Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Diễn Nguyện Mân Côi 2016

Mẹ ơi, Giáo xứ chúng con xin cùng nhau hiệp ý cầu nguyện theo lời Đức Thánh Cha dâng lên Mẹ. Xin Mẹ thương nghe đến chúng con. Xin ban bình an cho giáo xứ chúng con và tất cả giáo xứ nơi nơi luôn là con cái của Mẹ.

Lạy Đức Mẹ Đồng Trinh Fatima
Trong tâm tình tạ ơn tình mẫu tử của Đức Mẹ, Mẹ đã nối kết tiếng nói của chúng con với tiếng nói của tất cả mọi thế hệ, chúng con xin dâng lên lời kính mừng Mẹ.
Nơi Mẹ, chúng con xin dâng mừng tất cả các tuyệt tác của Thiên Chúa, Đấng luôn dủ lòng thương xót xuống cho nhân loại, một nhân loại bị đau khổ, bị tổn thương vì tội lỗi, để chữa lành và để cứu nhân loại.
Hôm nay trước bức tượng thân yêu của Mẹ, với tâm tình phó thác, chúng con xin tận hiến lòng mình cho Mẹ.
Chúng con đoan tin, mỗi chúng con đến quý báu dưới mắt Mẹ và không gì trong lòng chúng con mà Mẹ không biết.
Chúng con xúc động trước ánh mắt dịu hiền của Mẹ, trước nụ cười an ủi của Mẹ.
Xin Mẹ gìn giữ đời sống chúng con trong tay Mẹ;
Xin Mẹ chúc lành và củng cố tất cả mọi ước muốn tốt đẹp;
Xin Mẹ thổi bừng lên và nuôi dưỡng đức tin chúng con;
Nâng đỡ và soi sáng hy vọng;
Khơi dậy và lay động đức ái;
Hướng dẫn tất cả chúng con trên con đường thánh thiện.
Xin Mẹ dạy cho chúng con có tình yêu hàng đầu
Đối với những người nhỏ bé và nghèo khổ,
Những người sống bên lề và những người đau khổ,
Những người tội lỗi và những người đi lạc trong chính tâm hồn của mình:

Xin kết hiệp tất cả chúng con dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ và đặt tất cả chúng con vào lòng Con Yêu Quý của Mẹ, Chúa Giêsu, Chúa của chúng con. Amen.


-trích lời Cầu nguyện Đức Thánh Cha Phanxicô-





-MVTT  Gx Tân Thạnh-

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Diễn nguyện

"Kính mừng Maria đầy ơn phúc",
Đó là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường xuyên đọc nhất là trong tháng Mười. Nhưng nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gabriel khi chào kính Đức Maria lúc truyền tin (Lc1,28). Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc như lời sứ thần nói, vì có Thiên Chúa ở cùng. Phúc của Mẹ thật cao với khôn sánh, lời bà Ê-li-sa-bet xác nhận: " Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc". Ai có Thiên Chúa ở cùng, người ấy được đầy ơn phúc. Đức Maria là người diễm phúc không chỉ Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, mà Mẹ còn cưu mang Thiên Chúa ngay trong lòng mình nữa.
Những lời của sứ thần Gabriel và của bà Ê-li-sa-bet trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Đồng thời Giáo hội thêm vào đó lời cầu khẩn Mẹ thương nâng đỡ phù trì "Thánh Maria ĐứcMẹ Chúa Trời... và trong giờ lâm tử".
Phụng vụ mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay, dựa trên trang Tin Mừng (Lc 1,26-38) lại dìu ta về với "Đức Maria đầy ơn phúc". Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, và Con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Thế nên Giáo hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng hạnh phúc này: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc" để tôn vinh Mẹ Maria. Đức Maria là người hạnh phúc vì Mẹ đã đón nhận hồng phúc, được tuyển chọn để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Đấng Cứu Thế, là Mẹ Thiên Chúa. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Maria cũng rất hạnh phúc khi được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.
Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc "Mẹ nào mẹ chẳng thương con". Nên khi con cái lầm đường lạc lối, sa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay, dẫn lối chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc với lời nhắn nhủ: "Hãy ăn năn đền tội, hãy năng lần hạt Mân Côi". Làm theo lời dặn dò của Mẹ, Hội Thánh đã thoát nhiều cơn giông tố hiểm nguy xác hồn, phá tan được bao bè rối, mang lại bình an trong tâm hồn.
Lm Antôn Nguyễn văn Độ

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Hành hương



Dẫn nhập


Nhờ toàn cầu hóa và sự tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, các quốc gia và con người ngày nay đã xích lại gần nhau hơn. Những rào cản về khoảng cách địa dư, ngôn ngữ, văn hóa dần được thu hẹp và xóa bỏ. Nhờ đó, con người có thể dễ dàng “xuất hành” tham quan nhiều địa điểm du lịch trong cũng như ngoài nước trong thời gian rất ngắn. Nhờ các tour du lịch mà phạm vi hiểu biết thực tế của con người ngày được mở rộng chứ không chỉ gói gọn trong một khu vực, một quốc gia. Một phân khúc của nghành công nghiệp không khói là loại hình du lịch tâm linh. Bài viết ngắn dưới đây, xin nêu lên một số vấn đề xoay quanh vấn đề du lịch tâm linh của người Kitô hữu.


1- Từ ngữ


Du lịch tâm linh - hành hương (pilgrimage- tiếng Anh, pèlerinage- tiếng Pháp) - là một từ được Việt hóa từ chữ “pelegrin” trong phương ngữ Provençal, có nguồn gốc từ chữ peregrinus trong tiếng Latin có nghĩa là nước ngoài, hải ngoại, được thành lập từ tiền tố per: xuyên qua và ager vùng đất, cánh đồng. Hành hương là hành trình của cá nhân hay cộng đoàn Kitô hữu về một nơi thánh ở cách xa một khoảng cách nào đó hay một nơi đã được thánh hiến. Các cuộc hành hương có căn bản và mục tiêu là yếu tố tâm linh và tôn giáo. Quả vậy, ngày nay với nhiều áp lực trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc, con người tìm đến hành hương như là giải pháp xả stress và thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Hành hương là sự kết hợp giữa tôn giáo và nhu cầu hiểu biết, tham quan, học hỏi thêm về con người và vùng đất nơi mình đến.


2- Mục đích


Ngay từ thời thượng trung cổ, người Kitô hữu có quan niệm những chuyến đi như thế là sự biểu lộ của sự hy vọng về một quê trời đích thực. Theo các sử gia công giáo thì vào Thế kỷ thứ 4 khi Constantinus I ban hành "Sắc lệnh Milanô" năm 313 bãi bỏ các hình phạt bách hại dã man Kitô hữu trên toàn đế quốc và công nhận Kitô giáo là quốc giáo, việc hành hương được “nở rộ”. Người Kitô hữu thường hành hương đến Giêrusalem viếng các nơi thánh và đến Rôma viếng mộ thánh Phêrô và thánh Phaolô (ad limina apostolorum ), mà ngày nay các Giám mục vẫn giữ truyền thống này; đi viếng các hầm mộ và các vương cung thánh đường. Cũng vậy, việc hành hương mộ Thánh Giacôbê ở Compostella (nước Tây Ban Nha) được tổ chức rất thường xuyên giữa thế kỷ IX và XVI và còn mãi đến nay. Các Kitô hữu ở Việt nam cũng tổ chức các cuộc hành hương đến Đức mẹ La Vang, Trà Kiệu, Tà Pao, Bãi Dâu, Hòn Chông, cha Diệp như là phương thế giúp nuôi dưỡng, củng cố và làm phong phú đời sống đạo.






Ban đầu, khách hành hương xem mục đích của những cuộc hành hương nhằm ăn năn đền bù những tội đặc biệt nặng. Vì thế, khi đi hành hương họ thường đi bộ để đền bù tội lỗi vì họ tin rằng nhờ “công nghiệp” của những hy sinh hãm mình ấy họ sẽ lập được đại công trước mặt Chúa, xóa bỏ tội lỗi, trở nên công chính và được hưởng phúc thiên đàng (x.Youcat, số 276); nhưng ngày nay thì quan niệm lệch lạc này dần được “thanh tẩy” khi các Kitô hữu đã ý thức được ý nghĩa đích thực của việc hành hương là giúp cho họ kiếm tìm được sự bình an trong tâm hồn và có thể lấy được sức mạnh từ những nơi thánh. Ngoài ra, những chuyến hành hương ấy giúp họ củng cố lòng đạo đức; tìm được sự nâng đỡ tinh thần hoặc có thể là bước ngoặt giúp thay đổi cuộc sống vì được gặp Chúa, hiện diện trước Ngài, tôn kính thờ lạy và mở tấm lòng ra với Chúa để được biến đổi…






3- Người Việt Nam và hành hương


Cách chung người Việt sống nặng về tình cảm nên có những cảm thức tâm tình rất đặc biệt với các hoạt động tâm linh. Ngay từ khi đạo Chúa được các thừa sai truyền đến nước Việt, nắm được tâm lý thích lễ hội và ca hát của người Việt, nên các thừa sai và những mục tử bản xứ cũng có những cách thích nghi để truyền tải giáo lý, đức tin phù hợp với tâm tính và văn hóa Việt; sáng tác những bài giáo lý, kinh thường đọc theo cung giọng của các bài hát bình dân, truyền thống, những lễ hội. Đây là cách thích nghi và hội nhập văn hóa rất tốt và rất sâu. Đó là những hình thức của lòng đạo đức bình dân, đặc biệt người Việt rất “nhiệt tình” tổ chức các cuộc hành hương về các trung tâm kính Đức Mẹ, các vị thánh, hay cả ở đất thánh tại Israel.






Thật vậy, cuộc sống thường nhật với những bon chen, vội vã khiến con người cảm thấy nặng nề, nhiều người đã đến với hành hương như một phương thế thoát ra những bó buộc ấy, để tìm về với chính mình, nhìn lại bản thân và kết nối với Thiên Chúa và họ đã tìm được sự bình an sâu lắng trong tâm hồn. Tuy nhiên, bên cạnh những điều tốt đẹp lãnh nhận từ những cuộc hành hương ấy, nhiều người Kitô hữu có những ngộ nhận về việc hành hương.






Người Kitô hữu có thể rơi vào những lệch lạc mà không ý thức được như: mê tín, thể hiện niềm tin cách thái quá, có phần lệch lạc như vuốt ảnh tượng Chúa, các thánh và thoa lên chỗ đau cần chữa trị trên cơ thể, nên không lạ gì khi các bức tượng ở các trung tâm hành hương hay bị “tróc nước sơn”; hay phàm tục hóa, thương mại hóa các cuộc hành (đứng ra tổ chức thành các nhóm, để thu lợi mà không nhắm đến ý nghĩa đích thực của hành hương). Hơn thế nữa, nhiều người còn mang tâm lý “trả giá, thử nghiệm”- đi thử xem sao nếu xin được ơn thì đi tiếp, nếu không thì thôi! Hay bị tác động bởi tâm lý đám đông theo kiểu “Tấp tễnh người đi tớ cũng đi (Trần Tế Xương, Đi Thi). Những lệch lạc đó làm mất đi ý nghĩa thánh thiêng và tôn giáo; mang tính hình thức giả tạo chứ không đi vào ý nghĩa đích thực. Thế nên, cần xét lại xem đâu là động lực chính cho cuộc hành hương của chúng ta. Động lực tình yêu hay lợi nhuận? Làm phong phú đời sống thiêng liêng qua những cảm nhận có được từ hành hương hay nhu cầu du lịch đơn thuần? Để điều chỉnh cần phải thanh luyện để có một nếp suy nghĩ mới, nếp sống mới, nhờ đó thực sự gặp gỡ được chính Đức Kitô qua những lần hành hương và không chỉ dừng lại ở đó, nhưng phải để cho tinh thần của cuộc gặp gỡ và cảm nghiệm ấy kéo dài trong cuộc sống thường nhật.






Ngoài ra, không ít Kitô hữu “quên” mất điều quan trọng này: mỗi người Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh cũng đang là những người đang lữ hành tiến về thành Giêrusalem trên trời; một cuộc hành hương tối hậu về vương quốc trường cửu của Thiên Chúa. Quả vậy, không ai được thờ ơ với cuộc hành hương này vì hiện nay chúng ta là khách lữ hành đang trên đường tiến về quê hương đích thực trên trời. Vì vậy, cần phải điều chỉnh và thanh luyện những ngộ nhận này để hướng người Kitô hữu đến việc trưởng thành hơn trong việc hiểu và sống đức tin (x. Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Catechesis Tradendae, số 54)






4- Những điều chỉnh


Theo người viết, trước hết cần xác tín chính Chúa Giêsu cùng đích duy nhất mà con người phải hành hương và vẫn khuyến khích các cuộc hành hương tôn giáo. Thật ra, cũng có nhiều ý kiến muốn “tẩy chay” việc hành hương tôn giáo, tâm linh. Những người ủng hộ chủ trương này lý giải rằng: Ở đâu mà chẳng có Chúa, Chúa ở khắp mọi nơi mà. Quan điểm này chưa hoàn toàn xác đáng và thuyết phục. Những nơi gắn liền với những sự kiện trong Kinh Thánh, hay những cuộc “hiện ra” được nhìn nhận sẽ là những nơi dễ dàng khơi lên trong lòng những khách hành hương những tâm tình tôn giáo và lòng đạo đức cách mãnh liệt. Ông bà ta có câu: trăm nghe không bằng một thấy mà! Nhưng điều quan trọng là cần phải kết hợp việc hành hương tâm linh và hướng đến đi vào chiều sâu linh thánh để có được những cảm thức đức tin tốt hơn và ý thức đúng đắn về cuộc lữ hành tiến về thiên quốc. Đó chính là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho bước chân chúng ta dù cuộc lữ hành tối hậu đầy những gian lao và thách thức phải vượt qua. Tại sao? Xin thưa, nhờ sự kết hợp này sẽ giúp chúng ta có những tâm tình, thái độ đúng đắn hơn vì theo cách nói triết học thì có hình thức sẽ dễ đi vào nội dung hơn. Qua những cuộc hành hương theo kiểu tâm linh người tín hữu sẽ có cơ hội nhận ra rằng không phải những cuộc hành hương ấy là cùng đích, nhưng chỉ là phương tiện giúp chúng ta thờ phượng Chúa cách chân thật, là theo chân Đức Kitô, Đấng“là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).






Kết luận


Qua Bí tích Rửa tội, đời sống Kitô hữu được tháp nhập vào Hội Thánh, Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và được mời gọi bước theo Đức Kitô trên hành trình tiến về Giêrusalem trên trời. Một thái độ đúng đắn về những cuộc hành hương tôn giáo về những trung tâm hành hương sẽ giúp người Kitô hữu sống và diễn tả niềm tin cách phong phú để từ đó biết kết hợp tâm tình, cảm thức từ những chuyến hành hương, hầu có thể đón nhận dồi dào ơn sủng Chúa ban, dám can đảm từ bỏ con người cũ để Chúa biến đổi trở nên nhạy bén nhận ra thánh ý Chúa và thi hành. Hành hương là một cách thế sống những giá trị thiêng thánh ngay ở đời này, để hướng đến những thực tại trời cao. Đó chẳng phải là bàn đạp và điểm tựa vững chắc cho cuộc lữ hành về quê trời vĩnh cửu sao?


-Felicitas-
Hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu. Xin Mẹ thương và ban ơn bình an cho chúng con. Amen

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Linh mục – người của Chúa khi đến với các cộng đoàn, các ngài cũng noi theo gương Thầy Giê-su yêu thương và dấn mình vì đoàn chiên nên “Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?” ( Chế Lan Viên). Đặc biệt, cộng đoàn nơi các ngài dấn thân phục vụ đã và đang triển nở xanh tươi nhờ các ngài dày công vun tưới, thì làm sao cha con có thể không bịn rịn nhớ nhung khi phải chia lìa, vì “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên). Tuy nhiên, vườn hoa Giáo hội của Chúa thật rộng lớn và còn nhiều khóm hoa đang khô héo vì thiếu nước, nên cần người tưới hoa đến gấp để chăm sóc và vun tưới cho vườn hoa mỗi ngày thêm triển nở.
 
Trong vườn hoa muôn sắc màu cũng có những loài hoa rất khó chăm sóc, nên việc vun tưới cho hoa cũng cả là một nghệ thuật! Những cây hoa được tưới nhiều nước quá cũng dễ bị úng nước thối gốc mà chết, trái lại những cây chỉ được tưới ít nước cũng sẽ khô cằn và còi cọc….Như vậy, việc chăm sóc vườn hoa thật khó nên người tưới hoa luôn phải linh hoạt theo từng “khóm hoa” để tưới nước. Vườn hoa Giáo hội thật phong phú: Có những khóm hoa đã và đang triển nở tốt tươi, nhưng cũng còn nhiều khóm hoa khác đang khát từng giọt nước ơn cứu độ tưới xuống, nên người tưới nước luôn phải di chuyển để tưới đủ nước cho vườn hoa bao la này. Như vậy, cuộc đời linh mục quả là những chuyến đi, vì các ngài chẳng khác gì những người vun tưới cho vườn hoa Giáo hội của Chúa mỗi ngày thêm tươi đẹp, nên các ngài luôn cần “di chuyển” để tưới cho những “khóm hoa” đang khô héo xanh tươi trở lại.
 
Linh mục – người đại diện Chúa ở trần gian nắm giữ các phương tiện cứu độ nên các ngài luôn hăng say và chuyên tâm đem ơn cứu độ đến cho tất cả những ai chưa nhận biết Chúa. Các ngài chính là “Những ngọn hải đăng” được Thiên Chúa thắp trên gian trần. Ước mong sao chúng ta có thể thấu hiểu và cảm thông với các ngài qua việc cùng hát lên bài: Đuốc Sáng Tâm Linh để tỏ lòng tri ân các ngài.
-Nhựa Sống-


Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Lời khấn khó nghèo

Đối với những ai đã dâng mình cho Chúa, nhất là trong đời sống tu trì, “khó nghèo” là hai chữ rất quen thuộc. Đã đi tu là phải sống tinh thần khó nghèo, điều này đâu có lạ. Tuy vậy, xã hội ngày càng phát triển và chủ nghĩa thế tục ít nhiều len lỏi vào các cộng đoàn tu trì, thiết nghĩ các lời khuyên Tin Mừng vẫn là những đề tài mang tính thời sự, và phải luôn được đặt ra nhằm giúp người tu sĩ tìm lại căn tính đích thực của đời tu là theo Chúa Kitô trong việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm.

Khó nghèo – Một thách đố của đời tu
Thông thường người ta dễ nói về cái nghèo, nhưng để cảm nghiệm được cái nghèo thực sự như thế nào thì không dễ. Hơn nữa, ý nghĩa của sự khó nghèo cũng thay đổi tùy môi trường văn hóa, dân tộc, và điều kiện xã hội. Như những lời khấn khác, lời khấn khó nghèo là phương tiện cung cấp cho ta sự tự do để làm việc tông đồ. Nó phải hướng tới Chân Lý, tức Tình Yêu.

Xã hội phát triển kéo theo nền kinh tế cũng được nâng cao, chất lượng cuộc sống của mọi người vì thế cũng được nâng lên. Đời sống tu trì ngày nay, trong đà phát triển của xã hội, cũng được cải thiện. Các tu sĩ được Nhà Dòng và các Bề trên cung cấp đầy đủ những phương tiện phục vụ cho các nhu cầu cá nhân, từ việc ăn uống cho đến các sinh hoạt của đời tu.

Tuy vậy, với đà phát triển của xã hội, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa vật chất, sự thèm khát chiếm hữu đã và đang tìm cách len lỏi vào đời sống tu sĩ. Nếu không cẩn thận, các tu sĩ sẽ quên mất lời khấn khó nghèo và dễ cổ xúy cho sự giàu có với khẩu hiệu “phương tiện phục vụ cho sứ vụ”, và vì thế, họ phải mua sắm các thiết bị hiện đại và giá trị vượt mức cần thiết; hay“ăn uống không đủ chất thì không có sức khỏe học hành”, thế nên, ngoài các bữa ăn của Nhà Dòng thì căn phòng riêng trở thành những “siêu thị di động” với đủ loại thực phẩm và đồ ăn khác.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu tâm linh của người dân cũng tăng lên, hệ quả là các tu sĩ sẽ có nhiều việc phải làm: nào là đồng hành, nào là tư vấn, nào là gặp gỡ… Những lần gặp mặt như thế làm nảy sinh nhu cầu như phải ăn mặc thế nào để “y phục xứng kỳ đức”, và theo đó, quần áo ngày càng phải tươm tất, phải hợp thời, phải model, phải mới, phải… Đó là chưa kể đến vô vàn những cám dỗ về đức khó nghèo tự nguyện khác.
Cám dỗ của việc sở hữu nhiều, giàu có nhiều luôn rình rập người tu sĩ. Vì thế, họ phải cố gắng giảm bớt những chi tiêu không cần thiết, biết sống thanh đạm và tự đặt cho mình bổn phận kìm hãm những ước muốn hưởng thụ, lúc đó người tu sĩ mới sống được những giá trị đích thực của đời tu.

Khó nghèo – Giá trị của đời sống tu trì
Như đã nói ở trên, căn tính của đời tu là sống trọn vẹn và triệt để Tin Mừng hay nói cách khác là theo sát Đức Kitô để: “bằng cách tự nguyện sống khó nghèo, chúng ta san sẻ sự khó nghèo của Đức Kitô, Đấng tuy giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta” (x. 2 Cr 8,9).

Theo sát Đức Kitô qua sự khó nghèo, người tu sĩ được tự do, không lệ thuộc vào của cải vật chất để luôn trong tư thế sẵn sàng cho không những gì được lãnh nhận nhưng không. Bởi vì, kho tàng của chúng ta là sự công chính của nước Thiên Chúa với niềm tín thác sống động vào Ngài. Đó là sự giải thoát khỏi tình trạng nô lệ, và hơn nữa khỏi tình trạng lo lắng về của cải trần thế, để phục vụ Thiên Chúa cách mau mắn hơn, nói về Chúa cách quả cảm hơn. (x. SHC 31, 2).

Đang khi Giáo hội lên tiếng về thái độ ngày càng dửng dưng với người nghèo của con người thời đại ngày nay, thì tinh thần nghèo khó của người tu sĩ dễ dàng đến gần với những anh chị em kém may mắn này. Sống nghèo khó giúp mỗi người chúng ta dám đến gần, chia sẻ, giúp đỡ và cảm thông với họ.

Sau cùng, khi sống tinh thần nghèo khó, chúng ta chắc chắn nhận được phần thưởng vĩnh cửu, vì Chúa đã nói: “phúc thay ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Tóm lại, ngày nay có nhiều người thắc mắc tự hỏi: đời tận hiến có ý nghĩa gì? Tại sao lại chọn đời sống đó? Tại sao phải làm những chuyện ngược lại với xu hướng thời đại khi phải tuân giữ lời khuyên Tin Mừng? Những câu hỏi đó ngày càng được đặt ra cách thường xuyên và hơn bao giờ hết trong xã hội chúng ta, một xã hội bị ảnh hưởng của nền văn hoá thực dụng, chỉ muốn đánh giá tầm quan trọng của sự vật và cả con người trong mức độ tức thời.

Xã hội thực dụng là thế; còn các tu sĩ một khi nhất quyết bước theo Chúa sẽ phải phấn đấu không ngừng, chết đi mỗi ngày cho “cái tôi” của mình và làm chứng cho thế giới về một Đức Kitô khó nghèo. Cầu chúc mỗi anh em khi sống lời khấn khó nghèo luôn tìm được niềm vui, sự tự do và bình an trong Chúa và thánh Đaminh.
 T.D. - Học Viện Đa Minh-