Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Hãy cầu nguyện với Maria. Xin đừng quên Mẹ

Hãy cầu nguyện với Maria
Xin đừng quên

Dâng Mẹ


Nơi thôn dã đến chốn phồn hoa,
Thời gian đời người lần lượt qua. 
Lời kinh sớm chiều còn vọng mãi,
Tồn tại vĩnh cửu không phai nhòa.

Nào những bé thơ lẫn cụ già,
Từ con cháu tới bậc mẹ cha,
Cùng nỗi niềm dâng Mẹ khả kính,
Ngước trông lên lòng Mẹ bao la. .

Nam, nữ tu sĩ nơi nguyện đường,
Dâng lên chúa hết tình luyến thương
Trọn niềm tin suốt đời tận hiến,
Theo gương Mẹ ngập tràn yêu đương

Xin hãy xót thương hỡi Mẹ ôi !!
Kiếp lưu đày như kẻ mồ côi.
Van xin đời, đời luôn ngoảnh mặt,
Chỉ biết trông lên Mẹ mà thôi.

Cầm trong tay tràng hạt Mân Côi,
Yêu Mẹ lặp mãi trên bờ môi,
“Kính mừng Mẹ, Mẹ đầy ơn phước”.
Gẫm lời kinh xao xuyến bồi hồi.

Đời người cuối cùng cũng ra đi
Đều mong sao giây phút sinh thì.
Mẹ hiện đến vỗ về an ủi,
Thương người ở lại, kẻ chia ly

-NNT- Paul Nguyễn Minh thông-

Người con gái đi tu


Có lần tôi hỏi vài em gái trong xứ: Tụi con vui hơn hay các em đệ tử vui hơn? Chúng trả lời: Đệ tử vui hơn. Tôi hỏi tiếp: Vậy sao chúng con không đi tu để được vui vẻ như các đệ tử? Chúng trả lời: Kỷ luật, ít tự do…

Xin kính cẩn nghiêng mình khâm phục các cô gái đi tu…

Kỷ luật:
Kỷ luật làm nên sức mạnh. Kỷ luật giúp chúng ta nên người. Thử hỏi ai không kỷ luật mà có thể thành công…Muốn thi đậu, phải chịu kỷ luật: Học nhiều chơi ít. Muốn trình diễn thành công, phải chịu kỷ luật: Tay đàn Ghi-ta Carulli, dù già 70, mỗi ngày phải tập 6 tiếng để các ngón tay được mềm dẽo mới trình diễn điêu luyện…

Ít tự do:
Đi đâu, phải xin phép. Không đi một người và phải luôn đi hai người. Thật khôn ngoan…Chính người thứ hai giúp cho hai người trưởng thành hơn, tư cách hơn, tốt hơn…

Điện thoại Di Động:
Đa số đệ tử không được dùng điện thoại di động cá nhân. Chỉ có điện thoại của cộng đoàn…Ai cần thì dùng…Nói đến điện thoại Di động là nói đến không ít tai hại: Một cha Bề trên ĐCV bên Úc nói một bài về chuyện các thầy ĐCV dùng điện thoại di động cá nhân…Theo ngài là rất phiền và nguy hiểm…

Đọc kinh cầu nguyện:
Hồi nhỏ ở Tiểu chủng viện, tôi thấy việc đọc kinh cầu nguyện khá nhẹ nhàng: Sáng nguyện gẫm 15 phút, có Cha bề trên hướng dẫn…tiếp đến là thánh lễ…Chiều chầu Thánh Thể 15 phút trước ăn cơm…Tối lần một chuỗi 50 ngoài trời, đi men theo hàng dương bao quanh các sân chơi…

Các em đệ tử bận học, nhưng việc kinh sách vẫn cố gắng chu toàn trong khả năng.

Lâu rồi, tôi muốn viết về đề tài nầy và muốn nói lên cảm nhận của tôi về con gái đi tu:

Năm 1976, có một lớp khấn tạm ở dòng MTG Tân Bình, nay gọi là dòng MTG Nha Trang. Lúc đó, tôi là phó xứ Hòa Nghĩa, Cam Đức, Cam Ranh. Tôi cảm động và thầm khen cho ý chí của các em. Thời đó vất vả lắm, thiếu thốn mọi sự. Nhiều em phải về gia đình vì hoàn cảnh không cho phép…Một số vẫn kiên trì. Tội nghiệp…Thế mà họ vẫn tu, vẫn khấn…Tức cảnh sinh tình, tôi sáng tác bài XIN VÂNG: Trước để tạ ơn Chúa đã cho Giáo Hội có những tâm hồn đáng quí, sau là để giúp mọi người vui sống trong một hoàn cảnh trớ trêu…

Khi làm quản xứ Thanh Hải, Nha Trang, tôi được gặp các em thuộc nhiều hội dòng khác nhau. Trong cuộc đời sinh viên, các em chẳng có mấy đồng trong túi…Thế mà cứ vui. Đi nghỉ hè về, các em cũng mua một chút gì đó cho tôi. Tôi nghĩ và lấy làm lạ: Không biết các em lấy tiền ở đâu mà mua quà cho tôi. Tôi biết thế mà chưa biết cách đáp trả thực tế: Ví dụ gởi lại cho các em chút gì đó. Bây giờ, già rồi, có lẽ tôi khôn hơn một chút. Hễ có em nào tới thăm, dù có quà hay không, hoặc trao giùm cái gì đó cho tôi là tôi gởi một chút như là dấu thông cảm. Ít thôi, nhưng với sự thông cảm…nói cho dễ nghe là để mua xăng…

Rồi các em làm “Ma sơ”. Người ta hát “Em hiền như Ma Sơ…” Có sách và có người nói “chưa chắc các sơ hiền…” Họ căn cứ vào việc các sơ kỷ luật, nghiêm minh khi dạy dỗ và rồi cho là các sơ không hiền. Theo tôi, hiền không có nghĩa là cứ để học trò muốn làm gì thì làm. Xử sự như thế là nhu nhược, là làm hư học trò, là có lỗi…Vì muốn cấp dưới thành người tốt nên các sơ phải nghiêm khắc, phải kỷ luật…Chúng ta đừng vô tình gán những danh hiệu không phù hợp cho người làm ích cho chúng ta…Người ta nói “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Cứ nuôi trẻ rồi sẽ biết thế nào là hiền lành. Cứ dạy trẻ thì sẽ biết ai hiền lành hơn ai…Cứ coi xứ rồi sẽ biết ai hiền, ai không hiền. Tôi thuộc loại kỷ luật. Năm 1978, một Bác sĩ thường đi lễ xứ tôi và có lần nói với tôi “Gặp ông, chứ gặp tôi thì không được đâu.” Nhiều khi, người chê các sơ lại là người căng hơn các sơ, khi họ phải làm công việc như các sơ đang làm. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Không thể không mang tiếng nếu phải làm việc tận tình, có trách nhiệm. Theo tôi, nên khen chứ không nên chưỡi đỗng giữa trời. Tôi vẫn cám ơn những thầy cô nghiêm khắc. Nếu không có họ, tôi khó mà nên người. Do đó, dù ai kết án, tôi vẫn đứng về phía họ vì tôi đã qua cầu…

Đời giúp xứ:
Các cộng đoàn dòng tu không đòi hỏi gì cả, nhưng phải làm tất cả. Khi có sơ mới tới, Cha xứ hay hỏi sơ có biết đàn không, biết tập hát không, biết tập múa không…Có đấng thích có Sơ hơn vì các Sơ có ích cho xứ hơn…Họ phải coi ca đoàn, có khi coi hai, ba ca đoàn. Tôi làm nhạc, và tôi biết tập hát rất mệt. Tôi thường nói với các ca viên gái: Sơ tập bè nhì, các em bè nhất ngồi nói chuyện. Chúng con không thấy sơ khan cả tiếng và mệt mỏi sao? Nếu làm thế, cha nghĩ chúng con chưa nên lấy chồng, vì chúng con chưa biết nhìn, chưa thấy và chưa thông cảm.

Tập hát mệt lắm. Và nếu sơ đau vì tập hát thì sơ xin tiền cộng đoàn chữa bệnh, dễ gì mà cha xứ giúp sơ một chút (Nếu có, chắc không có nhiều nơi đã làm như thế).

Ngoài ra, các sơ còn cắm hoa, tập Văn nghệ Trung Thu, tập Hoạt cảnh, tập dâng hoa… đủ thứ…Cha sở có thấu chăng? Nếu ít ai hiểu thì chúng con dâng cả cho Chúa và Đức Mẹ, chúng con sẽ được chúc phúc… Chúa thấy tất cả và Chúa hiểu tất cả…

Họ sống cộng đoàn, giữ các giờ kinh lễ tử tế. Trong một lần gặp gỡ, Đức Hồng Y Etchegaray khuyên răn các Linh Mục sống sao cho xứng đáng. Khi được hỏi, sao Đức Hồng Y không có lời nào nói với các sơ. Ngài hỏm hỉnh trả lời: Các sơ là những người thánh thiện… Đó là câu nói đùa, nhưng theo tôi, đó cũng là câu nói chính xác…

Cùng các em đệ tử và các sơ lớn nhỏ,

Đã từ lâu, tôi vẫn có cái nhìn tích cực về con gái đi tu. Tuy nhiên, trong công việc, tôi vẫn có những thiếu sót trong lời nói việc làm…Tôi thành thật xin được thông cảm.

Chúng ta biết rõ công việc của Mẹ Tê-rê-xa thành Can-cút-ta đã làm cho người nghèo. Ai cũng nghĩ là người nghèo phải cảm ơn Mẹ. Nhưng Mẹ lại nói “Tôi cám ơn những người nghèo vì họ đã tạo cho tôi cơ hội làm việc bác ái, yêu thương.”

Năm nay, 66 tuổi, tôi muốn nói lời cám ơn các người con gái đi tu về nhiều điều: Lòng đạo đức với nhiều cố gắng, tinh thần phục vụ hết sức mình, sự chịu đựng mọi hoàn cảnh cách vui lòng, sự chấp nhận đời sống eo hẹp về vất chất…Nhiều nữa…nhiều nữa…

-Lm. Mi Trầm-
-ảnh NNT - MSA-

SỨC MẠNH TRONG LỜI CẦU NGUYỆN

Cuộc sống luôn bất ngờ khiến con người không thể kiểm soát được. Có những bất ngờ may mắn giúp tôi vui, nhưng không thiếu biến cố đau thương khiến tôi buồn. Dù vui hay buồn, tôi cũng được mời gọi hướng về Trời cao để cầu nguyện với Thiên Chúa là Đấng uy quyền yêu thương.


Là tín hữu Công giáo, ta tin rằng Thiên Chúa luôn yêu thương và muốn phần tốt nhất cho con người. Thiên Chúa muốn con người hãy nhân danh Chúa Giêsu mà van xin với lòng tín thác mến yêu. Nếu xin nhân danh Thầy Giêsu, lời nguyện cầu của ta sẽ thành hiện thực và niềm vui của ta sẽ nên trọn vẹn. (Ga 16, 24). Hạnh phúc biết bao khi Chủ kho tàng ân sủng thổ lộ với con người: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” (Mt 7, 7). Đó là lời hứa tín trung để những ước nguyện chính đáng của ta thành sự.

Lời cầu xin phải có ý ngay lành để mong những điều tốt đẹp đến với nhau. Ta không thể xin chiến tranh thay vì hòa bình, bệnh tật thay sức khỏe, sự chết thay sự sống, sự bất tín thay vì đức tin… Bởi lẽ kẻ xấu còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao!? (Mt 7, 11).

Bạn có bao giờ cảm nhận được sức mạnh trong lời nguyện cầu của mình với Thiên Chúa chưa? Tôi vui mừng chia sẻ với bạn ba biến cố mà qua đó tôi thấy sức mạnh của lời cầu nguyện thật phi thường lớn lao:

Còn nhớ đầu tháng 8 năm 2015, một em bé bị đâm thấu sọ, thập tử nhất sinh. Qua facebook và Internet, rất nhiều người biết đến và góp lời cầu nguyện với ước mong phép mầu sẽ đến để giữ lại sự sống cho em. Lời nguyện cầu đã mang phép lạ đến với em. Em đã được bình phục trong niềm vui vô bờ của gia đình và những ai cầu thay nguyện giúp cho em.

Nhớ ngày 19-9-2015, Matta Võ Thị Ngọc Nữ đã vĩnh viễn ra đi! Là cô gái bị ung thư, Ngọc Nữ sống nghị lực, kiên cường và tin yêu Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Người ở lại thầm mong cho linh hồn em nghỉ yên bên lòng Chúa. Tôi tin sức mạnh của biết bao lời cầu nguyện bay đến tận trời cao để mở cửa Nước Trời cho em diện kiến Thánh Nhan!

Và mới đây, được biết em Thanh Trúc hôn mê trong cơn bạo bệnh, nhiều người cầu mong Thiên Chúa tuôn ban ân sủng để em được tai qua nạn khỏi. Tôi hạnh phúc chia vui cùng em và gia đình khi thấy phép lạ Chúa dành tặng cho em. Tạ ơn Chúa đã nhận lời ước nguyện cho em bình phục!

Còn nhiều thật nhiều ơn lành khác mà ta không kể hết được. Chỉ tin rằng Thiên Chúa vẫn luôn ở bên chúng ta, Ngài muốn con người được hạnh phúc. Trong mọi hoàn cảnh hãy bám lấy Ngài, hãy chạy đến với Chúa để thành tâm xin Ngài trợ giúp. Ước chi mỗi lời cầu nguyện là sức mạnh để chúng ta thấy cuộc đời vẫn nở hoa: hoa lòng tín thác cậy trông!

Lạy Chúa, xin nhận lấy chọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con. Lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa. Tất cả là của Chúa. Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng. Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J

Xa Chúa

Biết bao giờ con trở về thăm Chúa
Ngôi thánh đường dưới rặng dừa hàng cau
Chân con bước lẽ loi tận chốn nào
Lòng sám hối với bao lần thất hứa

Rồi khi nào con trở về thăm Chúa
Gặp mọi người vui vẻ tiếng dạ thưa
Những thánh lễ cùng câu ca lời nguyện
Thời gian chờ con sống lại ngày xưa

Dẫu một ngày con chưa về thăm Chúa
Vì đời con mang thập giá nắng mưa
Tình yêu Chúa tình mến thương xứ đạo
Để lòng con tín thác sao cho vừa.
-Nguyễn Ngọc Tường-


Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Nếu mỗi đứa trẻ là một đóa hồng
Cả thế giới này sẽ là một vườn hoa thơm ngát
Nếu mỗi đứa trẻ là một nốt nhạc
Cả thế giới này sẽ là bản hòa ca
Dâng lên Mẹ Maria

Ngày xưa Mẹ hiện ra
Để nhắn nhủ đôi lời cho dương thế
Mẹ tìm gặp những đứa trẻ
Những tâm hồn sạch trong
Mẹ muốn loài người trên thế gian
Hãy ăn năn đền tội
Hãy lần hạt Mân côi…

Những đứa trẻ dâng Mẹ nụ cười
Những đứa trẻ dâng Mẹ tiếng khóc
Mẹ nghe hết và lau khô nước mắt
Dịu dàng nâng đỡ bước chân
Đi giữa trần gian
Khi thế gian cạn kiệt nụ cười
Khi thế gian chỉ còn nước mắt
Thì vẫn còn trẻ con như hạt mầm vươn lên từ đất
Những hoa hồng và nốt nhạc
Ngân lên lời ca AVE MARIA 

-ĐA MINH THIÊN SA-


Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Đường về với Chúa

Nước Mắt và Hạnh Phúc là một thứ ngôn ngữ của nguyện cầu. Trong nước mắt đắng cay có lời nguyện thống khổ. Với hạnh phúc, có lời nguyện vui mừng. Nước mắt ăn năn là lời thầm của dòng kinh sám hối.
Nước Mắt và Hạnh Phúc cũng là ngôn ngữ của niềm tin. Nhiều lúc phải khóc để xin một ân sủng. Có khi ân sủng chỉ được ban tặng khi có nước mắt. Khóc là lời mời gọi vào niềm tin. Và, niềm tin, nhiều khi đòi có mặt của tiếng khóc. Hạnh phúc cũng thế, không có hạnh phúc nào khuất bóng của niềm tin. Tin Chúa là Cha. Tin người là bạn. Tin cuộc đời có ý nghĩa.
Nói đến niềm tin, đến lời cầu nguyện là nói đến một thế giới phổ quát. Ai cũng có niềm tin. Ai cũng cầu nguyện. Nước mắt và hạnh phúc cũng vậy. Hạnh phúc chẳng của riêng ai. Nước mắt cũng mãi mãi là của chung, ai cũng có thể khóc. Nhưng trong thế giới phổ quát ấy, niềm tin, lời nguyện, cũng như nước mắt và hạnh phúc lại là một cõi lòng riêng tư.
Niềm tin đối với Chúa, lời cầu nguyện dâng lên Ngài, đây là mối liên hệ rất riêng biệt của một cá nhân với Chúa mà thôi. Trong mối liên hệ với Chúa, mỗi người đều có những thao thức biệt lập, suy tư cá thể. Vì thế, Nước Mắt và Hạnh Phúc lời phiên dịch ấy cũng rất riêng tư. Bởi vậy, những gì tôi viết ở đây chỉ là những suy tư và ưu tư riêng cho mình: cảm tạ cho ân tình đã lãnh nhận, lo âu con đường mình phải đi, băn khoăn về yếu đuối, tìm kiếm những thiếu thốn trong cuộc sống thiêng liêng, tin tưởng vào lòng nhân từ của Người gọi.
Chỉ có một người gọi là Chúa, một Phép Rửa là ngõ vào, một Giáo Hội là lối sống, một Phục Sinh là niềm tin, thì dù suy tư và ưu tư của mỗi người có rất khác, rất tư riêng, nước mắt và hạnh phúc của mỗi người có riêng tư, khác biệt cũng vẫn là gần gũi, có thể chia sẻ được với nhau. Tôi tin rằng cuộc sống đức tin của người khác giúp tôi sống đức tin của mình. Tôi cũng tin rằng con đường về Nhà Cha không phải là con đường cô đơn, vắng vẻ. Chúa muốn tôi đi chung với mọi người. Như thế, Nước Mắt và Hạnh Phúc dù chỉ là những suy tư và ưu tư của riêng mình cũng có thể là lời gọi gởi tới người bên cạnh để xin cùng được hành trình trên con đường ấy: Ðường về với Chúa.

-Lm Nguyễn Tầm Thường-


Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015


Thanh bần con sống quyết tâm
Không màng của cải tham lam điên rồ
Người không đòi hỏi so đo
Chúa là gia nghiệp còn lo lắng gì
Bớt đi những thứ tiện nghi
Biết luôn từ bỏ cho đi sẵn sàng
Thanh bần lao động thật hăng
Đi tìm Thiên Chúa kho tàng đời con.
-Lm Khuất Dũng sss-


Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Giáo xứ Tân Thạnh bế mạc tháng Hoa 2015



Xin thương xót

Lạy Chúa Trời, Đấng giàu lòng thương xót!
Xin giải thoát các Đẳng chốn Luyện hình
Vì yếu đuối, vương tội lúc bình sinh

Nhưng suốt đời vẫn kính thờ Thiên Chúa
Nay đã mãn kiếp người nơi dương thế
Còn bụi trần nên áo chưa trắng tinh
Phải thanh luyện cho sạch nơi Luyện hình
Mới xứng đáng hưởng Tình Ngài muôn kiếp
Lâu hay mau cũng chịu nhiều khổ cực
Dẫu một ngày cũng ví tựa ngàn năm
Lạy Chúa Trời đại lượng và chí nhân!
Xin rửa sạch các Đẳng bằng Bửu Huyết
Của Giêsu, Con Chúa đã chịu chết
Để cứu độ những ai tin vào Ngài.
-Trầm Thiên Thu-

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Sân ga cuộc đời


Có người sánh ví cuộc đời giống như con tàu tốc hành. Nó luôn lao về phía trước, để lại đằng sau là những người thân cùng với những kỷ niệm vui buồn. Con tàu nào, dù hành trình dài hay ngắn cũng có lúc dừng lại ở một sân ga. Sân ga là đích điểm của hành trình. Người đi tàu đến sân ga thì phải xuống. Chẳng có ai đến sân ga mà lại nấn ná mãi trong toa. Sân ga cũng là điểm hẹn. Vợ đón chồng, cha mẹ đón con, ông bà đón cháu, bạn bè đón nhau. Cuộc gặp gỡ ở sân ga bao giờ cũng cảm động, vì đó thường là cuộc gặp lại sau những tháng ngày xa vắng, nhớ thương.
Con người khi sinh ra là khởi đầu một cuộc hành trình. Cuộc hành trình xa bao nhiêu rồi cũng có lúc dừng, cuộc sống con người trường thọ đến mấy rồi cũng đến hồi kết thúc, như con tàu dừng ở một sân ga, để hành khách xuống tàu gặp người thân đang chờ đợi. Thời điểm kết thúc cuộc đời được người ta gọi với nhiều danh từ khác nhau: an nghỉ, qua đời, chết, từ trần. Người theo Đạo Ông Bà thì nói chết là về với tiên tổ. Người tin Phật thì chết là về cõi niết bàn, người tin Chúa gọi khi chết là “về Nhà Cha trên trời”. Con người kết thúc cuộc đời trần thế, giống như hành khách xuống tàu ở sân ga để gặp người thân của mình.
Người tín hữu tin rằng khi nhắm mắt xuôi tay là về gặp Chúa. Đây là cuộc gặp gỡ mà họ đã chuẩn bị suốt một đời. Thực ra, cuộc gặp gỡ với Chúa đã khởi đầu khi con người được tái sinh nhờ bí tích Thanh Tẩy, vì nhờ bí tích này mà họ được ban ơn Đức Tin. Đức Tin chính là cuộc gặp gỡ thân tình, cá vị giữa người tín hữu với Chúa. Thế rồi, trong suốt cuộc đời dương thế, nhờ đời sống cầu nguyện và thực thi Lời Chúa, cuộc gặp gỡ ấy ngày càng thêm mặn nồng, thân thiết, đến nỗi Chúa với người tín hữu trở nên một, “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Cuộc gặp gỡ với Chúa sau khi kết thúc cuộc đời trần gian chính là hạnh phúc thiên đàng. Hạnh phúc này không phải là một điều gì trên trời đột ngột rơi xuống, trúng vào ai người đó hưởng, nhưng đó là kết quả của một cuộc sống tốt lành, mến Chúa yêu người. Đây là cuộc gặp gỡ trong tình Cha con thân thiết. Trong quan niệm thông thường, nhiều khi chúng ta quá chú trọng đến sự căng thẳng của ngày phán xét, mà quên đi hình ảnh của Thiên Chúa được diễn tả như người cha nhân hậu, luôn chờ đợi và mong con trở về, mặc dù người con ấy còn nhiều tội lỗi.
Khi kết thúc cuộc đời, chúng ta còn được gặp lại những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta. Chúng ta gọi họ là “các thánh” vì họ đang hưởng vinh quang Thiên Chúa. Trong hành trình cuộc đời, chúng ta có sự hiệp thông và đồng hành thiêng liêng của họ. Họ cũng đang chờ đợi chúng ta, để cùng với chúng ta tôn vinh Chúa. Lời chúc tụng của chúng ta được hòa vào bản trường ca vô tận của các thiên thần và các thánh nam nữ.
Hành trình nào cũng có một đích điểm, con tàu nào cũng có một sân ga. Xác định điều đó, chúng ta sẽ nhìn đời lạc quan hơn. Chúng ta sẽ cố gắng nhiều hơn vì biết rằng những đau khổ sẽ qua, tốt xấu ở đời sẽ được phân xử. Đức Tin còn nhắc bảo chúng ta, có Chúa đang cùng đi với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Ngài đồng hành với chúng ta một cách thiêng liêng vô hình, và Ngài sẽ xuất hiện hữu hình khi chúng ta đến đích, kết thúc chuyến-đi-cuộc-đời.
Sân ga là bến đợi những người trở về, cũng là nơi tiễn những người đi xa. Hằng ngày, sân ga chứng kiến biết bao nước mắt. Đó là những giọt lệ buồn khi tiễn người thân, nhưng cũng là những giọt nước mắt hân hoan khi đón người đi xa trở về. Một người nằm xuống là đến sân ga bến đợi. Những người ở lại khóc thương đưa tiễn người ra đi. Nhưng, nếu biết chắc người thân của chúng ta vừa ra đi sẽ được đón tiếp nồng hậu ở đích điểm cuộc hành trình, thì cớ sao lại bi quan chán nản? Vẫn biết rằng, chết chóc ra đi là ly biệt, xuôi tay nhắm mắt là đau thương. Nhưng nhờ Đức Tin vào sự sống bên kia cõi chết, người ở lại sẽ bớt đau buồn vì hy vọng sẽ có ngày gặp lại người thân vừa nằm xuống. Màu tím của lễ phục cầu hồn diễn tả niềm hy vọng của người tín hữu khi tiễn đưa một người thân, như lời hẹn sẽ tái ngộ.
Sân ga vừa là điểm kết thúc một chuyến đi, cũng là điểm khởi đầu một hành trình mới, tức là hành trình vĩnh cửu. Khi nhắm mắt xuôi tay, ta kết thúc cuộc đời dương thế, đồng thời bắt đầu một cuộc sống mới. Chết không phải là hết, mà là bắt đầu sống. Chết còn là “sinh thì”, tức là giờ phút sinh ra để sống mãi mãi, “chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”. Thân xác con người được vùi trong lòng đất, không phải để an nghỉ ngàn thu, nhưng như hạt giống gieo xuống sẽ nảy mầm để mọc lên một cây mới, xanh tươi kết trái dồi dào.
Mỗi chúng ta đang đi trên chuyến tàu cuộc đời, và sớm hay muộn cũng có ngày dừng lại ở bến đỗ. Ý thức điều này, mỗi người được mời gọi chuẩn bị sẵn sàng, để lúc con tàu vào sân ga, chúng ta được gặp Chúa trong tâm trạng vui mừng thánh thiện. Nếu người hành khách biết rõ thời điểm nào mình sẽ tới sân ga, thì mỗi chúng ta lại không biết ngày nào giờ nào Chúa đến gọi mình. Chúa Giêsu đã nói về việc Người sẽ đến “giống như kẻ trộm”. Lúc người ta không ngờ, thì Chúa đến. Chính vì thế, tôi phải sống tốt ngày hôm nay, vì biết đâu đó là ngày cuối trong đời. Tôi phải tranh thủ làm tròn bổn phận mỗi ngày, vì biết đâu ngày mai tôi chẳng còn hiện hữu trên đời. Tôi phải sống thân thiện với những người xung quanh vì biết đâu ngày mai tôi không còn gặp lại họ nữa. Mỗi ngày sống là một cơ hội mà tôi phải nắm lấy để sống tốt với mọi người. Tâm niệm điều ấy, “hôm nay, tôi phải sống tốt hơn hôm qua, và ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay”.
Lạy Chúa! chúng con tin rằng Chúa đang đợi chúng con ở cuối đường đời. Xin ban thêm nghị lực cho chúng con, để chúng con can đảm vượt lên mọi chông gai thử thách, trung thành theo Chúa đến cùng, vì Chúa là gia nghiệp và là hạnh phúc của chúng con. Amen.

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên.


Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA tuôn đổ đầy tràn
Con bước đi hân hoan cả hồn xác
Đường Hành Hương về nhà CHA hoan lạc
Miệng reo ca khúc nhạc "TẠ ƠN NGÀI"

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Một chiều trên đỉnh Can-vê

Một chiều trên đỉnh Can-vê
Mây mờ ảm đạm, bốn bề sầu vương.
Tiếng ai hấp hối đau thương
Bóng ai sầu rũ bước đường khổ đau?
Thân ai đanh sắt cắm sâu

Tim ai gươm sắc đâm thâu xé lòng?

Mẹ ơi! Con hiểu máu hồng
Chảy từ tim Chúa hoà trong Mẹ rồi.
Mẹ là Mẹ Đức Chúa Trời
Mẹ là Mẹ cả loài người chúng con.
Trái tim Mẹ phải héo hon.
Đớn đau bẩy sự sầu mòn tấm thân.
Lòng con cảm xúc vô ngần
Sầu bi, Thánh Giá - những vần chữ thiêng
Đời con nguyện giữ trong tim
Biến thành đời sống mến tin thực hành.
Nguyện xin Mẹ rất nhân lành
Giúp con đủ sức trung thành giữ luôn.

-Lm Phêrô Hồng Phúc-
Ảnh của Giáo Xứ Tân Thạnh.

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Mẹ Têrêsa có thể được tuyên thánh vào năm tới 2016

Mẹ Têrêsa có thể được tuyên thánh vào năm tới 2016



Tòa Thánh đã hoàn thành tiến trình điều tra án tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, và việc tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa có thể sẽ diễn ra vào năm tới.

Các tài liệu liên quan đến tiến trình điều tra án tuyên thánh đã được trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài có thể sẽ triệu tập một công nghị các Hồng Y vào tháng Hai, 2016 để thông báo ngày giờ và địa điểm tổ chức lễ tuyên thánh cho Chân Phước Têrêsa. Tờ Malayala Manorama của Công Giáo tại Kerela, Ấn Độ cho biết như trên.

Theo tờ báo trên việc tuyên thánh có thể được tổ chức trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót, bắt đầu vào ngày 08 tháng 12 năm nay và kéo dài đến ngày 20 tháng 11 năm tới. Ngày mẹ Têrêsa qua đời là ngày 5 tháng Chín được xem như là một ngày tốt nhất cho việc tuyên thánh.

Tháng 8 vừa qua, việc chữa lành cho một người đàn ông Ba Tây thuộc giáo phận Santos ở Sao Paulo bị một khối u não ác tính đã được khẳng định như một phép lạ nhờ lời cầu bầu của Mẹ Têrêsa.

Đức Hồng Y Mar Baselios Cleemis, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Malabar và Đức Hồng Y Oswald Gracias và xin Đức Giáo Hoàng đến thăm Ấn Độ.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng cuối cùng đến thăm Ấn Độ vào năm 1986 và 1999.

Thánh lễ làm phép tượng Đức Mẹ và Nhà Nguyện Thánh Thể tại Núi Cúi





Sáng ngày 30/09/2015, trên đỉnh Núi Cúi, Đức Cha Chính Đaminh đã cử hành Thánh lễ làm phép tượng Đức mẹ Mân Côi và ngôi nhà nguyện. Cùng đồng tế có Đức Cha Phó Giuse, Đức Ông Vinhsơn, Quí Cha Quản hạt và Quí Cha vùng gia kiệm.



Trước khi bước vào Thánh Lễ, Đức Cha Đaminh đã làm phép tượng Đức Mẹ Mân Côi đặt trước ngôi nhà nguyện. Trong nghi thực làm phép, Đức Cha nói : Đây là bức tượng được tạc theo mẫu của bức tượng Đức Mẹ được trục vớt ở dòng sông Mêkông năm 2012. Đức Mẹ đã đến với dân tộc Cămpuchia, một dân tộc với 95% lương dân, một dân tộc đã phải qua biết bao đau thương và gian khổ, nhất là nạn diệt chủng gần một nửa dân tộc. Đức Mẹ đã soi sáng cho một người lương dân biết được "Mẹ đang ở dưới lòng sông", người ta đã vớt tượng Đức Mẹ lên và Đức Mẹ đã ban ơn cho 1 trong số những người trục vớt được khỏi căn bệnh hiểm nghèo.
Chính vì thế, Giáo phận chúng ta thỉnh Đức Mẹ về đây với hình ảnh của Ngài, để Đức Mẹ ở với chúng ta. Giáo phận chúng ta cũng đã trải qua biết bao thăng trầm thử thách và Đức Mẹ đã cho Giáo phận chúng ta có được ngày hôm nay. Chúng ta cầu xin Đức Mẹ bầu cử cùng Chúa cho Giáo phận chúng ta luôn được bình an, và xin cho mọi người luôn biết tôn trọng phẩm giá con người để Chúa được vinh danh.
Sau khi làm phép tượng, cộng đoàn bước vào Thánh lễ. Thánh lễ hôm nay có sự hiện diện của đại diện một số dòng tu, đại diện giáo dân trong Giáo phận và những vị khách quí với những mối liên hệ khác nhau. Trong Thánh lễ, Đức Cha Phó Giuse đã chia sẻ Lời Chúa, Ngài nói : Hôm nay, sau gần 2 tuần lễ, chúng ta lại gặp nhau trên đỉnh Núi Mẹ, Mẹ Núi Cúi để tham dự nghi thức làm phép tượng Đức Mẹ và nhà nguyện Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu sẽ ở lại đây với con cái của Chúa. Vì vậy cộng đoàn chúng ta cảm thấy có sự linh thiêng; chính trong bầu khí trang trọng này chúng ta đã lắng nghe Lời Chúa.
Đức Cha nói đến việc con người đã sợ Thiên Chúa, trốn tránh Thiên Chúa như Adam, chính vì thế mà con người phải khốn cùng. Bầu khí của Núi Cúi hôm nay gợi lên cho chúng ta hình ảnh của Môsô được Thiên Chúa gọi để đưa dân của Chúa ra khỏi nơi khổ ải đến Núi Chúa ký kết giao ước. Chúng ta là những Môsê, chúng ta đang được Chúa trao cho sứ vụ như Môsê đem những người đau khổ, những người sợ Chúa, xa Chúa trở về với Chúa, hãy đem họ ra khỏi sự đau khổ. Chúng ta nhận sứ mệnh trong ngôi nhà nguyện Thánh Thể này, Chúa ở đây để chờ đợi chúng ta đem con cái Chúa về với Ngài. Chúng ta đến với Chúa qua Đức Mẹ Vô Nhiễm, để chúng ta cũng được ơn vô nhiễm, được sạch tội và sống trong sự thánh thiện của Chúa.
Sau bài giảng là nghi thức làm phép bàn thờ và ngôi nhà nguyện. Sau đó Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.
Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức Ông Vinhsơn đã thay mặt cộng đoàn chúc mừng Đức Cha Chính Đaminh nhân kỷ niệm 11 năm Giám mục. Đức Ông đã nói đến hồng ân Giám mục của Đức Cha đã khai mở cho Giáo phận một kỷ nguyên mới, một thời đại mới. Từ những cái "không có" trong quá khứ đã trở thành những cái "có" trong hiện tại và cả những cái chưa từng nghĩ tới thì hiện nay lại có thêm như trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi này. Đây lại là khởi đầu cho một chuỗi những hồng ân tiếp theo, với chương trình Ngũ Niên của Giáo phận, Giáo phận sẽ tiếp tục là một giáo phận truyền giáo mạnh mẽ đem tin mừng của Chúa cho anh chị em.
Hôm nay, hiện diện trong ngôi nhà nguyện này là đại diện của hơn 600 linh mục, hơn 2000 tu sĩ và cả triệu giáo dân đang hướng về Đức Cha tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân Giám mục và khẩn cầu lòng Chúa thương xót qua Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội cho một khởi đầu mới của Giáo phận Xuân Lộc. Không chỉ là những cơ sở vật chất nhưng là những đền thờ tâm hồn.
Đáp từ, Đức Cha Đaminh cũng chân thành cám ơn Đức Cha Phó Giuse, Đức Ông, Quí Cha và cộng đoàn. Đức Cha cảm tạ Chúa vì cho đến giờ này Ngài vẫn được đứng tại Núi Cúi trong chức vụ Giám mục. Ngài chia sẻ tâm tình về quê hương, Ngài được sinh ra trong đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội quê hương. Nơi Ngài lớn lên có 16 thánh tử đạo trong số 118 các Thánh Tử Đạo Việt Nam và còn lại 116 anh hùng tử đạo khác. Cho nên Đức Cha thao thức và ao ước có một nơi để tôn kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và kính các Thánh tử đạo Cha ông. Đây như là ơn Chúa và tiếng gọi mà Đức Cha luôn thao thức và thi hành.
Đức Cha đã cám ơn rất nhiều người đã luôn đồng hành và giúp đỡ Đức Cha tận tình cho đến ngày hôm nay với biết bao công trình Ngài đã thực hiện.
Sau lời đáp từ của Đức Cha, cộng đoàn chầu Thánh Thể; đây là giờ chầu đầu tiên tại ngôi Nhà nguyện Thánh Thể của trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi, khởi đầu cho những giờ chầu của các đoàn hành hương.
Sau khi nhận phép lành Thánh Thể, cộng đoàn chia sẻ trong bữa cơm thanh đạm tại một hội trường nhỏ bên cạnh nhà nguyện.
Xin cầu chúc Đức Cha Chính Đaminh tràn đầy ơn Chúa và mạnh khỏe hồn xác. Ước mong mọi người cùng chung tay góp sức xây dựng Trung Tâm Đức Mẹ này, để nơi đây sẽ trở thành bài ca, ca tụng tình thương của Chúa và tôn vinh tình yêu của Mẹ.









































Nguồn tin: GP Xuân Lộc

Người Việt hiện diện bên Đức Phanxicô trong Đại hội Gia đình Thế giới

Trong thánh lễ bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới, ngày 27-9, tại Philadelphia, buổi lễ được Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế, người Việt Nam rất nức lòng khi có sự hiện diện rõ ràng của mình, góp phần trong buổi lễ.





Trong thánh lễ bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới, ngày 27-9, tại Philadelphia, buổi lễ được Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế, người Việt Nam rất nức lòng khi có sự hiện diện rõ ràng của mình, góp phần trong buổi lễ


Trong thánh lễ này, xơ Maria Hồng Quế OP, là người đọc bài đọc 2, Bài Thánh Thư theo Thánh Giacôbê 5,1-6. Xơ Hồng Quế, là người phụ trách Chương trình Chuyên đề Giáo dục của Ban Mục vụ Gia đình, Tổng giáo phận Việt Nam.

Trong phần lời nguyện giáo dân, một lời nguyện cầu cho Đức Phanxicô, cũng được đọc bằng tiếng Việt

Và đến cuối thánh lễ, một gia đình từ Việt Nam đã tiến lên nhận quyển Tin mừng theo thánh Luca từ tay Đức Phanxicô

Gia đình ông Vương, người điều hành một nhà máy ở Hà Nội, đã được Tòa Thánh chọn làm đại diện cho châu Á, trong thánh lễ của Đức Giáo hoàng tại Philadelphia.






Anh Vương Thiên Ân, 28 tuổi, cho biết, ‘Không lời nào có thể diễn tả được sự hạnh phúc của chúng tôi khi nghe tin mình sẽ được gặp Đức Thánh Cha. Ngài là một con người vĩ đại dẫn dắt một cộng đoàn lớn.’

Gia đình của ông Vương đã nhận từ tay Đức Giáo hoàng Phanxicô quyển Tin mừng theo thánh Luca, quyển sẽ được đọc xuyên suốt Năm Toàn xá Lòng Thương xót. Và quyển Tin mừng này không chỉ cho riêng gia đình ông, nhưng ông sẽ đem theo về hàng ngàn bản nữa để phân phát cho mọi người nơi quê nhà.


Một vài hình ảnh, nhưng nhiều hứa hẹn. Giáo hội Việt Nam đang nỗ lực và ngày càng lớn mạnh, và Đức Phanxicô cũng đã được lưu ý về điều này.



J.B. Thái Hòa





Khẩu Hiệu và Biểu Tượng của Đức Giám Mục Phêrô Huỳnh Văn Hai


Khẩu hiệu và biểu tượng: " Duc in altum, et laxate..." - "Hãy ra khơi và thả lưới" (Lc 5,4). Câu này có hai vế liên quan rất nhiều đến việc truyền giáo và động lực truyền giáo.
Vế thứ nhất " Hãy ra khơi" ( Ra chỗ nước sâu) diễn ý ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều tôn giáo khác, người dân tộc Khmer hiện diện, còn nhiều vùng sâu và xa chưa có một dấu vết gì về Kitô giáo, không hề nghe được chữ " Giêsu Kitô" nên rất cần đến với họ, ra chỗ nước sâu là đi vào nguy hiểm theo kinh nghiệm đánh cá, nhưng ra chỗ nước sâu lại có nhiều cá để đánh bắt.
Đến vế thứ hai " Thả lưới" muốn nói lên rằng khi đi ra chỗ nước sâu thì còn phải làm việc nữa, làm việc vất vả, chớ không thì uổng công, cho nên cần có sự hy sinh, thức đêm thức ngày và nhờ thế mới mong được kết quả ... " hầu như rách cả lưới ...".
Ngoài ra, trong biểu tượng huy hiệu có hình chim bồ câu và con thuyền với ý nghĩa là Chúa Thánh Thần hướng dẫn con thuyền giáo phận ra khơi đánh bắt, thu được nhiều cá và cập bến bình an.

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Trao ban sứ mệnh tuyệt vời

An bài Tạo Hóa, in sâu trong người.
Trao ban sứ mệnh tuyệt vời,
Cưu mang sự sống, vào đời hiện thân.
Mẹ cha nuôi dưỡng ân cần,
Chăm con khôn lớn, thiện chân sống đời.
Nối dòng con cháu ra khơi,
Công danh rạng rỡ, vui đời Mẹ Cha.
- Lm Giuse Trần Việt Hùng-

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Con về trên lối đi xưa

Con về trên lối đi xưa
Thời gian xa vắng cho vừa nhớ thương
-NNT-

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Lời kinh giản dị

Lời kinh giản dị “Kính Mừng…”
Tháng Mười biệt kính Nữ Hoàng Mân Côi
Muôn người rộn rã vui tươi
Hoa Kinh tươi nở trên môi hằng ngày
Mừng Mẹ diễm phúc dư đầy

Xin thương xót kiếp đọa đày thân con
Tháng ngày lữ khách trần gian
Gieo neo khốn khổ, gian nan sớm chiều
Lo toan, trăn trở bao điều
Nhọc nhằn bao nỗi, lao đao bước đời
Cầu xin Mẹ đỡ nâng hoài
Vững Tin-Cậy-Mến không ngơi khi nào
Niềm vui Giáo hội dâng cao
“Cổng Đức Tin” mở, mọi người vào hân hoan
Xin dâng Mẹ cả nhân gian
Mong mau hiệp nhất một niềm tin thôi.

-Trầm Thiên Thu-