Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Nhánh hoa dại


Một mình dưới cơn mưa chiều buồn bã. Lan lặng lẽ để cho những kỷ niệm xa xăm lùa về trong ký ức, cùng với những nỗi nhớ miên man vô định. Ngày ấy Lan đã xao xuyến, đã thổn thức, đã yêu Nam tự bao giờ. Vâng, cũng như bao người con gái khác, cô cũng muốn yêu và cần được yêu! Hơn nữa, trái tim cô đâu phải là sắt đá để có thể vô cảm trước những gì Nam đã dành cho cô.

Hai đứa thân nhau từ hồi còn nhỏ, lại học chung với nhau cùng lớp, cùng trường. Lan đã cùng Nam lớn lên với bao kỷ niệm buồn vui thơ mộng. Có những lúc Lan dỗi hờn vô cớ làm cho Nam phải lo lắng, bận tâm. Và đôi khi Nam giả vờ giận dữ, đã khiến Lan phải sợ hãi, băn khoăn…


Thật, sự đời ai đâu lường trước được, cái giả vờ ấy bây giờ đã trở thành hiện thực. Nam đã yêu Lan với một tình yêu chân thành sâu sắc, một tình yêu âm thầm da diết. Nam muốn được chăm sóc cô, muốn được bảo vệ cô và muốn được cùng cô xây dựng một gia đình yêu thương, hạnh phúc như bao gia đình khác. Lan cũng nhận ra rằng, cô rất cần Nam, cô muốn giữ Nam lại cho riêng mình, cô muốn được cùng Nam đi hết chặng đường còn lại của cuộc đời. Ở bên Nam, cô sẽ được hạnh phúc, sẽ có một cuộc sống ổn định và có một tổ ấm chan hòa niềm vui… Biết bao mộng ước đang chờ đợi cô, vậy mà, cô vẫn im lặng!

Những hạt mưa vẫn rơi đều trước cửa, có lẽ chúng cũng đang rối bời và nặng trĩu chẳng khác gì tâm trạng của cô lúc này. Trong giây lát, những lời trách móc của mấy đứa bạn thân lại vang vọng bên tai cô: “Sao mày có thể như vậy được, mày bị mất trí rồi sao? Cuộc đời mày sẽ thế nào? Nam sẽ thế nào? Biết bao điều đang chờ đợi mày, vậy mà mày còn nghĩ đến chuyện đi tu sao? Thời này là thời nào rồi, mày không thấy xã hội bây giờ phát triển như thế nào rồi hay sao mà còn nghĩ đến chuyện tu nữa”…

Đúng vậy, đi tu chính là giấc mộng cô ấp ủ từ bao giờ, vậy mà hôm nay cô lại thấy mình băn khoăn lượng lự. Lòng cô nặng trĩu, những giọt nước mắt lăn dài trên má! Hình ảnh của Nam lại hiện ra trước mắt cô. Bao nhiêu năm nay, mỗi lần thấy Nam xuất hiện, cô cứ làm ngơ lảng tránh vì muốn giữ cho tâm hồn mình được trong sạch. Lắm khi thay vì được chăm sóc cô lại lao đầu vào những việc làm thêm, tham gia những buổi sinh hoạt, công việc bác ái tông đồ, thay vì có người bên cạnh an ủi, cô lại khóc một mình dưới chân Thánh Giá… Mọi người bảo cô ngu ngốc bởi Nam là một người tốt, vừa khá giả, vừa tử tế lại yêu cô thực lòng.

Hôm ấy, Nam đến tìm cô, nhẹ nhàng cầm lấy hai bàn tay cô, anh năn nỉ cô đừng rời xa anh. Lần đầu tiên trong đời thấy Nam khóc , cô nghe tim mình đau nhói! Cô muốn bàn tay ấy nắm chặt bàn tay cô, cô muốn đáp lại tình yêu chân thành sâu sắc mà bấy lâu nay Nam đã dành cho cô. Cô muốn quay lưng lại với gấc mơ của mình, cố quên đi lời mời gọi cứ dội lại trong lòng cô, và tự an ủi mình, biết đâu Nam mới chính là con đường riêng mà cô phải chọn lựa…

Trong phút chốc, Lan lại nhớ đến hình ảnh Chúa Giêsu trên Thánh Giá và lời mời gọi tha thiết của Ngài: “ Hãy theo Ta”. Từ nhỏ cô đã có thói quen thích chiêm ngắm và cầu nguyện trước tượng Thánh Giá. Và thật sự cô đã cảm nhận được tình yêu và sự che chở của Người. Bởi mỗi khi gặp đau khổ, thử thách trong cuộc sống, khi cô phải sợ hãi lo âu, Chúa Giêsu luôn nhẹ nhàng an ủi cô: “Cứ yên tâm, có Thầy đây, đừng sợ!” (Lc 15,27). Mỗi khi cô cảm thấy mệt mỏi chán chường, muốn buông xuôi bỏ cuộc, Ngài lại âu yếm bảo rằng: “Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12, 9). Cô luôn xác tín rằng, khi còn ở trần gian Chúa Giêsu cũng dã từng phải chịu nhiều cám dỗ, nhiều thử thách đau khổ… Đến nỗi có lúc Ngài đã phải thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén đắng này cho con”, nhưng rồi Ngài đã chiến thắng tất cả.

Cô tha thiết cầu xin Chúa ban thêm nghị lực cho mình, xin Ngài soi sáng để được sáng suốt chọn đúng con đường Chúa định cho cô. Và dường như có một sức mạnh vô hình, cô đẩy nhẹ Nam ra rồi lui lại, hành động nhẹ nhàng nhưng dứt khoát ấy đã khiến người con trai cô thương yêu gần như gục ngã.

Cô quyết định rời khỏi Nam, rời khỏi xứ đạo thân thương, rời khỏi tình yêu, rời khỏi vòng tay ấm áp và rời khỏi danh lợi đang chờ cô trước mắt. Cô quyết định sẽ bước tiếp con đường của cô, con đường tu nghiệp. Dẫu biết rằng, sau lưng cô biết bao điều tốt đẹp và trước mắt cô bao khó khăn đang đợi chờ. Cô vẫn tin chắc chắn rằng, một ngày kia Nam cũng sẽ tìm được hạnh phúc thật sự của mình. Còn cô sẽ hạnh phúc với con đường mà mình đã chọn, không hối tiếc, không quay đầu.

Cô nhận ra cuộc sống có muôn nẻo đường để chọn lựa, nhưng hạnh phúc mỗi người chỉ một và không ai giống ai. Cứ bước đi trên con đường mình cảm thấy bình an nhất và phó thác mọi sự vào tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa. Ngài sẽ dẫn lối đưa đường.

Lan của ngày ấy, giờ đây đã là một nữ tu trong tà áo chùng màu tối, với nụ cười hạnh phúc luôn rạng rỡ trên khuôn mặt bình an. Người con gái nhỏ bé ấy đã dâng mình cho những lý tưởng cao đẹp và sống cuộc sống bình lặng như một “nhánh hoa dại” giữa đời.


-M. Minh Cầm-

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Những địa điểm hành hương kính Đức Mẹ tại Việt Nam


*Mẹ Maria Là Mùa Xuân Đời Con.
Chúng ta luôn gọi Đức Mẹ với nhiều danh xưng: Hiền Mẫu luôn yêu thương che chở con cái- Sao Biển hay Hải Đăng dẫn lối cho những con tàu về bến bình an- Trạng Sư bênh đỡ tội nhân là chúng ta trước Vị Thẩm Phán chính trực quyền uy là Thiên Chúa- Nữ Vương bình An- Nữ Vương Thiên Đàng- Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc- Nữ Vương Truyền Phép Mân Côi… Nhưng muốn được hưởng những hồng ân Thiên Chúa phải nhờ bàn tay chuyển tiếp của Đức Mẹ mà phương tiện nguyện cầu hữu hiệu nhất không gì bằng Kinh Mân Côi: Chuỗi Hoa Xuân Linh Diệu. Chính vì thế, nên mỗi độ Xuân về con cái Mẹ lại nô nức tìm về những điểm hành hương, quì dưới chân Mẹ để đón nhận Hoa Thiêng Mẹ ban.
Trong những lần Đức Mẹ hiện ra nhiều nơi trên thế giới, Mẹ luôn nhắc bảo loài người phải năng lần Chuỗi Mân Côi để tránh sự trừng phạt của Thiên Chúa như tại Fatima (Bồ Đào Nha), Lộ Đức, La Salette (Pháp), Guadalupe (Mễ Tây Cơ), Medjugorge hay Mễ Du (Nam Tư), Naju(Hàn Quốc), Đức Mẹ Đen (Bỉ), Đức Mẹ núi Camêlô hay Cát Minh ( Thánh Địa)…
Riêng tại Việt Nam, giáo dân đặc biệt tôn sùng Đức Mẹ: nhiều Thánh đường dâng kính Đức Mẹ, nhiều hội đoàn nhận Đức Mẹ là Quan Thày, nhiều địa điển hành hương với những Đại hội mừng kính Mẹ long trọng và hân hoan…
Trong những ngày đầu tháng 5 Tháng Mân côi, nhiều Đại hôi Hành hương Kính Đức Mẹ được tổ chức rất trọng thể tại nhiều Giáo Phận trong Đất Nước.
Xin giới thiệu cùng Quí độc giả những địa điểm Hành Hương nổi tiếng kính Đức Mẹ tại Việt Nam sau đây:
*Mẹ La Vang.
- Địa điểm: La Vang thuộc làng Cổ Vưu, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Tổng Giáo Phận Huế.
Từ ngữ La Vang có 2 giả thuyết: (1) Nơi xưa kia là rừng hoang nước độc, nhiều thú dữ, nên những người đi rừng khi gặp nguy hiểm phải ‘la’ to để tiếng ‘vang’ xa cho người khác biết đến tiếp cứu. (2) Nơi Đức Mẹ hiện ra có loại cây gọi ‘lá vằng’ Đức Mẹ đã bảo giáo dân lấy để chữa bệnh.
-Sự tích: Dưới thời vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn, ngày 17/8/1798 ban chiếu chỉ cấm đạo Gia-tô,
1 số giáo dân chạy trốn vào rừng hẻo lánh La Vang để giữ đạo. Sống trong hoàn cảnh khó khăn thiếu ăn, bệnh tật..vừa sợ quan quân vây bắt, vừa sợ thú rừng làm hại. Nhưng mọi người luôn vững tin và
phó thác trong tay Chúa và Đức Mẹ, họ thường tụ họp dưới gốc cây đọc kinh cầu nguyện. Đức Mẹ đã hiện ra tay bồng Chúa Hài Nhi, có ThiênThần chầu hai bên. Mẹ an ủi giáo dân vui lòng chịu khó và dạy hái lá cây đem nấu để chữa bệnh. Đức Mẹ hứa:”Mẹ đã nhận lời các con cầu xin. Từ nay hễ ai chạy đến cầu khấn Mẹ tại nơi này.Mẹ sẽ ban ơn theo ý nguyện”
Từ ngày đó đến nay, nhiều người thành tâm đến cầu xin đã được Mẹ ban ơn.
Nơi Đức Mẹ hiện ra, một Thánh đường đã được xây kính Mẹ, nhưng bị tàn phá vì chiến tranh năm 1972- Mãi đến ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời 15/8/13, Lễ Đặt Viện Đá Xây Vương Cung Thánh Đường theo kiến trúc Á Đông mới được thực hiện.
Biểu tượng Đức Mẹ La Vang: bồng Chúa Hài Đồng, mặc áo dài truyền thống Việt Nam.
La Vang trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc và cứ 3 năm một lần Đại Hội Hành hương thường tổ chức vào dịp Lễ Đức Mẹ Lên Trời.
‘Tôi người con viễn xứ,
Sống xa quê mỏi mòn,
Có ai về Quảng Trị,
Đến Linh địa La Vang,
Xin gởi ngàn thương nhớ,
Mẹ Việt Nam vô vàn!….
*Mẹ Trà Kiệu.
- Địa điểm: Nhà thờ kính Đức Mẹ xây trên đồi Bửu Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam,Giáo phận Đà Nẵng. Trà Kiệu là cố đô của người Chiêm Thành xưa.
- Sự tích: Ngày 1/9/1885, lính Văn Thân kéo đến vây làng Trà Kiệu định tàn sát người Công Giáo vì cho là các tín hữu đã tiếp tay với Pháp xâm chiếm Việt Nam. Phía Văn Thân mạnh hơn nhiều với 4000 quân lính được trang bị vũ khí đầy đủ và súng thần công. Trong khi họ đạo chỉ có 400 thanh niên vũ khí thô sơ xông ra chiến đấu với khẩu hiệu ‘Giêsu-Maria-Giuse’, còn người già và trẻ em tập trung dưới chân tượng Đức Mẹ cầu nguyện. Phía Văn Thân tập trung hỏa lực bắn phá Thánh đường nhưng không thể nào trúng và chính viên chỉ huy thú nhận rằng đã nhìn thấy:
‘Nhiều em nhỏ áo đỏ áo trắng, tay cầm gươm từ trên không bay xuống hỗ trợ giáo dân do một Bà rất xinh đẹp đứng trên nóc nhà thờ chỉ huy’. Nên sau 20 ngày đêm chiến đấu lính Văn Thân phải tháo chạy và giáo dân chiếm lại đồi Bửu Châu nơi Văn Thân đặt bộ chỉ huy.
Năm 1898 giáo dân xây ngôi Thánh đường trên đồi Bửu Châu dâng kính Đức Mẹ mang tước hiệu Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Ngày 31/5/71 Đức Giám Mục Phêrô Maria Phạm ngọc Chi đã chọn Trà Kiệu làm Trung Tâm Thánh Mẫu của Giáo Phận Đà Nẵng và 3 năm một lần Đại hội hành hương được tổ chức. Năm 2013 Đại Hội long trọng diễn ra trong 3 ngày 29,30, 31/5 Mừng kính 128 năm Mẹ hiện ra và kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Phận. 
‘ … Nơi ấn dấu một thời,
Nhân chứng giữa đất trời,
Giáo dân làng Trà Kiệu,
Đức tin tỏa sáng ngời ‘ ….
*Mẹ La Mã, Bến Tre.
- Địa điểm: Nhà thờ La Mã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, Giáo Phận Vĩnh Long. Lã Mã là họ Bầu Dơi xưa kia, được Đức Giám Mục Phêrô Mactinô Ngô đình Thục đặt tên ngày 11/11/1949.
- Sự tích: Năm 1930 Lm Luca Sách chánh xứ Cái Bông khi thành lập họ đạo Sơn Đốc đã tặng nhà thờ ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. 1947 giáo dân phải tản cư vì chiến tranh.Đầu năm 1950 ông trùm họ đạo mang ảnh Đức Mẹ về giao cho con trai cất giữ. Ngày 2/2/50 quân Pháp bố ráp vùng Bầu Dơi, có người chạy đem theo ảnh Đức Mẹ nhưng dọc đường sợ hãi ném xuống sông.
Ba tháng sau ngày 5/5/50, một phụ nữ đạo Cao Đài đi mò cua bắt ốc vô tình vớt được ảnh, nhưng đã bị lu mờ vì bùn bám đầy. Chính con trai ông trùm xin lại ảnh đem về lau chùi sạch sẽ, nhưng vẫn không lộ hình nên không thể thờ kính, bèn gác trên mái nhà. Khi ông trùm sang giúp con dọn dẹp nhà thấy tấm hình, ông la rày và đem ảnh về đặt trên bàn thờ. Tháng 10/50 chiến tranh lại bùng nổ, dân làng Bầu Dơi chạy trốn chỉ còn hai cha con ông trùm núp sau bàn thờ luôn miệng cầu xin Đức Mẹ phù hộ. Chiến cuộc chấm dứt, nhà cưa bị hư hại, nhưng tủ thờ còn nguyên vẹn.
Ông ngước nhìn lên ảnh thì thấy hình Đức Mẹ hiện rõ. Hôm sau, nhiều người trong họ đạo đã được chứng kiến hiện tượng lạ này. Ngày 20/6/51 họ đạo La Mã đã long trọng rước Đức Mẹ về nhà thờ với sự tham dự đông đảo giáo dân cùng một số tín đồ các tôn giáo khác.
Qua bao năm tháng, người người nô nức đổ về cầu xin dưới chân Mẹ Hằng Cứu Giúp và đã nhận được nhiều ơn lành.
Ngày 5/5/13 Giáo Phận Vĩnh Long đã tổ chức trọng thể kỷ niệm 63 năm (5/5/50- 5/5/13) tìm lại 
Linh Ảnh Mẹ. Đức Cha Tôma Nguyễn văn Tân chủ lễ cùng 33 Linh Mục đồng tế và hàng chục ngàn giáo dân, du khách, dòng tu, đại diện Cộng đoàn nhiều Giáo Phận về tham dự.
‘ Nghe trong tiếng gió ai ơi!
Tìm về La Mã là nơi lưu truyền,
Mẹ Hằng Cứu Giúp uy quyền,
Dâng đời tín thác Mẹ hiền chở che,
Người về sông nước Bến Tre,
Có nghe sóng vỗ Hồn Quê dâng trào’……
*Mẹ Tà- Pao.
- Địa điểm: Tà Pao thuộc xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, Giáo Phận Phan Thiết.
Tà Pao theo tiếng dân tộc K’Ho nghĩa là giấc mơ đẹp.
-Sự tích: 1950 nhân dịp Đại hội Thánh Mẫu Toàn Quốc kỷ niệm 100 Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Tổng Thống Ngô đình Diệm chỉ thị cho Phủ Tổng Ủy Dinh Điền xây 5 tượng đài kính Đức Mẹ vào những năm 59, 60 và 61 tại Giang Sơn (Đắc lắc)- Thác Mơ (Phước Long)- Phương Hoàng (Kontum)- Trinh Phong (Ninh Thuận) và Tà Pao (Bình Tuy nay là Bình Thuận).
Ngày 8/12/59 Lễ cung hiến Thánh Tượng Đức Mẹ Tà Pao do Đức Cha Marcello Piquet cử hành với sự tham dự đông đủ các Linh Mục, Tu sĩ và hàng ngàn giáo dân.
Từ năm 1964 đến 1975, vì chiến tranh giáo dân lưu lạc khắp nơi, Tượng Đức Mẹ bị bể nát và bỏ quên. Mãi đến năm 1991 Đức Cha Nicôla Huỳnh văn Nghi Giám Mục Phan Thiết mới cho trùng tu lại Tượng Đức Mẹ. Ngày 29/9/99 ba em nhỏ đã trông thấy Đức Mẹ hiện ra bay về phía sau núi và theo lời tường thuật một số đông dân chúng trong đó có cả phóng viên nước ngoài đã được chứng kiến hiện tượng mặt trời quay như ở Fatima và đã chụp hình quay phim hiện tượng này. Tuy những hiện tượng trên chưa được Giáo Hội chính thức công bố, nhưng lòng nhiệt thành tin tưởng của giáo dân vào quyền năng của Đức Mẹ không suy giảm, nên đoàn người vẫn lũ lượt đổ về Tà Pao cầu xin ơn lành.
Công trình xây dựng Tượng đài kính Đức Mẹ đã hoàn tất ngày 13/5/07 và Giáo phận Phan Thiết năm 2009 đã long trọng Kỷ niệm 50 (1950- 2007) đặt Tượng Đức Mẹ trên đỉnh Tà Pao.
‘ Tà Pao lên giấc mơ hồng,
Rừng thiêng sương quyện, núi dâng mây ngàn,
Tô thêm nét đẹp Giang San,
Lòng con xao xuyến ngập tràn tin yêu’…. 
*Mẹ Măng Đen.
- Địa điểm: Măng Đen là tên bản thượng của dân tộc thiểu số thuộc xã Đắc Long, huyện Kon Plong, tỉnh Kontum, Giáo Phận Kon tum.
- Sự tích: Năm 1971 Linh Mục Tôma Lê thành Ánh trao tặng tiền đồn Măng Đen 1 Tượng nguyên mẫu Đức Mẹ Fatima. Nhưng đến năm 1974 tiền đồn do hỏa lực chiến tranh tàn phá phải triệt bỏ và Tượng Đức Mẹ bị lãng quên…Đầu thập niên 1980, chính quyền Cộng Sản thành lập các vùng kinh tế mới, người dân đã phát hiện ra Tượng Đức Mẹ nhưng không quan tâm đến. Mãi đến năm 2004 khi thi công mở Quốc lộ 24, một công nhân Công Giáo đã mang Tượng Đức Mẹ về phục chế vì đã mất đầu và hai tay.Phần đầu phục chế được, nhưng hai tay sau nhiều lần cố ráp nối vẫn lại rời ra, nên để nguyên Tượng Đức Mẹ cụt tay như ta thấy ngày nay.
Ngày 9/12/07, Đức Cha Micae Hoàng đức Oanh Giám Mục Kontum cùng với các Linh Mục, Tu sĩ và 2000 giáo dân dâng Thánh lễ trọng kính Đức Mẹ tại đây và hàng năm Giáo phận Kontum lấy ngày 9/12 là ngày Đại hội Hành hương kính Mẹ Măng Đen.
Ngày 10/9/11, Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh Leopoldo Girelli được Đức Cha Hoàng đức Oanh hướng dân đến kính viếng và chủ trì Thánh lễ Tôn kính Đức Mẹ và Ngài hết sức xúc động nói với giáo dân:”Hãy cho Mẹ mượn bàn tay để giúp đỡ mọi người!”. Ý nguyện của Đức TGM và Đức Cha giáo phận cùng con cái muốn nhận Đức Mẹ là Quan Thày Người Khuyết Tật.
“Núi rừng ôm thiết tha,
Tình thương mến chan hòa,
Vây quanh dưới chân Mẹ,
Bản người cùi Măng Yang.”…..
Ngoài những Linh địa hành hương nêu trên, chúng ta cũng thường nghe nhắc đến những địa điểm tôn kính Đức Mẹ tại nhiều nơi trên quê hương như Đức Mẹ Fatima Bình Triệu, Bãi Dâu Vũng Tàu, Giang Sơn Đắc lắc, Thác Mơ Phước Long, Phượng Hoàng Pleiku, Trinh Phong Ninh Thuận…..
Với lòng Tôn sùng Đức Mẹ, người viết xin ghi lại vài dòng giới thiệu sơ lược cùng bạn đọc những ‘địa điểm và sự tích’ nơi chúng ta đã có dịp đến hay sẽ đến kính viếng Mẹ Việt Nam.
“ Về đây Linh địa hành hương,
Thân thương nối kết con đường Việt Nam,
Về đây sẽ thấy bình an,
Mẹ sẽ ban phát muôn ngàn hồng ân “.
Đinh văn Tiến Hùng
Nguồn: Vietcatholic


NÉT ĐẸP ĐỜI LINH MỤC



Cuộc sống quanh ta với biết bao là nét đẹp.  Nét đẹp của hoa cỏ đồng nội.  Nét đẹp của trăng sao, cá nước chim trời.  Nét đẹp của những cánh đồng mênh mông bát ngát, hay nét đẹp của những dòng sông hiền hòa, trĩu nặng phù sa.  Nét đẹp của thiên nhiên và nét đẹp của con người.  Đó là nét đẹp của trí tuệ, nét đẹp về hình thể, nét đẹp của lòng nhân ái bao dung, nét đẹp trong những lời thơ, tiếng hát v.v…  Thế nên, một nhạc sĩ đã từng viết: “Cuộc đời quanh ta có biết bao là nét đẹp.”  Vậy những nét đẹp của đời linh mục là gì?  Tại sao đời linh mục lại có những nét đẹp như thế?


Trong một bài viết đã lâu, linh mục Anthony Đào Quang Chính, OP, có đề cập đến 6 niềm vui sướng và 5 niềm khổ đau trong đời linh mục: “Cái sướng thứ nhất là được gọi bằng “cha”; thứ hai là được bài hát nào đó ca tụng rằng: Chúa chọn con lên hàng khanh tướng; thứ ba là nghe tội người khác; thứ tư là ngồi chỗ kính trọng; thứ năm là không bị lo lay-off, nghĩa là thất nghiệp; và thứ sáu là cha nói một tiếng bằng chúng con nói mười tiếng.”  Suy cho cùng, những niềm vui sướng ấy chỉ dừng lại ở khía cạnh hình thức bên ngoài mà thôi.  Những niềm vui sướng ấy không nói lên những nét đẹp nơi căn tính và sứ vụ của người linh mục.  Căn tính sâu xa của đời linh mục đó chính là nét đẹp của tâm linh, nét đẹp của sẻ chia, nét đẹp của tha thứ, và nét đẹp của hy sinh.

Nét đẹp của tâm linh
Linh mục là con người của cầu nguyện, là thầy dạy về cầu nguyện.  Là con người của cầu nguyện, linh mục nguyện gẫm, suy niệm Lời Chúa, giảng dạy Lời Chúa, viếng Chúa, Chầu Thánh Thể và dâng Thánh lễ mỗi ngày.  Đó là những nét đẹp tâm linh trong đời linh mục.

Mỗi lần nguyện gẫm, linh mục có thời gian nhìn lại chính mình, nhìn lại mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa, hay mối tương quan giữa mình với giáo dân.  Mỗi lần suy niệm hay giảng dạy Lời Chúa, linh mục phải là người để Lời Chúa soi sáng, dẫn đường để rao giảng những lời của an ủi yêu thương, những lời của sự thật và sự sống.  Mỗi lần viếng Chúa, chầu Thánh Thể, linh mục quỳ gối thinh lặng, cầu nguyện và chiêm ngắm Thánh Thể là bí tích của tình yêu, một tình yêu cao trọng, một tình yêu đến cùng mà Chúa Giêsu, vị linh mục thượng phẩm đời đời đã dành cho nhân loại.  Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần linh mục hiệp cùng hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá, để dâng cả những suy nghĩ, dự định, ước muốn; dâng cả những lỗi lầm, bất xứng trong đời linh mục lên cho Thiên Chúa Cha, để cầu nguyện cho bản thân, nhất là cầu nguyện cho những đau khổ của đoàn chiên mà Chúa trao phó.

 Nét đẹp của sẻ chia
Nhiều bổn đạo đau khổ, tuyệt vọng bởi những biến cố đau thương giữa đời thường.  Họ tìm đến nhờ linh mục cho những lời khuyên, giúp lời cầu nguyện để vượt qua những khó khăn và thử thách.  Đau khổ về tinh thần lẫn vật chất.  Nhiều bà con vướng vào cảnh nợ nần, hoặc quá nghèo tìm đến với linh mục, nói thật những đau khổ ấy với linh mục, họ hy vọng được ngài sẻ chia.  Có cha mẹ nào lại không thương những đứa con đang hoạn nạn, nghèo túng của mình.  Vì vậy, người linh mục luôn đồng cảm với những nỗi thống khổ của nhiều bổn đạo trong giáo xứ mà ngài coi sóc.  Cha giúp lời cầu nguyện. Cha thăm viếng động viên.  Thậm chí cha giúp một chút tiền để họ vượt qua khủng hoảng và bế tắc.  Vì vậy, linh mục là người “bị ăn”, là tấm bánh được bẻ ra để phân phát cho những ai đang đói khát.

Nhiều linh mục tổ chức mời đoàn bác sĩ ở thành phố về nhiều giáo xứ tỉnh lẻ ở thôn quê để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con giáo dân.  Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát quà cho bà con giáo dân nghèo mỗi dịp Giáng sinh hay Tết đến.  Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn nhưng chăm chỉ học hành.  Gia đình nào có tang chế, linh mục đến hiệp dâng Thánh lễ, cầu nguyện và chia sẻ sự mất mát lớn lao.  Đó là những nét đẹp của sẻ chia và yêu thương trong đời linh mục.

Nét đẹp của tha thứ
Theo gương Chúa Giêsu, người linh mục là con người của tha thứ.  Ngài tha thứ cho những bổn đạo nói xấu, chỉ trích, lên án mình.  Ngài tha thứ cho nhiều hối nhân nơi tòa giải tội.  Ngài tha thứ cho những lầm lỗi, thiếu sót cho bà con đang làm việc trong các hội đoàn.  Đó là nét đẹp của lòng bao dung.  Vì yêu thương con cái nên cha mẹ sẵn sàng tha thứ, không chấp nhất những lỗi lầm, khuyết điểm của con. Vì yêu thương đoàn chiên nên người linh mục luôn đón nhận tất cả vào vòng tay nhân ái của người mục tử nhân lành.

Vì vậy, nơi nét đẹp của tha thứ, mỗi Kitô hữu chúng ta còn khám phá ra nơi khuôn mặt của mỗi linh mục sự hiền lành và phúc hậu.  Nét đẹp ấy đã giúp nhiều hối nhân lấy lại niềm tin yêu và cậy trông vào Thiên Chúa.  Cả thế giới vô cùng cảm kích trước nghĩa cử Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tới một nhà tù, thăm hỏi và tha thứ cho người thanh niên bắn những phát súng để ám sát ngài.  Phải chăng đó là nghĩa cử xuất phát từ những gì Chúa Giêsu đã dạy và đã sống?

Nét đẹp của hy sinh
Làm linh mục đòi hỏi phải có sự hy sinh.  Hy sinh thời gian, sức khỏe; hy sinh những phút thư giãn của bản thân để phục vụ nhu cầu tâm linh của nhiều bà con bổn đạo; hy sinh sống đời độc thân không có vợ con để dành trọn thời gian và công việc cho việc phục vụ Giáo hội và mọi người.  Bởi vậy, nét đẹp của hy sinh được kết nên bởi những từ bỏ trong đời linh mục.  Người linh mục đúng nghĩa phải là một con người của sự từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ những quyến luyến của tình cảm, của đam mê xác thịt, hay từ bỏ những cám dỗ quyền lực, danh vọng để sống đơn sơ, thanh thoát và dấn thân cho sứ vụ mục tử.

Tình yêu đòi hỏi phải có hy sinh.  Hy sinh càng nhiều tình yêu càng có ý nghĩa và đúng nghĩa.  Tuy nhiên, ngày nay, tâm lý tự nhiên ai cũng sợ hy sinh và từ bỏ.  Người linh mục sợ hy sinh vì thấy lòng mình chưa thật sự từ bỏ dứt khoát những lôi cuốn của sự đời.  Người linh mục sợ cô đơn vì động lực dấn thân vì lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội chưa thật sự mạnh mẽ.  Vì vậy, tận trong sâu thẳm cõi lòng, nhiều linh mục vẫn chân nhận rằng mình cảm thấy cô đơn và đấu tranh với những phân mảnh trái ngược nhau diễn ra trong tâm hồn như trong “Lời Kinh Chiều Chúa nhật”, Linh mục Michel Quoit đã viết: “Lạy Chúa, chiều nay chiều Chúa nhật, một mình con quỳ đây đối diện với ngọn đèn chầu, đối diện với Thánh Thể Chúa.  Giờ này, nhiều gia đình đang sum họp ăn uống, cười nói vui vẻ bên nhau, còn con thì lặng lẽ âm thầm cầu nguyện với Chúa.  Con bắt tay nhiều người nhưng không giữ lại một bàn tay nào cho riêng mình.  Con tiếp xúc với nhiều trẻ con, nâng niu và vui đùa với chúng.  Nhưng lạy Chúa, đó là những đứa trẻ của người khác chứ không phải là của con.  Con giơ tay ban phép lành xá tội cho nhiều người, nhưng những tội đời của con thì chỉ có Chúa mới hiểu mà thôi… Lạy Chúa, làm linh mục có những phút giây cô đơn rất thật như thế, nhưng con tin rằng những phút giây ấy là cơ hội để con trắc nghiệm lại động lực ơn gọi dấn thân trong sứ vụ đời mình.”

 Tóm lại, trong cuộc đời này cái gì cũng đều có hai mặt.  Đời linh mục cũng vậy.  Nhiều bậc cha mẹ muốn con đi tu làm linh mục cho sướng cái thân, ra đời lăn lộn kiếm tiền, vất vả khổ cực lắm!  Nhưng họ đâu biết rằng, đằng sau những hào nhoáng, sung sướng bên ngoài ấy, người linh mục hằng ngày phải chiến đấu với bản thân, chiến đấu trong lời kinh, nguyện cầu.  Làm linh mục có nhiều cái sướng nhưng khổ đau cũng không phải là ít, thậm chí khổ nhiều hơn sướng.  Thế nhưng, nhờ những nét đẹp tâm linh, nét đẹp của sẻ chia, nét đẹp của tha thứ, hy sinh mà người linh mục có thêm động lực tình yêu để sống trọn vẹn trong ơn gọi.  Những nét đẹp đời linh mục cho thấy Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng của niềm vui, của niềm tin yêu và hy vọng cho thế giới hôm nay.


LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

TRỞ VỀ

Ba em mất rồi!
Thứ năm, 5h sáng làm lễ ở nhà thờ.
Tôi thu xếp công việc, nhờ đồng nghiệp dạy giùm và chỉ kịp nhắn vội câu: Tôi có người thân yêu ở xa qua đời nên phải đi gấp, tranh thủ chuyến xe chiều nay.
Mọi khi xe đi Thành Phố như dày như bánh canh, hôm nay lúc tôi chờ thì con đường quốc lộ vắng hoe, ì ạch một vài chiếc xe tải, hoặc mấy chiếc xe về Cần Thơ muộn màng. Gần cả tiếng đồng hồ chờ đợi, mọi thứ diễn ra chầm chậm như thách thức lòng kiên nhẫn của tôi. Mãi thì tôi cũng đón được chuyến xe ngang qua Vĩnh Long.
Ngồi trên xe mà lòng tôi chòng chành một nỗi niềm khó tả!
Cái tin nhắn 5h sáng làm lễ ở nhà thờ xoáy sâu vào đầu tôi, lờ mờ những câu hỏi, rồi nhiều những câu hỏi cuộn tròn, như sợi tơ không mối gỡ trong đầu.


Hai mươi năm rồi, kể từ ngày chúng tôi rời cổng trường đại học, chia tay không gặp lại. Ấy mà duyên may vẫn còn. Nhờ công nghệ thông tin phát triển, chúng tôi lang thang vào thư viện đề thi, và nhận ra nhau. Tình cờ ngẫu nhiên là thế!
Nhưng không phải do chúng tôi nặng nợ ân tình, mà hơn thế nữa do chúng tôi có chung cái mối lương duyên: Cùng là người Công giáo.
Ngày ấy, chúng tôi có nhiều cái cùng, chúng tôi cùng học chung lớp, cùng là dân tỉnh lẻ, ở chung một phòng trong ký túc xá của trường, và cùng say mê đọc sách. Nhưng một cái cùng đáng kể mỏng manh nữa, mà mãi tới năm ba Đại học tôi mới phát hiện ra, là cùng chung mối đạo Công Giáo. Sợi chỉ ấy mỏng manh nhưng dai dẳng, nó đeo bám suốt những năm tháng đời tôi khi nghĩ về em.
Sự thể em là người Công giáo tôi chỉ được biết khi chúng tôi cùng tham gia chuyến linh thao giành cho sinh viên nhiều nơi, được tổ chức mỗi năm vào dịp hè ở Thành phố biển. Em tâm sự là chẳng mặn mà gì, nhưng mà ham vui, thích được đi biển rồi đăng ký thế thôi!
Năm ngày sống trong im lặng, sống lắng nghe tiếng Chúa mời gọi đánh động tâm hồn, qua những bài giảng của Cha, tôi quan sát thấy giọt nước mắt em lăn dài trên má. Em  ngồi nhìn Thập Giá thật lâu, rồi khép nép bước vào tòa giải tội. Tôi thở phào nhẹ nhỏm!
Cả buổi chiều nay, hai chúng tôi trốn tuốt trên núi, cứ mom men lần theo những bậc thang đá xù xì, đi lên, đi lên, và trên cao chót vót ấy là Thánh Giá.
Em hỏi tôi:
- Có Chúa thật không chị?
Tôi bối rối. Một thoáng nghi ngờ, rồi định thần lại, chỉ tay về phía bờ biển xa xa tuyệt đẹp và nói:
- Nhìn đi, theo em ai làm chủ phong cảnh nên thơ hữu tình kia? Chị tin chắc phải có một đấng uy quyền, một đấng luôn làm cho mọi sự trở nên tinh tuyền xinh đẹp.
- Em bỏ đạo lâu rồi! Mà không phải, em không đi nhà thờ kể từ khi bà chết.
Tôi trợn tròn mắt:
- Sao thế?
- Ông bà em là con chiên ngoan đạo của Chúa. Nhưng ba em thì không tin. Ba em không chấp nhận vài điều về nước Chúa.       
- Ví dụ?
- Ba em không bao giờ chịu vô đạo, mặc dù ba em rất hiểu biết về đạo. Không đến nhà thờ, nhưng ba vẫn trung thành dõi theo thánh lễ mỗi chủ nhật trên đài radio.
- Ừ hay nhỉ?
- Không hay mà là mầu nhiệm!
Ba hay kể chuyện… Cuộc đời ba luôn có ơn Chúa giúp. Mà kỳ lạ, Chúa như lúc nào cũng dõi mắt trông chừng ba. Chúa sai Mẹ Chúa chở che ba. Ba được làm con ông bà nội cũng là một điều nhiệm mầu.
Bom đạn giày xéo quê hương, bom đạn vô tình, nhưng con người thì hữu ý, nên ba mẹ ruột của ba không tránh nổi lằn bom. Ông bà nội cưu mang ba, thương yêu ba như con ruột. Ông bà là con chiên ngoan đạo của Chúa, nên ba cũng được học giáo lý, được chuẩn bị rửa tội.
Đùng cái, ba vào quân dịch chưa kịp lãnh bí tích rửa tội. Niềm tin vào Chúa như hạt mầm nhỏ, dần dần mọc rể đâm chồi trong ba, chưa chi đã cạn nước, khô rễ. Chỉ vì mắc mớ một điều ba giấu sâu tận đáy lòng, chưa hề nói với ai. Ba hay tâm sự:
- Ba được Đức Mẹ cứu khi một lần ra quân. Ba là lính mới nhưng bị đi đầu. Ba cầu xin Đức Mẹ chở che. Đi một lúc, người đội trưởng lại đổi ba xuống dưới vì như sực nhớ ba là lính mới chưa có kinh nghiệm tránh mìn. Đi được vài trăm mét, người lính đi đầu giẩm phải mìn chết ngọt. Ba dựng tóc gáy, ba run rẩy, rồi ba thầm cảm ơn Đức Mẹ. Ba tin!
- Nhưng tại sao ba không vào đạo, mà con ba thì cho vào đạo?
Ba cố chấp, có vài điều trong nhà thờ mà ba chưa chấp nhận:
- Ba không chấp nhận việc phải quỳ xuống trước một con người bằng xương bằng thịt mà xưng thú tội.
- Ba không thông việc dùng tiền mua lấy thánh lễ cho linh hồn người chết. Ba nói giống kinh doanh Chúa.
Ba không chịu rửa tội.          Nhưng ba rất có hiếu, ba luôn cảm kích công ơn nuôi dưỡng của ông bà nội, nên ba cho mấy anh em theo đạo để thờ ông bà nội. Ngày ông bà mất, ba làm đúng theo nghi thức người có đạo để đưa tiễn ông bà. Trên tường giữa nhà treo ảnh Chúa chuộc tội và phía bên dưới là bức hình thánh tâm chúa Giê-su. Bao nhiêu lần thay đổi sửa chữa nhà, nhưng biểu tượng của Đức Chúa được đặt trang nghiêm không hề thay đổi. Có lần mấy ông bạn ba nói đưa tượng Chúa lên cao phía trên. Ba không đồng ý vì muốn Chúa ở gần di ảnh ông bà, để ông bà được ấm cúng bên Chúa.
Ba mẹ không vào đạo. Ba đứa con ba có đạo. Nhưng kể từ khi ông bà chết đi. Anh cả lấy vợ. Chị kế lấy chồng ngoại đạo. Riêng em những năm tháng bên bà, cùng theo bà đi lễ, em thuộc nhiều kinh và hiểu biết nhiều về giáo lý Chúa.
Em có đạo. Thế nhưng bồng bềnh đời sống cơm áo gạo tiền, rồi rượt đuổi danh lợi, những buổi bên giảng đường cùng các em sinh viên miệt mài, em quên ngày Chúa nhật, quên nhà thờ rồi dần dần quên Chúa. Hơn hai mươi năm nay, em không còn rẽ về con đường đến nhà thờ, ký ức thánh lễ, ký ức về bà đọng lại trong góc tim mà hiếm khi có lần mở lại xem.
Rồi cũng xong.
Ba bệnh, cả nhà đau buồn, má rủ rượi gầy xộp người. Ung thư gan, bệnh viện cho về, nhưng má thương ba, chưa muốn buông tay, nghe đâu có thầy hay má đều đưa ba đến. Ba sống có đạo đức nhưng ba cố chấp. Có lần má đưa ba vượt mấy trăm cây số để gặp bác sĩ giỏi, có thể kéo dài sự sống cho ba. Khi về nhà ba dứt quyết không uống thuốc vì cho rằng ông bác sĩ không có tâm khi cho thuốc lột hết nhãn hiệu, ba chỉ nói thế rồi im lặng, mặc cho má có nài nỉ nhưng ba không uống thuốc.
Mấy tuần trước khi chết, ba vẫn nghe thánh lễ, ba trung thành với việc nghe thánh lễ. Mấy người bạn già đến thăm thấy thế khuyên nhủ ba trở lại đạo. Nhưng ba quả là cố chấp!
Những người ở nhà thờ tới lui thăm viếng ba khi ba đang đau đớn trên giường bệnh. Rồi một ngày ba mơ màng thấy Đức Bà đến thăm ba. Trưa hôm ấy ma-sơ ghé thăm, quả là trùng hợp, nhìn ma-sơ trong bộ tu phục giống Đức Bà. Ma-sơ tâm sự đã ăn chay cầu nguyện trước khi đến thăm ba, mong cho ba được ơn quay trở về. Ba ứa nước mắt, ba gật đầu đồng ý. Đến khi chọn người đỡ đầu, ba chọn ông bạn thân, nhưng tên thánh thì ba nhất định chọn tên thánh Maria. Ba nói chính Đức Maria đã đỡ đầu cho cả cuộc đời ba. Thế là ba được rửa tội và nhận tên thánh Maria - Augustino.
Ba ngày trước khi chết trông ba có vẻ bình an thanh thản.
Hai mươi năm, thời gian quá dài, tôi quên đi nhiều thứ nhưng cái con hẻm ngoằn ngoèo dẫn vào nhà em tôi vẫn nhớ như in.
Đám tang, không có tiếng khóc rên rỉ não nề, em nói cả nhà làm tất cả những gì có thể để níu kéo ba. Nhưng ý Chúa vẫn nhiệm mầu, Chúa không muốn thế, Chúa muôn rước ba đi. Chúa đưa tay ra và ba đã quay mặt lại bám vào bàn tay nhân từ Chúa.
Em là giảng viên của một trường đại học, đồng nghiệp, bạn bè, sinh viên, rất đông, rất đông, thậm chí những bạn bè một thuở sinh viên xa lắc cũng quay về bên em chia sẻ nỗi đau, sự mất mát.
Một đám tang ấm cúng đậm đà tình thân, ngọt ngào những làn hương tỏa ra quyện vào lời kinh. Lâu, đã rất từ lâu trong căn nhà này lại được vang lên lời kinh. Má và các anh chị nghiêm trang trước bàn thờ Chúa, nhìn lên ảnh chuộc tội, rồi nhìn xuống bức ảnh trái tim Chúa bao lâu nay vẫn ở đó trông chừng linh hồn ba, chăm sóc gia đình. Di ảnh ba, đôi mắt sáng ngời, miệng như muốn cười.
Lần đầu tiên ba được đưa vào nhà thờ, cũng là lần cuối cùng. Má không khóc, em không khóc, các anh chị không khóc. Ai lại khóc vì một ơn ban rất lớn lao. Ba hết cố chấp, ba làm con Chúa, ông bà nơi thiên quốc ắt cũng mỉm cười.
Ba được đưa vào đất thánh. Lúc cha đọc lời kinh đưa tiễn cuối cùng, chiếc quan tài từ từ được đặt xuống lòng mộ, nhẹ nhàng, an lành. Nụ cười ba ở lại, mọi người thở ra hít vào một hơi như vừa tiễn ba về theo ông bà nội.
Sáng nay trong thánh lễ cha nói rồi, chúng ta phải vui mừng vì chết không phải là hết mà là được sống muôn đời. Niềm tin Kitô hữu không đặt dấu chấm hết nơi cái chết mà là sự phục sinh trong Đức Kitô. Một đời ba ẩn uất bao điều, nhưng cuối cùng ba vẫn được ơn quay về.
 Má nói: Xong xuôi má cũng xin được rửa tội, cả nhà ai cũng là con Chúa nên má cũng phải ở chung.
Chị ở lại vài ngày với má nhé, đọc kinh cho ba, rồi an ủi má, giúp má cách cầu nguyện cho ba.
Đôi mắt em xa xôi, nhìn vào khoảng không, như tìm kiếm cái gì đó đã đánh mất từ lâu, rồi bỗng đôi mắt ấy vụt sáng.
Tiếng hát vang vọng từ xa… “Con nay trở về, trở về cùng Chúa, Chúa ơi…”
Có tiếng ai đó gọi mời.

Ngày mai Lễ Tro, mùa chay thánh!

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

12 Ðiều mà mọi người Công giáo phải trả lời được

          Tự do ngôn luận là một điều cao quý. Tiếc rằng chúng ta phải trả một giá rất đắt cho nó: Khi dân chúng được quyền tự do, muốn nói gì thì nói, họ đôi khi dùng sự tự do đó để nói những điều ngớ ngẩn.  Và đó là 12 điều mà chúng tôi sẽ bàn ở đây.



          Có một ít điều được nhắc đi nhắc lại, có những điều khác thì họa hiếm mới được nhắc đến, trong khi những người đề xướng những sai lầm này tự do quảng bá chúng, chúng ta là người Công Giáo có nhiệm vụ phải trả lời.
          1."Không có gì là chân lý tuyệt đối cả. Ðiều đúng cho bạn, chưa chắc đã đúng cho tôi".
          Người ta dùng lý luận này rất nhiều khi họ không đồng ý với một câu nói và không có cách nào khác để chống đỡ tư tưởng của mình. Vậy, nếu không có gì là đúng cho tất cả mọi người, thì họ muốn tin gì thì tin, và không thể nói gì để làm họ đổi ý cả.
          Nhưng hãy nhìn lại câu nói "Không có gì là chân lý tuyệt đối cả" một lần nữa.
          Có phải chính câu này đã khẳng định nó là điều tuyệt đối không? Nói cách khác, nó áp dụng ít qui luật hay tiêu chuẩn cho mọi người - chính là điều mà những người theo tương đối nói là không thể được. Họ đã hóa giải lập luận của họ bằng cách đưa ra lập luận của họ. 
          Một vấn đề khác với câu này là không có một người theo thuyết tương đối nào lại thật sự tin điều đó. Nếu có ai nói với bạn, "Không có chân lý tuyệt đối nào cả", và bạn thụi vào bụng người đó, người đó có lẽ sẽ nổi nóng. Nhưng theo niềm tin của anh ta, anh ta phải nhận rằng đấm vào bụng ai có thể sai đối với anh, nhưng có thể đúng đối với bạn.
          Khi đó họ sẽ trở lại với một bổ túc cho câu nói nguyên thủy là: "Bao lâu bạn không làm đau người khác, bạn tự do muốn làm gì và tin gì tùy ý".  Nhưng đây chỉ là một sự phân biệt tùy ý (cũng như là câu nói tuyệt đối khác). Ai nói là tôi không được làm đau người khác? Cái gì là đau? Luật này từ đâu mà đến?
          Nếu câu này được đưa ra dựa theo quyền của cá nhân, thì không có nghĩa gì đối với người khác. "Ðừng làm hại" chính nó là một thỉnh cầu đối với một cái gì cao trọng hơn - một loại phẩm giá chung  của con người. Nhưng câu hỏi lại là phẩm giá từ đâu đến.
          Như bạn có thể thấy, càng đi sâu vào những câu hỏi này, thì bạn càng hiểu biết rằng quan niệm về lẽ phải và chân lý không phải tùy ý, nhưng dựa vào một vài chân lý cao quý và phổ quát ngoại tại – một chân lý được viết trong chính bản tính của chúng ta. Chúng ta có thể không biết nó trọn vẹn, nhưng không thể chối rằng không có chân lý đó.
+++
          2.“Kitô giáo không hơn gì các tín ngưỡng khác. Tất cả mọi tôn giáo đều dẫn đến Thiên Chúa”.
          Nếu bạn không nghe đến câu này vài chục lần, bạn không rút ra được bao nhiêu. Ðáng buồn là những người nói lên điều này thường lại là Kitô hữu (ít ra trên danh nghĩa).
          Những trở ngại với quan điểm này thật không phức tạp gì cả. Kitô giáo đưa ra một chuỗi những lời xác nhận về Thiên Chúa và con người: Rằng chính Chúa Giêsu Nadareth là Thiên Chúa, và Người đã chết và sống lại - tất cả để chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi. Mọi tôn giáo khác trên thế giới phủ nhận tất cả những điều này. Cho nên, nếu Kitô giáo là đúng, thì đạo này nói cho thế gian biết một chân lý sống còn - một chân lý mà tất cả các tôn giáo khác phủ nhận.
          Chỉ điều này thôi đã làm cho Kitô giáo thành duy nhất.
          Nhưng nó không ngừng ở đó. Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan: "Thầy là đường, sự thật, và sự sống; không ai có thể đến với Chúa Cha, mà không qua Thầy".
          Trong Kitô giáo, chúng ta có trọn sự mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại.
          Ðúng là tất cả các tôn giáo chứa đựng một phần chân lý - số lượng thay đổi tùy theo tôn giáo. Tuy nhiên, nếu chúng ta khao khát mong muốn theo và thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta có nên làm theo cách Ngài chỉ dạy không?
          Nếu Chúa Giêsu quả thực là Thiên Chúa, thì chỉ Kitô giáo chứa đựng hoàn toàn chân lý này.
+++
          3. "Cựu Ước và Tân Ước trái ngược nhau ở nhiều chỗ. Nếu một Thiên Chúa toàn năng linh hứng Thánh Kinh, thì Ngài đã không để cho có sai lỗi".
          Ðây là một luận điệu thông thường, người ta có thể thấy khắp nơi trên Internet (nhất là những website vô thần và tự do tư tưởng).
          Một bài trên website của Vô Thần ghi rằng "Ðiều lạ thường về Thánh Kinh không phải vì tác giả là Thiên Chúa; chính là những mâu thuẫn được bịa đặt vô nghĩa mà người ta có thể tin là được Thiên Chúa thượng trí viết ra."
          Những câu như thế thường được kèm theo một danh sách những câu "mâu thuẫn" trong Thánh Kinh.  Tuy nhiên, những điều cho là mâu thuẫn, có ít sai lầm đơn giản. Thí dụ, người phê bình không đọc những sách khác nhau trong Thánh Kinh theo thể văn mà các sách đó được viết.
          Xét cho cùng, Thánh Kinh là một sưu tập nhiều loại văn tự... lịch sử, thần học, thơ phú, và khải huyền,vv.... Nếu chúng ta đọc các sách này cùng một cách cứng ngắc như chúng ta đọc báo ngày nay, thì chúng ta sẽ bị bối rối kinh khủng.
          Và danh sách "các mâu thuẫn" trong Thánh Kinh minh xác điều này. Thí dụ lấy điều đầu tiên trong danh sách Vô Thần của Mỹ: "Hãy nhớ ngày Sabát, và giữ nó cách thánh thiện." Xuất Hành 20:8 /         So với: "Người thì cho rằng ngày này trọng hơn ngày khác; người khác lại cho rằng ngày nào cũng như nhau. Vậy mỗi người phải xác tín trong thâm tâm mình." Rom 14:5
          Người vô thần la lên: Ðó! rõ ràng là một mâu thuẫn. Nhưng phê bình gia quên không nhắc đến điều mà mọi Kitô hữu đều biết: Khi Ðức Kitô thiết lập Giao Ước Mới, thì những đòi hỏi về nghi lễ của Giao Ước Cũ được làm trọn (và qua đi). Vì thế việc những luật lệ trong Cựu Ước về nghi lễ không còn được ứng dụng cho dân của Tân Ước là điều hoàn toàn hợp lý.
          Nếu nhà phê bình hiểu giáo lý đơn giản này của Kitô giáo, thì anh đã không mắc phải một lỗi sơ đẳng như thế.
          Ðiều kế tiếp trong danh sách của Vô Thần Mỹ cũng có khuyết điểm tương tự:"...trái đất mãi mãi trường tồn." Giảng Viên 1:4 / So với: "...các nguyên tố vật chất sẽ cháy tiêu tan, trái đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ." 2 Phr 3:10
          Vậy Cựu Ước cho rằng trái đất sẽ tồn tại đến muôn đời, trong khi Tân Ước nói rằng nó rồi sẽ bị hủy diệt. Chúng ta dung hòa hai câu này thế nào? Thực ra rất dễ, lại theo sự hiểu biết về thể văn mà theo hai sách này được viết ra. Thí dụ Sách Giảng Viên so sánh cái nhìn thế tục và tôn giáo - và hẩu hết sách này viết theo quan niệm thế tục. Ðó là lý do tại sao chúng ta thấy những dòng như, "Bánh được làm cho vui, và rượu làm cho cuộc đời thêm tươi, và tiền bạc giải quyết được tất cả" (GV 10:19).
          Tuy nhiên, ở cuối sách, tác giả đưa ra một khúc quanh, không cần tất cả "sự khôn ngoan" ông tặng và bảo chúng ta "Kính sợ Thiên Chúa, và tuân giữ giới răn Ngài; vì đó là tất cả nhiệm vụ của con người.." (12:13).
          Nếu một độc giả ngưng đọc trước khi đến cuối, thì người ấy sẽ bối rối như phê bình gia Vô Thần Mỹ. Tuy nhiên, vì quan điểm đó nảy ra khái niệm về một thế giới trường tồn bị gạt bỏ ở hàng cuối cùng của sách, hiển nhiên là không có mâu thuẫn với điều được mạc khải sau đó ở trong Tân Ước. (Và đây chỉ là một cách để trả lời tố cáo về sự khác biệt này)
          Những "mâu thuẫn" khác giữ Cựu và Tân Ước có thể được trả lời cách tương tự. Hầu như với điểm nào, nhà phê bình cũng bị lầm lẫn về mạch văn, không để ý đến thể văn, và không để dành chỗ nào cho việc cắt nghĩa cách hợp lý.
          Không một Kitô hữu biết suy nghĩ nào, phải bối rối về những danh sách này.
+++
4."Tôi không cần đến Nhà Thờ. Bao lâu tôi là một người tốt, chỉ có điều đó mới đáng kể".
          Luận điệu này được dùng thường xuyên, và rất gian xảo.
          Khi một người nhận mình là "người tốt," người đó thật sự ám chỉ rằng họ "không phải là một người xấu." - người xấu là người sát nhân, hiếp dâm, và trộm cắp. Phần đông người ta không cần cố gắng mấy để tránh các tội này, và đó là tư tưởng: Chúng ta muốn làm một số việc tối thiểu để được thông qua. Ðiều đó không giống Ðức Kitô lắm, phải không?
          Nhưng bỏ qua trạng thái tâm lý đó, có một lý do quan trọng để người Công Giáo đền Nhà Thờ hơn là chỉ để thực hành việc đi thêm một dặm nữa.
          Thánh Lễ là viên đá góc của đời sống đức tin của chúng ta vì một điều nằm ở trọng tâm của nó: Bí Tích Thánh Thể. Ðó là nguồn mạch của tất cả đời sống cho người Công Giáo, là những người tin rằng bánh và rượu trở nên Mình và Máu thật của Ðức Kitô. Chứ không phải chỉ là biểu tượng của Thiên Chúa, nhưng là Thiên Chúa hiện diện cách thể lý với chúng ta bằng một phương thế mà chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm được bằng cầu nguyện.
          Chúa Giêsu phán, "Thật, Thật, Ta bảo các người, trừ khi các người ăn thịt Con Người và uống máu Người, các người không có sự sống trong các người; ai ăn thịt và uống máu Ta có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết" (Ga 6:53-54). Chúng ta tôn trọng lệnh của Chúa Giêsu và tin tường vào lời hứa của Người mỗi lần chúng ta đi dự Thánh Lễ.
          Hơn nữa, bí tích Thánh Thể, cùng với tất cả các bí tích khác, chỉ dành cho những người ờ trong Hội Thánh. Là phần tử của Hội Thánh, nhiệm thể hữu hình của Ðức Kitô trên thế gian, đời sống chúng ta liên hệ mật thiết với đời sống của người khác trong Hội Thánh. Liên hệ cá nhân của chúng ta đối với Thiên Chúa thật quan trọng, nhưng chúng ta cũng có nhiệm vụ sống như những phần tử trung thành của nhiệm thể Ðức Kitô. Là "người tốt" mà thôi, chưa đủ.
+++
5. "Bạn không cần phải xưng tội với một linh mục. Bạn có thể đến thẳng cùng Thiên Chúa".
          Như một cựu mục sư Baptist, tôi có thể hiểu việc chống xưng tội của người Tin Lành (họ hiểu về chức linh mục một cách khác). Nhưng một người Công Giáo mà nói một điều như thế... thì thật là thất vọng. Tôi nghi rằng bản tính loài người là thế, người ta thường không thích nói cho người khác biết tội mình, nên đưa ra lý do để biện minh tại sao không làm thế..
          Bí Tích Giải Tội đã có với chúng ta từ đầu, từ chính Lời của Ðức Kitô: "Chúa Giêsu lại bảo các ông, 'Bình an cho các con! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con.' Nói rồi, Người thổi hơi vào các ông và bảo các ông, 'Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Nếu các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; nếu các con cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc'' (Ga 20:21-23).
          Nên ghi nhận rằng Chúa Giêsu ban cho các tông đồ quyền tha tội. Tất nhiên, họ không biết phải tha tội nào nếu họ không được nói cho biết là tội nào chúng ta phạm.
          Việc xưng tội cũng được chứng minh trong thư thánh Giacôbê: “Có ai trong anh em đau ốm? Hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh, và hãy để họ cầu nguyện trên người ấy, xức dầu cho người ấy nhân danh Chúa; Và lời cầu nguyện do đức tin sẽ cứu người bệnh; và Chúa sẽ nâng người ấy dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy xưng tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được chữa lành. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính có hiệu lực rất lớn lao” (Gia 5:14-16).
          Ðiều đáng quan tâm là không có chỗ nào Thánh Giacôbê (hay Chúa Giêsu) bảo chúng ta là chỉ xưng tội với Thiên Chúa, nhưng các Ngài có vẻ nghĩ là ơn tha tội đến bằng cách xưng tội công khai.
          Và lý do thật dễ hiểu. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta làm tổn thương không những mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, mà còn với Nhiệm Thể Người, là Hội Thánh (vì tất cả mọi người Công Giáo nối kết với nhau như con cùng một Cha). Cho nên khi chúng ta xin lỗi, chúng ta phải xin lỗi tất cả mọi nhóm liên hệ - Thiên Chúa và Hội Thánh.
          Hãy nghĩ về xưng tội cách này.
          Thử tưởng tượng rằng bạn vào một tiệm và ăn cắp vài món hàng. Sau đó, bạn áy náy và hối hận về hành động tội lỗi này. Giờ đây, bạn có thể cầu xin Thiên Chúa tha cho bạn vì đã phạm giới răn của Ngài. Nhưng còn một phần tử khác liên hệ; bạn phải trả lại món hàng và đền bù cho hành động của bạn.
          Ðối với Hội Thánh cũng thế. Trong toà giải tội, linh mục đại diện cho Thiên Chúa và Hội Thánh, vì chúng ta có tội với cả hai. Và khi ngài công bố lời tha tội, thì sự tha thứ chúng ta lãnh nhận được trọn vẹn.
+++
6. "Nếu Hội Thánh thật sự theo Chúa Giêsu, thì đã bán các nghệ thuật, tài sản, và các công trình kiến trúc lãng phí, mà cho người nghèo".
          Khi một người nghĩ đến Thành Vatican, họ liên tưởng ngay đến một vương quốc giàu sang, với nơi ở như cung điện cho Ðức Giáo Hoàng và các hòm đầy vàng cất ở các xó nhà, chưa kể đến các sưu tầm nghệ thuật và đồ cổ vô giá. Nhìn đến Vatican cách này thì dễ thấy tại sao một số người trở thành bực tức vì những điều họ nghĩ là sự khoe khoang tài sản cách phô trương và phí phạm.
          Nhưng sự thật thì hoàn toàn khác. Các dinh thự chính gọi là "Ðiện Vatican" không phải được xây làm chỗ ở xa hoa của Ðức Giáo Hoàng. Thực ra, khu vực gia cư tương đối nhỏ. Phần lớn điện Vatican được dùng vào việc nghệ thuật, khoa học, điều hành công việc Hội Thánh, và điều hành chung của điện. Có một số đông nhân viên của Hội Thánh và hành chánh sống trong điện Vatican cùng Ðức Thánh Cha, làm cho nó thành trụ sở chính của Hội Thánh.
          Còn về những sưu tầm nghệ thuật, thực sự là sưu tập quý nhất trên thế giới, Vatican coi đó như một "kho tàng không thể thay thế được," nhưng không phải về diện tài chánh. Ðức Thánh Cha không làm chủ những tác phẩm nghệ thuật này, và nếu ngài muốn, ngài cũng không được phép bán chúng; chúng chỉ được đặt dưới sự săn sóc của Toà Thánh. Các tác phẩm này không đem nguồn lợi đến cho Hội Thánh, mà ngược lại, Tòa Thánh phải đầu tư một số tài nguyên không nhỏ để bảo tổn các sưu tầm này.
          Sự thật của vấn đề này là Tòa Thánh có một ngân sách khá eo hẹp Nếu thế thì tại sao lại giữ những nghệ phẩm này? Vì tin vào một trong các sứ mệnh của Hội Thánh là một động lực truyền bá văn minh trong thế giới. Cũng như các thầy dòng thời trung cổ cẩn thận chép lại các sách cổ để cung cấp cho các thế hệ tương lai - nếu không thì những văn bản này không còn nữa - Hội Thánh tiếp tục bảo trì nghệ thuật để chúng không bị mai một với thời gian. Trong nền văn hóa sự chết ngày nay khi mà từ "văn minh" chỉ được dùng cách lỏng lẻo, sứ vụ truyền bá văn minh của Hội Thánh ngày nay còn quan trọng hơn bao giờ hết.
+++
7. "Chống đối thực sự là điều tích cực, vì tất cả chúng ta phải có đầu óc cởi mở đối với những tư tưởng mới".
          Ngày nay, có lẽ bạn đã nghe lập luận này nhiều rồi, nhất là trong vụ gương mù về lạm dụng tính dục trong Hội Thánh. Ai cũng muốn tìm giải pháp cho vấn đề, trong đó có người đưa ra những tư tưởng ngoài đức tin Công Giáo (như cho phụ nữ, hay mở cửa cho đống tính luyến ái làm linh mục, v.v...). Nhiều người đổ tội cho Hội Thánh vì quá cứng rắn về đức tin và không muốn thử những điều mới.
          Sự thật là nhiều tư tưởng về cải cách được đề ra khắp nơi ngày nay không có gì là mới mẻ cả. Chúng đã được đề ra từ lâu, và Hội Thánh đã quan tâm đến chúng. Thực ra, Hội Thánh đã bỏ cả đời ra nghiên cứu cẩn thận các tư tưởng và quyết định rằng tư tưởng nào hợp với luật Thiên Chúa và tư tưởng nào không. Hội Thánh đã gạt ra hết lạc giáo này đến lạc giáo khác trong khi cẩn thận xây dựng giáo lý Ðức Tin. Chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy có cả ngàn giáo hội Kitô khác ngày nay -- tất cả các giáo hội đó đều một thời có "những tư tưởng mới" mà Hội Thánh cho là ngoài Kho Tàng Ðức Tin.
          Hội Thánh có môt nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ sự vẹn toàn của Ðức Tin. Hội Thánh không bao giờ loại bỏ ngay các tư tưởng như một số người chống đối kết án, nhưng đã có hai ngàn năm cầu nguyện và nghiên cứu đằng sau những gì phải tin và phải giữ gìn là chân thật.
          Ðiều này không có nghĩa là chúng ta không bao giờ bất đồng ý kiến với nhau ở điểm gì. Luôn luôn có chỗ để thảo luận làm thế nào để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về chân lý – thí dụ, làm sao để cải tiến các chủng viện hay các tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân – tất cả đều trong phạm vi của những nguyên tắc Ðức Tin.
+++
8. Nếu giải thích đúng, Thánh Kinh không lên án đồng tính luyến ái. Nhưng đúng hơn là chống lối sống bừa bãi - dù là đồng tính hay giữa nam nữ. Vì vậy, chúng ta không có lý do để chống liên hệ tình yêu đồng tính".
          Khi hành vi đồng tính luyến ái được chấp nhận rộng rãi hơn trong nền văn hóa của chúng ta, thì sẽ có nhiều áp lực hơn giữa các Kitô hữu để giải thích sự cấm đoán điều này cách tỏ tường trong Thánh Kinh. Hiện thời, tiêu chuẩn của phe cấp tiến là cho rằng Thánh Kinh - khi hiểu đúng - không cấm những hành vi đồng tính.
          Nhưng luận điệu này hoàn toàn trái ngược với những câu rõ ràng trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Các câu đầu tiên dĩ nhiên là câu chuyện thời danh về Sođôm và Gômôra. Nếu bạn nhớ lại chuyện hai thiên sứ được Thiên Chúa sai đến thăm ông Lót: "Nhưng khi các ngài đi nằm thì dân trong thành, tức là người Sôđôm, bao vây nhà, từ trẻ đến già, tất cả mọi người không trừ ai. Chúng gọi ông Lót và bảo: "Những người vào nhà ông đêm nay đâu rồi? Hãy đưa họ ra cho chúng tôi chơi." Ông Lót ra trước cửa gặp chúng, đóng cửa lại sau lưng," rồi nói: "Thưa anh em, tôi xin anh em đừng làm bậy. Đây tôi có hai đứa con gái chưa ăn ở với đàn ông, tôi sẽ đưa chúng ra cho anh em; anh em muốn làm gì chúng thì làm, nhưng còn hai người này, xin anh em đừng làm gì họ, vì họ đã vào trọ dưới mái nhà tôi." Chúng đáp: "Xê ra! Tên này là một kiều dân đến đây trú ngụ mà lại đòi xét xử à! Chúng tao sẽ làm dữ với mày hơn là với những tên kia!" Họ xô mạnh ông Lót và xông vào để phá cửa. Nhưng hai người khách đưa tay kéo ông Lót vào nhà với mình, rồi đóng cửa lại.(STK 19:4-10)
          Thông điệp của đoạn này thật rõ ràng. Các người Sôđôm là người đồng tính luyến ái muốn liên hệ tính dục với những người thanh niên ở trong nhà. Ông Lót cho họ con gái ông, nhưng họ không thích. Ít giờ sau, Sôđôm bị Thiên Chúa thiêu hủy để đền tội dân chúng phạm -- đó là các hành vi đồng tính luyến ái. Sự thật này được Tân Ứớc xác nhận: “Như Sôđôm, Gômôra và các thành lân cận cũng có cùng một thái độ như họ, buông tuồng trong việc tà dâm, và chạy theo những chuyện xác thịt trái tự nhiên, thì đã được dùng để làm gương, bằng cách chịu phạt trong lửa đời đời. (Giuđa 7)
          Nhưng không phải chỉ có những đoạn này trong Thánh Kinh lên án hành vi đồng tính. Cựu Ước còn có một câu khác lên án cách rõ ràng: "Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm với đàn bà: đó là điều ghê tởm." (Levi 18:22).
          Và những câu này không chỉ được giữ trong Cựu Ước mà thôi.
          "Vì lý do đó mà Thiên Chúa đã để mặc họ theo dục tình đồi bại. Phụ nữ của họ đã đổi những liên hệ tự nhiên lấy những liên hệ trái tự nhiên. Ðàn ông cũng thế, bỏ liên hệ tự nhiên với phụ nữ để nôn nao thèm muốn lẫn nhau. Ðàn ông làm việc tồi bại với đàn ông, và như thế chuốc vào thân hình phạt xứng với sự suy đồi của họ." (Rom1:26-27)
          Thật khó vô cùng cho những Kitô hữu cấp tiến giải thích câu này cách ngược lại. Ở đây không chỉ nói đến việc dâm loàn hay hiếp dâm của người đồng tính; nhưng Thánh Phaolô chống lại bất cứ liên quan đồng tính nào (mà ngài diễn tả là "trái tự nhiên," "tồi bại" và "đồi bại").
          Các Kitô hữu cấp tiến bị trói tay.
          Sau cùng, một người làm thế nào mà dung hòa đồng tính luyến ái với Thánh Kinh? Xem ra giải pháp của họ là lấy đi quyền về luân lý của Thánh Kinh, và giải thích vòng vo để tránh thông điệp thật rõ ràng này.
+++
9. "Người Công Giáo nên theo lương tâm trong mọi sự... dù là phá thai, ngừa thai, hay phong chức thánh cho phụ nữ".
          Ðúng - Sách Giáo Lý nói rất thẳng, "Con người có quyền hành động theo lương tâm và sự tự do để tự mình quyết định về luân lý. Không được cưỡng bách ai hành động trái với lương tâm của họ. Cũng không được ngăn cản họ hành động theo lương tâm, đặc biệt là trong những vấn đề tôn giáo" (1782). Giáo huấn này là trọng tâm của điều gọi là có ý chí tự do.
          Nhưng điều đó không có nghĩa là lương tâm chúng ta không phải chịu trách nhiệm hay có thể gạt luật của Thiên Chúa ra ngoài. Ðây là điều mà Giáo Lý gọi là có "một lương tâm được huấn luyện chu đáo."
          Sách Giáo Lý trao cho lương tâm con người một trách nhiệm nặng nề: "Lương tâm luân lý, hiện diện trong lòng người, ra lệnh vào lúc thích hợp cho con người làm lành lánh dữ.... Lương tâm chứng nhận quyền bính của chân lý bằng cách chiếu theo Sự Thiện Hảo tối thượng (Thiên Chúa), là Ðấng mà con người được thu hút và đón nhận mệnh lệnh. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể nghe tiếng Thiên Chúa đang nói" (1777).
          Nói cách khác, lương tâm chúng ta không phải chỉ là "cái gì chúng ta cảm thấy đúng"; mà là những gì chúng ta phán quyết là đúng dựa theo những điều chúng ta biết là giáo huấn của Thiên Chúa và Hội Thánh. Và để phán đoán, chúng ta có nhiệm vụ học hỏi và cầu nguyện rất cẩn thận về những giáo huấn này. Sách Giáo Lý có trọn một phần dành riêng cho việc huấn luyện lương tâm cách kỹ lưỡng -- và nó quan trọng thế nào trong việc quyết định đúng.
          Và sau cùng, dù đúng hay sai, chúng ta vẫn chịu trách nhiệm về việc chúng ta làm: "Lương tâm giúp chúng ta gánh nhận trách nhiệm đối với việc chúng ta làm" (1781). Khi được đào luyện đúng, nó giúp chúng ta thấy khi nào chúng ta làm sai và cần được tha thứ tội lỗi chúng ta.
          Bằng cách cố gắng để có một lương tâm được đào luyện hoàn toàn, chúng ta thật sự cảm nghiệm được sự tự do lớn lao, vì chúng ta được lôi cuốn lại gần chân lý vô cùng của Thiên Chúa. Nó không phải là một gánh nặng hay là một cái gì ngăn cản chúng ta làm điều chúng ta thích; nhưng là một sự hướng dẫn giúp chúng ta làm những gì là đúng. "Việc giáo dục lương tâm đảm bảo sự tự do và đem lại bình an trong tâm hồn" (1784).
+++
10. "Phương Pháp Tự Nhiên chỉ là một cách ngừa thai của Công Giáo".
          Phương Pháp Tự Nhiên (PPTN) có kẻ thù mọi mặt. Có người tin rằng đó là một cách ngừa thai khác thiếu thực tế (mà cách nào họ cũng không cho là có tội) trong khi người khác lại cho rằng nó cũng xấu chẳng khác gì ngừa thai... PPTN phải đi giữa ranh giới của hai cực đoan.
          Trước nhất, vấn đề chính của việc ngừa thai là nó ngược lại với bản chất của cơ thể chúng ta - và cách chung, sự tự nhiên. Mục đích của nó là tách rời hành động (tính dục) ra khỏi hậu quả (có thai), chính là hạ sự thánh thiện của tính dục xuống thành sự theo đuổi lạc thú thuần túy.
          PPTN, khi dùng vì lý do chính đáng, thì còn hơn là một dụng cụ được dùng để xem đôi hôn nhân có phương tiện (dù là tài chánh, thể lý, hay tâm lý) để đón nhận một đứa trẻ vào cuộc đời của họ. Nó liên quan đến việc hiểu biết chính thân thể của mình, cẩn thận lưu tâm đến hoàn cảnh của bạn trong cuộc đời, thảo luận vấn đề với bạn đời, và trên hết, là cầu nguyện. Thay vì thoát ly thực trạng đầy đủ của tính dục, bạn tham gia vào đó với một sự hiểu biết hơn về mọi khía cạnh liên quan.
          Những người ủng hộ việc hạn chế sinh sản chỉ vào những người không thể cố gắng có thêm con, hay sức khỏe có thể bị nguy hiểm vì mang thai thêm. Nhưng đó là những lý do hoàn toàn chính đáng để dùng PPTN - những hoàn cảnh mà phương pháp này hoàn toàn hiệu quả - và Hội Thánh cho phép dùng nó.
          Những người khác nghĩ rằng dùng bất cứ phương thức nào để giới hạn số con trong gia đình là đóng vai Thiên Chúa, hơn là để Ngài cung cấp cho chúng ta như Ngài thấy cần. Ðúng là chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa và luôn chấp nhận sự sống Ngài ban cho chúng ta, nhưng chúng ta không phải hoàn toàn buông xuôi về phương diện này.
          Thí dụ, thay vì phung phí tiền bạc lung tung và nói rằng “Thiên Chúa sẽ cung cấp”, các gia đình cẩn thận dự trù ngân sách tài chánh và cố gắng không tiêu xài quá khả năng của mình. PPTN cũng giống như ngân sách đó, giúp chúng ta suy nghĩ đến hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc đời và hành động theo đó trong tinh thần cầu nguyện. Biết mình và dùng trí khôn cùng ý chí tự do, thay vì thụ động mong chờ Thiên Chúa lo liệu mọi sự, là một phần của bản tính con người. Chúng ta được mời gọi để trở nên những người quản lý tốt các hồng ân Chúa ban; chúng ta phải cẩn thận đừng coi thường các ân huệ này.
+++
11. "Người ta có thể vừa ủng hộ phá thai (tự do chọn lựa), vừa đồng thời là Công Giáo".
          Trong khi đây là một huyền thoại thông thường nhất mà người Công Giáo hiểu về đức tin của họ, nó cũng là một điều dễ đánh tan nhất. Sách Giáo lý không chẻ một chữ nào khi nói về phá thai: nó được liệt kê cùng với tội giết người trong các tội phạm đến điều răn thứ năm, "Chớ giết người."
          Những đoạn sau, nói rõ: "Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối từ giây phút thụ thai" (2270). "Ngay từ thề kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã xác nhận sự dữ về luân lý của mọi cuộc phá thai cố tình. Giáo huấn này không thay đổi và sẽ không bao giờ thay đổi" (2271). "Hợp tác chính thức vào việc phá thai là tội trọng. Hội Thánh gán hình phạt vạ tuyệt thông cho các tội phạm đến sự sống con người" (2272).
          Có thể nói rõ ràng hơn thế nữa. Tuy nhiên, có những người sẽ lý luận rằng là người "tự do chọn lựa" không có nghĩa là ủng hộ phá thai; nhiều người cho rằng phá thai là sai, nhưng không muốn áp đặt tư tưởng của mình trên người khác.
          Ðó là lại là luận "điều đúng cho bạn có thể không đúng cho tôi" mà thôi. Hội Thánh cũng có câu trả lời cho lập luận này: "Những quyền bất khả xâm phạm của con người phải được xã hội dân sự và chính quyền nhìn nhận và tôn trọng. Những quyền này không lệ thuộc vào các cá nhân, hay cha mẹ, cũng không phải là một nhân nhượng của xã hội và của quốc gia, nhưng thuộc về bản tính con người và gắn liền với con người do chính hành động sáng tạo của Thiên Chúa mà từ đó sinh ra con người" (2273).
          Tính linh thiêng của sự sống là một chân lý phổ quát không thể coi thường được. Khuyên ai phá thai, hay ngay cả bỏ phiếu cho các chính trị gia cổ võ việc phá thai, là một tội trọng, vì nó đưa người khác đến tội trọng - là điều mà Sách Giáo Lý gọi là làm gương mù (2284).
          Hội Thánh mạnh dạn và dứt khoát chống phá thai, và chúng ta là người Công Giáo cũng phải khẳng định lập trường của chúng ta như thế.
+++
12. "Việc người ta nhớ lại cuộc sống ở kiếp trước chứng tỏ rằng luân hồi là đúng... và quan điểm của Kitô Giáo về Thiên Ðàng, Hỏa Ngục là sai".
          Khi xã hội trở nên mê hoặc nhiều hơn với những hiện tượng siêu hình, chúng ta có thể chắc sẽ thấy thêm những vụ nhận rằng "nhớ lại kiếp trước". Quả thật, bây giờ có những tổ chức giúp bạn trở lại các kiếp trước của bạn bằng cách dùng thôi miên.
          Trong khi điều này có thể thuyết phục một số người, chắc chắn rằng không thuyết phục được những người quen thuộc với thôi miên. Hầu như ngay từ đầu, các nhà khảo cứu đã ghi nhận rằng các bệnh nhân ngủ mê trong lúc bị thôi miên, thường thêu dệt những câu chuyện ký ức phức tạp, mà sau đó được tỏ ra là không có thật. Những nhà chữa trị danh tiếng đã biết rõ hiện tượng này, và cẩn thận cân nhắc những gì bệnh nhân nói khi bị thôi miên.
          Ðáng buồn là đây không phải là trường hợp đối với những người muốn tìm "bằng chứng" của luân hồi. Có lẽ thí dụ điển hình nhất của sự bất cẩn này là trường hợp nổi tiếng của Bridey Murphy. Nếu bạn không biết chuyện đó, thì đây là một tóm lược: Năm 1952, một bà nội trợ ở Colorado tên là Virginia Tighe được thôi miên. Bà bắt đầu nói giọng Ái Nhĩ Lan và cho rằng có thời bà là một phụ nữ tên là Bridey Murphy sống ở Cork, Ái Nhĩ Lan.
          Câu chuyện của bà ta được viết thành cuốn sách bán chạy nhất, "Cuộc tìm kiếm Bridey Murphy," và được nhiều chú ý. Các ký giả lục soát khắp Ái Nhĩ Lan để tìm người nào, hay chi tiết nào có thể xác nhận việc trở lại kiếp trước này. Trong khi không tìm được gì, trường hợp của Bridey Murphy tiếp tục được dùng để chống đỡ các lý luận về luân hồi.
          Ðây là một điều bẽ bàng, vì Virginia Tighe bị phanh phui là giả trá vài chục năm qua. Thử nghĩ xem, các bạn bè của Virginia nhớ lại trí tưởng tượng linh động của bà, và khả năng bày đặt những câu chuyện phức tạp (thường xoay quanh tài nhái giọng mà bà ta đã đạt đến mức hoàn bị). Không những chỉ có thế, mà bà còn rất thích Ái Nhĩ Lan, một phần vì tình bạn với một phụ nữ người Ái mà tên họ là - bạn oán xem - Bridie.
          Hơn nữa, Virgiania thêm vào câu chuyện trong lúc bị thôi miên nhiều điều khác nhau từ chính đời sống của bà (mà không cho nhà thôi miên biết sự song đôi này). Thí dụ, Bridey diễn tả về "Bác Plazz," mà các nhà nghiên cứu cho là cách nói sai của người Gaelic "Bác Blaise." Tuy thế họ bị cụt hứng khi khám phá ra rằng Virginia có một người bạn khi còn nhỏ mà bà gọi là "Bác Plazz."
          Các nhà nghiên cứu ngạc nhiên khi Virginia nhảy điệu jig của Ái Nhĩ Lan trong một lần bị thôi miên.. Làm sao mà một bà nội trợ ở Colorado lại học được cách nhảy jig? Ðiều huyền bí này được giải quyết khi người ta biết rằng Virginia đã học điệu nhảy này khi còn bé.
          Như trường hợp Bridey Murphy cho thấy, những việc nhận là trở lại tiền kiếp luôn luôn gợi cảm hơn thực tế. Cho đến ngày nay, chưa có một trường hợp nào chứng minh được là có một người nhớ lại được kiếp trước. Chắc chắn là có nhiều câu chuyện đã được kể lại dưới sự kiểm soát của một nhà thôi miên, tuy nhiên, bằng chứng của luân hồi (giông như Nàng Tiên Răng) vẫn tiếp tục tránh né chúng ta.
Tác giảDEAL HUDSON