Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Con Xin Làm MaSouer Nhỏ


Chúa ơi yêu con nhé
Để mầu áo ngây thơ
Mầu hoa nắng đơn sơ
Mãi mãi không phai mờ
Chúa ơi yêu con nhé
Cho con là masoeur
Yêu lời kinh nhè nhẹ
Bên nắng hè rộ hoa
Yêu ánh lửa nhà chầu
Trong chiều đông buồn bã
Chúa ơi yêu con nhé
Gọi con là ma soeur
Trong tình yêu tuyệt vời
Để mãi mãi ngàn đời
Con là ma soeur nhỏ
Của một mình Chúa thôi
-adgs Lm Nguyễn Tầm Thường-

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Nắng Thiên Ân


Nắng xinh xinh đón gió hạ huyền
Nắng tinh tuyền hạt chuỗi Mân Côi
Nắng yêu ôi rạng soi mãi nhé
Nắng chia sẻ cuộc sống tha nhân
Nắng chiếu ân Chúa Trời ban phát 
Nắng mãi hát nhạc khúc tạ ơn
-adgs-BCT-

Nắng Mùa Hạ


Nắng mùa hạ muôn hoa tươi nở
Nắng lung linh rực rỡ bên thềm
Nắng bình minh chan hòa sức sống
Nắng trưa hè đốt cháy tội khiên
Nắng hoàng hôn Giáo Đường chuông đổ 
Nắng dịu dàng thánh thót nhạc kinh
-adgs-BCT-

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Ơn Thiên Triệu


Đẹp thay ơn gọi tu trì
Hồng ân huyền nhiệm Chúa ban cho người
Như xưa gọi các tông đồ
Theo Ta, Ta sẽ cho anh lưới người.
Từ xưa Chúa đã gọi con
Dù con không xứng, không hay biết gì
Khả năng, tài cán của con
Như là hạt bụi mong manh giữa trời
Khát khao phụng sự Chúa Trời
Con xin đáp lại tự do theo Ngài
Hy sinh, từ bỏ, dấn thân
Cho Thiên Chúa cũng là cho con người.
Hôm nay Chúa vẫn kêu mời
Bước theo Ngài gọi mở mang nước Trời
Ươm mầm ơn gọi thánh thiêng
Giữa lòng thế giới bao la kiếm tìm.
Nguyện Xin Thiên Chúa là Cha
Hiệp thông với Chúa Con trong Thánh Thần
Mênh mông đồng lúa ngát hương
Sai nhiều thợ đến gặt bông lúa vàng.
-adgs -Jos HMH-

Tâm Tình Hiến Dâng



Con là chi mà Chúa yêu, Chúa mến
Đặt vào lòng tiếng mời gọi hiến dâng
Để bao ngày vẫn khắc khoải đi tìm
Mong trao hiến cho mối tình Thượng Đế!
“Hãy Theo Thầy”, để trong từng biến cố
giúp sáng lên tình dâng hiến cao vời
dẫu cho lòng hẳn có lúc chơi vơi
Nhưng theo Chúa là một đời hạnh phúc!
Nguyện đi tu, dẫu có nhiều vinh nhục
Vui ngân nga tình khúc: “Sống nương nhờ!”
Vào tình Chúa, cả một đời tín thác
góp lửa hồng cho cuộc sống thêm vui!
Xin Chúa giúp để lời con đoan hứa
Thuộc về Ngài mãi quảng đại hiến dâng
Phụng sự Ngài mà không chút ngại ngần
Chỉ xin Ngài, ban thật nhiều ân sủng!
- adgs - Giuse Phạm Đình Ngọc-

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

YÊU EM BẰNG MỘT TÌNH YÊU KHÁC


Anh và em, đôi bạn thân từ bé
Thuở tâm hồn còn trong trắng thơ ngây
Cứ vui chơi ca hát suốt đêm ngày
Chẳng ưu tư, chẳng muộn phiền... lo lắng.

Đến một ngày khi đôi ta vừa lớn
Trái tim hồng rung nhịp đập đầu tiên
Biết ước mơ đến một cõi bình yên
Chỉ hai người, tay trong tay dạo bước.

Tóc em mềm như bóng trăng lả lướt
Má em hồng nét đẹp tuổi đôi mươi
Đôi môi xinh trang điểm những nụ cười
Để lòng anh thương thầm rồi trộm nhớ.

Anh mong sao tơ Trời xe chỉ đỏ
Cho đôi mình mãi mãi được gần nhau
Hai con tim kết nối những nhịp cầu
Cùng dựng xây một Thiên Đường hạnh phúc.

Nhưng dường như đó chỉ là điều ước
Một điều ước âm thầm của riêng anh
Bởi tim em dù có chỗ cho anh
Em cũng dành tình yêu cho Người nữa.

Người là Đấng em kính tôn từ nhỏ
Trong thâm sâu, qua lời nguyện chân tình,
Em đã nghe Đấng ấy mời gọi mình
Tiến dâng Người một lễ dâng trinh khiết.

Dẫu trong tim vương giọt buồn nuối tiếc
Anh dặn lòng cố nở nụ cười tươi
Khi nhìn em khoác tu phục lên người
Em hiến trọn cuộc đời cho nhân thế

Sống hy sinh, âm thầm và lặng lẽ
Vui niềm vui của bổn phận hàng ngày
Yêu hết mình và phục vụ hăng say
Chỉ cho đi, mà không chờ đền đáp.

Nếu tim em luôn cảm thấy ấm áp
Thì lòng anh cũng hạnh phúc, an vui
Anh vẫn yêu em, yêu suốt cuộc đời
Bằng một tình yêu, không hề chiếm giữ.

Pr. Phạm Hoài Nam, Sj

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Giới Trẻ Công Giáo Ngày Nay

Giới trẻ là nền tảng và là sức mạnh của Giáo hội cũng như xã hội ngày hôm nay. Giới trẻ là những con người tri thức, năng động, nhiệt thành và đầy sức sống như ngọn lửa luôn bừng cháy. Không những thế, giới trẻ công giáo còn mang trong mình một “tin mừng”, một sứ mạng cao cả là làm chứng cho Chúa và đem Lời Chúa đến với mọi người.
Là một người trẻ hôm nay, bạn thử hỏi xem mình đã là một người trẻ thực sự chưa?
Mình đã là một người Kitô Hữu trẻ thực sự chưa?
Thực tế cho chúng ta thấy, người trẻ hôm nay đang ngày càng đánh mất những bậc thang giá trị đạo đức vốn có của mình. Họ vứt bỏ những giá trị đạo đức mà họ vốn có ngay từ ban đâu. Từ là nền tảng, là sức mạnh thì họ lại biến mình thành mối lo ngại, mối hiểm họa cho chính gia đình và cho cả xã hội ngày nay.
Về mặt công giáo, thì giới trẻ đang ngày càng đánh mất những bậc thang giá trị tâm linh mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi con người. Từ đó, hình ảnh của Chúa nơi họ ngày càng phai mờ, đức tin của họ ngày một nhạt đi. Dường như họ không có trách nhiệm gì với sứ mạng cao cả Thiên Chúa ban cho mình. Trái lại sự phai mờ, sự nhạt đi đó càng tiến triển dần theo năm tháng. Và họ đang đưa mình vào vòng xoáy của vô thần, của chủ nghĩa duy vật.
Giới trẻ chỉ thích chạy theo những ham muốn, những đam mê, những lạc thú ở thế gian này. Tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, cầu nguyện thì họ lại cho là nhàm chán, vô bổ. Những sự giả dối, sự bất công thì giới trẻ lại cho đó là những cái không thuộc phạm vi của mình, không cần quan tâm. Thật đáng buồn ?
Giới trẻ con thể ngồi nhậu nhẹt, đánh game hàng giờ đồng hồ, nhưng họ lại không thể ngồi đọc kinh, cầu nguyện được một giờ. Giới trẻ đọc truyện, đọc tiểu thuyết tới cả trăm trang nhưng với một trang lời Chúa họ cũng không đọc nổi. Giới trẻ có thể xem phim, nghe nhạc liên tục nhưng với chỉ một bài Thánh ca, một đoàn phim Công giáo thì họ cảm thấy nhàm chán. Giới trẻ có thể đi đây, đi đó nhiều lần nhưng họ không thể đến Nhà thờ dù chỉ là một lần trong tuần, và nếu có đến thì cũng mang tính chất chiếu lệ. Giới trẻ có thể học và nhớ được hàng trăm công thức, hàng ngàn định lý, nguyên tắc nhưng chỉ có Giáo Lý cơ bản thôi họ cũng không biết gì. Giới trẻ có thể luôn nhớ tới người yêu trong từng giây, từng phút nhưng với Chúa thì họ lại lãng quên cả một thời gian dài. Giới trẻ ngày nay chỉ để ý đến các ngôi sao, những người nổi tiếng…. nhưng ngay bên họ những người bị bất công, bị áp bức bóc lột, những cảnh đời éo le thì họ lại không hay biết gì. Có khi đó là những người thân của, người anh em nhưng họ vẫn thờ ơ và trốn tránh.
Còn bản thân mình thì thế nào?
Giới trẻ đã đặt ra cho mình những học thuyết, chủ nghĩa vớ vẩn nhằm làm vỏ bọc, làm nền tảng cho những hành động của mình. “trẻ không chơi thì già hối hân” hay “đạo tại tâm thôi” hoặc chủ nghĩa mackênô ( mặc kệ nó ) …. Chính những cái học thuyết, chủ nghĩa đó đã dần đưa họ xa cách cái đích mà họ đang cần đến. Chính những cái đó đã làm họ mất đi những giá trị quý giá mà họ đáng được hưởng. Chính những cái đó làm cho đức tin của họ ngày càng mai một và mất đi. Và chính những cái đó dần dần sẽ đưa họ đến sự chết đời đời.
Giới trẻ ngày nay xem việc đi Lễ, đọc kinh, cầu nguyện như một nghĩa vụ, một trách nhiệm chứ họ lại không nghĩ đó là quyền lợi mình có và đáng được hưởng. Họ đến nhà thờ không phải để gặp gỡ Chúa, cầu nguyện với Chúa, không phải tìm sự bình an nơi Ngài mà họ chỉ đến để chu toàn nghĩa vụ, để hoàn thành trách nhiệm của một người Kitô Hữu. Có khi họ chỉ đến với mục đích gặp gỡ giao lưu, tiệc tùng, tán gẫu với bạn bè, hay một mục đích khác ngoài Thiên Chúa. Giới trẻ đã biến sự tự do thành những quy định, những nguyên tắc, và họ xem những việc đó như là sự ràng buộc cho bản thân.
Phải chăng đức tin của giới trẻ ngày nay là như vây?
Nhìn lại chúng ta xem, là những người Kitô Hữu trẻ, chúng ta đã sống, đã làm, đã suy nghĩ đúng như những gì Thiên Chúa ban cho ta chưa? Mỗi chúng ta là một hình ảnh của Chúa, chúng ta đã “ tô điểm ” cho hình ảnh đó ngày càng tốt đẹp hơn chưa? Để mỗi một ai khi nhìn thấy chúng ta là họ nhìn thấy một Đức Kitô – là Tình yêu, là sự thật và là sự sống đời đời.
Mỗi người trẻ hôm nay hãy sống Đức Kitô, cho Đức Kitô, trong Đức Kitô và ở lại trong Đức Kitô để chúng ta đủ can đảm, đủ Thần Khí chống lại mọi cám dỗ của thế gian, của xã hội, của những thế lực ma quỷ.
Đặc biệt hơn chúng ta là những người Việt Nam, chúng ta hãy lấy tinh thần của Đức Kitô để can đảm, dấn thân cho công lý, cho sự thật giữa một xã hội bất công, một xã hội làm con người mất hết đạo đức, mất hết tính người. Để mỗi chúng ta là một chứng nhân cho Chúa giữa thế giới này.
-adgs -J.B Lê Đình Nam-

Hy Sinh

Người ta thường ngưỡng mộ những tâm hồn cao thượng. Còn người cao thượng không có ý nghĩ nhỏ nhen, tầm thường, nhưng có cái nhìn quảng đại, rộng lớn. Cao thượng không phải là tham vọng, mà là sống tối đa giá trị làm người của mình, là vươn lên, là rộng mở, là khao khát và thực thi những giá trị chân thiện mỹ. Đức ái đòi hỏi sự cao thượng, và cũng làm cho tâm hồn con người dần dần trở nên cao thượng. Suy nghĩ về sự cao cả của con người, nhiều triết gia đã phải thốt lên những lời tán tụng. Platon nói : “Đẹp thay con người đích thực là người”. Psichari : “Cái quyền được làm người thực là kỳ diệu”. Sự vĩ đại của con người hệ tại ở tình yêu và tự do, và thể hiện bằng quan hệ với Thiên Chúa và tha nhân. Đức ái làm cho con người có khả năng vượt qua mọi giới hạn.
Cao thượng là hòa điệu giữa ân sủng và tự do, giữa tình yêu của con người và tình yêu của Thiên Chúa, giữa nỗ lực tự nhiên và ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Theo Pascal, dấu chỉ tâm hồn cao thượng nơi người Kitô hữu là : “Làm những việc nhỏ một cách cao cả, vì sự vĩ đại của Đức Kitô, Đấng đang sống và hành động trong chúng ta ; làm những việc lớn mà coi như nhỏ và dễ dàng, vì tin vào sự toàn năng của Người”. Người Kitô hữu vĩ đại do sự hiện diện của Chúa Kitô trong mình. Khả năng ngưỡng mộ người khác cũng là một dấu chỉ cao thượng, dấu chỉ một tâm hồn sống rộng mở, biết chiêm ngưỡng, đón nhận những giá trị đến từ bất cứ nơi nào.

Hiền lành không phải là lù đù, là yếu mềm hay lãnh đạm, ít nhạy cảm trước sự dữ. Nhân đức hiền lành là biết tiết chế sự giận dữ, làm chủ sự phẫn nộ của mình. Phẫn nộ trước sự dữ, nhưng không phẫn nộ đối với con người là dấu chỉ sự hiền lành sâu thẳm. Hiền lành là một đặc tính của đức ái sáng suốt phân biệt tội lỗi và tội nhân. Chúa Giêsu tự xưng là người hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Người thương yêu các tội nhân và những người yếu đuối nghèo khổ. Người mời gọi chúng ta noi gương Người. Nhưng Người đã tỏ ra cứng rắn với sự giả hình và sự cứng lòng.
Đối với đa số chúng ta, hiền lành là kết quả của một sự chiến thắng không ngừng những bực tức nảy ra trong lòng. Người hiền lành đích thực là một tâm hồn luôn hướng về sự thiện, là một tâm hồn dào dạt tình yêu, chỉ muốn sự lành cho người khác, không bao giờ muốn làm hại ai, không muốn cho người khác buồn phiền đau khổ vì mình, nhưng sẵn sàng chịu đau khổ vì kẻ khác. Hiền lành cũng là một nhân đức nằm trong Tám Mối Phúc Thật, phản ánh lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Người hiền lành không phải là người không bao giờ mất lòng kẻ khác, vì thiếu can đảm nói lên sự thật, hay vì một nhu cầu tình cảm bệnh hoạn, nhưng là một người tử tế, dễ thương, biết sống, biết ăn ở, là một người tế nhị biết để ý tới nhu cầu của người khác, biết làm đẹp lòng tha nhân trong những điều lành mạnh.
-adgs Trích CÁC NHÂN ĐỨC KITÔ HỮU-

Hạnh Phúc Hiện Tại

Bước vào đời, ta được nâng đỡ bởi những con người mà ta gọi là bạn. Những người bạn là những người-thân-không-huyết-thống với ta. Dù không chảy cùng một dòng máu với ta, nhưng bạn bè có khi hiểu ta và giúp ta hiểu mình hơn bất kỳ người nào khác. Tình bạn ngày càng được thắt chặt qua những kỷ niệm buồn vui, những lúc cùng nhau vượt qua bao gian khó. Ấy vậy mà có khi, vì sự ích kỷ, vì những hờ hững hay vô tâm của mình, mà ta nỡ đan tâm phản bội lại tình nghĩa ấy, buông ra những lời lẽ cay độc làm tổn thương người bạn dấu yêu. Mất đi một người bạn, ta mất đi một nguồn trợ lực, mất đi một cơ hội để làm đời mình thăng hoa.



Ta có một thời trẻ tuổi, thời của sự sung sức và bao ý tưởng táo bạo. Đây là lúc ta được cung cấp và trang bị cho biết bao nhiêu thuận lợi để tích lũy vốn liếng cho bản thân. Chẳng có thời khắc nào chan chứa niềm vui và kỷ niệm như thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là thời khắc mà bao năng lượng và sức mạnh trong người tuôn trào đến mức đỉnh điểm nhất, để giúp ta hấp thụ vào trong mình những kiến thức và bài học cần thiết. Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta lại sử dụng năng lượng này vào những mục đích sai lệch. Thay vì chuẩn bị hành trang để bước vào đời, ta lại thích chứng tỏ mình, thích ngông nghênh, thích nuông chiều theo những đam mê lạc lối. Tuổi trẻ qua đi, ta phải lớn lên và bước vào cuộc sống. Đến lúc này, ta mới thấy mình chẳng biết phải làm gì, phải bắt đầu từ đâu, dựng xây đời mình thế nào. Lạc lõng và chơ vơ, ta thấy tiếc cho một thời nông nỗi. Bạn bè cùng trang lứa của mình đã chắp cánh bay đến những miền xa, vui hưởng cuộc sống trong an nhàn và thoải mái. Còn mình thì cứ mãi vùng vẫy giữa đám bùn đen, phía trước, bên cạnh, đàng sau, chẳng tìm thấy nơi đâu một tia sáng.

Có biết bao điều tuyệt vời khác mà ta đang sở hữu trong tay. Chúng là những món quà mà Tạo Hóa tặng ban cho ta. Không biết trân trọng nó, không biết gìn giữ và làm cho nó được thăng tiến thì cuộc sống của ta chẳng thể nào đi đến đỉnh cao của hạnh phúc và bình an được. Từng tương quan, từng cơ hội, từng con người… đều đòi buộc ta phải cẩn trọng và nâng niu như bảo vật quý quá. Sẽ thật buồn khi ta cứ mãi sống trong tiếc nuối vì đã lỡ tay làm vỡ chiếc bình ngọc, thay vì sử dụng nó để trang điểm cho cuộc sống của mình. Hãy nhớ rằng, hiện tại là món quà của Tạo Hóa. Những gì đang có với ta vào giây phút hiện tại là từng nén vàng Tạo Hóa gửi gắm cho ta. Trước khi nó bị thời gian mang đi, hãy sử dụng nó thật tốt và hiệu quả để phục vụ cho cuộc sống của mình. Sống làm sao để khi nhìn lại quá khứ, ta có thể mỉm cười được, ta mới không cảm thấy uổng phí cả một đời.

-adgs -Pr. Lê Hoàng Nam, SJ-

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Hoa trắng


Con là một loài hoa trong muôn loài hoa nở gần xa. 
Xin hát dâng lên Người một bài ca chan chứa niềm vui. 
Một bài ca tri ân, một bài ca dâng Chúa từ nhân.
Hoa đâu dám chi khoe mình, nhờ hồng ân hoa mới đẹp xinh.

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Hoan ca Phục Sinh


Chúa tôi đã Phục sinh rồi
Hồn tôi vui hát, lưỡi tôi reo mừng
   Đêm nay ánh nến sáng trưng
Mắt tôi hạnh phúc rưng rưng lệ tràn
   Tôi tin Lời Chúa muôn vàn
Người từng đã hứa Thiên đàng cho tôi!
 
   Ba ngày trong cõi xa xôi
Ba ngày huyệt mộ khúc nôi đắng lòng
   Chìm sâu xuống ngục tổ tông
Người đưa hết thảy nhẹ không về trời
   Bây giờ các thánh rạng ngời
Trên nơi Thiên quốc hiệp lời tụng ca...
 
   Bây giờ tôi đã hiểu ra
               Vì yêu mặc lấy phận người
Để rồi khổ lụy, để rồi hy sinh
   Người cho tôi hiểu chữ tình
Viết bằng giá máu con tim của Người!
 
   Người khuyên tôi sống ở đời
Phải đi cửa hẹp, để rồi phục sinh!
   Người ban hơi thở Thánh Linh
Cho tôi nhận biết mối tình thâm sâu
   Đêm nay ánh sáng nhiệm mầu
Giục lòng tôi hát vang câu khải hoàn!
                        Đêm vọng Phục sinh năm 2013
                    -adgs-    Vũ Thủy

Bếp lửa và ánh nến phục sinh


Lửa phục sinh (Osterfeuer/ Easterfire)
Người ở vùng quê sống đời nông nghiệp vui mừng mùa đông giá lạnh đi qua, xuân đến bắt đầu gieo trồng rồi gặt hái, nguồn gốc lửa phục sinh ngày xưa được đốt lên từ những cánh đồng trong đêm đầu tiên phục sinh, từ đó sẽ thắp lên ánh nến phục sinh. Ngọn lửa sưởi ấm mùa đông dài lạnh lẽo vì thời xa xưa không đủ tiện nghi như ngày nay có lò sưởi điện..Người Ai Cập từng tôn thờ thần mặt trời xem ánh lửa như thần thiêng. miền bắc Na Uy không có mặt trời, mặt trời tái xuất hiện vào cuối tháng giêng khoảng 4 phút, học sinh ở Trombo nghỉ học một ngày để chào mừng ánh mặt trời, ngược lại mùa hè đêm 23 tháng 7 thì mặt trời không hề lặn, không có mặt trời thì trên trái đất nầy sẽ không có sự sống, vì thế ánh lửa phục sinh cũng là nguồn sống của con người, lửa phục sinh tượng trưng cho ánh sáng mới mà chúa đã mang đến cho chúng ta, từ năm 750 ở Pháp đã có phong tục đốt lửa phục sinh, thời sơ khai người ta dùng hai hòn đá đánh cho xẹt ra lửa, rồi từ từ biết dùng khí đốt. Đến thế kỷ thứ 11 ở Đức đã dùng ánh lửa như một sự dâng hiến trong các nghi lễ về Tôn giáo.
Nến phục sinh (Osterkerze/ Eastercandle)
Các Tôn giáo đều sử dụng nến (đèn cầy) đốt sáng trên bàn thờ, ánh sáng nến có thể đem vào nơi tối tăm, năm 384 lần đầu tiên ở Piacenca thánh Hieronymus (347- 419) viết trong thư Tôn đồ về ý nghiã biểu tượng của nến phục sinh là sự sống .đến năm 417 Giáo Hoàng Zosimus cùng công nhận biểu tượng đó là sự chết và sống lại của Chúa Jesus. Từ thế kỷ thứ 7 thánh điạ La Mã công nhận và sử dụng nến phục sinh cho đến thế kỷ thứ 10 được các quốc gia theo Thiên chúa sử dụng cho đến thế giới ngày nay .
Nến Phục sinh được đốt lên từ đống lửa trước nhà thờ trong đêm phục sinh được thánh hóa theo phong tục lâu đời. Nến đốt sáng được rước vào nhà thờ, Tín đồ sẽ thắp nến của mình từ cây nến phục sinh cả nhà thờ được rực sáng bởi ánh nến là dấu hiệu của sự sống, chiến thắng được tội lỗi và sự chết. mọi người reo mừng "Christus ist das Licht- Gott sei ewig Dank" Ngày phục sinh cây nến có ghi hình thánh giá hay khắc tia ánh sáng mặt trời hay dòng nước..Trên nến có cắm 5 dấu đinh, phía trên ghi mẫu tự Alpha và bên dưới mẫu tự Omega với ý nghiã đầu tiên và cuối cùng của tiếng Hy Lạp, tượng trưng cho chúa Jesu là khởi đầu và cuối cùng, chung quanh cây nến ghi năm để nói lên " Chúa Jesus là Đấng cứu độ từ khởi đầu, hôm nay và mãi mãi "Trong các lễ rửa tội, hay lễ an táng nến phục sinh được đốt sáng.
-adgs-

MỪNG CHÚA PHỤC SINH



Tình yêu Ngài thánh hoá nhân gian
Biết tìm đến Chúa vinh quang
Biết dọn mình khỏi khô khan phần hồn
Chúa sống lại trên cây Thánh Giá
Thế gian mừng ngày lễ Phục Sinh
Mọi người sống với đức tin
Lòng con sung sướng tôn vinh danh Ngài
Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá
Con mỗi ngày thương quá nhìn lên
Thấy đời thôi hết bấp bênh
Con xin cảm tạ ơn trên mỗi ngày
-adgs - Đỗ Hữu Tài-

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Giới trẻ chầu Thánh Thể

Lạy Chúa-Giêsu-Chịu-Chết-Và-Phục-Sinh vì chúng con.
Xin cho chúng con biết yêu mến, tôn sùng và sống Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày trong đời.
Xin dùng chúng con như khí cụ trong tay Chúa để thánh ý Cha được vẹn toàn, như xưa trong vườn Cây Dầu Chúa đã nguyện cầu cùng Cha: “Xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt26,39).

Giới trẻ chầu Thánh Thể