Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Dấu-Chấm-Hết TRÒN


Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già! Gió heo may đã về… Chẳng ai dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời (để khả dĩ chấp nhận) thì mới sống thanh thản và thoải mái.

Qua một ngày, mất một ngày. Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày, lời một ngày. Ngày mai cứ để ngày mai lo…



Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mơ ước của con người, niềm vui ẩn chứa trong những việc nhỏ nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng. Hạnh phúc như nước hoa, càng cho đi càng thơm lừng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Nghịch-lý-thuận hay thuận-lý-nghịch? Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân: Khi sinh ra chẳng mang đến, khi lìa đời chẳng mang đi. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ. Người khôn biết kiếm tiền và biết tiêu tiền. Hãy làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó!

Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ, hãy chia tay với “thầy tu khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

Tiền bạc là của mình, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình. Cha mẹ yêu con thì vô hạn, con yêu cha mẹ lại có hạn. Con ốm, cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm, con nhìn một chút rồi hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ. Cha cho con tiền thì cha con cùng cười, con cho cha tiền thì cha con cùng khóc! Nhà của cha mẹ là nhà của con, mà nhà của con lại không phải là nhà của cha mẹ. Khác nhau lắm! Người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ và niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình!

Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy? Cũng có thể. Nhưng đâu phải ai cũng có tiền mà hưởng già, và rồi tiền cũng không cứu nổi!

Cái được, người ta chẳng hay để ý, cái không được thì tưởng nó to lắm, đẹp lắm. Thực ra hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn. Cuộc đời không tính bằng chiều dài mà tính bằng chiều sâu và chiều rộng.

Rất cần có tấm lòng rộng mở, biết yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống. Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

Tập cho mình nhiều đam mê tốt, vui với chúng không biết mệt, đó là tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui. Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Suy cho cùng, ai cũng thế cả, rồi cũng trở về với thiên nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.
Bạn đã dành khá nhiều phần đời cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, cho mơ ước,... Bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình. Sống ở đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm mình khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già mà tâm không già, thế là già mà không già. Tuổi không già mà tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe người già.
Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn áo thì khó chịu… Mọi thứ đều nên “vừa phải”.

Sống ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống,…), người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh), người khôn phòng bệnh (chăm sóc bản thân, sức khỏe, cuộc sống,…). Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh… Tất cả đều là muộn!

Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy. Tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị. Tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng: thua không cay, thắng không kiêu, chơi là đùa. Về tâm sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

Hoàn toàn khỏe mạnh nghĩa là thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Thân thể khỏe mạnh là biết vận động, chơi đúng chỗ, dừng đúng lúc, không sa đà. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp. Đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

Con người là con người của xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn đượm nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn, bạn chọn cách sống sao cho phù hợp.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cổ (nhớ chuyện xa xưa)? Những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đứng ở vạch cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt. Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm.

Cuối cùng, hãy cố gắng tạo cho mình một dấu-chấm-hết thật tròn!

Người đi về cõi ngàn thu
Tôi còn ở lại vẫn mơ kiếp người
Nay người, mai cũng đến tôi
Trở về cát bụi: Khóc, cười, trắng tay!
Trăm năm gom lại một giây
Lá âm thầm rụng xa cây lìa cành

Cuộc đời tưởng dài mà ngắn, thấm thoắt như bóng câu qua cửa. Tuổi già đến nhanh, nghĩa là cái chết cũng gần kề. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Tất cả đều qua đi, chỉ còn lại cách sống của mình – còn lâu hay mau trong tâm trí mọi người là tùy vào chính con người mình.

Lạy Thiên Chúa, Đấng Cứu độ con, xin đừng giận mà ruồng rẫy con, xin đừng bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, dù mọi người bỏ con thì vẫn còn có Ngài đón nhận con. Xin dạy bảo con đường nẻo Ngài và dẫn con trên lối phẳng phiu (Tv 27, 9-11).
-Trầm Thiên Thu-

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016


Mùa Chay là thời gian thuận tiện nhất để mỗi người Kitô hữu đổi mới con người và đời sống của mình. Đổi mới là quy luật của sự phát triển và tiến bộ. Chúng ta quan sát thiên nhiên trong những ngày mùa đông giá lạnh, cây cối trở nên cằn cỗi, trơ trụi và xem ra như không còn sức sống. Nhưng khi mùa xuân về, khí trời ấp áp, cây cối bừng dậy sức sống, chúng đâm chồi nảy lộc, trổ hoa muôn màu sắc trông thật đẹp mắt. Thiên nhiên và sự sống xung quanh chúng ta thật kỳ diệu! Qua sự kiện này, chúng ta nhận thấy rằng đổi mới là quy luật của phát triển nơi thiên nhiên.
Đối với người Kitô hữu, đổi mới là quy luật của sự nên thánh. Vì thế, Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải đổi mới mỗi ngày, đổi mới liên lỉ, đặc biệt khi chúng ta bước vào một năm mới và nhất là bước vào Mùa Chay thánh. Tuy nhiên, chúng ta thử hỏi rằng chúng ta cần phải đổi mới như thế nào?
Thiên Chúa không muốn chúng ta chỉ sự đổi mới ở bên ngoài như thay đổi dáng dấp, cách ăn mặc, hay nơi chốn sinh sống, nhưng Ngài mời gọi chúng ta phải đổi mới triệt để từ bên trong, đổi mới toàn bộ con người và đời sống của chúng ta.
Để thực hiện được điều đó, thánh Phaolô trình bày về sự đổi mới triệt để và toàn vẹn mà chúng ta có thể tóm tắt qua 3 bước sau đây:
1. Bước thứ nhất, đổi mới là cởi bỏ con người cũ
Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham hố lừa dối” (Eph 4,22). Theo thánh Phaolô, cởi bỏ con người cũ là cởi bỏ “con người thuộc hạ giới”, con người sống theo xác thịt với những hành vi đó là: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5,20-21).
Danh sách các thói xấu mà thánh Phaolô đưa ra ở đây chỉ có tính cách tượng trưng, nhưng các tính hư tật xấu này cũng đủ để cản ngăn con người tiến lên với Thiên Chúa. Chúng là các dây xích cầm buộc con người trong vòng tục lụy và gây ra biết bao nhiêu hậu quả khổ đau cho cuộc sống mỗi người.
Mùa Chay là cơ hội quý báu để chúng ta cởi bỏ con người cũ, từ bỏ các thói hư tật xấu này trong chúng ta. Nếu không từ bỏ chúng, sẽ không có sự tiến bộ về nhân đức, và như thế chúng ta sẽ không được thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời. Chính vì thế, Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải lột bỏ con người cũ với các tội lỗi và đam mê xấu xa nguy hại ấy để mặc lấy đời sống mới theo Thánh Thần hướng dẫn.
2. Bước thứ hai là “phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” (Ep 4,23)
Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba quyền năng và cùng một bản tính như Ngôi Cha và Ngôi Con. Ngài là Đấng đồng hành với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài hoạt động trong chúng ta trong mọi trạng huống: như cuồng phong biến đổi, như nước thanh tẩy, như hơi thở ban sự sống, như lửa “đốt cháy” tâm can, như dầu tăng sức mạnh.
Chúng ta cần Chúa Thánh Thần biến đổi con người yếu hèn của mình, đổi mới tâm trí của chúng ta. Bởi vì mọi sai lầm bắt nguồn từ suy nghĩ sai và thiếu hiểu biết của chúng ta đối với đường lối của Thiên Chúa. Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần biến đổi tâm trí, nghĩa là biến đổi cái nhìn, tư tưởng, quan điểm, nghĩ suy của con người cũ, để có cái nhìn và suy nghĩ của Thiên Chúa, hướng tới sự thật và tình yêu, để thăng hoa trở nên người mới mạnh mẽ, hăng say, đầy tràn nhiệt huyết hơn.
3. Bước thứ ba là mặc lấy con người mới trong Chúa Kitô
“Anh em hãy mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Eph 4,24). Thánh Phaolô quả quyết rằng: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được Rửa tội để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27). Ngài cũng mời gọi: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13,14).
Quả thế, Đức Giêsu là con người mới và kiểu mẫu cho chúng ta. Mỗi người kitô hữu được tạo dựng và tiền định để trở nên giống Chúa Kitô. Nếu cởi bỏ con người cũ là lột bỏ những thói hư tật xấu, thì trở nên con người mới là mặc lấy Chúa Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, mặc lấy trong mình những tâm tình của Chúa Kitô, đó là lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và tha thứ cho nhau (x. Cl 3,12-14).
Vì thế, chúng ta được mời gọi từ bỏ đời sống cũ, mặc lấy đời sống mới bằng cách rèn luyện các nhân đức, thực hành những giá trị Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã dạy, sống như Chúa đã sống. Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể được biến đổi toàn bộ con người chúng ta theo khuôn mẫu là Chúa Kitô, từ suy nghĩ, phán đoán, tình cảm, con tim, động lực sống và cả cách hành xử của chúng ta. Đó là con người mới, nhân cách mới, đời sống mới trong Chúa Kitô.
Kết luận
Cha Anthony de Mello trong cuốn “The Song of the Bird” có kể câu truyện về Sufi Bayazid, ông nói về chính mình như sau: Tôi là nhà cách mạng, khi tôi còn trẻ và tất cả lời cầu nguyện của tôi với Chúa là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con thay đổi thế giới.” Khi tôi tới tuổi trung tuần và nhận thấy rằng nửa đời người đã qua đi mà không đổi thay được một tâm hồn nào. Tôi đã thay đổi lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để thay đổi những người liên hệ và gặp gỡ con, như gia đình và bạn bè của con và con sẽ được an lòng”. Bây giờ, tôi đã già và ngày giờ sắp hết, lời cầu của tôi: “Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để thay đổi chính con”. Nếu tôi cầu nguyện điều này ngay từ khởi đầu, tôi đã không phí uổng cuộc đời của mình.
Câu chuyện trên đây muốn nói với chúng ta rằng: sự thay đổi chính mình là sự thay đổi quan trọng nhất. Nếu muốn thay đổi thế giới, chúng ta phải bắt đầu từ sự thay đổi chính mình. Mùa Chay là mùa đổi mới. Hội Thánh kêu gọi các tín hữu canh tân cuộc sống, từ bỏ lối sống cũ, con người cũ, để sống đời sống mới, công chính và thiện hảo hơn theo mẫu gương Chúa Kitô.
Ước mong mỗi người kitô hữu biết sử dụng và sống thời gian Mùa Chay thánh này như là cơ hội để đổi mới chính mình trở nên thành con người mới trong Chúa Kitô.
-Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương-

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Ở ĐÂU CÓ TU SĨ, Ở ĐÓ CÓ NIỀM VUI

Ở ĐÂU CÓ TU SĨ, Ở ĐÓ CÓ NIỀM VUI 


Đã sinh ra làm người, ai cũng mong muốn có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Con người lúc nào cũng khao khát niềm vui và nhiều người đã tìm mọi cách hoặc chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá để có niềm vui. Niềm vui có nhiều loại: có niềm vui thấp hèn như rượu chè, hút sách, cờ bạc... ; Có niềm vui bình thường như thi đậu, thành công trong công việc, được giầu sang… ; Có niềm vui thanh cao như hy sinh giúp đỡ người cùng khốn, làm việc thiện… Nhưng đâu là niềm vui mà các tu sĩ được kêu gọi tìm kiếm và làm chứng? Thánh vịnh 37 cho chúng ta câu trả lời: “Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn. Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho bạn được thỏa chí toại lòng” (Tv 37, 3-4 ). Đó là niềm vui của người tu sĩ, niềm vui được sống trong sự hiện diện của Chúa và được thuộc về Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lên niềm mong đợi của Ngài nơi các tu sĩ như sau: “Tôi ước mong rằng luôn thực hiện được điều mà tôi đã có lần nói là “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm và chứng tỏ rằng Thiên Chúa có khả năng lấp đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta hạnh phúc, không cần phải đi tìm hạnh phúc ở đâu khác; chứng tỏ rằng tình huynh đệ chân chính trong các cộng đoàn của chúng ta nuôi dưỡng niềm vui; chứng tỏ rằng sự tận hiến để phục vụ Giáo hội và các linh hồn giúp cho chúng ta đạt được sự thành tựu bản thân và mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc đời” 

-M. Rose Vũ Loan, Fmsr- Sông phan-

Mẹ yêu con bởi vì con là con

Mẹ yêu con bởi vì đó là con,
Thật trong sáng hồn nhiên con trẻ,
Mẹ yêu con bởi ẵm bồng tấm bé,
Lớn lên dần trong tay mẹ chắt chiu.

Mẹ yêu con bởi chính đó là con,
Vu vơ hát lời chưa tròn câu chữ,
Những câu nói vu vơ không cảnh, ngữ,
Mẹ học hoài chưa đủ hiểu hết con.
Mẹ yêu con bởi vì đó là con,
Khi ngơ ngác ngước nhìn trời xanh ngắt,
Khi trầm tư, cặm cụi bên bàn học,
Vẫn vô tư trong khi mẹ nhói lòng.
Mẹ yêu con chỉ vì con là con,
Vô tư lắm chưa hiểu điều hơn thiệt,
Dù mặt chữ a, b con chưa biết,
Chỉ nắm tay mẹ ra dấu khi cần.
Mẹ yêu con chỉ vì con là con,
Dù tay yếu gạch dòng trong nguệch ngoạc,
Hay những lúc con nghêu ngao ngân hát,
Những bài ca mà chưa thể thốt lời.
Mẹ yêu con chỉ vì con là con,
Khi bùng nổ nước mắt dài lăn má,
Can thiệp con vẫn còn trong vất vả,
Chỉ mong con đừng va vập đau đầu.
Mẹ yêu con bởi con chính là con,
Còn yếu ớt khả năng tự phục vụ,
Và nhận thức con vẫn còn chưa đủ,
Để tự lo và chăm sóc cho mình.
Mẹ yêu con vì con là con mẹ,
Là những lúc con nhìn mẹ khe khẽ,
Mấp máy môi “ma, mẹ, mà, ma, mẹ”
Còn niềm vui nào vui sướng hơn bằng.
Mẹ yêu con bởi vì con là con,
Đôi mắt sáng to tròn trong veo quá,
Khi chúm chím môi cười phình đôi má,
Đáng yêu sao con trẻ chỉ i, tờ.
Mẹ yêu con, yêu con lắm lệ trào,
Khi bỗng nghĩ cho ngày sau con trẻ,
Khi bóng mẹ khuất dần trong nắng xế,
Buổi chiều tà không mẹ, chỉ còn con.
Mẹ yêu con cho dù đổi dời non,
Con của mẹ dù còn trong ngơ ngác,
Cho dù mẹ sắp gần bên tuổi hạc,
Thì tình yêu còn mãi chẳng phai sờn

-NNT-d.a photos-

Biết chia sẻ cho nhau

Lạy Chúa, nhìn vào thế giới hôm nay, con tin chắc rằng Chúa cũng đang chạnh lòng thương xót nhân loại khổ đau vì đói khát, vì bệnh tật, vì dốt nát, vì chiến tranh. Chúa cũng có thể làm mọi sự để cứu độ chúng con, nhưng Chúa cần đến sự cộng tác nhỏ bé của từng người chúng con.
Xin Chúa giúp con luôn biết mở rộng trái tim trước nhu cầu của anh chị em, biết mở rộng bàn tay dâng hiến cho Chúa và cho tha nhân. Dù sự đóng góp của chúng con chẳng đáng kể là gì so với nhu cầu của thế giới, nhưng con tin Chúa đang chờ đợi đón nhận và nhân lên gấp bội.
Xin Chúa dạy chúng con biết nghĩ tới nhau, biết chia sẻ cho nhau, để nhân loại khỏi bị diệt vong vì ích kỷ. Amen.

-NNT- ảnh Dòng Phaolo Mỹ Tho-

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Những lúc cô đơn ai người an ủi
Những lúc buồn phiền ai sẽ ôm vai
Những lúc băn khoăn ai người đưa lối
Ai sẽ tiếp tay đối phó ngày mai

Ai sẽ đỡ nâng những khi đau khổ
Ai sẽ tăng cường khi hãi sợ tương lai
Ai sẽ chở che khi lâm nguy ngập cổ
Ai dắt dìu trong bóng tối đọa đầy

Ai chúc bình an khi lòng rối loạn
Ban sức cho khi cám dỗ ngập tràn
Tha thứ khi niềm tin mất dạng
Dẫn đưa về nơi chốn yên hàn

Ai lưu ý khi vô tình tệ bạc
Lúc yếu lòng ai giải thoát cho đây
Ai cho nghỉ khi mệt nhoài thể xác
Tìm đâu bao ơn phúc vơi đầy

-Bùi Hữu Thư-NNT-

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Ngày Xuân, dịp Tết, nếu còn cha mẹ, thật hạnh phúc cho bạn, nhưng xin bạn hãy “hồi tâm” một chút: 
Khi bạn đang uống ly nước giải khát, hãy nghĩ xem cha mẹ thường uống gì. Khi bạn mặc những bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu, xin hãy nghĩ xem cha mẹ bạn thường mặc ra sao. Khi bạn thoải mái chi tiêu, hãy nghĩ đến những thứ cha mẹ bạn thường dùng thế nào. Cha mẹ đã vì chúng ta mà bỏ bao công sức, đổ bao hạt mồ hôi, đều chỉ vì mong cho bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ bạn đang dùng đều là do công sức cha mẹ tạo ra. Xin hãy yêu quý cha mẹ và cố gắng giữ trọn chữ hiếu cho xứng đáng là người con. 
Hãy hành động ngay khi cha mẹ còn sống, cụ thể là ngay trong dịp Tết này, biết đâu bạn không còn kịp nữa đâu!

Tết đến bình an nhờ Thiên Chúa
Xuân về hạnh phúc với Thánh Gia

Gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo hội, là “chiếc nôi” của Lòng Chúa Thương Xót. Gia đình có hạnh phúc là nhờ Thánh Ân của Thiên Chúa.
Thiên Chúa phù trì liên vạn đại
Thánh Gia bảo giám mãi thiên thu

Lạy Thiên Chúa, xin cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con có tổ tiên, ông bà và cha mẹ, xin Ngài thương chúc lành cho họ, đặc biệt trong dịp Tết này; xin giúp chúng con biết giữ trọn Đạo Hiếu với Chúa và với ông bà, cha mẹ của chúng con. Xin tình yêu Thánh Gia luôn tràn đầy trong mọi gia đình, hôm nay và mãi mãi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
-TRẦM THIÊN THU-













Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Thánh hóa công việc

Trong những ngày đầu xuân, chúng ta vẫn thường chúc nhau :”Năm mới làm ăn thịnh vượng. Con cháu siêng năng ngoan ngoãn…” Điều đó cho thấy người Việt nam chúng ta rất quí trọng lao động. Trong kho tàng ca dao tục ngữ không thiếu gì những câu đề cao giá trị của lao động như :”Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”.
Đồng cảm với dân tộc, Giáo hội Việt nam đã dành riêng ngày Mồng Ba Tết để xin Chúa thánh hóa và chúc lành cho công việc làm ăn trong năm mới, giúp cho người Kitô hữu hiểu rõ giá trị của lao động , lao động trí óc cũng như chân tay.
Đồng thời, nhân dịp đầu năm, Giáo hội còn nhắc nhở cho con cái mình hiểu rằng lao động không còn là một hình phạt khổ sai, nhưng là một vinh dự vì nhờ lao động, con người được cộng tác với Thiên Chúa, Đấng vẫn luôn làm việc trong công trình sáng tạo của mình; và cũng góp phần làm cho con người được hạnh phúc.
I. MỌI NGƯỜI PHẢI LÀM VIỆC
1. Thiên Chúa đã và đang làm việc
Thật vậy, ngay từ đầu, Kinh thánh đã cho thấy Thiên Chúa làm việc luôn. Nếu đọc chương I sách Sáng thế, chúng ta biết Thiên Chúa đã hành động để tạo dựng nên vũ trụ, muôn loài, muôn vật và cả con người :”Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bùn đất nhào nặn thành con người… Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất đai mọc lên mọi thứ cây trồng đẹp mắt, ăn ngon miệng” (x. St 2,7-9). Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để được thông phần vào sự sống của Ngài.

Thiên Chúa không chỉ làm việc trong công trình sáng tạo vào buổi khai thiên lập địa, Ngài vẫn còn tiếp tục quan phòng, gìn giữ những gì Ngài đã sáng tạo. Chính vì thế, sau này Chúa Giêsu đã nói cho người Do thái :”Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc liên lỉ, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).
2. Tổ tông đã làm việc ở vườn Địa đàng 
Nếu đọc kỹ bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên. Xưa nay chúng ta tưởng rằng hai ông bà nguyên tổ trong vườn Đại đàng chỉ ở không và hưởng thụ, không phải làm gì cả. Nhưng sách Sáng thế nói Thiên Chúa cho ông bà ở trong vườn Đại đàng để “canh tác và giữ vườn”. Địa đàng là hình ảnh của hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy con người phải “canh tác” nghĩa là phải làm việc để tạo ra. Và con người cũng cần phải “giữ vườn” nữa, nghĩa là hạnh phúc ấy con người phải gìn giữ thì nó mới tồn tại và con người mới tiếp tục được hưởng nó.

3. Sự làm việc trở nên vất vả 
Khi còn ở trong ơn nghĩa với Chúa, tổ tông làm việc trong vườn Địa đàng một cách nhẹ nhàng thảnh thơi, không cảm thấy khó nhọc vất vả. Nhưng ông bà đã nghe lời khuyến dụ của ma quỉ dưới dạng con rắn, không vâng lời Thiên Chúa dám cả gan hái trái cấm mà ăn. Ông bà đã bị Thiên Chúa ra án ohạt. Từ đó công việc làm ăn trở nên khó nhọc vất vả, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có của ăn.

Sách Sáng thế còn ghi lời Chúa: “ Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng :”Người đừng ăn”, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn cho đến khi trở về bụi đất” (St 3,17-19).
II. Ý NGHĨA CỦA SỰ LÀM VIỆC
1. Về phương diện tôn giáo 
Chúng ta biết rằng ngoài việc tạo dựng, Thiên Chúa còn quan phòng nữa, nghĩa là tiếp tục chăm sóc những loài Ngài đã dựng nên. Và việc chăm sóc này thì Ngài làm không bao giờ nghỉ. Nếu Chúa chỉ buông lơi một phút thôi không chăm sóc chúng ta thì chúng ta sẽ chết liền. Bởi thế, Chúa Giêsu mới nói :”Cha Ta làm việc liên lỉ”. Ngài còn nói tiếp :”Cho nên Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).

Như vậy, lao động chân tay hay trí óc đều có một ý nghĩa sâu xa. Nhờ lao động, chúng ta được cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Đây là một vinh dự lớn lao cho con người.
Ngoài ra, noi gương Thiên Chúa, chúng ta làm việc không chỉ làm việc vì mình và những người thân của mình, mà còn để phục vụ và giúp đỡ những người khác, nhất là những người khốn khổ như lời thánh Phaolô nói :”Bằng mọi cách, tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế”
“Lạy Chúa là Cha rất nhân hậu,
Chúa đã giao trái đất cho loài người chúng con
Trông coi và khai thác,
Để ai nấy giúp nhau tiến bộ không ngừng;
Xin dạy cho chúng con biết hoàn thành mọi công việc
Trong tinh thần hiếu thảo đối với Chúa
Và huynh đệ đối với mọi người”.

2. Về phương diện xã hội
Lao động không những giúp chúng ta có của nuôi thân, mà còn giúp làm tăng giá trị nhân phẩm của từng người chúng ta. Nhờ lao động chúng ta phát triển tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái, tính kỷ luật và nhanh nhẹn, như lời một danh nhân đã nói :”Lao động làm ta khuây khỏa được nỗi buồn, tiết kiệm được thời gian, chữa được bệnh lười biếng” (Giám mục Bossuet).

III. NỖ LỰC RỒI CẬY TRÔNG
Ngày xưa, cha ông chúng ta là những người nhà nông bám chặt vào mảnh đất, chuyên cần làm việc với một tinh thần cao. Quanh năm làm việc với mọi thời tiết khắc nghiệt của bốn mùa, không quản mưa nắng, quanh năm ngày tháng chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, không sợ giãi nắng dầm sương. Qua kinh nghiệm làm ăn, các ngài đã khẳng định với con cháu rằng: 
“Có cấy có trông, có trồng có ăn”

Các ngài rất khổ tâm với những người làm biếng không chịu làm việc, quanh năm chỉ biết ăn bám. Họ là những người đáng trách, không đáng ăn, suốt đời phải nghèo khổ, không bao giờ ngóc đầu lên được , vì: 
“Tay làm hàm nhai, tay quai hàm trễ”.

Các ngài khuyên con cháu phải biết tự lực cánh sinh, phải biết đổ mồ hôi sôi nước mắt ra mới có miếng cơm manh áo, đừng bao giờ ỷ lại vào người khác, những gì của mình làm ra mới có giá trị, mới đáng quý, mới giữ gìn cẩn thận :
Khó nghèo cấy mướn làm thuê,
Lấy công đổi của chớ hề lụy ai..

Tuy các ngài đã biết làm việc với tất cả sức lực của mình rồi, nhưng các ngài biết rõ con người yếu đuối, sức con người có hạn nên cần có ơn trên phù giúp :
“ Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”

Đó là thái độ khiêm tốn con người cần phải có trước vũ trụ bao la. Con người nhỏ bé giới hạn nên cần phó dâng cho Ông Trời mọi công việc của mình. Hơn nữa niềm tin của tổ tiên còn xác tín về lòng nhân ái của Trời. Trời không phụ lòng người. Trời không bao giờ bỏ quên con người :
Trời nào có phụ ai đâu,
Hay làm thì giầu, có chí thì nên.

Tin tưởng vào quyền năng và lòng thương xót vô biên của Ông Trời, con người cứ vững tâm làm việc không ngơi nghỉ, nhưng đêm ngày vẫn ngước mắt nhìn lên Ông Trời, khấn vái xin ơn trên độ trì để cho được mưa thuận gió hòa, giúp con người có một đời sống ấm no :
Lạy Trời mưa xuống
Láy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp.

Còn đối với chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta phải hoàn toàn phó thác cho Chúa, bởi vì mọi sự phải tùng phục quyền năng của Chúa, con người hoàn toàn bó tay nếu không có ơn trợ giúp của Chúa. Thánh vịnh 127 đã nói lên tư tưởng đó, chúng ta nên nghiền ngẫm để xác tín về điều đó :
" Ví như Chúa chẳng xây nhà
Thợ nề vất vả cũng bằng uổng công.
Thành kia mà Chúa không canh giữ
Uổng công người trấn thủ canh đêm.
Bạn có thức khuya dạy sớm
Khó nhọc vất vả cũng hoài công.
Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ
Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng".
(Tv 127,1-2)

Vì thế, Giáo hội dành riêng ngày Mồng Ba Tết cầu xin Chúa thánh hóa ruộng vườn, mùa màng, cây cối và công ăn việc làm, và xin “Chúa gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi”. Đây cũng là dịp để mọi người đừng nghĩ rằng của cải là do bay tay lao động của mình làm ra, còn thành quả khoa học kỹ thuật do khả năng tích lũy bởi bộ óc của con người mà có, nhưng đừng quên rằng không có gì ngoài sự giúp đỡ và quan phòng của Chúa. Tin như vậy, nên người dân quê mộc mạc với một tâm tình biết ơn đã nói một cách vô tư :”Làm bởi bay và ban bởi Ta”.
Bước sang năm mới, mỗi người sẽ dùng quĩ thời gian của mình để phụng sự Chúa và phục vụ anh em, vì thời gian là của Chúa ban cho con người.
Chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những việc chúng ta sẽ làm trong năm mới này, cùng với những lao nhọc cực khổ chúng ta sẽ gặp phải khi làm việc với tâm tình ca ngợi tình thương của Chúa vì tất cả đời con là ân huệ Chúa ban. Hãy sống theo lời thánh Phaolô :”Dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).
Lạy Chúa,
Chúa không ngừng sáng tạo vũ trụ càn khôn,
Và muốn cho con người cộng tác vào công trình của Chúa.
Xin đưa mắt nhìn những công việc chúng con phải làm :
Ước gì những công việc đó vừa nuôi dưỡng chúng con,
Vừa mưu ích cho những người chúng con có trách nhiệm,
Lại vừa làm cho triều đại Chúa mau đến.

- Lm Giuse Đinh lập Liễm -


Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Kính nhớ Tổ Tiên ngày Tết

Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Mùa xuân với cây cối đâm chồi nẩy lộc, với những cánh hoa lung linh khoe sắc trên cành cùng lũ ong bướm vờn bay trong nắng ấm... Vạn vật như được hồi sinh khiến lòng người ai ai cũng cảm thấy nôn nao, rạo rực trong dịp đổi mới toàn bộ của đất trời và muôn vật. Gió xuân thổi bùng lên niềm tin vào cuộc sống cùng niềm khát khao hạnh phúc và an vui của mỗi người.
Đối với dân tộc Việt Nam, mùa xuân bắt đầu bằng những ngày tết, những ngày đoàn tụ gia đình. Những ngày giáp tết, ông bà cha mẹ ở nhà trông ngóng con cháu đi xa trở về, còn con cháu ở nơi xa dù đã thành danh, công tác hay còn đi học …cũng trông mong được trở về xum vầy bên những người thân trong ba ngày tết. Sự trở về của những đứa con, dù sống trên quê hương hay phiêu bạt khắp năm châu, còn là dịp để thể hiện lòng thành kính, tri ân và nhớ về tổ tiên.
Không chỉ là ngày lễ của người sống, những người đã chết cũng thực sự tham dự vào cuộc sống của gia đình và con cháu trong ba ngày tết. Ngày 23 tháng Chạp, người ta tổ chức tiễn ông Táo về trời, và sau đó là mời tổ tiên về cùng “ăn” tết với gia đình. Vào thời khắc giao thừa và sáng mùng Một tết, gia đình nghèo khó hay giàu sang đều cố gắng sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn hoặc chí ít là mâm cơm đạm bạc để dâng lên ông bà, mong phù hộ cho một năm mới bình an, vạn sự như ý.
Với các tín đồ Công giáo, huấn thị “Plane compertum est” của Đức Thánh Cha Piô XII ngày 08/12/1939 đã công nhận những nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ ở Việt nam. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã có những quy định và những giáo huấn liên quan đến việc thờ phượng ông bà tổ tiên trong sứ mạng truyền giáo tại Việt Nam.
Từ đó nhiều phong tục đẹp mà cha ông đã lưu truyền từ đời này sang đời khác được đưa vào trong các nghi lễ Công giáo. Những ngày giáp tết, gia đình nào cũng sửa sang bàn thờ (trên là Thiên Chúa - dưới là gia tiên), ra nghĩa trang sửa sang, chăm sóc phần mộ ông bà. Và trong ngày đầu xuân, nhiều gia đình đã đến nhà chờ Phục Sinh của giáo xứ, hoặc ra nghĩa trang viếng mộ ông bà cha mẹ hoặc những người thân yêu trong gia đình.
Cũng trong truyền thống đạo hiếu của dân tộc trong những ngày khởi đầu một năm mới, Giáo hội Công giáo Việt Nam dành ngày mồng Hai tết để kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, là những bậc có công thông truyền sự sống cho chúng ta. Ai cũng mong được đón nhận những giờ phút linh thiêng nhất của ngày đầu năm bên cha mẹ ông bà dù còn sống hay đã qua đời.
Ngày mùng Hai tết, các người thân trong gia đình cùng nhau đến nhà thờ với tâm trạng bồi hồi xúc động. Có những gia đình đông vui với những mái đầu xanh bên mái đầu bạc, có những gia đình quạnh quẽ vơi bóng người thân … nhưng tất cả đều cùng nhau hiệp dâng Thánh lễ thật sốt sắng để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ và những người thân đã qua đời của mình. Trong Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh, họ tin rằng niềm vui tết của họ chỉ là tạm bợ và chỉ là hình bóng của niềm vui vĩnh cữu trên thiên đàng. Nơi mà tổ tiên, ông bà cha mẹ và những người thân đi trước đang hưởng một mùa xuân đích thực, bất tận và hạnh phúc viên mãn.
Tứ thời xuân tại thủ
Bách hạnh hiếu vi tiên.
(Xuân khởi đầu bốn mùa
Hiếu đứng trên trăm nết)

Trong đời sống người Kitô hữu, chữ Hiếu càng được quý trọng hơn vì đó là một trong 10 Điều Răn mà Thiên Chúa trao ban cho con người: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi (Xh 20,12).
Chúa Giêsu cũng nhắc lại lời ông Mô-sê: “Ngươi phải thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử” (Mc 7,10). Ngài phản đối việc hiếu kính “giả tạo” của con người, mặc dù đã được che đậy qua nhiều lễ nghi, phong tục, truyền thống. Khiển trách những luật sĩ và biệt phái về việc áp dụng sai luật Chúa. Đối với họ, đã dâng lễ vật cho Chúa rồi thì họ không còn bổn phận giúp cha mẹ nữa.
“Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: "Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa". Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.” (Mt 15,4-6)
Người Công giáo Việt Nam ngay từ lúc học giáo lý vỡ lòng đã được dạy dỗ: “Thảo kính cha mẹ là yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời.” (sách giáo lý Tân Định)
Khi cha mẹ còn sống nếu con cái chỉ tỏ lòng yêu mến và biết ơn thì chưa đủ, còn phải thực hiện bằng việc làm là giúp đỡ cha mẹ, nhất là khi các ngài đã về già. Tuổi già với những khó khăn, hạn chế về thể xác là kết qủa của những tháng ngày dài vất vả nuôi dạy con cái, vì thế việc chăm sóc cha mẹ già không phải là dễ. Nhiều người đã coi cha mẹ già là một gánh nặng nên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, hoặc cung phụng cho cha mẹ tiền bạc rồi cho đó là thảo hiếu cha mẹ, nhưng không hề về thăm hỏi cha mẹ dù là ngày lễ, tết (vì bận đi du lịch, thư giãn...!).
Khi cha mẹ qua đời, con cái vẫn còn bổn phận giúp đỡ cha mẹ qua Thánh lễ và kinh nguyện hàng ngày vì các ngài chỉ an nghỉ về mặt thể xác nhưng phần hồn vẫn còn hiện diện và trông chờ con cháu cầu nguyện cho các ngài. Nhất là trong những ngày đầu năm mới, ngày linh thiêng của người Ki-tô hữu, ngày mà bất kỳ người con nào cũng không được phép quên cha mẹ đã qua đời của mình, dù tóc đã bạc, răng đã long. Mỗi người con phải để cao bổn phận làm con của mình cho thế hệ mai sau được biết, để thế hệ này qua đi, vẫn còn có thế hệ kế tiếp sẽ làm công việc đền ơn báo nghĩa trong những ngày đầu năm mới.
Thắp lên những nén hương thơm ngày tết, chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa là cội nguồn sự sống đã tạo dựng nên muôn loài, tứ thời Xuân Hạ Thu Đông; tạ ơn Thiên Chúa đã cho ông bà cha mẹ sinh ra chúng ta làm người. Chúng ta tri ân các ngài vì công ơn sinh thành, dưỡng dục và không chỉ thông truyền sự sống làm người cho chúng ta mà còn thông truyền cả sự sống đức tin cho chúng ta.
Chúng ta có được như ngày hôm nay chính là nhờ công ơn của các ngài: những giọt mồ hôi, những vất vả, những lắng lo và hy sinh tột bực có khi phải đổ cả máu đào để nuôi dưỡng không chỉ phần xác mà còn cả phần hồn chúng ta. Các ngài như gốc mai đại thụ sù sì già cỗi để cho chúng ta là những cánh hoa vàng rực rỡ khoe sắc trong nắng xuân. Công ơn ấy cao ngất tựa Thái Sơn, bao la như biển Thái Bình mà những kẻ làm con không bao giờ đáp đền cho đủ.
Xin các ngài bầu cử cho chúng ta là con cháu, mỗi năm thêm một tuổi mới được sống xứng đáng hơn với kỳ vọng của các ngài. Biết dạy cho con cháu nhìn lại quá khứ để hãnh diện với công lao của tổ tiên và bảo tồn truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp. Góp phần làm rạng rỡ gia phong, cùng như góp phần xây dựng cộng đồng mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những bậc sinh thành của chúng ta còn tại thế. Xin Chúa ban cho các ngài được hồn an xác mạnh, vui hưởng tuổi già bên “con đàn cháu đống”, mỗi ngày một thêm phúc Đức, làm trụ cột cho con cháu noi theo.
Xin Thiên Chúa ban muôn muôn ơn lành để các đoàn thể, khu xóm, gia đình trong giáo xứ luôn yêu thương và hiệp nhất trong năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến. Xin Chúa liên kết mọi người trong tình yêu Chúa để mai sau tất cả chúng ta sẽ được quây quần bên Chúa, vui hưởng mùa xuân bất diệt trên thiên quốc. Amen.
Jos. Hoàng Mạnh Hùng

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Tạ ơn và cầu bình an cho năm mới

Người Việt Nam chúng ta có một tập tục rất đẹp trong ngày đầu năm mà những người thờ Trời hay thờ Ông Bà họ thường làm đó là sáng sớm ngày mồng một, người ta làm một ít đồ ăn hoặc là trái cây và một ít hoa tươi đứng trước Bàn Thiên ở cửa nhà hoặc Bàn thờ Tổ tiên trong gia đinh để thắp lên một nén nhang với lòng thành biết ơn trời đất và tổ tiên ông bà.

Đối với người Công Giáo Việt Nam, tập tục tốt đẹp ấy được thể hiện trong giờ phút đầu tiên của năm mới Bính Thân này, chúng ta họp nhau không phải trước bàn thiên mà là trước tôn nhan Thiên Chúa, để dâng lên Chúa tâm tình Tạ Ơn và cầu xin Chúa ban cho một Năm Mới bình an, đồng thời cũng là nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng điều khiển cả vụ trụ này và tất cả mọi việc xảy ra đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Cũng vì thế con người luôn luôn cảm thấy mình nhỏ bé và hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Sự lệ thuộc vào Thiên Chúa không làm hạ thấp giá trị con người, nhưng lại làm gia tăng phẩm giá của con người vì con người chúng ta đã dược Thiên Chúa yêu thương tạo dựng, cứu chuộc, được nhận làm con và Thiên Chúa còn quan phòng ban cho muôn điều kỳ diệu tốt đẹp cho con người.
Các bài đọc được chọn cho ngày Mồng Một Tết nhắm đến các ý tưởng ấy - Trước hết bài sách Sáng Thế nhắc lại cho chúng ta về công trình tạo dựng của Thiên Chúa, chính Ngài dựng nên trời đất tinh tú muôn loài và cũng chính Ngài là Đấng điều khiển để cho bốn mùa luân chuyển thay đổi nối tiếp nhau, để làm nên nhịp sống cho con người và phân định thời gian cho vũ trụ. Cũng mặt trời ấy, cũng ánh nắng ấy, nhưng những ngày đầu năm này, chúng ta nhìn thấy mọi sự đều khác, từ vạn vật đến con người như đang khoác lên mình một bộ áo mới một sức sống mới của mùa xuân sau những ngày mùa đông lạnh giá. Cũng chính vì thế, mà mọi người đều muốn bắt đầu một năm mới với một sư đổi mới, một kế hoạch mới và một quyết tâm mới. Song vì con người ý thức được rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” kế hoạch là của mỗi người đưa ra, song sự thành hay bại còn do trời ban hay nói theo ngôn ngữ nhà đạo của chúng ta đó là: Con người cố gắng với hết khả năng của mình còn kết qua thì phó dâng cho Chúa. Ý thức như thế để chúng ta không quá cậy dựa vào sức mình, nhưng biết khiêm nhường tạ ơn Thiên Chúa về những thành quả chúng ta đã đạt được và bằng lòng với những gì Chúa ban đồng thời cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho những toan tính của chúng ta trong năm mới.
Trong bài đọc hai Thánh Phaolô đã khuyên cộng đoàn Philipphê hãy luôn vui mừng và tín thác vào Thiên Chúa, niềm vui cũng là ước nguyện của ngày đầu năm: Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên… Anh em đừng lo lắng gì hết nhưng trong khi cầu nguyện hãy trình bày ước vọng lên cùng Chúa. Như thế có nghĩa là chúng ta sẽ vẫn phải sống và làm việc, vẫn gặp những thành công và thất bại, vui và buồn, nhưng khác ở chỗ là dù trong những hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn giữ được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn, niềm vui và sự bình an này là bình an vì có Chúa ở trong chúng ta, và tin rằng Chúa đang điều khiển cuộc đời chúng ta. Chúng ta cũng vẫn phải lo toan cho cuộc sống, song chúng ta không lo lắng theo kiểu của những người không có niềm tin, nhưng lo liệu công việc trong sự trợ giúp của Thiên Chúa và nhất là làm mọi công việc thường ngày trong tinh thần cầu nguyện tin tửơng phó thác. Khi sống và làm việc như thế, chúng ta sẽ càm nhận được niềm vui trong chính công việc của mình và sẽ thấy tâm hồn mình thực sự bình an.
Ước nguyện Bình an cho gia đình là một trong những ước nguyện đầu tiên của năm mới, thế nhưng để có bình an đòi mỗi người phải nỗ lực thật nhiều. Trước hết là phải tìm được sự bình an trong tâm hồn, sự bình an này đến từ nơi Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng, đó là sự bình an của một tâm hồn thanh thản trước mặt Thiên Chúa, một tâm hồn được thứ tha và chữa lành nhờ Bí tích Giải tội, một tâm hồn luôn sống thuận thảo với Chúa, tức là không để mình sống trong tình trạng thù nghịch tội lỗi trước mặt Thiên Chúa, siêng năng gặp gỡ Thiên Chúa trong công việc, trong cầu nguyện trong các việc phụng thờ Thiên Chúa.
Kế đến là sự bình an đối với nhưng người chung quanh, tức là phải dám gỡ khỏi tâm hồn mình những bất hòa những bất đồng và xung khắc đối với vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, láng giềng, hãy bước đến với nhau trong sự tha thứ, làm hòa và thông cảm, đây cũng là nét đẹp của người Việt Nam, mỗi dịp tết gặp nhau, người ta thường xin lỗi nhau về những gì làm mất lòng nhau trong năm cũ, cũng vậy, năm mới, chúng ta cũng cần đổi mới lại tương quan tình nghĩa giữa những người thân và anh em, gạt bỏ đi những tranh chấp để đến với nhau và nhìn nhau một cách chân tình hơn hãy can đảm nói với nhau một lời xin lỗi và tha thứ.
Ước nguyện bình an trong công việc là một ước nguyện thật tốt, vì ai làm nghề gì thì cũng mong muốn được thuận lợi bình an. Bình an ở đây không chỉ là tránh khỏi rủi ro tai nạn, nhưng sự bình an thật sự chỉ có ở những con người có những cách làm việc trong tôn trọng sự công bằng và bác ái, tôn trọng sự thật, không gian dối không lừa đảo, và biết tôn trọng quyền lợi của người khác. Kinh doanh buôn bán với một lương tâm ngay thẳng như thế thì mới có được sự bình an trong công việc và bình an trong tâm hồn.
Thịnh vượng là một trong những ước nguyện đầu năm, giàu có sung túc là một ước muốn tốt đẹp và theo truyền thống của Kinh Thánh thì sự giàu sang còn là dấu chỉ sự chúc lành của Thiên Chúa, thế nhưng làm giàu bằng cách nào và sử dụng sự giàu sang Chúa ban như thế nào mới là điều quan trọng.
Bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta cách thế sống và vui hưởng những của cải Chúa ban đó là tin tưởng và phó thác tất cả cho Chúa: Đừng lo lắng cho ngày mai vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Nói như thế không có nghĩa là chúng không lo lắng và không suy nghĩ đầu tư. Chúng ta không được phép ỷ nại vào sự quan phòng của Chúa để lười biếng, nhưng cũng đừng lo lắng đến quá mức về cái ăn cái mặc cho ngày mai, lo như kiểu của người không có niềm tin: Chúng ta sẽ ăn uống gì mặc gì? Trái lại chúng ta biết lo liệu và tin rằng Thiên Chúa là cha chúng ta Ngài biết những nhu cầu những ước muốn của chúng ta ngay trước khi chúng ta mở miệng cầu xin, và Ngài sẽ trợ giúp chúng ta, vì thế hãy sống thật tốt giây phút hiện tại của ngày hôm nay và vui hưởng những gì Chúa ban cho ngày hôm nay.
Thế nhưng Chúa vẫn lưy ý chúng ta rằng dù ăn gì, uống gì và làm gì thì cũng vẫn cần có một ưu tiên tuyệt đối đó là: Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều khác Chúa sẽ ban cho. Tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính có nghĩa là lo tìm kiếm và làm giàu trước mặt Thiên Chúa, đừng chỉ làm giàu của cải vật chất nhà cửa xe cộ mà để mình nghèo nàn công phúc trước mặt Chúa. Nhiều người cầu nguyện đầu năm cho gia đình mình thịnh vượng vật chất, mà quên cầu xin cho mình và gia đình được giàu có thịnh vượng trước mặt Thiên Chúa, và không làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là làm nhiều việc lành và công phúc, việc lành ở đây chính là những việc tông đồ, bác ái, là công việc phục Chúa và phục vụ anh em, và còn là những việc hy sinh thầm lặng, là hy sinh tiền của thời giờ, sức khỏe cho Chúa; Công phúc trước mặt Chúa chính là sự bác ái, tình yêu thương giúp đỡ, sự chia sẻ cụ thể với những người bất hạnh, những người đang cần đến chúng ta. Vì chỉ những công việc cụ thể như thế mới làm cho chúng ta trở nên giàu có thịnh vượng trước mặt Thiên Chúa mà thôi.
Cầu chúc cho mọi người mọi gia đình một Năm Mới đầy tràn Bình an của Chúa và sự Thịnh vượng không chỉ của cải vật chất và là thịnh vượng, giàu có của cải thiêng liêng trước mặt Thiên Chúa, cầu chúc cho mọi gia đình luôn hạnh phúc vì có Chúa ở cùng. Amen



Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Cộng đoàn chúc tết Cha Sở và Quý Dì.


Giao Thừa Tâm Linh

Tác giả William E. (“Bill”) Vaughn (1915-1977, người Mỹ, viết cho tạp chí danh tiếng Reader’s Digest) nhận xét rất tinh tế về giao thừa: “An optimist stays up until midnight to see the new year in, a pessimist stays up to make sure the old year leaves – Người lạc quan thức đến nửa đêm để đón giao thừa, người bi quan thức để chắc chắn rằng năm cũ đã qua”. Rất GIỐNG nhau mà lại rất KHÁC nhau. Có cái gì đó khó có thể diễn tả bằng phàm ngôn – và chắc hẳn khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều, đặc biệt là lúc đón giao thừa năm nay!
Giao thừa là khoảnh khắc rất đặc biệt, thời điểm chuyển giao năm cũ để đón nhận năm mới. Việc đón giao thừa được gọi là Lễ Giao Thừa hoặc Lễ Trừ Tịch. Thời khắc quan trọng này, người ngoại dành để cúng tổ tiên, bói Kiều,… Người Công giáo có thói quen tốt lành là tham dự Thánh lễ Giao thừa để kính thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, kính mừng Đức Mẹ và Đức Thánh Giuse, cầu nguyện cho tiền nhân, xin Thiên Chúa thương xót và chúc lành cho năm mới.
Người ta rất tâm linh, hữu thần chứ chẳng vô thần – dù miệng vẫn “mạnh bạo” nói là vô thần. Nếu vô thần thì tại sao lại cầu mong nhiều điều tốt lành cho năm mới, thể hiện qua mâm ngũ quả? Cố che mà không khéo đậy, nói dối quanh nên... lòi đuôi.
Về “niềm tin” thể hiện qua mâm ngũ quả, mỗi vùng miền có thể dùng những loại trái khác nhau. Nhưng kiêng kỵ là các loại trái có tên gọi “na ná” với từ có nghĩa xấu như cam (cam chịu), chuối (chúi đầu, chúi mũi, tức là vất vả). Ngược lại, các loại trái ở Nam bộ được ưa thích như trái thơm (dứa, ý nói thơm tho, danh thơm tiếng tốt), trái sung (sung túc). Đủ một câu thể hiện sự mong ước khiêm tốn gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (cầu vừa đủ xài); hơn mức đầy đủ thì gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (cầu vừa đủ xài sung).
Với các Kitô hữu thì không tin dị đoan, vì chỉ có Thiên Chúa mới chính là Chúa Xuân đích thực, khogn6 có chuyện “hên, xui” hoặc “may, rủi”. Ngay từ đầu Thánh lễ, Giáo hội dùng lời Kinh Thánh để cầu chúc mọi người trong giây phút giao thừa linh thiêng: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất xuống cho bạn muôn vàn phúc cả từ Núi Thánh Sion” (Tv 134:3).
Chúa Giêsu xác định: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2:27). Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật. Nghi thức nhằm phục vụ con người, cũng như luật là để phục vụ con người. Đừng câu nệ hình thức mà “bắt” con người phải phục vụ nghi thức hoặc luật lệ! Đức Chúa truyền cho ông Môsê phải nói với A-ha-ron và các con về “công thức” chúc lành cho con cái Ít-ra-en: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6:24-26). Sao lại phải chúc như vậy? Chính Thiên Chúa giải thích: “Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6:24-27).
Thật tuyệt vời vì chúng ta luôn được Thiên Chúa quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ, bảo vệ, chúc lành,... Tác giả Thánh vịnh đã từng thắc mắc: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? (Tv 121:1), nhưng tác giả lại xác định ngay: “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121:2).
Năm cũ vừa giã từ, năm mới vừa sang. Chúng ta hãy thành tâm cầu chúc nhau những điều tốt lành nhất: “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề. Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi. Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121:3-8). Tất cả đều nhờ ơn Chúa, điều chúng ta cho là “xui xẻo” vẫn khả dĩ là điều tốt lành cho chúng ta. Đau khổ vẫn là Hồng ân của Thiên Chúa.
Giao thừa nhắc nhở chúng ta phải biết xin lỗi Chúa và tha nhân về những lỗi lầm trong năm cũ, đồng thời cũng phải biết tạ ơn về bao ơn lành mà Thiên Chúa đã trao ban suốt năm qua và cầu xin Ngài ban thêm ân phúc cho năm mới. Thánh Phaolô mời gọi khuyến khích: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18). Và rồi thánh nhân cũng nhắc nhở: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5:19-22).
Thánh Phaolô tiếp theo cầu chúc: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó. Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Tx 5:23-24 và 28). Lời cầu chúc thật tốt lành, thánh đức
Trong cuộc sống, ai cũng khao khát được tận hưởng niềm hạnh phúc viên mãn. Có nhiều dạng hạnh phúc theo quan niệm của mỗi người, mỗi vùng, mỗi miền, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, có một điều phúc thật mà đôi khi chúng ta hay quên hoặc chưa thực sự lưu tâm, đó chính là điều mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho mọi người: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).
Tin Mừng đêm Giao thừa là trình thuật Mt 5:1-10, đoạn nói về Bát Phúc (Tám Mối Phúc Thật, Hiến Chương Nước Trời, Bài Giảng Trên Núi). Đây cũng là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên trong lịch sử nhân loại, ngắn nhất mà súc tích, đầy đủ ý nghĩa nhất, với 8 điều khoản rất dễ thuộc lòng. Đệ Nhất Tuyên Ngôn này đã được chính Chúa Giêsu công bố:
1. Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
6. Phúc thay ai có tâm hồn TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
7. Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Những người không có niềm tin vào Thiên Chúa, chắc hẳn không thể nào “chịu nổi” vì cả 8 điều mà Chúa Giêsu cho là PHÚC như vậy thì lại “nghịch nhĩ” đối với họ. Sao mà “ngược đời” quá! Để có thể sống theo kiểu “ngược đời” của Chúa Giêsu thì phải cần đến ĐỨC TIN. Và chính ĐỨC TIN chắc chắn sẽ cứu thoát chúng ta nhờ Danh Đức Giêsu Kitô.
Được trở thành Kitô hữu là một ơn gọi, là vào đời làm NHÂN CHỨNG sống đông cho Tin Mừng của Đức Kitô. Tất nhiên chúng ta có thể bị ghen ghét và bị hại – đa dạng, lắm kiểu, nhiều dạng. Thật vậy, Ngài biết trước nên Ngài căn dặn: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Hãy khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16). Con Rắn là loài vừa khôn ngoan vừa xảo quyệt nhất trong các loài động vật. Chính nó đã lừa được Bà Eva bằng lời đường mật, và rồi Ông Adam lại “chết” vì mỹ nhân kế của một phụ nữ “yếu đuối” là chính vợ mình. Chúa Giêsu muốn chúng ta học cái khôn ngoan của con Rắn chứ đừng nham hiểm như nó!
Xuân về, Tết đến, ai cũng “mới lạ” từ tinh thần đến thể lý, cả trong lẫn ngoài. “Khác” tức là đổi mới, là canh tân tích cực để tốt hơn chứ không “biến chất”, và phải mãi mãi như Chúa Xuân: “Đức Giêsu Kitô vẫn là MỘT, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13:8).
Năm mới đã khởi đầu, ước gì mỗi chúng ta có những điều quyết tâm mới. Không cần nhiều, hãy cố gắng thực hành 2 điều thôi:
1. Tâm nguyện như Chân phước Chiara Luce Badano (1971-1970): “Vì Ngài, lạy Chúa Giêsu, nếu Ngài muốn điều đó thì con cũng muốn”. Chị nói “điều đó” là chứng ung thư xương mà chị chịu đựng vì muốn kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
2. Lời khuyên của Bậc đáng kính Solanus Casey (1870-1957): “Đừng cầu xin có cuộc sống thoải mái, hãy cầu xin trở nên người mạnh mẽ. Đừng cầu xin cho trách nhiệm tương đương với năng lực, hãy cầu xin cho năng lực tương đương với trách nhiệm”.
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin chúc tụng Cha là Chúa Tể càn khôn! Chúng con xin lỗi Chúa về mọi lỗi lầm năm cũ, xin ban Thánh Linh để chúng con biến đổi nên giống Ngài hơn; xin giúp chúng con luôn hướng về Mùa Xuân Vĩnh Hằng trên Thiên quốc. Chúng con cũng xin Chúa lì xì thêm nhiều Hồng Ân để chúng con sống trọn vẹn năm mới, và chúng con cũng xin lì xì cả cuộc đời của chúng con cho Chúa, xin thương thánh hóa và hướng dẫn chúng con đi đúng Đường Tốt Lành, biết sống nhân từ và thương xót như Chúa Cha.
Nguyện xin Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse, chư Thần và chư Thánh nguyện giúp cầu thay cho chúng con. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho mọi người đều được hưởng trọn vẹn niềm vui Xuân trong dịp Tết này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
- TRẦM THIÊN THU -