Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Giao Thừa Đơn côi

Chúa Giê-su thân mến!
Chỉ còn vài giây phút nữa là thời khắc giao thời đã đến. Lang thang khắp miền trên nước Việt chúng con. Vẫn còn những số phận nhỏ bé phải mưu sinh đêm đông, tất bật để tìm những đồng tiền ít ỏi cho cuộc sống ngày mai. Lũ lượt trong tiết xuân, từng dòng người vui cười bên nhau. Nhưng vẫn còn không ít những giọt mồ hôi, cuối ngày bên dòng người nhộn nhịp ấy. Có bao nhiêu xót xa khi gia đình vắng bóng phút giây giao thừa. Âu chăng là kiếm tìm cuộc sống trong hạnh phúc chờ mong.
Trong những số phận, không ít  những người vẫn chưa biết đến Chúa. Chúa ơi, xin cho từng con chiên lạc giữa thế gian được nhận biết Người. Và trong tình yêu mến, có những hồng ân đầy tràn, xin ban cho chúng con luôn an bình để sống tròn kiếp nhân sinh. Amen



Cô Thủy, quê Hưng Yên tranh thủ quạt vài bắp ngô nướng giữa đêm đông giá rét. Trong khi mọi người hạnh phúc bên người thân, súng sinh đi đón năm mới thì giữa thành phố hoa lệ, cô Thủy lại lóc cóc mưu sinh.
Đối lập.
Một người phụ nữ bán bóng bay đứng nhìn những bạn trẻ ăn diện, vui đùa bên nhau trong thời khắc đón năm mới.
Lạc lõng.
Một anh lái xe ôm đăm chiêu đợi khách trong giá rét (cạnh UBND TP Hà Nội).
Khi mọi người vui vẻ đón chào năm mới, ăn uống thỏa thê rồi hồn nhiên xả rác xuống đường để rồi những cô lao công lại phải vất vả đêm nay.



Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Hai nữa năm trăm, một dòng đời

       Ông cho một tờ bạc năm trăm mới cứng. Chú bé lôi ra lôi vào, ngắm nghía nó hoài. Ít hôm sau chú đem tiền mua mấy viên bi.

        Cô bán hàng nhận được tờ bạc đẹp, tỉ mỉ ghép xếp nó với mấy tờ bạc mới tặng một người bạn cùng lớp. Một ngày anh chàng tặng niềm hi vọng nhỏ nhỏ đó cho một người ăn mày tật nguyền.

      Người ăn mày gỡ ngôi sao ra, nhập tờ bạc với những đồng tiền cũ bẩn khác. Đối với ông ta điều quan trọng lúc đó là phải có đủ tiền để mua thuốc chữa cảm. Tờ bạc nằm trong tiệm thuốc tây dưới bàn tay sạch sẽ của anh dược sĩ trẻ vài ngày. Rồi nó được dùng trả tiền thừa cho một người phụ nữ trung niên. Người phụ nữ kia ra đường, bất ngờ bị giật giỏ. Tất cả tiền trong giỏ chỉ đủ cho tên cướp mua ma túy thỏa mãn cơn vật vã.

        Tờ bạc bắt đầu rách dần, rách vài lỗ nhỏ. Nó trải bao vui buồn, qua tay bao người: chị hàng cá, người quét rác...Có lần có còn thấm cả máu của một người lượm ve chai do chị cào phải mảnh thủy tinh. Rồi tờ bạc đến tay chị bán chè. Chị dùng nó thối lại cho cô bé ăn quà xinh xắn có nước da trắng trẻo. Khi về đến nhà, mẹ cô bé nhìn thấy tờ tiền đen đủi, cáu xỉn. Chị ta hét lên giận dữ, nói rằng tiền này đầy rẫy vi trùng. Chị giật lấy tờ bạc trên tay cô bé vô tình làm nó rách đôi và vứt xuống đường.

       Gió thổi một nửa tờ bạc bay đến gốc cây, nửa kia bay xuống cống. Sáng hôm sau, có cụ già đi ngang, nhặt lấy nửa tờ tiền ướt đẫm sương, đem về nhà. Bà cho nó kết hôn với nửa tờ tiền khác bằng miếng băng keo trong. Khi cụ già đi lĩnh lương hưu, xe đạp bị xẹp bánh. Bà lấy tiền trả công cho anh chàng bơm xe. Anh chàng trông còn trẻ lắm, độ 15,16 tuổi là cùng.

        Tối đó, đồng tiền với đủ mùi thơm, thối, hôi, tanh, chua, cay cùng bao nhiêu vi khuẩn bám trên mình còn thấm đẫm vị mặn của nước mắt cậu con trai mới lớn. Bây giờ tờ bạc cũ mèm đang nằm ngủ ngon lành trong tấm giấy học trò ghi nguệch ngoạc: "Giữ mãi! Đây là số tiền đầu tiên mình kiếm được."



          Lạy Chúa, xin cho chúng con được biết chắt chiu, quý giá từng đồng tiền mình làm được. Dù là nhỏ bé, nhưng là sự trân trọng do bản thân làm ra. Nhất là trong niềm vui tết đang về, xin gìn giữ chúng con trước những cám dỗ mua vui: cờ bạc, rượu chè, ăn chơi… Xin cho chúng con biết hướng lòng tạ ơn với bao hồng ân Ngài đã ban cho chúng con!
ad, Chuyển ngữ từ BBC Stories

Chúc tết Bà cố

         Chiều 29 giáp xuân, cộng đoàn giáo xứ đã đến Mừng tuổi và Chúc tết Bà cố. Trong niềm thân thương, với chuyến viếng thăm bất ngờ. Trong những lời tâm tình, Bà cố gửi lời cảm ơn cộng đoàn giáo xứ. Bùi ngùi xúc động trong những lời gửi gắm đến họ đạo, vì sức khoẻ nên không xuống vui tết được. Nhưng nồng đượm yêu mến qua từng ly nước trà xanh, cùng mâm cơm giản đơn là những niềm vui của gia đình thân thương.







        Nguyện hồng ân Thiên Chúa trong năm mới này, luôn ban cho Bà cố luôn dồi dào sức khoẻ. An khang và luôn vững niềm tin cậy trong tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi.
ad, Sóc Trăng - Xuân Giáp Ngọ

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

MÈO VÀ CHUỘT


           Một hôm ở trong góc bếp nọ có một chú mèo đang ngồi rình chuột, tình cờ chú chuột đang tìm kiếm mồi ăn vụn, thế là mèo ta chạy đến vồ lấy chuột để thịt .Trong lúc hoảng hốt chú chuột nhảy vội và rớt vào trong hủ rượu mình chú ướt sũng.
-         Lúc này chú mèo đang thèm thuồng đứng trên miệng hủ chờ, chuột ta vô cùng lúng túng và thầm nghĩ phen này chết chắc. Trong lúc bối rối chú chuột liền lên tiếng năn nỉ chú mèo rằng :
-         Anh mèo ơi anh tha cho tôi đi thân tôi yếu gầy từ sáng đến giờ chưa có miếng gì vào bụng anh ăn thịt tôi cũng chẳng bổ dưỡng gì đâu … Nếu anh chịu tha cho tôi, tôi sẽ dắt anh đến ngay chỗ dòng họ tôi đang ở đứa nào đứa nấy mập ú mặc sức mà anh đánh chén.
-         Nghe bùi tai chú mèo bảo thế mày có giữ lời không đó nếu mày gạt tao thì dù mày có trốn đi đâu tao cũng sẽ không tha đâu nhé. Nghe thế chuột ta mở cờ trong bụng, vâng! vâng! Tôi hứa, vậy thì anh mau vớt tôi lên khỏi hủ rượu này nhanh lên đi nhé.
-         Chú mèo thật thà vớt chú chuột lên và nói: Nào dắt tao đi tìm dòng họ mày nhanh lên chú chuột dạ vâng.
-         Trên đường đi đến cửa hang chuột ta nhảy vội vào trốn tuốt trong hang.
-         Còn mèo ngồi đợi mãi không thấy chuột bò ra, mèo ta bực tức hỏi này con chuột kia mày hứa với tao ra sao bây giờ mày không giữ lời hả.
-          Từ trong hang chuột vọng ra, Anh mèo ơi! khi nãy tôi hứa với anh điều gì vậy sao tôi không nhớ?
-         Mèo ta nhắc lại sự việc chuột ta thản nhiên đáp: Anh mèo ơi khi té vào trong hũ rượu tôi uống “xỉn” quá nên hứa với anh vậy thôi, cái đó là rượu hứa chứ tôi đâu có hứa. Hơi sức đâu mà anh tin mấy “thằng say rượu”. Biết mình bị lừa mèo ta giận lắm nhưng chẳng làm gì được con chuột ranh ma kia và lẳng lặng bỏ đi và thề rằng không bao giờ tin vào lũ chuột ranh ma đó nữa.
                Qua câu chuyện này ta rút ra được bài học vô cùng quí báu người ta thường nói “Rượu vào lời ra”. Có người hễ cứ uống say vô là không còn biết gì nữa hết, cứ hứa dóc hứa lèo, thậm chí còn chửi mắng nhau làm mất lòng nhau mượn rượu làm nư, phá làng phá xóm, và kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy gánh nặng cho gia đình và Xã hội. Đến khi tỉnh rượu thì sự việc đã rồi, đổ thừa tại hôm qua say quá không nhớ và cứ thế mượn rượu làm càn.

                Nhân dịp xuân về chúng ta lại họp mặt gia đình đoàn viên thế là chén tình chén nghĩa cùng nhau cạn ly chúc xuân. Nhưng ta nhớ một điều vui cũng có chừng có mực chứ đừng bao giờ quá chén rồi làm mất lòng nhau và làm mất đi sự phấn khởi vui tươi của những ngày xuân.
                                                           Xuân giáp ngọ 2014

                                                                 LAM CHIỀU
HĐGX Tân Thạnh

Tết này con về Ngoại ở đâu?

Gần 4 giờ sáng. Tiếng giày cao gót gõ trên nền sân gạch kêu lanh lảnh khiến lũ chim đang say giấc trên ngọn cây xà cừ ngay đầu ngõ tỉnh giấc, đập cánh hốt hoảng một chút rồi lại chìm vào giấc ngủ. Không gian yên ắng trở lại. Màn đêm như loãng hơn nhờ có ánh trăng. Trăng lưỡi liềm cuối tháng như một con mắt già nua đang nheo lại, đau đáu nhìn về hướng Tây.

Hương Giang mở cửa bước vào căn nhà ngói năm gian cũ kĩ. Mùi ẩm mốc và bụi bặm xộc lên khiến cô phải lấy khăn che mũi. Cô lấy điện thoại ra soi để tìm công tắc điện. Loay hoay mãi, cuối cùng cô cũng tìm thấy một đầu ổ cắm đã bị chuột gặm nham nhở, hở cả lõi đồng, may mà vẫn dùng được. Khi điện được bật sáng, căn nhà bỗng trở nên ấm cúng lạ thường. Hương Giang đảo mắt nhìn quanh. Bộ trường kỉ màu nâu gụ vẫn được đặt ngay giữa nhà, bên cạnh là chiếc giường gỗ có một chân bị mối mọt ăn nên phải thay bằng một gốc tre được sơn đen bóng. Bức tranh “Bát mã truy phong” do chính tay cô thêu được treo ở gian giữa, ngay dưới bàn thờ tổ tiên được phủ cẩn thận bởi một lớp ni lông. Một chút cay cay nơi khóe mắt cô. Rồi Hương Giang rảo bước nhanh xuống bếp. Một bếp lửa có cái kiềng ba chân và cái chum đựng nước cao quá bụng cô vẫn sừng sững đứng đó như để ghi dấu cả một thời ấu thơ.



Khi Hương Giang tròn 6 tuổi, bố mẹ cô phải đi làm ăn xa nên gửi cô về nhà ngoại. Lúc đó, ngoại chưa già lắm, da dẻ vẫn hồng hào nhưng răng đã rụng hết nên mỗi khi ăn trầu đều phải cho vào ống, giã thật kĩ rồi mới nhai. Những ngày đầu, cô nhớ bố mẹ, chẳng chịu ăn uống, khi ngủ lại khóc rưng rức như bị ai mắt nạt. Ngoại dỗ thế nào cũng không chịu nín. Thêm nữa, cô chưa quen được với cái mùi nồng nồng, cay cay mà cô luôn ngửi thấy khi ngoại ôm cô vào lòng. Vậy nên, cứ mỗi khi ngoại đến gần, cô lại chun mũi lại, đẩy ngoại ra. Bữa cơm ngoại nấu lúc nào cũng đạm bạc, các món ăn đều nhạt và chủ yếu là rau xanh. Chỉ có một món thịt hoặc cá để dành cho cô. Có lần cô hỏi:

-    Ngoại ơi, ngoại không thích ăn thịt cá à? Con toàn thấy ngoại ăn rau thôi.

-    Ngoại ăn chay trường con ạ.

-    Thế nào là ăn chay trường hả ngoại?

-    Là chỉ ăn rau củ quả, đậu, lạc hoặc trứng thôi.

-    Thế tại sao ngoại lại thích ăn chay trường?

-    Vì ngoại nghĩ các con vật chẳng có tội tình gì, chúng cũng nên được sống con ạ.

Hương Giang không hỏi nữa. Cô chưa đủ lớn để hiểu sâu sắc những điều ngoại nói. Nhưng trí óc trẻ con ngây thơ hồi đó đủ xúc cảm để cô cảm nhận thấy tấm lòng nhân hậu của ngoại. Vì thực tình cô cũng đã từng khóc khi con gà trống choai có cái mào đỏ rất đẹp của cô bị bố làm thịt cách đó khoảng một năm. Cô nhớ lúc đó, mắt nó cứ mở trừng trừng nhìn cô, vừa như oán trách, vừa như cầu xin. Cô quay đi, không dám nhìn, và còn khóc thút thít một mình dưới gốc cây đào nữa. Nhưng vẫn ăn thịt gà, vì mẹ rang sả ớt thơm điếc mũi.

-    Lớn lên con cũng ăn chay trường.

Cô vừa nói vừa nhìn ngoại đang móm mém trai trầu. Khóe miệng cô hơi cong lên một chút, cố giấu nụ cười tự mãn vì thấy mình thật oách khi đã quyết định như vậy.

Sáu tháng, rồi một năm trôi qua. Hương Giang bắt đầu nghiện hít hà cái mùi hương cay nồng gần giống mùi lá trầu tỏa ra từ người ngoại. Mỗi khi đêm về, cô chẳng còn ú ớ khóc gọi mẹ hay giật mình thức giấc nữa bởi lúc nào vòng tay ngoại cũng ôm cô thật chặt. Cô cũng dần quen với những bữa ăn thanh đạm mà vẫn đủ chất mà ngoại nấu cho cô. Đặc biệt là món thịt cuốn rau cải bắp. Một ít thịt băm được ngoại cuốn trong lá cải bắp rồi hấp lên, ăn thơm ngậy, ngon lành lắm.

Cái Tết đầu tiên của hai bà cháu thật đáng nhớ. Từ 23 Tết, một già một trẻ háo hức sửa sang, quét dọn nhà cửa, đợi bố mẹ về thăm. Thương cháu, ngoại còn đổi ba yến gạo để lấy năm cân cả thịt cả mỡ về vừa làm giò vừa nấu các món mà Hương Giang thích để cô ăn trong mấy ngày Tết. Hôm ngoại gói bánh chưng, Hương Giang cứ ríu rít nói cười và quấn quít bên ngoại như chú mèo con. Thi thoảng, khi ngoại đứng dậy cho đỡ mỏi lưng, cô lại nhào đến, ôm lấy chân và rúc vào người ngoại như chú gà con rúc vào bộ lông ấm áp của mẹ. Ngoại cười móm mém, nụ cười thơm nức hương trầu.

ngoại ơi

Ảnh minh họa

29 Tết, nhưng cũng là 30 vì năm đó tháng Chạp thiếu một ngày. Hương Giang cứ đứng ngồi không yên, hết chạy vào lại chạy ra. Cô chờ bố mẹ về mang theo quà tết. Vì ngày đi bố đã hứa sẽ mang về nào là búp bê, quần áo mới, kẹp tóc và cả những gói kẹo nhiều màu mà cô rất thích nữa. Chờ mãi, đến chiều tối, vẫn chưa nghe thấy tiếng chó sủa từ đầu ngõ. Cô bé buồn thiu, ngồi dưới gốc xà cừ đào hố chôn vài sợi rơm vương vãi trên nền đất.

-    Hương Giang, về thôi con. Chắc bố mẹ không mua được vé tàu về rồi.

Cô bé ngẩng lên, mắt ầng ậc nước. Nhưng hai chân như tê cứng, bất động. Cô bé không nhìn ngoại nữa, mà nhìn theo hướng con đường hun hút trước mặt, nơi mà cô nghĩ biết đâu bố mẹ sẽ xuất hiện ngay bây giờ và sẽ ôm cô thật chặt. Rồi cô sẽ hít hà hương hoa bưởi thơm ngọt trên tóc mẹ, sẽ nằm gọn trong vòng tay bố để chơi trò tung hứng mà mẹ từng quát cả hai bố con vì rất nguy hiểm.

-    Về thôi con, ngoại nấu nhiều món ngon lắm. Có cả bánh chưng, giò mỡ và hành muối nữa đó.

-    Thế có bắp cải cuốn thịt không hả ngoại? – Cô nhìn ngoại, đôi mắt vẫn nhòe nước.

-    Có chứ, ngoại còn luộc cho con cả một con cua gạch to bằng nắm tay này này.

Thế là cô bé lại ngoan ngoãn dắt tay ngoại về. Ngoại thích để cô dắt tay đi lắm. Vì ngoại nói ngoại không nhớ đường và mắt nhìn không rõ lắm nên phải có Hương Giang dắt đi cơ. Ngày đó cô bé tưởng thật, lớn lên mới hiểu, ngoại muốn cháu biết lo lắng và chăm sóc người khác nên mới nói vậy.

Và tám cái Tết bên ngoại cứ bình yên trôi đi như thế.

Bỗng có tiếng chân người bước vào kéo Hương Giang ra khỏi dòng suy tưởng.

-    Ai vậy? Sao sáng sớm tinh mơ thế này đã đến đây?

-    Chú Thành à? Cháu Hương Giang mà. Cháu đi qua đây, xe ô tô bị hỏng nên phải sửa khoảng một tiếng, cháu tiện ghé thăm căn nhà cũ của ngoại một chút.

-    Cháu lớn quá rồi, chú suýt không nhận ra. Đã là 26 Tết rồi mà cháu còn phải đi công tác à?

-    Vâng ạ, có hợp đồng với khách nước ngoài nên năm nay cháu không nghỉ Tết.

-    Ngày bà cụ đi, mắt cứ nhìn ra đầu ngõ, mãi đến khi có tiếng chó sủa cụ mới đi được. Chắc cụ mong cháu lắm. Thôi, cháu thăm nhà một chút rồi đi may mắn nhé. Chúc cháu năm mới mọi điều tốt đẹp nhé.

-    Dạ. Cháu cảm ơn chú nhiều. Cháu cũng chúc gia đình chú năm mới làm ăn phát đạt.


Tiếng bước chân nhỏ dần rồi tắt hẳn. Hình ảnh một cô bé ngồi dưới gốc cây xà cừ đợi bố mẹ về trong ngày 30 Tết của một năm xa xăm nào đó hiện về rõ mồn một như một cuốn phim quay chậm. Cô còn cảm nhận thấy vị mặn chát của những giọt nước mắt ngày đó thi nhau rớt trên gò má ửng đỏ lên vì lạnh rồi chạm vào khóe môi đang run lên vì những nức nở cứ cuộn trào. Sự chờ đợi chỉ có thể là hạnh phúc khi nó được đáp lại, bằng không, nó sẽ đẩy con người xuống nỗi tuyệt vọng không đáy. Ở đó, họ cứ rơi mãi, rơi mãi, tất cả cái còn lại chỉ là sự hụt hẫng. Trẻ nhỏ dễ quên, sự chờ đợi ấy chỉ như một vết sẹo nhỏ trên da, gần như bị quên lãng. Còn với ngoại, ngoại đã chờ con về bao nhiêu cái Tết? Rồi đến lúc ngoại đi, ngoại vẫn chờ con. Vậy mà con đã làm gì? Con vẫn bận bịu những hợp đồng quan trọng, bận bịu chớp lấy những cơ hội tiến thân và lãng quên một mái nhà đơn sơ, có ngoại, có vòng tay ôm con thật chặt khi con cô đơn nhất.

Như sực nhớ ra điều gì. Hương Giang chạy vội vào gian buồng. Chiếc hộp gỗ nhỏ chứa mọi kho báu tuổi thơ của cô vẫn còn ở đó. Run run cầm nó trên tay, cô mở ra. Một lá thư được viết bằng nét chữ to và vụng về như chữ trẻ con: “Hương Giang con, ngoại học viết chữ với cái Thu con chú Thành hàng xóm. Học 8 tháng thì viết được. Con nhớ chăm ngoan, học giỏi. Tết năm nào ngoại cũng sẽ làm rau cải cuốn thịt và luộc cua gạch cho con. À, ngoại nhờ người đánh lại sợi dây chuyền và làm cái mặt dây chuyền mới cho con đấy. Ngoại để dưới đáy hộp. Để tự con tìm thấy vì chỉ con biết hộp kho báu này để đâu thôi. Ngoại yêu con lắm, và yêu cả cái tên của con nữa, nó hiền hòa, lắng đọng như một dòng sông”.

Hương Giang bật khóc nức nở, cô ôm chặt lá thư vào lòng như để níu giữ hơi ấm của ngoại. Rồi cô lần tay xuống đáy hộp tìm sợi dây chuyền. Màu vàng ánh lên dưới ánh đèn điện nê ông. Cô khẽ tách mặt dây chuyền ra, là ảnh bố, mẹ và cô cùng chụp hồi cô còn bé xíu. Bố và mẹ còn trẻ quá, và cô bé cười toe toét trong ảnh kia chính là cô của những ngày xa xưa.

Một lúc sau, Hương Giang rời căn nhà ngói năm gian ấy để ra chỗ xe đang đỗ. Chú lái xe mệt mỏi thả mình trên ghế lái. Hương Giang không ngại đánh thức chú dây.

-    Chú ơi, lát nữa chú chở cháu về nhà rồi chú đánh thẳng xe cơ quan về quê ăn Tết nhé. Công ty sẽ hủy hợp đồng trong 7 ngày Tết.

Người lái xe mỉm cười nhẹ nhõm. Chú rút điện thoại gọi: “Em ơi, sáng mai anh về với em và các con. Yêu em”. Hương Giang cũng mỉm cười dẫu mắt còn rơm rớm nước. Cô nhìn ánh trăng xế chênh chếch trên bầu trời rồi thì thầm: “Ngoại ơi, Tết này con về nhà ăn Tết, vậy ngoại ăn Tết ở đâu?”. Trăng xế tà khẽ nháy mắt với cô, và cô thấy dường như không gian bỗng phảng phất mùi cay nồng của lá trầu quen thuộc.

Ngọc Hân

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Đất là mầm sống...Cho Ta

       Sự nghiệp gì cũng bắt đầu từ ruộng mà ra . Ba tôi thường hay nói vậy vì thế anh chị em tôi thắm nhuần nó như máu chảy trong người . Không những chỉ có Ba tôi mà hầu như tất cả những người nông dân đều gắn bó với đồng ruộng như da bó chặt vào thịt . Nếu không còn ruộng đồng nghĩa với cái thớ thịt bị lóc da nó trơ ra và đau xót khi gặp bất kỳ thứ gì xâm nhập vào . Nói như thế để những ai không sinh ra và lớn lên ở đồng ruộng thì hiểu trái tim của những người nông dân chân lắm tay bùn , nó chân chất như cục đất thịt , bị người ta chà đạp vun vẫy nhưng nó vẫn ngọt ngào nuôi lấy cây trái , chắc chiu từng giọt sữa chăm bẩm mạ non thành những hạt lúa tinh túy dâng cho đời .
 ruonglua.jpg
       Thế mà không phải người nông dân nào cũng có cái hạnh phúc ấy ! Với nhiều gia đình dường như cái hạnh phúc nhỏ nhoi được làm người nông dân , được sở hữu vài xào ruộng cũng không có. Cái nghèo khổ cứ ập đến “trêu ngươi”, gia đình không có ruộng đất, hay nói đúng hơn thế hệ trước nghèo khổ thế hệ sau không được thừa hưởng ruộng đất, phải lăn lộn với cái ăn cái mặc, bằng nhiều cách ai thuê gì làm đó, miễn là có đủ ngày hai bữa cơm nuôi mấy đứa nhỏ thế là xong.

…………………..

     Tôi gặp em vào một buổi chiều tình cờ ngồi chung chuyến xe . Những lời bọc bạch tâm sự trên một chuyến xe không nhiều lắm nhưng đủ để tôi cảm nhận xung quanh mình có quá những mảnh đời….

      Ý thức được gia đình nghèo Ba Mẹ không được thừa hưởng ruộng đất phải làm thuê làm mướn để có cái ăn cái mặc cho anh em mình, những người anh phải lao vào cuộc sống quá sớm khi con chữ viết chưa tròn trịa . Nhìn những lúc Ba đi " đặt đú " vất vả để tìm từng con tép con cá tẻo teo trong cái thời buổi phân bón thuốc trừ sâu chiếm lĩnh hết môi trường sống của chúng . Những đêm ngụp lặn dưới nước rồi cảm lạnh suốt mấy ngày . Rồi những người anh cũng nối cái nghiệp không cần mất tiền đào tạo ấy . Những lúc mọi người yên giấc thì các anh phải lặn hụp dưới dòng sông lạnh cóng , hoặc những cánh đồng đen thẳm . Rồi Mẹ với những gánh nặng nợ nần vật vã với bầy heo nuôi từ những con giống là những đồng tiền biết sinh nở . Nhưng Mẹ vẫn đặt vào đó một niềm tin , mong cải thiện được cái nghèo , mong đứng dậy từ con số không .

Em đã quyết ra đi đến một vùng đất mới với niềm hy vọng mỏng manh đất chảy sữa, đất hiền hậu sẽ dang tay ra đón nhận và om vào lòng những người con chăm chỉ như em. Khởi điểm của em là một sắp vé số trên tay “mua mai bán mắn” cho đời. Tối về lại chạy bận cho quán cháo lòng bên đường, bà chủ thương tình cho tá túc nuôi ngày hai bữa cơm, thế là tiền kiếm được từ việc bán vé số em chắc chiu dành dụm.

Em tâm sự :

- Nhìn Cha Mẹ một đời vất vả vì không có ruộng đất Em ước mong sau này dành dụm nhiều tiền sẽ tậu cho Ba vài công đất để Ba được cảm nếm cái quý nhất của người nông dân là có ruộng đất . Một ước mơ nghe qua ngộ nghĩnh , nhưng như thế mới biết " Ruộng đất là tài sản quý nhất của người nông dân " . Làm nông dân mà không có đất ruộng cả đời phải trầy sướt vì cái ăn cái mặc !

 …………..

Chiếc xe cứ bon bon tiến về phía trước, chở bao nỗi niềm mong ước nặng trĩu. Tôi ngồi đó bồng bềnh trôi theo và ký ức lang man quay về những ngày của tuổi thơ vất vả, bươn chảy, mưu sinh, nhưng ngã rẽ cuộc đời tôi mai mắn hơn vẫn bám víu vào một niềm tin mỏng manh, vào một đấng vô hình hằng nâng đỡ che chở, vẫn liên lỉ cầu xin Đức Mẹ hằng cứu giúp. Và chính vì thế con đường tôi đi an vui hơn vì có bàn tay vẫn dang ra ôm tôi vào lòng khi mệt mỗi, khi gian nguy……

Những lơ đễnh, mong manh tuổi đưa đưa tôi dần vào giấc ngủ an lành với điều mong ước cho những nụ mầm vẫn xanh ngát trong tương lai!

            Xương Rồng

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Kẹo kéo: Không mua đâu em!

Trôi về đâu, trong từng bước xe lăn bánh tối nay. Hoàng hôn dần tà là ngày bắt đầu của những ca sĩ đường phố. Không huy hoàng dưới ánh sáng sân khấu mà là ánh đèn phố phường. Mang những tiếng hát mua vui cho đời, lời chào mời cùng những thanh kẹo chắt chiu. Vài nghìn lẻ sao khó với sự đời. Chén cơm chiều vẫn chưa no lòng, sao miệng vẫn tươi cười cùng đây người đời. Ai biết đâu nơi khoé mắt ấy là sự chua cay chấp nhận sự lắc đầu… “không mua đâu em”
Ngọt ngào lời hát cùng tiếng nhạc. Tiết xuân sắp về nên lời hát vẫn mang hương xuân. Lời hát cùng suy nghĩ sầu cho số phận. Đời có xuân, nhưng chính mình thì xuân là gì! Với nghề bán kẹo kéo. Phố xa hoa với dòng người lũ lượt, cũng là kiếp người sao nhỏ bé với nghề sống này. Trôi xa cùng với những suy nghĩ, nếu tối nay không bán được….
Ánh mắt buồn nhưng vẫn tròn xoe vì môi vẫn mang ánh cười, làm xao xuyến trong đêm lạnh này. Ánh mắt hờ khép mi, là sự thở dài ngao ngán đời trong lòng ai…
Xin lỗi người đời vì tôi đã khẽ lắc đầu và : Không mua đâu em!



Nếu một ngày sau Thánh lễ, người bạn hữu xa lạ trao con thanh kẹo kéo. Con nào biết ai đâu. Nhưng thanh kẹo lại làm con tỉnh nhớ, một thứ gì đó đã trôi xa.
Lạy chúa con đã sợ hãi vì cái nhìn ấy, không phải chờ mong con mua kẹo. Mà là cái cười mỉa mai, là tiếng hỏi vọng trong lòng con: Anh cũng là người công giáo à? Hình ảnh ấy khẽ lắc đầu thất vọng và xa dần cuối nhà thờ, xua tan khuất hẳn. Con bất thần đứng đấy nắm chặt thanh kẹo nhỏ trên tay với dòng chữ:  " Điều Thầy truyền dạy anh em, là anh em hãy thương yêu nhau " ( Jn 15, 17).

Nguyện xin Chúa nhân từ, cho con biết huy sinh những nhỏ bé của đời con để giúp các anh em bé nhỏ trong đời này. Không lớn lao, quý báu nhưng là sự sẻ chia với tất cả những gì con có thể như Tình thương Chúa đã hằng ban cho chúng con. Amen
ad, đêm Sóc Trăng 26.1.2014

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày con sống...(Tv 90)

Năm 2013 đã trôi qua. Ngày 01.01.2014 là thời gian khởi đầu một năm mới. Năm cũ kết thúc để lại dấu ấn 12 tháng đã trôi qua. Thời gian là một vòng tròn, tuần hoàn đều đặn trong đó, 60 phút trong một giờ, 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần... cứ lặp đi lặp lại. Nhưng thời gian là một đường thẳng gồm những sự kiện, phút, giờ, ngày, tháng, năm riêng biệt, mỗi đơn vị trôi qua trong một chuỗi nối tiếp nhau không bao giờ kết thúc. Thời gian đang xoay vần từ những ngày đông chí đến lập xuân, để bắt đầu một mùa xuân mới. Rõ ràng là thời gian đang qua đi, và thời gian không bao giờ trở lại. Thời gian luôn luôn mới, và thời gian không thể luân hồi.
Nếu không gian là môi trường chứa đựng vạn vật thì thời gian là môi trường chứa đựng sự thay đổi của muôn loài. Một đóa hoa từ lúc nở đến lúc úa tàn cần một khoảng thời gian nào đó tùy loại.Một đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời cũng cần một khoảng thời gian nào đó. Như vậy sự thay đổi của vạn vật trôi trên dòng thời gian lịch sử.
Thời gian là chiều kích tự nhiên của đời người và người đời.Thời gian gắn liền với thân phận mỗi người. Sống trong thời gian là có một khởi đầu và sẽ có một kết thúc.
Thánh Vịnh 90 nói đến cái mau qua của thời gian:
"Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!" (câu 4)
"Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,mạnh giỏi chăng là được tám mươi,mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi." (câu 9-10).
Quả thật, những nhăn nheo của làn da, những vết chân chim ở đuôi mắt, già nua của tuổi tác, bệnh tật của thân xác... là "dấu tàn phá của thời gian".
Nhìn thực tế chóng qua của dòng thời gian,Thánh Vịnh 90 mời gọi con người hãy biết hướng về Thiên Chúa là chủ của thời gian để cầu xin với một niềm tin tưởng lạc quan: "Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan." (câu 12). Mỗi sớm mai thức dậy cần nguyện xin: "Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca." (câu 14).
Thời gian năm tháng năm cũ trôi qua và đi vào qúa khứ. Nhưng cuộc sống con người không vô tình xuôi chảy như dòng nước. Bởi lẽ, con người sống trong thời gian là để yêu thương nhau.
Người ta vẫn thường nói thời giờ là tiền bạc. Đúng hơn, thời gian là tình yêu. Đơn giản là vì một trong những điều tốt nhất con người có thể dành cho nhau, đó là thời gian.
Thời gian thật quí. Thời gian là hồng ân. Sống trong thời gian là yêu để sống. Ai đang yêu là người đang sống trong thời gian.
Báo Tuổi trẻ Chúa nhật số 44/2000 có đăng câu chuyện thật ý nghĩa về tình yêu và thời gian.
Ngày xưa các vị Thần Hạnh Phúc,Khổ Đau,Tình Yêu,Giàu Sang và nhiều vị khác nữa cùng sống chung với nhau trên một hoang đảo.Một hôm cơn đại hồng thuỷ tràn đến, hòn đảo xinh xắn sắp chìm trong biển nước.Tất cả các vị Thần đều chuẩn bị thuyền để vượt biển vào đất liền lánh nạn.Riêng Thần Tình Yêu vì quá nghèo nên không có nổi một chiếc thuyền để ra đi.Thần đành ngồi im lặng đợi chờ đến giây phút cuối cùng mới quyết định quá giang các vị Thần khác.
Khi Thần Giáu Sang đi ngang qua,Thần Tình Yêu xin : Anh mang tôi đi cùng với.
Không được đâu, tôi có biết bao vàng bạc quý giá phải mang theo sao còn chỗ cho bạn.
Thần Đau Khổ đến gần. Thần Tình Yêu nài nỉ: Anh cho tôi đi với nhé.
Tôi bất hạnh và buồn chán quá,tôi chỉ muốn ở một mình thôi.
Thần Hạnh Phúc đi ngang qua cũng thế. Thần quá hạnh phúc cho đến nỗi không nghe được tiếng kêu cứu của Thần Tình Yêu.
Bỗng nhiên có giọng nói của một cụ già : Này tình yêu, tôi sẽ đưa anh vào đất liền.
Thần Tình Yêu nghe thế liền chạy nhanh đến thuyền của cụ già.Quá vui mừng vì thoát nạn,Thần Tình Yêu quên hỏi tên cụ già tốt bụng.
Khi tất cả các vị thần đều đến được đất liền, cụ già lẳng lặng bỏ đi mất. Khi đó Thần Tình Yêu mới sực nhớ là đã quên cám ơn người đã giúp mình thoát nạn liền quay sang hỏi Thần Kiến Thức : Thưa ông, cụ già vừa giúp tôi khi nãy tên gì vậy?
Thần Kiến Thức đáp: Đó là Thần Thời Gian
Thần Thời Gian ư ? Nhưng vì sao ông ta lại giúp tôi ?
Thần Kiến Thức mỉm cười : Vì chỉ có thời gian mới có thể hiểu được tình yêu vĩ đại như thế nào.
Tình yêu và thời gian là hai phạm trù khác biệt nhưng lại có tương quan chặt chẽ.Thời gian nuôi dưỡng tình yêu. Thời gian đo lường tình yêu.Tình yêu lớn lên hay lụi tàn theo dòng chảy của thời gian.Sống trong thời gian là yêu để sống.Thời gian không có tình yêu sẽ cô đơn lạnh lùng buồn chán.Tình yêu ý nghĩa hoá và thắp hồn cho thời gian. Bởi đó, kẻ đang yêu là người sống trong thời gian với đầy ắp niềm vui êm ả. Kẻ biết yêu là người biết nhìn thời gian như dòng ngọc bạc.
Kinh Thánh định nghĩa : Thiên Chúa là Alpha và Omêga,là khởi nguyên và cùng tận (Is 44,6). Điều ấy có thể diễn tả cách khác : Thiên Chúa là thời gian.
Thánh Gioan xác định : "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4,8)
Thiên Chúa là thời gian và là tình yêu. Như thế tình yêu và thời gian song hành là một. Sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Kẻ sống trong Thiên Chúa là người biết quý chuộng thời gian.
Mỗi buổi sáng thức dậy, nhìn lên bầu trời trong xanh có ánh nắng ban mai ửng hồng, ngắm một chồi non vừa nhú còn ướt đẫm sương đêm... Mỗi một thực thể xinh đẹp ấy đều nhắc nhở cho ta biết là đời sống của ta đang tồn tại, và ta tự nhủ với mình sẽ không bỏ phí một phút giây nào được tồn tại trong cuộc sống nhiệm mầu này. Ta sẽ sống như thế nào để bản thân có được niềm vui hạnh phúc, và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người quanh mình.
Thời gian quý giá vẫn liên tục trôi qua không dừng nghỉ. Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng sông, một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó. Chỉ như thế chúng ta mới không bỏ phí đi giá trị của thời gian, và mới nhận ra được tình yêu đong đầy trong từng phút giây cuộc sống.
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình. Chúng ta còn được bao nhiêu thời gian trong cuộc sống? Đó là một câu hỏi không ai có thể trả lời được. Có thể là mười năm, hai mươi năm, có thể là một năm, có thể là vài ba tháng... nhưng cũng có thể chỉ là trong chốc lát nữa thôi. Thời gian cần phải được trân trọng trong từng khoảnh khắc. Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là mình đang sống, chúng ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể. Đời sống của ta quý giá, và đời sống của mọi người quanh ta cũng quý giá không thể lấy gì đánh đổi được.
Thánh Augustine từng nhận định rằng thời gian nếu xem như một hiện tượng chủ quan có thể rất khác so với thời gian nếu xem như một khái niệm trừu tượng. Nếu thời gian ở dạng trừu tượng, ta chẳng thể biết tương lai vì nó không ở đây, và cũng chẳng biết mặt mũi quá khứ là gì. Ta có thể có ký ức, có kỷ niệm, nhưng diễm xưa đã xa rồi còn đâu thấy nữa. Điều duy nhất hiện hữu là hiện tại, đó là con đường duy nhất về quá khứ và đến tương lai. Thánh Augustine viết: "Do đó, hiện tại có ba chiều: hiện tại của những chuyện quá khứ, hiện tại của những chuyện hiện tại và hiện tại của những chuyện tương lai".
Con người không làm chủ được thời gian. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai chưa tới. Chỉ còn hiện tại. Hiện tại là thời gian quý nhất mà con người có trong tay.Sự giàu có của chúng ta là giây phút hiện tại. Sống giây phút hiện tại bằng yêu thương chính là hạnh phúc.Thời gian là một cái gì đó rất chậm đối với kẻ đang chờ, rất nhanh đối với người đang sợ, rất dài đối với kẻ đang buồn, rất ngắn đối với người đang vui. Nhưng đối với kẻ đang yêu thì thời gian hình như không hiện hữu.
Suy tư về thời gian, ĐGM Bùi Tuần viết: "Những ngày cuối năm thường vội vã. Những ngày đầu năm thường rộn ràng. Những vội vã và rộn ràng ấy thường gây nên nhiều cảm xúc. Tất cả đều mau qua. Nhưng đàng sau những gì mau qua ấy vẫn có một cái gì còn lại lâu dài. Sự còn lại đó là một hiện diện. Tôi nhận ra hiện diện đó chính là Chúa Giêsu.Chúa Giêsu hiện diện trong lịch sử và trong tôi một cách mầu nhiệm. Người gọi tôi hãy dấn thân vào lịch sử Năm Mới với cái nhìn của đức tin."(x. Cái mới của Năm Mới 2012).
Tình yêu cần thời gian để kiến tạo hạnh phúc. Như thế sống là để yêu và yêu là để sống. Tình yêu cho cuộc sống màu xanh. Thời gian luôn đong đầy hạnh phúc. Vì thế phải yêu cho thật tình đừng dối gian nhau. Yêu cho thật nhiều không hề toan tính. Chúa Giêsu đã tha thiết kêu mời: Hãy yêu nhau "Như Thầy đã yêu anh em" (Ga 15,12).Chúa đã yêu bằng hành động cụ thể là hy sinh cho người mình yêu. Khi yêu nhau, người ta có thể hy sinh cho nhau thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc...Hy sinh cao cả nhất là hy sinh mạng sống "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình". Chúa đã thực thi sự hy sinh cao độ ấy " Đức Kitô đã chết vì chúng ta" ( Rm 5,6; Ep 5,2; 1Ga 3,16), để chúng ta yêu thương "Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta phải thương yêu nhau" (1 Ga 4,19), nhờ đó mà "niềm vui được nên trọn vẹn" (Ga 15,9). Tình yêu thật vĩ đại cho những ai sống theo gương Chúa Giêsu trong hành trình cuộc đời mình.
Chúng ta cũng sẽ không phung phí thời gian để mơ mộng về tương lai hay nuối tiếc quá khứ. Từng giây phút ta đang sống trong bầu không khí trong lành quanh ta đều quý giá. Từng con người mà ta có may mắn được tiếp xúc cũng đều quý giá. "Thời gian là một cái gì đó rất chậm đối với kẻ đang chờ, rất nhanh đối với người đang sợ, rất dài đối với kẻ đang buồn, rất ngắn đối với người đang vui. Nhưng đối với kẻ đang yêu thì thời gian hình như không hiện hữu."
Thời gian là Tình yêu. Sử dụng thời gian quý giá mà Thiên Chúa ban cho mỗi người.
Dùng thời gian để suy nghĩ, đó là nguồn sức mạnh.
Dùng thời gian để đọc, đó là nền tảng sự khôn ngoan.
Dùng thời gian để tìm hiểu, đó là cơ hội để giúp người khác.
Dùng thời gian để cười, đó là âm nhạc của tâm hồn.
Dùng thời gian để ước mơ, đó là kiến tạo những gì thuộc về tương lai.
Dùng thời gian để thinh lặng, đó là cơ hội để gặp Chúa.
Dùng thời gian để yêu và được yêu, đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa.
Dùng thời gian để cầu nguyện, đó là sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất này.
Lạy Chúa,
"Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.".
Mỗi một ngày mới, xin cho chúng con luôn biết sống tâm tình:
"Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca.". Amen.
ad ghi nhận theo chia sẻ của Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Chuyện tất niên là chuyện...tất nhiên


Tất niên là kết thúc một năm. Phàm cái gì có khởi đầu thì cũng có kết thúc. Các tổ chức, công ty, hội đoàn,… cũng luôn tổ chức buổi tất niên để báo cáo hoặc tường trình với cấp trên về mọi ưu khuyết điểm để “rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, phần báo cáo và rút kinh nghiệm thường “bị” coi là phần phụ, tiệc tùng và quà cáp mới là phần chính!
Phong hoa, phong tục, phong thư
Người ta thích nhất “phong bì” mà thôi
Chuyện ăn nhậu ngày nay trở thành “truyền thống”, không biết có phải là “phú quý sinh lễ nghĩa” hay không. Tiệc tùng đủ kiểu, ăn uống thì ít mà “dzô dzô” thì nhiều, người ta còn có kiểu nói “văn hoa” là “mẹ bồng con” – tức là “uống ly bia kèm ly rượu”.
Uống ở bàn mình chưa “đã”, ngồi chưa đầy 5 phút đã xách ly đi “giao lưu” hoặc “gây chiến” ở bàn khác, với đủ lý do để “dzô”. Ta lôi kéo người rồi người lại lôi kéo ta, không say không về, mà say rồi thì… hết về. Thấm hơi men rồi thì tâng bốc nhau lên tận mây xanh, và cũng không loại trừ “khẩu chiến” hoặc “ẩu đả”, thậm chí có thể xảy ra án mạng như chơi!
Rượu có thể là tốt nếu biết tự kiềm chế và liệu sức mình, nhưng rượu cũng là “độc dược” nếu lạm dụng nó. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, thấy quan tài rồi thì hối hận đã muộn. Uống hết nổi mà có “đệ tử Lưu Linh” vẫn cố bịt mũi, bặm môi, rồi khè như rắn hổ mang, và thế mới là… yêng hùng! Có chàng “cho chó ăn chè” xong lại “dzô” tiếp, rồi nói tiếng “Đan Mạch” như Tây nói chuyện.
Rượu vào, lời ra. Đó là… tất nhiên, và thế mới là… tất niên. Hết chuyện Đông sang chuyện Tây, hết chuyện nhà ra chuyện người. Lạ thay cái “văn hóa… nhậu”! Từ ngày ông Táo về Trời dâng sớ tâu Ngọc Hoàng về thế sự thì tiệc tất niên bắt đầu lên “cao trào”, người ta đua nhau làm tiệc tất niên.
Theo tục lệ, ngày 23 tháng Chạp hằng năm, thời điểm cuối năm, người ta cúng ông Táo – hoặc ông Công. Ông Táo là “thần bếp”, là “chuyên gia lửa củi”, nhưng ông lại được coi là vị thần. Không chỉ vậy, ông còn có trọng trách là báo cáo cho Ngọc Hoàng biết rõ mọi chuyện, cả tích cực lẫn tiêu cực, đã xảy ra dưới trần gian trong năm qua.
Ông Táo phải chuẩn bị một tờ sớ, gọi là Sớ Táo Quân, ghi đủ các sự kiện trần gian, rồi đúng hẹn ông khăn gói về trời bằng cách cưỡi cá chép trực chỉ Thiên giới từ sáng sớm. Nếu ngày nay ông Táo về trời thì chắc hẳn ông không thèm đi máy bay mà phải đi phi thuyền con thoi cho… “oai”, để các tiên nữ và thiên nhân trên Thiên giới “lé mắt” chơi. Vậy mới “xứng mặt” Táo Quân!
Đời sống người Công giáo cũng có chuyện tất niên. Không chỉ tất niên bình thường vào dịp cuối năm mà còn rất nhiều dạng “tất niên” khác để báo cáo, cả chung và riêng.
Xa nhất là “tất niên” cuộc đời, tức là khi chúng ta từ giã cõi đời để ra trước mặt Chúa và chịu phán xét. Đó là tất niên cuộc đời, là cuộc cánh chung của đời mình. Bài “sớ cuộc đời” không được viết ra nhưng tất cả đã được Chúa “thu âm” và “ghi hình” đầy đủ, không thiếu và không thừa một dấu chấm hoặc dấu phết nào, nghĩa là chúng ta không thể biện minh hoặc chối cãi: Mỗi lần chúng ta làm hoặc không làm điều gì cho một trong những người bé nhỏ nhất là chúng ta đã làm hoặc không làm cho chính Chúa (x. Mt 25:31-46).
Gần hơn là việc xưng tội hằng tháng hoặc các dịp đặc biệt (lễ, tết, thêm sức, kết hôn, khấn dòng, chịu chức,…). Mỗi lần xưng tội là mỗi lần chúng ta chịu phán xét, người biện hộ duy nhất là “luật sư lương tâm”, nhưng thường thì vị luật sư lương tâm chân chính sẽ kết tội chúng ta, vì thế chúng ta mới “tâm phục, khẩu phục” mà chịu ăn năn sám hối. Đó là tất niên giai đoạn.
Gần nhất là mỗi đêm, trước khi đi ngủ, chúng ta tự đặt mình trước “thẩm phán công minh” là Thiên Chúa mà tự phán xét mình về những động thái, ngôn ngữ và cử chỉ của mình trong ngày. Đó là tất niên thường nhật. Chúa giàu Lòng Thương Xót, Ngài chỉ chờ chúng ta thân thưa: “Xin xót thương con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13), rồi van nài tiếp: “Xin thương dẫn con về, xin đừng hận con nữa” (Tv 84:5).
Cái gì TỐT thì luôn ĐẸP, nhưng cái gì ĐẸP thì chưa hẳn là TỐT. Thói quen tạo nên truyền thống, mà thói quen cũng có cái tốt đẹp và cái không tốt đẹp, tức là tục lệ hoặc hủ tục. Tuy nhiên, đôi khi cái truyền thống của dân tộc này là tốt với họ, mà lại có thể là xấu với dân tộc khác. Ví dụ: Tục lệ “vỗ béo” các cô gái ở Mauritania (Tây Phi), ai mập là đẹp và ai “có bụng” là hấp dẫn. Vì vậy, các cô gái trẻ áp dụng chế độ ăn uống tới 16.000 calo/ngày – gấp 4 lần tiêu chuẩn ăn uống của một người đàn ông lực lưỡng – để chuẩn bị hôn nhân. Càng béo càng đẹp, nghĩa là càng có cơ hội “lên xe hoa”. Với họ là tục lệ, là truyền thống, nhưng với các dân tộc khác lại là hủ tục. Một nghịch lý tất yếu!
Về truyền thống cũng nên lưu tâm: “Đừng dựa vào truyền thống mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa” (x. Mt 15:3) và “đừng vì kính mến Chúa mà chống đối kẻ khác” (Châm ngôn Pháp). Ai cũng nói mình khôn, nhưng ai khôn hay dại thì “hạ hồi phân giải”, hãy nghe thánh Phaolô phân tích: “Kẻ ngu si không kìm được giận dữ, người khôn khéo biết nén nhục nuốt sầu” (Cn 12:16).
Cuối cùng, tất niên cuộc đời là quan trọng nhất. Lúc đó, “các tầng trời tuyên bố Chúa công minh, vì chính Người sẽ đứng ra xét xử” (Tv 50:6), “chiên” và “dê” được phân định rạch ròi, chỉ có “ai sống đời hoàn hảo mới được Chúa cho hưởng ơn cứu độ” (x. Tv 50:23), thậm chí “kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20:16).
Quả thật, tất niên cuộc đời thực sự “đáng sợ” và cực kỳ quan trọng đối với mọi người, không trừ ai! Chính Chúa Giêsu đã nói: “Hãy coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13:33).
Lạy Thiên Chúa, khi dự tất niên đời thường, chúng con nghĩ đến buổi “tất niên cuộc đời” của chúng con. Xin giúp chúng con biết chuẩn bị chu đáo cho các buổi “tất niên” trong cuộc đời của chúng con. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Hoàng hôn xuống...để Nắng mai lên

Đang ngồi ngoài hiên nhà xứ đọc báo, chợt đứa đệ tử hỏi tôi với giọng hốt hoảng nhanh nhẹn:
- Thầy ơi, Ông này nghiện ma tuý sao trở thành Linh mục được???
Tôi giật mình và hỏi:
- Đâu.
- Nè, thầy. Thằng Triều chỉ ngón tay thẳng thừng vào mẫu tin phía dưới.
- Sao kỳ vậy thầy: nó hỏi tiếp.
Tôi ngẩng đầu lên, nhìn xa xuống sân...nó cũng lặng im và nhìn theo tôi.
- Con thấy, đường dây điện cao kia không?....Nếu không có những khúc quanh co, chằng chịt quanh cục sứ thì sao có những đường thẳng tiếp theo và đi xa được.
- Thằng bé vẫn ngồi im, xa xăm mắt nhìn vào từng lời tôi vừa nói....

Từ tù nhân trở thành vị linh mục tích cực giúp đỡ người lầm lỡ

Sau đoạn đời hư hỏng, lao tù, Trần Văn An đã tu chí trở thành một đan sỹ, linh mục tại Đan viện Biển Đức Thiên An (xã Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế). Linh mục An đã dùng chính sự thật về quá khứ đời mình cùng với tình yêu thương để chia sẻ, động viên, giúp nhiều người lầm lỡ trở lại con đường hướng thiện, sống có ích cho đời.

Lm Trần Văn An tặng quà các gia đình
 
Con tim nguội lạnh được sưởi ấm
“Tôi cảm nhận sâu sắc được tình người nơi cha An và các thầy dành cho những người cùng cảnh ngộ với tôi. Chúng tôi không bị xa lánh, trái lại còn được hòa đồng trong môi trường hướng thiện của Đan viện”, Nguyễn Phú Cường người từng được cha An giúp đỡ tâm sự. Anh Cường quê ở Đồng Nai, nghiện ma túy từ năm 2004 và từng ngồi tù 4 năm về tội mua bán ma túy. Trong lần cùng mẹ đến La Vang (Quảng Trị), anh gặp đan sỹ- linh mục Phanxico Xavie Trần Văn An thuộc Đan viện Biển Đức Thiên An (xã Thủy Bằng, Hương Thủy- Thừa Thiên Huế). Anh tình nguyện ở lại nhà tĩnh tâm của linh mục An để cai thuốc cùng một số người khác. Với tình yêu thương và đồng cảm sâu sắc, linh mục An đã kể về sự thật quá khứ của mình để động viên anh vượt qua cám dỗ. Trong thời gian ở Đan viện, anh Cường được rèn nền nếp sinh hoạt như một đan sỹ của dòng Thiên An. Đặc biệt, anh và những người cùng cảnh ngộ còn được học thiền, được trò chuyện với chuyên gia tâm lí để quên đi cơn thèm thuốc, hướng tới những ý nghĩ tốt đẹp… Sau thời gian sống trong môi trường của một đan sỹ, Nguyễn Phú Cường đã tìm lại được lý tưởng sống và vừa trở về với gia đình cách đây vài tháng. Bố mẹ anh cho biết, anh đã cân bằng được cuộc sống và không còn bị những cơn nghiện dày vò.
 
H T Tùng, sinh năm 1984, quê ở Phú Thọ, bị dụ dỗ vào con đường nghiện ngập ma túy, rồi bị bắt vào tù. Ra tù được một thời gian rất ngắn, Tùng vẫn chứng nào tật ấy, sau đó sinh ra trộm cắp và bị kết án tù 7 năm vì buôn bán, vận chuyển ma túy. Mãn hạn tù, anh tìm đến Đan viện Thiên An, gặp linh mục Trần Văn An, nhờ giúp đỡ với mong muốn tìm lại sự bình an trong tâm hồn. Qua những năm sống trong môi trường hướng thiện Thiên An với tình thương yêu, chăm sóc và giáo dục của các tu sỹ, Tùng đã đoạn tuyệt được ma túy và trở nên đức hạnh. Trong bức thư cảm ơn, Tùng viết: “Bến trời Thiên An hôm nay, mưa đã tạnh, những tiếng chim gọi nhau báo hiệu một ngày mới tươi đẹp như chính cuộc đời con vậy. Thú thật những ngày đầu mới đến Thiên An, con đã muốn quay về vì bị cám dỗ nhưng con đã được các cha và các thầy ở tu viện khích lệ con. Và con cảm thấy ở gần các cha, các thầy con không bị xa lánh nữa, trái lại con tim vốn đã nguội lạnh của con, hôm nay như được sưởi ấm lên từ những tình cảm của các cha, các thầy, đặc biệt là cha Trần An (Trần Văn An). Con đã được cha chia sẻ khuyên răn rất nhiều”.
 
Huân, quê ở Xuân Lộc- Đồng Nai, một dân đàn anh đâm chém và nghiện phiện, tâm sự rằng, từ ngày được về mái ấm Thiên An, dưới sức nóng tình yêu thương của cha An và sự an ủi động viên bằng chính sự thật quá khứ của cha, anh đã không còn thiết tha với tội lỗi, không muốn sống kiếp “con nghiện” nữa. Anh muốn trở lại sống như một con người, một con người bình thường có ích cho gia đình và xã hội. Với sự chia sẻ thân tình của cha An và môi trường sống thân thiện của Đan viện, khao khát đó của Huân đã dần dần trở thành hiện thực. Hiện anh đã học xong 4 năm tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.
Hồi sinh từ tình mẹ
 
Trên đây là một số ít thanh niên trong số nhiều người nghiện ma túy và từng đi tù đã được linh mục An giúp đỡ. Họ tìm đến linh mục An với mong muốn làm lại cuộc đời. Họ nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của vị linh mục một thời bất hảo. Linh mục An cho biết, để giải phóng những tâm hồn lầm lỡ, trước hết ngài luôn lắng nghe họ chia sẻ về hoàn cảnh của họ, sau đó an ủi, khích lệ họ bằng cách chia sẻ sự thật về sự thật quá khứ của chính mình. Nhìn lại từ quá khứ tới hiện tại đời mình, linh mục An gọi đó là một sự biến đổi lớn lao, là sự hồi sinh của kẻ mà nhiều người coi như đã chết: Sinh ra trong một gia đình khá giả theo đạo Công giáo ở phường Cửa Nam, thành phố Vinh, Nghệ An, Trần Văn An học hết cấp 3 rồi theo học nghề kim hoàn và kiếm được rất nhiều tiền nhờ nghề này. Nhưng anh đã đốt sạch tiền vào cờ bạc, rượu chè và ma túy. Ăn chơi hết tiền, An sinh ra trộm cắp tiền, vàng của gia đình và người khác rồi tham gia băng nhóm tội phạm, bị sa lưới pháp luật, rồi vào tù. Trong lúc ở tù, cô người yêu xinh đẹp một thời cũng sang ngang đi lấy chồng. Anh càng thêm thất vọng. Ra tù, anh tiếp tục tìm đến nàng tiên nâu để giải cơn thèm khát và quên đi cuộc tình xưa…
 
Một lần, An đang lén chích ma túy tại nhà thì mẹ phát hiện. Anh ngước mắt nhìn mẹ và chợt thấy nỗi khổ đau khôn cùng trên khuôn mặt mẹ. Lòng An như có tiếng gọi của nội tâm: “Phải trở về với mẹ thôi”. Từ đó, An thường xuyên nghĩ đến mẹ, và quyết tâm làm lại cuộc đời. Năm 1993, cha An đã gửi anh cho một cha xứ và một năm sau, anh được Đan viện Thiên An tiếp nhận. Trong Đan viện Thiên An, anh phải trải qua nhiều thử thách của một dòng tu khổ hạnh. Nhờ sự giúp đỡ của các thầy trong Đan viện, anh đã qua được thử thách, sống đức hạnh và trở thành đan sỹ của Thiên An, rồi tiếp tục được học hành, đào tạo.
 
Ngày 01/01/2008, biết bao người đã ngỡ ngàng khi hay tin thằng An ngày nào giờ trở thành vị linh mục nói có cả ngàn người nghe, có người thưa, người dạ. Đám bạn bè sa đọa của An trước kia cũng tìm đến để đích mục sở thị. Đám bạn cho hay, nhiều người khi xưa đàn đúm với An giờ đã chết vì HIV, vì sốc thuốc… “Đời tôi hôm nay đã được biến đổi kỳ diệu nhờ tình yêu vô bờ bến của mẹ tôi. Tôi muốn dùng chính sự biến đổi của đời mình như một khí cụ bình an cho những người lầm lạc làm điểm tựa tinh thần”, linh mục An cho biết. Và ngài đã dùng chính sự thật về quá khứ đó để hoán cải những tâm hồn lầm lỡ trở lại công chính. Hiện nay, qua sự giúp đỡ của các giáo dân gần, xa, linh mục An đã cùng Đan viện xây dựng Nhà tình thương Hướng Thiện nhằm tạo môi trường tốt như chính cái tên của nhà tình thương để cảm hóa những con người tội lội và nuôi dưỡng những trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi. Những bản nhạc Thánh ca, nền nếp sinh hoạt, lao động và tình người ấm nồng ở mái ấm tình thương này đã đánh thức tính bản thiện trong mỗi con nguồi, cảm hóa những tâm hồn lầm lỡ trở nên hữu ích cho gia đình và xã hội, như chính linh mục Trần Văn An đã trải qua. 
 
An Luých, Uỷ Ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam

Ai mất Mẹ

"Ngày không còn Mẹ, con mới hiểu lòng Mẹ bao la.
Vầng trăng khuất đi, con mới hiểu thế nào là đêm tối."
Tiếng vọng du dương chiếc kèn Saxophone, làm nao núng lòng của mỗi ai trong đám tang hôm nay. Hương khói nghi ngút và những hàng lệ không nguôi. Di ảnh Mẹ đôi môi rạng cười, sao con cái không cầm được nước mắt. Những tiếng nấc ngẹn ngào, cùng tiếng hát cầu kinh càng lớn dần để vượt qua cơn xúc động. Xúc động của gia cảnh và của chính mỗi người. Không nguôi, những kẻ mất mẹ như tôi chẳng thể nào quên Tang của Mẹ năm xưa. Sao ray rứt, bồi hồi mình là người trong gia quyến hôm nay, dâng trào bao niềm yêu thương muốn nói với Mẹ. Chỉ nằm trong trái tim thổn thức, nói chẳng nên lời. Mong sao, tiếng khóc của những người con, không chỉ hôm nay, mà còn suốt kiếp người, để biết phụng dưỡng tròn đạo hiếu với đấng sinh thành. Nguyện xin Hồng Ân Thiên Chúa,
cho những người mẹ,đã xa dương thế được yên nghỉ.
ad, Đám tang bà Ba Trọng, giáo xứ Tân Thạnh 2014



Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.




Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?
Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay...
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?
Bài thơ này xin thắp một bình minh
trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
bài thơ như một nụ hồng
Con cài sẵn cho tháng ngày
sẽ tới! 




(Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ
ĐTrQuân)