Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi, trôi
xuôi theo cái ồn ào của một xã hội. Có sự cao sang giầu có, để nặng lòng với
nỗi lo âu của tiền bac. Hay sự thắt đau của cơm áo, gạo tiền của những kiếp
sống nghèo khó, cùng quẫn. gom lại chăng cũng chỉ là một cuộc sống, rồi khi cái
ấm của hơi thờ tắt dần. Ta biết sao khi làm cái lạnh buốt của cơ thể, ta muốn
đốt ấm lại nữa, nhưng mà đốt thì sẽ cháy nóng khét mà chẳng ấm được đâu. Có
quay về với chính tâm hồn, chợt tìm nơi bình an, có dễ không. Không ai sống với
tâm hồn mà chẳng cần cơ thể, cuộc sống quanh mình cả. Ngậm nghĩ giản đơn, đời
tu cũng vậy. Tìm nơi bình an trong Người, nhưng sao vô vàn quá. Ừ mình không
phải sống cho Người, mà cũng chẳng được riêng cho mình mà cho tha nhân nữa. Như
lời Đức Cha Stephano Tri Bửu Thiên " Đời tin yêu đâu thiếu những đắng
cay". Sự đắng cay, tham sâu trong hồn, chua chát với miệng lời nhân gian.
Chịu đừng rồi dần là chai lì trong cõi lòng những người: Một thời đã đi qua.
KHÔNG HỐI TIẾC .Trích tác phẩm dự
thi GIẢI VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG Mã số 13-004
Má nhìn ra bầu trời đục ngầu, thở
dài nói, không biết mùa mưa năm nay kéo dài bao lâu. Tôi nao lòng chờ đợi cơn
mưa đầu mùa. Lâu lắm tôi chưa được thấy mưa ở thôn quê, ở nhà mình. Nghe mưa
rào rạt ở xa, rồi mưa thả từng tiếng lách tách trên mái tôn, rồi mưa ào ào chảy
thành từng dòng xuống, mưa lặng lẽ đi vào lòng đất. Trong tiếng mưa rền rĩ dội
xuống mái tôn, tôi nghe tiếng chuông leng keng của người bán kem. Tiếng chuông
nhỏ dần theo độ lớn của hạt mưa một lúc rồi ngưng bặt. Má nhìn người đàn ông
với chiếc xe kem buồn teo, cái chuông không buồn lắc, khẽ chép miệng “Ngày
trước ổng là thầy tu”. Câu nói của má đội nón đi ra cái quán xiêu té trước nhà.
Cái quán bỏ không đó vẫn làm chổ trú mưa núp nắng cho những người qua đường.
Chiều nay quán nhỏ đón người bán kem. Người bán kem day cái lưng buồn tênh về
phía tôi, đôi mắt chắc đang ngắm bầu trời đầy nước. Mưa đầu mùa vẫn chưa thấm
chưa lạnh, phải đến lúc dầm dề mới buốt cắt da thịt người. Tôi giấu những ý
nghĩ mông lung trong lòng, không biết chiều nay số kem đó ra làm sao, không
biết ông bán kem làm gì khi mưa vô mùa day diết?
Ba má tôi (cũng như nhiều người
khác ở cái vùng quê còn nhiều hủ tục này) không mấy thiện cảm với người xuất
tu. Có lẽ trong mắt mọi người, họ phải mang một gánh nặng vô hình, một món nợ không
thể trả. Má tôi còn mạnh miệng “Ăn cơm của Chúa mà còn hai lòng…”. Tôi dằn đôi
đũa xuống chén cơm, thấy nghẹn ngào dâng lên đầy ứ trong cổ họng. Người đời
thích lên án nhau, còn Chúa nào có lên án ai. Chúa chỉ có yêu thương và tha
thứ.
Vợ chồng chú Tâm mới dọn về đây.
Hai vợ chồng ở trong căn nhà cũ, rách nát ở cuối xóm. Chú mới về hôm trước, hôm
sau xách giỏ đi chợ đã có người nhìn mặt thảng thốt hỏi “Ủa, ông thầy hồi trước
đi tu ngoài Huế mà, phải hôn?”. Cái gật đầu của chú làm mấy người giật nẩy, có
người còn la lên: “Trời đất ơi, sao vậy nè?”. Chú chỉ cười, cười để tránh trả
lời những câu hỏi khó, như hồi bữa đang lui cui vo gạo dưới bếp, vợ chú nhìn da
diết tấm lưng chồng, hỏi: “Tâm xuất tu để lấy em, Tâm có hối hận không?”…
Trời mưa kéo dài ngày này qua
ngày khác. Ban sáng còn ửng mấy chùm nắng, chiều đến trời kéo đầy những đám mây
thâm u. Tôi lững thững lội nước đi về cuối xóm. Tôi có ý ghé thăm vợ chồng chú
một lúc trước khi ra lại chủng viện, nhưng rồi lại nghĩ, có phải mình đang vô ý
khơi lại vết thương đã lành (hay chưa lành, tôi cũng không biết). Hoặc không có
vết thương nào hết, vì đó là một lựa chọn không làm chú hối tiếc. “Chú không
hối hận vì đã xuất tu”. Chú trả lời, mặc dù tôi không hỏi, mà có thể ánh mắt
tôi, thái độ của tôi đã hỏi thay. Cuối cùng tôi cũng đã ngồi trên cái giường
tre trước hiên nhà. Chú thấy tôi lấp ló ngoài hàng bông bụt đỏ, chú kêu vô
chơi. Câu nói của chú nghe ấm áp vững vàng. Chú nói câu ấy còn giành cho vợ
chú. Vợ chú bệnh quanh năm, gầy rạc dán mình trên chõng, đôi mắt sáng dịu dàng
trên khuôn mặt dễ nhìn. Vợ chú cười nói: “Cố gắng nghen con, đừng như chú Tâm,
khổ lắm”. Câu nói của thím bay về phía chú Tâm, chú quay lại cười.
Thỉnh thoảng tôi nhớ lại câu nói
của chú tâm chiều hôm đó. Tôi định hỏi, sống khổ vậy mà không hối hận ư, nhưng
một ý nghĩ khác xuất hiện trong đầu, ủa, vậy là mình đi tu vì sợ khổ sao?
Người đời (và đôi khi cả người
trong cuộc) gắn cho họ cái mác “Dân tu xuất”. Mỗi lần nhắc đến họ thì đều nhắc
đến cái sự “từng đi tu” của họ, mặc dù nay họ đã là ông nọ bà kia, hay cả đời
chỉ là ông bán kem như chú Tâm. Ra đời, nếu thành đạt và hạnh phúc (điều này
thật khó đo lường) thì thôi. Còn nếu gặp khó khăn đau khổ thì đành phải chịu
miệng lưỡi thiên hạ. Nhiều khi đời đã quên, đời đã không còn nhắc gì tới, nhưng
họ lại tự coi cuộc sống như một kiếp đọa đày. Bạn cũ của ba tôi nói “Cuộc sống
cực hết chổ nói, nhưng phải sống để trả nợ, anh à”. Hai cha con tôi nhìn mãi
chiếc xích lô cũ kĩ ọt ẹt chen lánh giữa lòng phố thị. Trên chiếc xe đó, có
người đang vật lộn với cuộc sống để kiếm miếng cơm, để lo cho đàn con nheo
nhóc. Người đó cũng từng đi tu.
Tôi gọi cho anh bạn, hỏi hồi bữa
mới ra khỏi dòng tu anh thấy sao? Câu hỏi vô duyên vô chừng của tôi làm anh im
lặng một lúc, chỉ nghe đầu dây tiếng nuốt nước bọt nhẹ trong cổ. Hồi lâu anh
nói “Lúc xách đồ ra khỏi chủng viện, anh không thấy đường đi”. Tôi mường tượng
ra con đường chênh chao trước mắt anh. Những hình ảnh tươi rói hiện về chập
chờn trước mặt. Con đường nhòe nhoẹt hay nước mắt đã ngập tràn đôi mắt? Bước ra
khỏi cánh cổng đó có thể đôi chân anh run rẩy muốn ngã quỵ. Anh sẽ mất nhiều cơ
hội được gần gũi Chúa, được phục vụ Ngài. Anh sẽ không được vào căn phòng mà
tối qua anh nằm ngủ, không được ngồi trên chiếc ghế ngáp ơi hời chờ hết tiết
học … và không được nói “Dạ ,con đi tu”…
Chú Tâm nói hồi mới ra chú cực dữ
lắm. Mẹ chú khóc ròng mấy tuần liền. Đi ra bếp, thấy mẹ ngồi trong bếp khóc. Đi
qua cửa phòng, thấy mẹ nằm trong phòng khóc. Nghe ai nhắc đến cha nào đó, mẹ
cũng khóc. Mẹ đau mẹ khóc, còn nỗi đau của chú lặn vào bên trong. Căn nhà buồn
như có đám tang. Ba chú không thèm nhìn mặt chú. Còn gì đau khổ bằng khi sống
trong nhà mà đã không còn là người trong nhà. Vết dao ba chú chém lên cột nhà
như một lời thề vẫn chưa hao mòn “Nó mà ra khỏi nhà dòng thì không phải là con
trong nhà này”. Ra ngõ mọi người xầm xì bàn tán, nói chú thế này thế kia. Đến
nỗi vào nhà thờ mà lòng chú cũng không bình yên cầu nguyện. Có bữa khổ tâm quá
chú cười hề hề, nói vài bữa con đẻ một bầy con, cho tụi nó đi tu hết. Câu nói
chưa ra khỏi miệng đã nghe lòng xót xa.
Đứa con đầu lòng của chú mất khi
mới sinh. Mẹ chú xách cái nón đi qua, ngó vô căn lều lụp xụp bên hè của vợ
chồng chú xỉa xói “Đó, đã thấy sáng mắt ra chưa?”. Có lẽ vì câu nói này mà chú
đem vợ đi khỏi quê, mỏi mòn tìm kiếm đến bạc nữa mái đầu mà vẫn chưa có thêm
đứa con nào. Một hôm chú lưu lạc đến xóm tôi …
Hai năm sau tôi có dịp ghé thăm
chú. Bữa đó nắng chiều hắt hết mái hiên mà trong nhà vẫn tối. Chú nắm còng queo
trên chiếc chõng vợ chú từng nằm. Thấy tôi chú gượng ngồi dậy, đắp hờ chiếc áo
ấm trên thân thể gầy guộc. Tôi nhìn chú mệt mỏi tiều tụy, như chú được đắp nên
từ những nỗi đau. Bữa đó chú cũng nói câu mà tôi đã nghe cách đây hai năm “Chú
không hối hận”.
Người đi tu rồi xuất cũng nhiều,
nhưng không biết mấy ai dám nói như chú. Tôi không lý giải được, nhưng tôi tin
lời chú nói.
Từ adgsquocduongnguyen.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét