh mục (như đòi hỏi được quyền tự do đi lại, tự do ngôn luận, hay tự do ứng/ bầu cử), nhưng phải được giáo hội kêu gọi và chọn lựa để ban Chức này. Vì thế, một người trở nên một vai vị có Chức trong Kitô giáo, không phải vì sinh ra trong gia đình hay dòng dõi Lêvi như trong Cựu Ước, cũng không phải vì công đức đóng góp cho giáo hội, nhưng được lựa chọn qua việc Phong Chức hay Truyền Chức.
Qua việc chọn lựa và Phong Chức này, một nhóm mới được hình thành gọi là Tu Sĩ (klerikos) để phân biệt với những người không cóChức là giáo dân (laikos). Sự phân biệt này cũng nói lên vai trò lãnh đạo và phục vụ của Tu Sĩ (klerikos) khác với người được phục vụ, giáo dân (laikos).
Thật ra việc Phong Chức và dùng danh xưng phân biệt Tu Sĩ với Giáo Dân tự nó không tạo nên cách biệt về giai cấp, chức vụ, nghĩa là không phải vì thế mà những Tu Sĩ trở nên cao trọng hơn, và Giáo Dân trở nên thấp kém hơn.
Điều làm cho cách biệt này xảy ra trong lịch sử là vì những lợi dụng quyền năng đi đôi với chức vụ khiến Tu Sĩ trở thành một giai cấp cách ly với Giáo Dân. Nói cách khác, phẩm trật tổ chức có thể là điều kiện nhưng tự nó không thể gây nên sự phân biệt “Chủ-Tớ” mà là những người trong những địa vị ấy đã sống không đúng với ý nghĩa đích thực của chức năng.
Về mặt thần học, ý nghĩa hiểu biết của những Chức này phát triển chậm hơn nhiều so với phát triển của xã hội. Nghĩa là, đầu thế kí thứ 3, trong giáo hội đã hình thành Chức giám mục, linh mục và phó tế, nhưng chưa có một giải thích thần học nào rõ ràng để cắt nghĩa về căn tính của những Chức này.
Lí do của những phát triển chậm này là vì (a) những hiểu biết về thần học của Chức linh mục bấy giờ đều dựa trên sự hiểu biết về chức năng Tư Tế trong Cựu Ước, và (b) ta không thấy danh từ Chức trong Tân Ước cũng như trong thời kì các tông đồ.
Vì thế, trong ba thế kỉ đầu, giáo hội hiểu Chức giám mục hay linh mục trong bối cảnh của thần học hiểu về “Lãnh đạo Mục Vụ.” Nghĩa là giáo hội nói nhiều đến chức năng lãnh đạo, phẩm chất của người lãnh đạo, và những yêu cầu cần thiết một người lãnh đạo phải có. Điều ta cũng cần biết là danh từ Chức mà ta hiểu trong văn hoá Hy-Mã và trong những thế kỉ đầu của giáo hội hoàn toàn khác với những gì ta hiểu ngày nay.
Đến cuối thế kỉ 2 và đầu thế kỉ 3, những giáo phụ như Origen, Tertullian, Cyprian, và Hippolytus bắt đầu thần học hoá các thừa tác vụ (hay gọi là công việc mục vụ) của giáo hội, và nghi thức hoá những chức năng cần thiết trong giáo hội để làm sáng tỏ ý nghĩa thần học và tín lí, đó là: những người phục vụ giáo hội là những người được lựa chọn.
Ví dụ, để cắt đặt một người làm lãnh đạo một cộng đoàn, các giám mục chọn và ban Chức Linh Mục cho người này qua một nghi thức long trọng được giáo hội công nhận; và các nghi thức Phong Chức cũng được hệ thống hoá để làm vai trò linh mục được rõ ràng hơn.
Nhờ những nghi thức trang trọng này, một người nhận Chức Linh Mục lúc này không còn hiểu Chức như trước nữa. Nghĩa là, nghi thức lúc này được diễn giải với ý nghĩa thần học, và Chức trở thành một phần giáo huấn của giáo hội cho mọi Kitô hữu.
Chức Linh Mục không còn là một chức năng thuần túy hành chánh, như coi sóc giáo xứ hay giảng dạy giáo lí, mà mang một ý nghĩa thần học là những người được lựa chọn để làm công việc riêng.
Dựa vào ý nghĩa thần học này, các giáo phụ tiếp tục quan tâm đến các nghi thức trong những dịp lễ Phong Chức để Chức này tự nó có giả trị và được kính trọng hơn.
Nói như thế không có nghĩa là Chức linh mục trước đó không được kính trọng hay không có cùng một ý nghĩa như sau này, nhưng nghi thức hoá Chức này (nghĩa là đặt ra những nghi lễ cùng với luật lệ rất cụ thể cho các nghi lễ) làm cho vai trò Chức được rõ rang, hiển thị hơn.
Tại Sao Cần Có Chức Trong Giáo Hội
Về phương diện xã hội, tất cả mọi tổ chức nếu muốn tồn tại, bắt buộc phải có Lãnh Đạo, có Quyền Hành, có Trật Tự, có Cấp Bậc. Giáo hội cũng không ngoại lệ.
Vì tất cả những thừa tác vụ của Giáo Hội là công khai (personae publicae in ecclesia) nên bắt buộc phải có những nghi thức công khai chính thức công nhận những người lãnh đạo này. Việc Phong Chức là một hình thức công nhận công khai vai trò lãnh đạo cộng đoàn, và một hình thức cử hành những phụng vụ chung của cộng đoàn. Đây cũng là một hình thức dò xét và tìm hiều những nhà lãnh đạo của họ, và ghi nhận những gì Thiên Chúa đã làm cho họ qua những người lãnh đạo này.
Về mặt chính trị, sau khi đại đế Constantine hợp thức hoá Kitô giáo (năm 313), giáo quyền và chính quyền có nhiều liên hệ mật thiết với nhau, và nhiều lúc các vị lãnh đạo tôn giáo cũng mang nhiều trách nhiệm trong chính quyền. Vì thế, việc Phong Chức cũng là một lời giới thiệu của giáo hội với chính quyền về vai trò của vị lãnh đạo mới trong cộng đoàn.
Một số người cho rằng Chúa Giêsu không Phong Chức cho các tông đồ, và thời kì Ngài sống không có “giai cấp”. Điểu này không hẳn là đúng. Việc Phong Chức như ta hiểu với những nghi lễ đính kèm thì chắc chắn không có trong thời Chúa Giêsu (vì mãi đến đầu thế kỉ 3 mới có), nhưng phẩm trật giai cấp với Phêrô là người đứng đầu, với Juda là người lo tài chính v.v… đã có với Chúa Giêsu.
Sự Khác Nhau Giữa Chức Và Thừa Tác Vụ
Ta cần phân biệt sự khác nhau giữa Chức linh mục và các Thừa Tác Vụ khác trong giáo hội.[4] Giáo lí Công Giáo số 873: “Trong Hội Thánh có nhiều thừa tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mạng. Chúa Ki-tô đã trao phó cho các tông đồ và những người kế nhiệm các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Ki-tô nên họ cũng đảm nhận phần việc của mình trong sứ mạng chung của toàn Dân Thiên Chúa, trong Hội Thánh và ở giữa trần gian" (x. AA 2).
Danh từ Thừa Tác Vụ có gốc nghĩa là Phục Vụ,[5] xuất hiện rất sớm trong giáo hội, và tìm thấy trong Tân Ước. Danh từ này có một ý nghĩa đặc biệt đối với những Kitô hữu đầu tiên vì nó nói lên căn tính phục vụ của những người theo Chúa Kitô: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ" (Mk 10:45). Nói cách khác, Phục Vụ chính là Thừa Tác Vụ trong giáo hội.
Ngày nay, khi dùng danh từ Thừa Tác Vụ, giáo hội muốn nói đến một số cụ thể những công việc của giáo hội được các Kitô hữu thi hành, trong đó cỏ cả những người lãnh nhận Chức như giám mục, linh mục, phó tế, cả những người sống đời khấn nguyện theo bậc tu trì (gọi chung là tu sĩ nam nữ), và giáo dân.
Những ai quen thuộc với đời sống tu trì trước công đồng Vatican II, nhất là với những người dọn mình lãnh nhận Chức linh mục, thường hay nghe các danh từ như Thầy Ba, Thầy Sáu, hay Chức Giúp Lễ, Chức Đọc Sách.
Thật ra những Thừa Tác Vụ này vẫn được coi là Chức trong giáo hội kể từ thế kỉ thứ hai. Số lượng Chức này thay đổi tùy theo thời gian. Hippolytus nói đến Phó Tế và Phụ Phó Tế (đầu thế kỉ 3 trong Traditio Apostolica). Didascalia Apostolorum (thế kỉ 3) nói đến Phó Tế và Đọc Sách. Đức Giáo Hoàng Cornelius (251-253) nhắc đến trong thư Ngài những chức: Giám mục, Linh mục, Phụ phó tế, Phó tế, Giúp lễ, Trừ qui, và Giữ cửa. Thánh Cyprian (thế kỉ 3) nói đến Phụ phó tế, Giúp lễ, Trừ qủi và Đọc sách. Eusebius nói đến Đọc Sách và Trừ Qủi.
Vào cuối thể kỉ thứ tư, những Thừa Tác Vụ hay các Chức này đã hình thành khá rõ ràng trong toàn thể giáo hội, nhưng hình thức áp dụng và thi hành thì tùy thuộc địa phương, nghĩa là, có nơi hình thành bảy hay tám Chức, có nơi hai hay ba Chức. Đối tượng lãnh nhận những Chức này cũng khác nơi. Ban đầu, nhiều giáo dân lãnh Chức Đọc Sách hay Trừ Qủi nhưng dần dần các linh mục hay tu sĩ thi hành những chức vụ này, và không còn giáo dân nữa.
Cuối thế kỉ thứ 5, trong bộ sách luật Statuta Ecclesiae Antiqua, ta có thể đọc thấy 9 Chức như: Người Xướng Hát Thánh Vịnh (psalmist), Người giữ cửa (porter), Đọc sách (lector), Trừ Qủi (exorcist), Giúp lễ (acolyte), Phụ Phó tế (subdeacon), Phó tế (deacon), Linh mục (presbyter) và Giám mục (bishop).
Từ sau thế kỉ 11, thời kì Peter Lombard, chỉ còn 7 Chức được nhắc tới trong đó không có Người Hát Thánh Vịnh và Giám mục. Bộ luật năm 1150 cũng chỉ ghi lại 7 Chức: Người giữ cửa, Đọc sách, Trừ Qủi, Giúp lễ, Phụ Phó tế , Phó tế, và Linh mục. Thời kì này, giám mục không được coi là một phần của Chức thánh nữa, mà chỉ là một Vinh Dự trong phẩm trật mà thôi. Nghĩa là, chức Linh Mục là chức cao cả nhất, và sau khi chịu chức thánh Linh Mục, người được chọn làm giám mục không còn nhận chức thánh mà chỉ nhận vinh dự được ban tặng mà thôi.
Sau công đồng Trent (1545-1563), Chức giám mục được nhận là Chức Thánh. Những Chức này được chia làm hai nhóm gọi là Chức Nhỏ (gồm Giữ cửa, Đọc Sách, Trừ Qủi, Giúp Lễ), và Chức Lớn (gồm Phụ Phó tế, Phó tế, Linh mục và Giám mục).
Năm 1972, Đức Giáo Hoàng Paul VI quyết định chỉ giữ lại danh từ Chức cho Phó tế, Linh Mục, và giám mục mà thôi. Các vai trò khác trước đây gọi là Chức thì không còn nữa, mà chỉ được coi là Thừa Tác Vụ: như Thừa Tác Vụ Đọc Sách và Thừa Tác Vụ Giúp Lễ.[6]Các vai trò khác (Giữ cửa, Trừ Qủi, Phụ Phó Tế) không còn được nhắc tới.
Như thế, các Chức (ordines) hay còn gọi là các Chức Thánh (sacri ordinis) hoàn toàn khác với Thừa Tác Vụ mà giáo dân lãnh nhận. Cho dù trong thời gian đầu của giáo hội, khó phân biệt rõ ràng ý nghĩa khác nhau giữa danh từ Thừa Tác Vụ  Chức vì cả 2 đều gắn liền với đời sống Giáo Hội từ khai sinh, nhưng ngày nay thì rõ ràng.
Kết Luận
Chức Linh Mục là một hồng ân Thiên Chúa ban cho con người. Dù lịch sử đặt những người nhận Chức này vào một vị trí tách biệt khỏi giáo dân, các linh mục nhận Chức này phải nhận thức được rằng đây không là điều kiện để tôn vinh cá nhân hay lợi dụng quyền thế. Trái lại, Chức Linh Mục là điều kiện để giáo hội công nhận những người lãnh đạo cách công khai, và theo Chúa Giêsu Kitô, lãnh đạo không gì hơn là phải biết Phục Vụ người khác: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ" (Mk 10:45).

[1] Thật ra trong bản gốc Latin, giáo hội không gọi là Chức Thánh mà chỉ gọi là Chức (Ordo), nhưng khi được dịch ra các ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, họ thêm vào Chức Thánh để dễ hiểu và đúng với ý nghĩa bản Latin muốn viết.
[2] Đôi khi trong lịch sử ta vẫn còn tìm thấy trong các bài viết hay những công trình kiến trúc có chữ viết tắt SPQR (senatus populusque romanus – nghị viên và dân chúng) để minh định vai trò những người có Chức với dân thường, hay những dấu tích ghi lại Chức của người dân Roma (ordo populus romanus).
[3] Tiếng Hilạp dùng là episkopos nay ta gọi là giám mục, presbyteros nay gọi là linh mục, và diakonos nay gọi là phó tế.
[4] Trong Anh ngữ, Thừa Tác Vụ là Ministry; Thừa Tác Viên là Minister; Chức là Order.
[5] Thứa Táv vụ dích từ danh từ tiếng Hi lạp là dikaiosynè hay diakonia, có nghĩa là việc phục vụ, với động từ diakoneo là Phục vụ, và người làm những dịch vụ này là diakonos. Chính danh từ diakonos này được áp dụng cho những người mà ta dịch là Phó Tế.
[6] Hai Thừa Tác Vụ này thường dành cho những chủng sinh dọn mình làm Linh Mục, nhưng đôi khi giáo dân cũng lãnh nhận tác vụ này.

Lm Nguyễn Khắc Hy

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Yêu....Linh mục

Linh mục hỡi!
Người là ai mà oai phong quyền bính,
Phán một lời Vua Trời cao ngự xuống,
Ẩn náu mình trong tấm bánh trắng tinh,
Nên Thần Lương thiết đãi tiệc ân tình,
Nên nguồn sống cho muôn người nương náu.


 
Trong bữa Tiệc Ly, trước giây phút chia tay, Đức Giêsu âu yếm trao ban cho các môn đệ một sứ mạng là nối tiếp tình yêu của Người nơi trần gian, đi gieo rắc tình yêu thương của Người khắp cùng bờ cõi trái đất, đi loan báo tình thương cứu độ đến với các dân tộc và để nâng đỡ sứ mạng cho các môn đệ, Người đã lập Bí Tích Thánh thể và Người truyền cho các ông: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22, 19).
 
Thiên Chúa mời gọi mọi Kitô hữu và ban ân sủng cho chúng ta để thi hành thừa tác vụ Kitô. Mọi Kitô hữu có trách nhiệm phải loan truyền tình yêu của Người và xây dựng Nhiệm Thể của Người một cách thực tiễn, nhưng cũng có lời mời gọi một cách đặc biệt chỉ dành cho một số ít người. Đó là lời mời gọi những tâm hồn quảng đại dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa mà can đảm lãnh nhận thừa tác vụ do chức thánh, đó là lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh. Thật lạ lùng, Thiên Chúa đã chia sẻ quyền bính của mình cho con người, Thiên Chúa đã phong Vương cho con người, nâng con người lên hàng Khanh Tướng, hàng Thượng Tế, nâng con người lên ngang hàng với Người qua thiên chức linh mục. Từ nay, để được ở cùng với con người mọi ngày cho đến tận thế Thiên Chúa sẵn sàng “vâng phục con người” mà từ trời cao ngự xuống trong hình bánh, hình rượu khi linh mục đọc lời truyền phép.
 
Nhưng Satan đã ghen tức với “món quà tặng thật tuyệt vời này” nó luôn luôn tìm cách phá vỡ nguồn hạnh phúc và mối quan hệ khắng khít của con người với Thiên Chúa. Chính vì thế, linh mục luôn luôn là đối tượng mà Satan nhắm đến, chúng tìm đủ mọi cách để hạ gục người linh mục, chiến thuật của chúng thường là đánh chủ chiên để cho đàn chiên tan tác. Chúng dùng đủ mọi chiêu bài, mọi kẽ hở để cám dỗ người linh mục, một trong các cuộc tấn công đó là chúng thường đưa các linh mục sa vào những đam mê dục vọng. Vì chúng thừa biết rằng dù là linh mục, Thiên Chúa vẫn không cất khỏi các linh mục những đam mê tính dục yếu hèn nơi thân xác mà Thiên Chúa đã đặt vào trong thân thể con người cơ quan có nhiệm vụ lưu truyền sự sống, để mời gọi con người tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong việc tạo dựng con người.
 
Nhưng tính dục được Thiên Chúa sắp đặt để phục vụ cho tình yêu, nó giữ một nhiệm vụ rất quan trọng là giúp con người quay về với chính Thiên Chúa là tình yêu, quay về sống mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Như thế sự thu hút nhau một cách tự nhiên giữa hai người khác phái tự bản chất không phải là điều tội lỗi. Vì tính dục mà Thiên Chúa đã đặt trong con người, nó đã chi phối con người từ khi sinh ra cho đến khi trở về cùng Thiên Chúa. Tính dục là một công trình của Thiên Chúa nơi con người, như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng: “Thế nên tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người”.
 
Nhưng tiếc thay, những đam mê dục vọng, tôn thờ vật chất, tiền bạc đã trở thành ông chủ tối cao trong tâm hồn con người, trong đó bao gồm cả các linh mục, vì chạy theo danh vọng, chức quyền, thói kiêu căng, ngạo mạn, v.v…, chúng ta đã làm cho Đền Thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi thân xác mình ra nhơ nhớp, có một số các linh mục đã làm hoen ố món quà tặng cao quý là thiên chức linh mục mà Đức Giêsu đã phải đánh đổi bằng giá máu của Người.
 
Có một câu chuyện về một vị linh mục trẻ được cử về làm phó của một giáo xứ nọ để giúp cha chánh xứ một tay về các mặt mục vụ vì cha chánh xứ tuổi đã cao và hay ốm đau. Từ ngày có cha phó các đoàn thể trong giáo xứ đều khởi sắc qua năng lực và tài tháo vát, quán xuyến công việc của cha phó, từ chuyện hát hò của ca đoàn đến các hội đoàn trong xứ đều sinh hoạt rất phấn khởi và sôi nổi, ngoài tài năng của cha còn có một điều gì đó đã làm cho mọi người ngưỡng mộ đặc biệt nhất là các bà và các cô.
 
Thành thật mà nói cha rất “điển trai”, vóc dáng cao khỏe mạnh, nước da trắng hồng, mũi cao thanh nhã, cặp mắt trầm buồn như mặt nước hồ thu và nhất là một nụ cười thánh thiện đầy duyên dáng đã làm ngất ngây nhiều người, thậm chí ngay cả cánh đàn ông. Các Thánh lễ do cha phó cử hành thì thấy đông người tham dự hơn Thánh lễ do cha chánh làm, người ta nói rằng vì cha phó giảng hay hơn, nhưng có ai dám nói thẳng sự thật đang ngầm dấu kín, ấp ủ trong lòng, như một phụ nữ trong xứ đạo đã thốt ra:
 
Cha phó nhìn con, cha phó cười
Con nhìn cha phó, ruột gan sôi
Chiều nay ngắm cha phó dâng lễ
Đêm về trằn trọc nhớ khôn nguôi...
 
Thật vậy, chỉ một thời gian ngắn, cha phó đã thu hút được tất cả thiện cảm của giáo dân trong xứ nhất là các chị em ở “ca đoàn lớn” và các chị em ở “Hội con Đức Mẹ, Hội cháu Đức Bà” thì rất quan tâm đến cha phó, quan tâm đến cả sức khỏe của cha, cha chỉ hơi sổ mũi, nhức đầu thì các bà, các chị lo tíu tít nào là thuốc men và các thức ăn bồi dưỡng, nào là đường, sữa, trái cây chẳng thiếu thứ gì, dần dần rồi còn quan tâm đến cả ngày sinh nhật, ngày thụ phong linh mục của cha nữa, phải tổ chức chứ…, ai lại im lặng thế… thế là các bà, các chị tự nấu nướng, tự bày vẽ tất cả để mừng sinh nhật hoặc mừng ngày truyền chức của cha.
 
Thời gian đầu khi có việc phải vào cha phó, các bà, các cô thường đi tập thể, ít cũng phải từ ba người để tránh dị nghị lời ra tiếng vào, vào riết rồi quen, rồi từng người một, ai có việc gì thì cứ vào thẳng gặp cha chẳng còn e dè gì nữa. Đặc biệt là các “Nàng chiên ngoan hiền tre trẻ”, thích diện những bộ cánh model mới nhất khi có dịp vào cha, nếu có ai xầm xì nói đến chuyện ăn mặc thì các cô cho là quê mùa không hợp thời và còn xí cho một tiếng dài hằng cây số. “Áo thì cổ khoét sâu sâu, hông xẻ cao cao; lưng quần thì quá xệ... ” những lúc các cô lễ phép cúi đầu “con kính chào cha”, những khi các cô đưa cao tay tặng quà “con kính biếu cha”, nhiều khi cha ngượng đỏ cả mặt khi thấy các cô mặc quần áo "mát mẻ" nhưng vẫn cứ phải giả lơ.
 
Cứ thử ngẫm cái cảnh như thế này thì làm sao mà không bị chước cám dỗ; Vào một lần sinh nhật của cha phó, nàng chiên ngoan hiền ấy vào chúc mừng, ăn mặc ôi thôi thì thuộc loại model không đụng hàng lại kèm thêm đôi guốc cao gót xinh xinh, bước đi của nàng chiên không thua gì các người mẫu đang trên sàn diễn, rồi khi đang đứng bên cha trò chuyện “một cú ngã vô tình đầy tính nghệ thuật” làm cha phó giật mình hoảng hốt “Ôi! Lạy Chúa tôi. Con có sao không?”, Nàng chiên ngoan hiền được nước làm nũng, giọng nói thì kéo dài ra cho thêm phần truyền cảm, “Ứ ừ, con bắt đền cha đấy”.
 
Của đáng tội, cha mới nhậm chức chưa được bao lâu, về đây lại làm phó, cha đã có gì đâu, biết lấy gì mà đền bây giờ cơ chứ. Và rồi cha cũng tế nhị cúi xuống đỡ nàng chiên dậy, khi cha vừa cúi xuống thì mắt cha chạm phải "vùng trái cấm" qua chiếc áo rất hở cổ, làm hoa cả mắt... Đây chỉ là một câu chuyện minh họa để nói lên một thực trạng là vấn đề “yêu linh mục” và là một trong muôn hình vạn trạng các kiểu cám dỗ mà các linh mục phải đối diện.
 
Chúng ta vui mừng và tạ ơn Chúa vì tuyệt đại đa số các linh mục đã can đảm vượt thắng được các mưu chước cám dỗ của "bổn đạo" muốn được cha yêu qúi, mà vẫn vững bước trên con đường mà mình đã chọn, còn những người không cưỡng lại được cơn cám dỗ dục tình chỉ là con số ít oi, rất nhỏ.
 
Các linh mục không phải là “mình đồng da sắt”, không phải là con người khô khan mang trong mình “một con tim nguội lạnh tắt ngúm lửa tình”. Không! Các linh mục vẫn là một con người bình thường như bao con người bình thường khác, vẫn yếu hèn như bao con người yếu hèn khác. Dù là linh mục, Thiên Chúa cũng không miễn trừ cho các ngài khỏi phải đương đầu trước cơn cám dỗ, không cất đi khỏi các ngài “sự sa ngã” Vì tính dục mà Thiên Chúa đã đặt trong con người, nó đã chi phối các ngài, nó gây hấn, xâu xé các ngài, vì thế đòi hỏi các ngài phải tranh đấu, phải đương đầu với những khó khăn, để tính dục trong thân xác của các ngài không rơi vào hỗn loạn.
 
Các linh mục biết đón nhận nó, làm chủ nó, giáo hóa nó, bắt năng lực của nó đi vào khuôn phép và điều khiển nó, đưa nó vào trong việc phát triển nhân cách của mình. Các linh mục đã dùng lý trí và ý chí cùng với sự trợ giúp của ơn Chúa ban qua các bí tích, các linh mục đã chế ngự được nó. Thật gay gắt nhưng các linh mục phải luôn vượt thắng, và nhất là các ngài luôn ý thức rằng “thân xác mình là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần” cùng với ơn gọi linh mục các ngài là người thuộc về Thiên Chúa, đại diện cho Thiên Chúa vì thế các ngài còn phải là một tấm gương sáng cho đàn chiên của mình, để người đời nhìn vào đời sống của các ngài mà nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa, như lời Thánh Phaolô đã nói: "Thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế anh em đâu còn thuộc về mình nữa. Vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em" (1Cr 6:19-20).
 
Vậy, giả sử cha phó và nàng chiên ngoan hiền như câu chuyện ở trên rơi vào “đam mê tình ái” thì sao nhỉ? Ai là người đáng thương, ai là kẻ đáng trách? Cha phó hay nàng chiên?
 
Với nhửng cảnh huống như vậy, thiết nghĩ cả cha phó và nàng chiên phải biết "giữ mình" và phải cương quyết lập một "giới tuyến và khoảng cách nhất định" trong việc giao tiếp. Tất cả đều phải canh chừng và đề phòng vì Satan là kẻ luôn rình mò trong bóng đêm, tạo những cớ vấp phạm cho con người, hòng muốn tách biệt con người sống xa rời tình thương của Thiên Chúa, bằng cách là cám dỗ con người phạm tội như ngày xưa chúng đã từng cám dỗ nguyên tổ loài người.
 
Đề cập đến vấn đề tính dục và xác thịt là những cám đỗ mà ai trong chúng ta cũng phải đối diện và đó là thực trạng có thật trong đời sống, và ngay cả với những người có ước nguyện tận hiến đời mình cho Thiên Chúa trong sứ vụ linh mục. Cần phải nhìn nhận thẳng thắn và hiểu biết về sự yếu đuối, mỏng dòn nơi người linh mục để từ đó chúng ta có cái nhìn thông cảm và nâng đỡ và giúp đỡ các linh mục nhiều hơn nữa. Vì các ngài phải chiến đấu thật gay gắt và kiên trì để gìn giữ “Viên Ngọc Qúy” mà Thiên Chúa đã cất giữ trong một bình sành dễ vỡ là nơi thân xác các ngài. Dù bao cám dỗ, dù bao yếu đuối, dù mỏng dòn các ngài luôn biết dựa vào ơn Chúa để vượt thắng và quyện tròn tất cả những tiếc nuối, những cám dỗ đó trong lời kinh nguyện như một hy lễ tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa.
 
Bước trần ai giữa dòng đời sôi động,
Bao đam mê thúc giục tham sân si.
Luôn trung kiên vui tiếp bước tu trì,
Đức Trinh Khiết quyện tấm lòng chung thủy.
 
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà Thiên Chúa đang bị loại trừ một cách công khai, một môi trường xã hội đang muốn triệt tiêu những giá trị của Tin Mừng, một xã hội lấy khoái lạc, đam mê làm mục đích cuộc đời, kích thích và khai thác bản năng tính dục với mục đích thương mại, một lối sống đưa con người đặc biệt là giới trẻ chỉ biết sống hưởng thụ và bị ám ảnh bởi tình yêu thể xác, phủ nhận mọi giá trị luân lý, như phong trào sống thử, tự do luyến ái và dẫn đến tự do nạo phá thai. Chuyện nạo phá thai ngày nay không những được thực hiện một cách hợp pháp mà còn là một thành tích phải đạt được nữa.
 
Chính vì thế, sự chế ngự tính dục để vượt thắng được các cơn cám dỗ, quyết tâm tận hiến đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân, chính tấm lòng quảng đại và sự phục vụ vô vị lợi, biết dấn thân hy sinh vì người khác của các linh mục đã giúp cho xã hội này bớt đi những cơn khủng hoảng, những sự căng thẳng giữa một cuộc sống xô bồ, chính sự hiện diện của các linh mục đã làm cho cuộc sống này có một ý nghĩa cao đẹp hơn, sự hiện diện của các linh mục giữa cuộc đời này thật đáng trân trọng và quý hóa biết bao, các linh mục thực sự là một Đền Thờ sống động của Chúa Thánh Thần thật sáng chói giữa cuộc đời.
 
Linh Mục ơi! Tấm lòng vàng cao quý,
Người là hiện thân của Đấng chết vì yêu.
Rất quý trọng, mến yêu người thật nhiều,
Dâng lời kinh cảm tạ,
Dâng lời cầu nguyện ước,
Cầu chúc người luôn vững bước tin yêu.
 
Vậy khi có một linh mục sa ngã chúng ta hãy có một tấm lòng khoan dung, nâng đỡ an ủi, và tìm cách này hay cách khác giúp đỡ nhất là dùng lời cầu nguyện xin ơn Chúa đến giúp cho linh mục ấy mau chỗi dậy mà quay về với ơn gọi đích thực của mình, còn nếu như chúng ta khinh thường lại đưa vấn đề của linh mục đó ra bàn tán, chê bai, dè bỉu là chúng ta đã sập bẫy satan, nó không những đã thành công trong việc hạ gục linh mục mà còn thành công trong việc chia rẽ giữa chủ chăn và con chiên. Lần giở trong Tin Mừng ta thấy thái độ của Đức Giêsu đối với người phụ nữ phạm tội ngoại tình, với Giakêu, với Lêvi …. chúng ta cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta có một tâm tình như vậy đối với những người tội lỗi, đặc biệt là đối với các linh mục sa ngã vào đường tình ái, hơn nữa chúng ta đều là anh chị em với nhau trong cùng một Đức Tin và một Phép Rửa.
 
Một vị thánh mà không gặp thử thách là thánh giả, để chiến thắng được những thử thách trần gian, đòi hỏi các linh mục và chúng ta phải trả giá. Chế ngự được tính dục và những cám dỗ vật chất và danh vọng, nó sẽ mang lại cho người chiến thắng điều tốt đẹp, đó là "niềm vui địch thật”, và đem lại “sự tự do thiêng liêng đích thật”.
 
Vậy chúng ta hãy cảm thông cho các linh mục. Các ngài cũng là những con người yếu đuối nhưng được Thiên Chúa yêu thương mời gọi cách đặc biệt và trao ban cho một thiên chức, một sứ mạng, một nhiệm vụ phải hoàn thành. Nhưng các ngài vẫn bị cám dỗ đeo đuổi và có thể vấp ngã bất cứ lúc nào. Vì các Ngài muốn theo gương Đức Giêsu một cách trọn vẹn trong đời sống độc thân để trở nên một dấu chỉ độc đáo giữa một thế giới đầy u mê, đời sống của các ngài diễn tả một thực tại Đức Ki-tô ở giữa nhân loại chúng ta. Các linh mục là những người đã can đảm đáp lại ba lần câu hỏi của Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Ta không?” chính lời đáp trả mạnh mẽ, đầy kiên cường đó, các ngài đã trở thành mục tử nhân lành đã được Giáo Hội thay mặt Chúa Giêsu tin tưởng giao phó chăn dắt đàn chiên của Chúa.
 
Các linh mục đã trở thành mẫu gương sống động, là hiện thân của Chúa Giêsu là một Kitô khác - Alter Christus, ắt hẳn các ngài được Thiên Chúa Cha yêu thương, bảo bọc nâng đỡ một cách đặc biệt, được Chúa Thánh Thần soi sáng và đồng hành. “Vì mỗi linh mục đều là hiện thân của Đức Ki-tô theo cách thức riêng của mình, nên ngài nhận được những ơn riêng”, và bởi vậy, được vững mạnh để hành động nhân danh Đức Ki-tô theo đường lối đặc biệt (Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống các Linh mục, số 1, số 12). Hơn nữa, các ngài còn có một điểm dựa vững chắc đó là Giáo Hội. Ngoài ra, các ngài cũng còn cần đến chúng ta là những giáo dân thiện chí biết cộng tác, nâng đỡ, sẻ chia trách nhiệm và cầu nguyện cho các ngài trong tâm tình kính trọng và mến yêu.
 
Trong tâm tình mến yêu và kính trọng, xin kính tặng các linh mục đang gặp nhiều thử thách trong cuộc sống bài thơ “Lời Kinh Chiều” này với một niềm thương cảm.
 
Lời kinh nguyện chiều nay,
Lao đao hồn chới với, tâm tư con rối bời.
Lời kinh nguyện chiều nay,
Vương sầu bao thương nhớ, thầm dệt bao ước mơ.
Lời kinh nguyện chiều nay,
Lưu luyến làn mây bay, nghẹn ngào nước mắt cay.
Lời kinh nguyện chiều nay,
Xuyến xao tình nhân thế, lạc loài trong đam mê.
 
Sao còn tiếc một nụ hoa?
Ngọt ngào hương thơm quá, êm êm rót môi mềm.
Sao còn tiếc một vòng tay,
Chiều đông buồn dạo phố, hòa nhịp tim ngất ngây.
Sao còn tiếc chiều thu bay,
Thương tóc huyền buông lơi, giận hờn lệ rơi rơi.
Sao còn tiếc lời ê a,
Trẻ thơ đùa vui quá, nắng chiều vang câu ca.
 
Con dâng, con dâng Chúa! Đây con tim mọn hèn.
Con dâng, con dâng Chúa! Cuộc tình nào say men.
Xin dâng, xin dâng Chúa! Xác thân vương bụi tình.
Xin dâng bao tiếc nuối, quyện tròn trong hương kinh.
 
Lời kinh nguyện chiều nay,
Con dâng niềm tiếc nuối, con tim trót đong đầy.
Xin Chúa rộng vòng tay,
Khoan dung tình tha thứ, bụi đời con trót vương.
Xin Chúa mở tình thương,
Ban xuống nguồn ơn thiêng, dạt dào hồn trinh nguyên.
Để kinh nguyện chiều mai,
Hướng tâm hồn lên Chúa, nồng nàn tình đắm say.
 
Con dâng, con dâng Chúa! Đây con tim dại khờ.
Con dâng, con dâng Chúa! Cuộc đời và ước mơ.
Xin dâng, xin dâng Chúa! Trái tim yêu đượm tình.
Xin dâng bao thương nhớ, quyện tròn trong hương kinh.
 
Lạy Trái Tim nhân lành Chúa Giêsu Kitô xin ban ơn thánh hóa và gìn giữ các linh mục của Chúa, vì thế giới này đang cần đến sự hiện diện của các ngài biết bao. Amen
 
-Mặc Trầm Cung-

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

TÌNH YÊU VỚI CHÚA

“ Bố mẹ yêu quý,
Con đi tu đây ạ. Bố mẹ nhớ giữ sức khỏe nhé, con yêu bố mẹ nhiều. Nguyện xin tình yêu Chúa Giê su chúc lành cho gia đình mình.
Con gái của bố mẹ
con bé Tâm. ”
Ông Nam đưa tờ giấy cho bà, tay vịn chặt vào thành ghế, im lặng. Còn bà thì cứ khóc mãi không thôi và luôn miệng gọi: “Con ơi, đừng đi nữa, con về với mẹ đi con ơi… “
- Bà có im không nào! Con hư tại mẹ, còn khóc lóc gì nữa, tôi đã bảo bà phải trông nó mà. . . ông Nam ngắt lên.
Chiều tàn, mặt trời đi qua tháp nhà thờ kéo theo một vệt dài giâm mát tạo thành một khoảng không gian đẹp dưới sân nhà ông Nam, hương thơm của hoa lan bay khắp nơi. Ông Nam ra hiên hút thuốc, khói thuốc bay khắp gian nhà, những tàn thuốc đỏ còn rơi xuống đất, vẫn đang nhen nhóm đốm lửa. Ông Nam cau lông mày này, đầy vẻ tức giận và buồn bực. Bà dựa lưng vào cửa nhà, nước mắt bà chảy xuống ướt đẫm vùng ngực, bà nhìn ra cửa chờ con trở về. Bé Nga run sợ dúi mình vào lòng mẹ, nhìn mẹ khóc Nga cũng khóc theo hu. . . u. . u…Bà lại đưa tay vuốt lên mái tóc Nga, nín đi nín đi con. . .
Ông Nam quát to:
- Có nín đi không còn khóc gì nữa! Bà dạy con cái kiểu đó đấy à? Tôi đã nói rồi mà bà không có nghe, suốt ngày kinh với sách chẳng được cái tích sự gì.
Bà khóc:
 - Nào tôi đâu có muốn như vậy, sao ông cứ trách hết vào tôi? Con là do mình tôi dạy à?
Ông Nam yên lặng như đang suy tính một chuyện gì sâu xa lắm, đôi mắt ông lặng xuống, tay ông buông xuống như người không còn sức lực. Ông Nam uống rượu và nói luôn miệng: “Giê su ơi, ông mang con gái về cho tôi đi, ông đừng tranh con của tôi nữa. . . con ơi, về với bố mẹ đi con. . . . ”
Khói thuốc lá bay hòa vào mùi rượu xông lên nồng nặc, ông Nam đang mơ, say hay tỉnh ông cũng không biết nữa? Chuyện xưa chạy lại như một cuốn phim dài về đời người. Ông Nam nhớ cái ngày ông bắt Tâm đi nhà thờ, còn phần ông không bao giờ tin vào Chúa.
“ – Hôm nay, mày đi nhà thờ, tao trông nhà cho.
Con không đi đâu ạ, con ở nhà xem phim thích hơn nhiều.
Phải đi, tao không nói nhiều đâu đấy.
Con không đi, Tâm hét lên.
Có đi không tao đánh bây giờ? Phải đi…
Tâm cúi mặt xuống…”
Những hình ảnh đó lúc hiện ra lúc rõ nét, khi thì lại mờ mờ trong tâm trí ông Nam. Chính ông lại không ngờ, con bé chăm đi nhà thờ đến vậy. Ông Nam nhớ con, nhớ ngày Tâm học đại học, ông đã rất lo sợ nó đi tu và đã căn dặn nhiều lần.
“ – Đi học phải chăm chỉ, không được nhà thờ nhà thánh.
- Nhưng nhà thờ là điểm tựa của con, Thánh Lễ là hơi thở của con và Chúa Giê su là sự sống của con. Con không thể bỏ được, con xin lỗi bố.

- Nhà này không có cái kiểu đó đâu, con với cái, vớ vẩn, đường xuôi không đi, cứ thích đi ngược…”
Chỉ cần nhớ đến vậy nước mắt ông Nam rơi trên má. Ông Nam buồn và tự trách lòng, giá như ngày đó mình không bắt nó đi nhà thờ, thì bây giờ nó không thế, giá như… giá như… Ông Nam vơ lấy chai rượu đưa lên miệng nhưng ông không còn cảm thấy cay trên sống mũi nữa. Ông Nam luôn miệng: “ Ông Giê su ơi, ông mang con gái về cho tôi đi…”
Trong men rượu ấy, ông Nam vẫn nhớ về lời của mấy bà hàng xóm nói chiều nay khi ông đi ngang qua: ” Nhà ông đấy có con gái hư, cho chết cái tội không đi nhà thờ”, có người còn nói: ” Chúa phạt đó, tưởng con đấy ngoan, ai dè nó cũng đi theo trai. . . “, ” Đi xem được bao lâu, không khéo vác cái bụng về thì xấu mặt xóm đạo”. . . Ông Nam thấy lòng mình đau quá, tim co thắt lại từng đợt, người ta đã nghĩ về con bé Tâm vậy sao?
Ông Nam không một lời giải thích, cũng không thể chịu đựng được những tai tiếng đó. Ông Nam quyết định đi tìm con. Trên đường đi ông hỏi thăm các dòng tu. Ông Nam mang theo tiền khi tiêu hết ông kiếm việc làm thêm, từ việc rửa bát, gánh nước, . . . mỗi một công việc ông làm một thời gian, khi kiếm đủ số tiền cần thiết ông lại ra đi. Ông Nam ngủ ở gầm cầu, chợ. . . Khi ở xa ông Nam chẳng quen ai, nhưng ông Nam luôn nói chuyện với Chúa Giê su mà ông đã ghét. Ông Nam đã được nghe kể và gặp các linh mục tình nguyện đến vùng sâu vùng xa sống cùng người nghèo để phục vụ và rao giảng Tin Mừng, có những linh mục sống nghèo khổ trong các đan viện để cầu nguyện. Còn có những dòng tu nữ luôn chăm sóc yêu thương người bị bệnh, trẻ khuyết tật… Ông Nam được gặp những người giáo dân sống theo Chúa, luôn chia sẻ quan tâm giúp đỡ người khác, ông bà già dành tiền để giúp đỡ người nghèo, thiếu nhi tham gia chiến dịch “ bát cơm mùa Chay”…Ông Nam suy nghĩ, và không hiểu sao họ có thể hy sinh đến như vậy? Chúa là ai mà khiến họ sống vì nhau đến thế? Những câu hỏi đó luôn ở trong lòng ông.
Ông Nam vẫn đi tìm con, ở thành phố hay nông thôn, nơi nào ông Nam cũng đi đến. Một ngày, ông Nam dừng lại ở vỉa hè. Bỗng có một thằng bé lao qua trước mặt ông, người phụ nữ ở đâu chạy theo và nói vọng lên: “ Dừng lại, dừng lại con…” Nhưng thằng bé đã ngã xuống đất, người phụ nữ đó đến bên nâng nó dậy và phủi đi cát bẩn bám vào quần áo thật nhẹ nhàng và cẩn thận. Ông Nam quan sát những gì đã diễn ra. Khi người phụ nữ đó đi qua, ông Nam thấy dáng người và giọng nói đó rất quen, cổ họng nghẹn lên, mãi ông mới nói ra lời: “ T…â…m, Tâm đó phải không con?”
Người phụ nữ đó quay lại nhìn một lúc lâu, nước mắt chảy hai bên gò má, ngậm ngừng rồi thốt lên: “ Bố, bố ơi… bố …”.
Ông Nam nhìn con không nói năng gì, ông Nam vội kéo Tâm đi. Thằng bé hét to lên: “ Không, con không cho dì Tâm đi đâu. Ông đừng bắt dì tâm rời xa con. ” Ông Nam vẫn kéo tay và lôi Tâm đi thật nhanh. Thằng bé đuổi theo được hai bước chân nó vấp ngã xuống đất, nó đưa tay sờ vào khoảng không vô định, nhưng nó không thể tự đứng lên được. Tâm vội chạy đến bên thằng bé và dỗ dành: “ Dì không đi đâu con, dì sẽ ở đây với con”. Lúc này, ông Nam mới kịp nhận ra thằng bé không nhìn thấy gì. Ông buông lỏng tay xuống, quay mặt đi.
Tâm mời bố và dắt thằng bé vào nhà dòng. Ông Nam được biết Tâm cùng mọi người đã làm nhiều việc tốt. Khi hiểu và nhìn thấy những mảnh đời của đứa trẻ không cha mẹ, trẻ khuyết tật, những đứa trẻ được sinh ra làm người, nhưng lại không được coi là người … mà ông Nam thấy yêu và nhớ Tâm bao nhiêu thì ông cũng lại lo lắng và thương những đứa trẻ đó bấy nhiêu.
Những ngày ở lại nhà dòng, cũng chính là lúc ông Nam cảm nghiệm về niềm tin của con người dành cho Chúa, hiểu hơn những việc của nhà dòng và Tâm đang làm. Thật ý nghĩa và hạnh phúc khi con người biết cho đi những gì đáng quý của mình, để Tình Chúa và tình người hòa vào làm một. Khi về nhà ônng Nam có nói với Tâm: ” Con là niềm tự hào của cả nhà, hãy đến cùng Chúa đi, và đừng lo lắng gì cho bố mẹ nữa nhé. Con cứ sống hạnh phúc, còn phần bố mẹ đã phó thác cuộc đời còn lại ở bên Chúa”.
-adgs trích GVTĐT Mã số: 14-082-