Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

ANH ĐI TU EM NHÉ!



Cứ đến hẹn lại lên, ngoài kia những cơn gió bấc đã bắt đầu ùa về, kéo theo cái lạnh lẽo của một mùa đông buốt giá.  Những chiếc lá đã bắt đầu phải lìa cây, từng hàng cây sau vườn đã trở nên trơ trọi. Đầu ngõ, cuối xóm đã trở nên vắng vẻ hơn, cái mùa này ai cũng muốn ở trong nhà chùm kín cái chăn bông lên mình tìm kiếm sự ấm áp.  Thế nhưng, điều tuyệt vời mà  Đấng Tạo Hóa ban tặng cho chúng ta đó là những mầm non xanh tươi trổ sinh vào mùa xuân tới ngay sau đó.  Đấy là những hồi ức của anh về những mùa đông ở nơi miền quê thân yêu của chúng ta.


Em!

Giờ này, nơi ấy chắc là những cơn gió bấc đã về rồi phải không em?  Chẳng biết mùa đông năm nay có lạnh lắm không?  Chẳng biết những cơn gió mùa này có làm em thấy se lòng?  Nơi ấy, em còn giữ thói quen thưởng thức một ly trà nóng mỗi buổi sáng mùa đông không em?  Nơi ấy, giờ không có anh.
Em biết không, ở nơi này không có những cơn gió bấc, cũng không có cái lạnh đến tê tái người.  Nơi này, không có ai viết những lá thư tình ngọt ngào ru anh vào giấc ngủ mỗi ngày.  Mỗi buổi sáng, cũng không thể nào có tiếng chuông điện thoại ấm áp buổi sớm mai chỉ để đánh thức con mèo lười còn ngái ngủ là anh.  Nơi này, vắng bóng em.
Em có còn nhớ không…?  Giấc mơ mà anh đã cố gắng đi trên một hành trình.  Giống như chú bướm bị thu hút bởi những bông hoa rực rỡ hai bên đường.  Anh cũng mải mê theo đuổi những điều kỳ thú hai bên đường để rồi khi anh giật mình nhìn lại thì những “bạn đường” của anh đã đi về đích trong cuộc sống của họ.  Lúc đó anh hốt hoảng nhận ra rằng anh chưa kịp hỏi mọi người địa chỉ nơi mà anh cần đến.  Anh đã rất hốt hoảng khi anh không biết nơi anh cần phải về là đâu?  Đó như là một cơn ác mộng với anh, em à!

Em biết không, ngày ra đi anh đã nghĩ rất nhiều về giấc mơ đó.  Anh đã hiểu vì sao nó cứ hiện lên trong giấc ngủ của anh, rất nhiều lần trong những tháng ngày qua.  Anh đã hiểu rằng vì sao khi yêu em, anh không thể tìm được cảm giác “yên bình” trong tâm hồn mình, vì sao ở bên em anh không cảm thấy rằng mình là người hạnh phúc, vì sao ở bên em anh không thể là chính bản thân mình…  Có lẽ, bởi vì bên cạnh em có quá nhiều người và quá nhiều thứ chứ không chỉ riêng mình anh.  Những toan tính về cuộc sống của em đã làm em trở nên một con người bận rộn.  Bây giờ, anh đã hiểu những điều anh đeo đuổi hai bên đường trong cuộc hành trình hão huyền không điểm kết của anh chính là em.

Ngồi nơi đây xem lại những tấm hình ở quê nhà, những nỗi nhớ vô duyên bỗng từ nơi xa xăm nào đó ùa về, tràn qua vòm cây kẽ lá, hững hờ khẽ rơi xuống tâm trí của anh.  Giữa đất trời mênh mông nỗi nhớ bỗng như nước sông mùa lũ chảy tràn vào trong tâm trí anh không thể nào ngăn được, những nỗi nhớ không vâng lời đã tìm về với anh…  Đó là những phút không “bình yên” của tâm hồn anh nơi cái miền quê cách xa em hơn một ngàn cây số này.  Ngồi đây một mình, anh nhớ lại những điều mà anh đã “mơ ước” khi còn ở bên em.  Anh đã ước rằng em chỉ là một người thật bình thường để anh cũng có thể là một người con trai bình thường bên cạnh em, anh ước rằng mình có thể sống thật là chính mình để có thể làm những điều tưởng chừng thật đơn giản, nhưng điều đó lại là quá sức nếu cứ phải ở bên em.

Cuộc sống của anh bây giờ là những giờ kinh phụng vụ “sáng, chiều”; là những chuỗi kinh Mân Côi; là những giờ học tu đức, là những giờ học kiến thức xã hội; là chuỗi những tiếng cười không biết mỏi; là những tách café buổi sáng… Và em biết không, lúc này ở bên cạnh Chúa và bên những người bạn trẻ trung sôi nổi này, anh có được những giấc ngủ dài không thắp thỏm âu lo.

Nhiều khi, anh cảm thấy hối tiếc vì sao mình lại đi tìm những điều giản dị ấy ở một nơi xa lạ với mình trong từng ấy năm.  Người ta thường nói yêu một ai đó là sẽ không bao giờ hối tiếc, nếu hối tiếc có nghĩa là bạn chưa yêu người ta mà đó chỉ là một tình cảm tương tự như tình yêu mà thôi.  Anh không biết có phải mình đã ngộ nhận về những tháng ngày ấy không?  Nhưng có một điều anh chắc chắn, chúng ta là những con người ở những thế giới khác biệt, em là một ngôi sao trên bầu trời của sự thành công, còn anh không bao giờ có thể rướn mình lên để chạm tay tới vì sao đó được.
Và anh tin, anh tin mình đúng khi quyết định ra đi, anh tin mình đúng khi từ bỏ ước mơ chạm tới “ngôi sao” đó để tới nơi này.  Tới bến bờ của sự bình yên với con sông hiền hòa vỗ về, để mong quên đi tháng năm bơ vơ một mình giữa phố đông xa lạ.  Anh đã chọn lựa đúng khi buông tay em để trở về là chính anh, bình thường và giản dị.

Những kỷ niệm xưa rồi cũng như những cơn gió thoảng đi.  Thỉnh thoảng nghĩ về những kỷ niệm xưa cũng làm cho anh thấy cuộc đời còn có biết bao điều thú vị.  Anh nghĩ rằng những kỷ niệm giúp cho người ta biết rằng cuộc đời có những niềm vui, và để ta có thể nhìn lại những dấu chân mà mình đã từng đi qua.  Không bao giờ là quá trễ để thực hiện điều mình ao ước phải không em?  Cầu nguyện cho ước mơ đi trên con đường dâng hiến của anh, em nhé!

       -adgs- NTĐ- TTV- Chuyển dịch DomStone. Cần thơ 2011

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

MÁI ẤM GIA ĐÌNH

  CẢM NHẬN MÁI  ẤM GIA ĐÌNH KHI NGHE NHẠC PHẨM
     ĐÊM ĐÔNG CỦA NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN THƯƠNG

Một buổi tối cuối tuần, tâm trạng cảm thấy hơi buồn chán. Tôi tìm ra quán vỉa hè ngồi nhâm nhi ly café đen nóng cùng với đếu thuốc thơm thả hồn theo làn khói bay lên, lòng cảm thấy như vơi bớt đi một chút gì đó những tất bật công việc một tuần  qua với cuộc sống đầy những lo âu vất vả. Một vị khách ngồi đối diện bàn bên cạnh lên tiếng, chủ quán ơi! mở nhạc nào êm êm tai nghe chơi đỡ buồn nhé ! sau tiếng dạ vâng của cô chủ quán tiếng nhạc du dương phát ra
Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đây buông lững lờ tiếng chuông
Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Đêm đông ,bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng
Đêm đông ,ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương
Đêm đông ,ta lê bước chân phong trần tha hương
Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà?
Qua bài hát Đêm Đông của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thì ai trong hoàn cảnh xa lìa gia đình, hay hạnh phúc gia đình bị đỗ vỡ, và những mảnh đời sống kiếp thương hồ rày đây mai đó lênh đênh sông nước, hoặc những mảnh đời bị bỏ rơi không nhà, không cửa , gia đình ly tán tha phương cầu thực có người ba năm, năm năm, mười năm hay lâu hơn nữa chưa có tiền để về xum họp bên mái ấm gia đình, bên người thân, ruột thịt thì phải chạnh lòng rơi nước mắt khi nghe nhạc phẩm đêm đông. Quả thật bài hát mang đầy cảm xúc lòng nhân ái của người nhạc sĩ trước cuộc đời vất vả và đầy bất hạnh. Năm 1939 nhạc sĩ Nguyễn  Văn Thương ra Hà Nội học trong đêm giao thừa năm đó, vì không có tiền về Huế, Ông đi lang thang trên từng con phố của Hà Nội và nhạc phẩm Đêm Đông ra đời từ lúc đó.

      Gia đình là gì mà mỗi người ai cũng thiết tha và gắn bó đến thế ?
Vậy gia đình là gì ? Gia đình là cái nôi của yêu thương, là nơi mà bạn đã sinh ra và lớn lên trong vòng tay ấm áp của cha mẹ anh chị em. Gia đình luôn luôn có đủ 3 thành viên cha, mẹ, con cái, suy rộng ra gia đình còn là tế bào của xã hội  góp phần xây dựng đưa xã hội ngày một thăng tiến hơn, vậy gia đình cũng là một nền tảng của đạo đức và những tấm gương để con cháu noi theo. Gia đình còn có những gia phong lễ giáo, thói quen tập quán đôi khi cổ hủ, được truyền từ này đến đời khác. Nhưng nó mang đậm nét truyền thống văn hóa sâu đậm tình người và hết sức nhân bản.
Còn những người không có gia đình hay mồ côi cả cha  lẫn mẹ thì sao?
Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Mẹ nó qua đời khi còn tấm nhỏ
Đêm đêm nó ngủ một manh chiếu rách co ro
Một thân côi cút không nhà
Nhiều lúc nó khóc trong mơ
Mẹ ơi con yêu mong chờ
Bao giờ cho đến bao giờ
(Bài hát :Nó của nhạc sĩ Song Ngọc-Vọng Châu)
Thật bất hạnh biết bao với mãnh đời lầm than bơ vơ côi cút, sống cái cảnh màn trời, chiếu đất phải tự lực mưu sinh không người an ủi không ai dạy dỗ và đặc biệt là không có tình yêu thương. Ngay trong giấc mơ thằng bé cũng không tìm thấy tình thương và bao giờ cho đến bao giờ.
      Hiện nay có rất nhiều gia đình lâm vào cảnh bế tắt của hôn nhân vì lí do này lí do khác, họ không hiểu và quí mến trân trọng gia đình mình đang có. Cũng có rất nhiều gia đình người chồng cứ rượu chè bê tha về đánh đập hành hạ vợ con, không chịu lao động làm khổ vợ, khổ con. Suốt ngày cứ gây gỗ họ biến mái ấm gia đình thành địa ngục trần gian. Rồi đến khi người vợ chịu đựng hết nỗi buột lòng phải bồng bế con mà ra đi, lại cũng có nhiều gia đình không phải do người chồng mà chính người vợ không nhận thức sâu sắc về gia đình họ ham mê những vật chất cám dỗ đời thường và họ sẵn sàng bỏ chồng, bỏ con thơ mà đi theo tiếng gọi của tình nhân mới trẻ hơn đẹp hơn. Trong xã hội ngày nay câu chuyện thay vợ đổi chồng nó diễn ra khá phổ biến. Có nhiều cặp vợ chồng cùng con cái đầy đủ thành viên lên Thành Phố mưu sinh đến khi trở về chỉ còn người cha và đứa con thơ tội nghiệp, hỏi ra thì mới biết người mẹ đã đi theo tiếng gọi tình yêu mới hoặc khi trở về chỉ thấy mẹ và đứa con thơ dại ẵm trên tay với nét mặt đau khổ tuyệt vọng.
 Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Ai nức nở thương đời chân buông mau
Dương thế bao la sầu…
(nhạc phẩm Giọt mưa thu của nhạc sĩ Đặng thế Phong)
 Họ đã không biết trân trọng niềm hạnh phúc gia đình mình đang có đó là mái ấm gia đình. Người ta thường nói “ Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm” đến một ngày nào đó khi họ ăn năn quay trở lại thì mọi việc đã rồi.
Trong xu thế hiện nay của xã hội có rất nhiều gia đình công giáo đã sẵn sàng vứt đi Bí tích hôn phối, thích thì ở, không thích thì chia tay và kết quả tình yêu không mang đến hạnh phúc của họ là những đứa con thơ ra đời  không ai giáo dục, dẫn đến dòng lao lý tù tội. Lý do đơn giản của những đứa trẻ đó là thiếu tình thương. Trong hôn nhân tình yêu của người công giáo khi chấp nhận người bạn đời thì phải chấp nhận sự vui buồn sướng khổ, và đặc biệt ta phải siêng năng cầu nguyện và sống theo thánh ý chúa, luôn phải hiểu tình yêu đôi lứa là tình yêu cho và nhận là dâng hiến trọn vẹn là (Agape) chứ không phải là (Eros) là ham muốn hay dục vọng .
  Ba là cây nến vàng
  Mẹ là cây  xanh
  Con là cây nến hồng ba ngọn nến lung linh thắp sáng một gia đình
  Gia đình gia đình
    …
  Lung linh lung linh
  Cùng buồn cùng vui
  Lung linh lung linh hai tiếng gia đình.

    Giáo Phận Cần Thơ năm 2014 với đề tài Tân Phúc âm hóa gia đình ước mong mỗi gia đình công giáo trở nên một gia đình thánh thiện trong Hội Thánh. Lạy chúa hiện nay trong giáo xứ chúng con còn rất nhiều gia đình sống trong cảnh ly hôn con cái bơ vơ không ai nuôi dạy, và cũng đâu đó còn có những mãnh đời bất hạnh, xin chúa soi dẫn cho họ nhận biết được đâu mới là hạnh phúc yêu thương, chỉ có gia đình mình mà thôi. Xin chúa thương nhậm lời con.


                                                                                    LAM CHIỀU

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

HÃY THA THỨ KHI CON THAN VÃN

Cuộc sống của chúng ta được thêu dệt bằng muôn vàn hồng ân. Nếu nhận ra những hông ân đó chúng ta sẽ dâng lời tạ ơn Chúa và sống hạnh phúc, còn trái lại, bất hạnh sẽ theo đuổi chúng ta suốt cả cuộc đời.

Hôm nay trên xe buýt, con đã nhìn thấy một cô khả ái với mái tóc vàng.

Con ganh tỵ với nàng, nàng vui tươi, và con mong ước mình cũng dễ thương.

Thình lình nàng đứng dậy và bỏ đi,
Con thấy nàng đi khập khiễng.
Nàng có một chân, và đeo chân giả.
Khi nàng đi ngang qua con - nàng mĩm cười.
Chúa ơi, hãy tha thứ khi con than vãn.
Con có đủ hai chân. Thế giới này là của con!

Con dừng lại để mua một ít kẹo.
Chú bé bán kẹo trông thật dễ thương.
Con nói với chú. Chú có vẻ vui mừng.
Nếu tôi có trễ. thì đã sao đâu.
Và khi con chia tay, chú bé nói với con,"Em cám ơn anh, anh thật tử tế. Thật thú vị khi nói với những người bình dị như anh. Anh thấy đó: em mù."
Chúa ơi, hãy tha thứ khi con than vãn.
Con có đủ hai mắt. Thế giới này là của con!



Một lúc sau, khi đi bộ xuống phố,
Con thấy một cậu trai với cặp mắt mầu xanh.
Cậu đứng và xem những đứa khác chơi đùa.
Cậu hoàn toàn không biết phải làm gì.
Con dừng lại một lúc rồi con nói,
"Sao em không chơi với những em khác?"
Cậu nhìn tới trước không nói một lời,
và rồi con hiểu cậu không nghe được.
Chúa ơi, hãy tha thứ khi con than vãn.
Con có đủ hai tai. Thế giới này là của con!
Với đôi chân, con đi mọi nơi.
Với đôi mắt, con nhìn ánh sáng lộng lẫy buổi hoàng hôn.
Với đôi tai con nghe những điều lòng con muốn biết.
Chúa ơi, hãy tha thứ khi con than vãn.

Thánh nữ Têrêsa dạy: "Thánh giá, nếu kéo lê lết, thì nặng, nhưng ôm lấy trìu mến, thì lại trở nên nhẹ nhàng êm ái".
Trong một nhà tù, hai người cùng vị tay vào song sắt, một người chỉ trông thấy những bức tường trơ trụi, còn người kia ngửa mặt lên trời Trời, ngắm những vì sao.
Cuộc sống của chúng ta được thêu dệt bằng muôn vàn hồng ân. Nếu nhận ra những hông ân đó chúng ta sẽ dâng lời tạ ơn Chúa và sống hạnh phúc, còn trái lại, bất hạnh sẽ theo đuổi chúng ta suốt cả cuộc đời.

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Tại sao lại phải yêu?

TÌNH YÊU LÀ GÌ?

Các bạn trẻ thân mến,
Điều gì làm cho các bạn mất thời giờ nhiều nhất? Điều gì làm cho các bạn quan tâm nhất? Điều gì làm cho các bạn hạnh phúc nhất và cũng có thể đau khổ nhất? Thưa đó chính là tình yêu. Công chưa thành, danh chưa toại người ta có thể tiếp tục phấn đấu vươn lên, nhưng sống mà không còn ai để thương để nhớ, để «Mòn con mắt đợi cổng trường. Người ta về... các ngả đường xôn xao» thì đó là cuộc đời đang chết dần chết mòn theo năm tháng.
Nhưng yêu là gì? Tình yêu đích thực cần phải biểu lộ cho người mình yêu như thế nào?
Nói đến tình yêu là nói tới một tấm lòng được chia sẻ, được cho đi một cách quảng đại và đầy hy sinh. Nên tình yêu nó cũng đòi hỏi một sự quên mình, một sự hy sinh đánh đổi cuộc đời để đồng hoá với người mình yêu. Tình yêu không có sự hy sinh đó chỉ là sự  ích kỷ, và tình yêu không có lòng chung thủy đó chỉ là một sự lừa dối để tìm hưởng thụ cho riêng mình.
Chúa Giêsu, Ngài đã trở nên mẫu mực cho tình yêu. Vì yêu nên Chúa đã hoá thân làm người. Ngài bỏ ngai trời xuống trần gian để mặc lấy xác phàm giống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã hoà nhập với cuộc sống con người, để gắn bó và chia sẻ với những lo âu vất vả của một kiếp người. Ngài yêu thương nên đã quên mình phục vụ tha nhân. Ngài đã đi đến tột đỉnh của tình yêu là dám chết cho người mình yêu. Tình yêu của Ngài là một tình yêu đầy cao thượng và bao dung. Cho dù con người có đầy khiếm khuyết, có bất trung tội lỗi, Ngài vẫn thứ tha, vẫn tìm cách để chúng ta có cơ hội làm lại cuộc đời.  Tình yêu của Ngài là một tình yêu thủy chung. Ngài đã đi trọn con đường tình đầy đau khổ, với trái tim dốc cạn đến giọt máu đào cuối cùng là lời minh chứng cho tình yêu bất diệt của Ngài. Đó cũng là một giao ước vĩnh cửu mà từ nay cửa trời luôn rộng mở để đón nhận kẻ lỡ bước sa chân trở về. Tột đỉnh của của tình yêu nơi CGS đó chính là sự dâng hiến bản thân mình thành của ăn nuôi sống con nguời. “Không ai có tình yêu cao cả như Chúa đến nỗi dám chết cho người mình yêu”.
Cách thức thể hiện tình yêu của CGS cũng thật gần gũi với đời sống của chúng ta. Tình yêu của Ngài cũng khởi đầu từ một nhu cầu trao ban tình yêu, mong ước được chia sẻ vui buồn với người mình yêu, thể hiện sự chân thành và chung thủy qua giao ước vĩnh cửu để mãi mãi trao ban hạnh phúc cho người mình yêu.
Vậy yêu là gì? Tại sao lại phải yêu? Và thế nào mới là một tình yêu chân thực?
Có người bảo rằng yêu nhau là nhớ nhau
          “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
          Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai”

          Có thể bước đầu của tình yêu là sự nảy sinh do một hấp lực lẫn nhau giữa hai người từ một lần gặp gỡ nào đó: có cái gì đó xuất hiện ngay lúc ấy hoặc sau một thời gian ngắn mà người ta gọi là tiếng sét ái tình, để rồi cái giây phút gặp nhau đầy lưu luyến ấy, bóng hình ai đó đã làm thay đổi một cuộc đời. Từ kẻ ít nói trở thành người hay nói. Từ kẻ vô tình trở thành người biết quan tâm đến tha nhân . . . Sự thương nhớ đó khiến người ta khao khát tìm hiểu nhau và mong gặp lại bóng hình ai đó như đã in vào tâm trí từ những giây phút ban đầu gặp nhau.
          Như thế đó chàng với nàng chứ không với một người thanh niên, một người thanh nữ nào khác. Như tâm tình của kẻ si tình được trao gởi qua lời hát: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Dưới nắng ban mai hay giữa trưa hè Sài gòn, có lẽ cũng có nhiều người mặc áo lụa Hà Đông, nhưng lòng kẻ si tình chỉ chợt mát vì một con người cụ thể nào đó mới mang lại cho lòng chợt mát và niềm vui cao dâng. Cho dù giữa phố Sàigòn có hàng trăm người mặc áo lụa Hà đông nhưng lòng chàng chỉ chợt mát vì chính “em” mặc áo lụa Hà đông.
          Đây là một phần của tình yêu nhưng không phải là tình yêu như họ đang sống vào lúc họ sắp kết hôn.
          Sự thụ hút này tạo nên sự gắn bó làm cho họ ham muốn tìm hiểu lẫn nhau, kèm theo một nhu cầu yêu mến lẫn nhau, ham muốn thực hiện một điều chung với nhau, chia sẻ cho nhau...họ có những dự định ngắn hạn, họ tìm cách làm vui lòng nhau,  những kỷ vật lần lượt được trao tặng nhau như trao gởi tình yêu của mình, như biểu lộ tấm lòng khao khát làm vui lòng người yêu, nhưng giai đoạn này tình yêu vẫn mang tính vị kỷ, nghĩa là vẫn chỉ là tìm hạnh phúc cho riêng mình, cần người bạn để thỏa mãn cho sự khao khát, say sưa của bản thân nhiều hơn là lo cho người mình yêu. Điều này thể hiện qua những lời nói: “anh cần em, anh nhớ em”. Sự cần và nhớ đưa đến những buổi hẹn hò thật thơ mộng, lãng mạn và vui tươi, nhưng cũng mang lại biết bao sầu đông vì người yêu lỡ hẹn, phải một mình thẫn thờ dạo mãi quanh sân. Như Hồ Zếnh đã từng thốt lên:
"Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Để lòng buồn anh dạo mãi quanh sân.
Nhìn trên tay điếu thuốc cháy lụi dần,
Anh khẽ nói : 'Gớm ! Sao mà nhớ thế !" (chuyện ôn kỷ niệm nhân 60 măm)
          Tất cả nỗi nhớ thương, sự thu hút lẫn nhau, các tình cảm nồng nàn được biểu lộ qua sự quan tâm đến đời sống của nhau làm cho hai con người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và dẫn đến một nỗi ham muốn chia sẻ đến độ không còn của anh hoặc của tôi mà của  chúng ta. Tất cả trở thành tình yêu vào lúc hai người thật sự dấn thân hứa trao ban trọn vẹn cho nhau, đón nhận nhau trong viễn tượng tương lai, khi thịnh vượng cũng như lúc gian, mạnh khỏe, ốm đau. Yêu nhau là cùng dìu nhau đi đến tương lai, thế nên viễn tưởng tương lai khi yêu nhau không chỉ là ôm nhau trong vòng tay hôm nay, mà là quyết định yêu nhau mãi mãi, cùng nhau đi đến hết đoạn cuộc đời. Tình yêu chân thực luôn mang tính vĩnh cửu, không chỉ yêu nhau khi tuổi còn thanh xuân mà phải gắn bó với nhau khi tóc bạc mái đầu.
Người ta vẫn thường nói : “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở – Đời mất vui khi vẹn câu thề”. Cuộc tình vẫn còn đẹp khi còn quan tâm đến nhau, chia sẻ cho nhau và cùng nhau xây dựng hạnh phúc cho nhau, nghĩa là công việc vẫn dở dang. Họ vẫn và đang tiếp tục hy sinh cho nhau, quan tâm lo lắng cho nhau và tìm cách làm vui lòng nhau. Còn khi hai người không còn gì để giúp nhau, cho nhau thì cuộc đời lúc đó sẽ mất vui. Có biết bao cuộc tình tan vỡ vì họ không còn gì để trao cho nhau. Họ sống với nhau như một bổn phận và trách nhiệm, không  còn mặn nồng để làm vui lòng nhau nên thiên đàng của tình yêu đã sớm trở thành hỏa ngục chứa đầy ghen tương, giận hờn và khổ đau.  Như cha ông xưa đã nói:
          Lấy vợ như nợ vào thân
          Lấy chồng như đeo gông vào cổ
          Bên cạnh đó, tình yêu không chỉ là hiến dâng, đón nhận nhau hôm nay, 10 năm, 20 năm mà là cả cuộc đời, nên tình yêu đòi hỏi sự chân thật và trung tín với nhau dù khi khó khăn, hiểu lầm bực bội, ngang bướng. . .Biểu lộ sự chân thật và trung tín này là việc công khai hóa tình yêu qua khế ước hôn nhân. Những lời nói yêu thương thầm kín giữa hai người phải được bầy tỏ trước mặt hai họ và xã hội. Có lẽ không ai chấp nhận những lời cầu hôn : “Anh yêu em nhưng đừng cho ai biết”, đó chỉ là sự lừa gạt, trơ trẽn. Tình yêu không có công khai hóa chỉ là những quan hệ lén lút gian dối, và bất chính. Do đó, việc kết hôn là xã hội hóa tình yêu để những ràng buộc của hôn nhân gìn giữ và bảo vệ cho tình yêu chân thật và giúp cho họ trung tín với nhau hôm nay và mãi mãi. Việc kết hôn cũng biến tình yêu thành tích cực giữa hai người biết bỏ ý riêng mình để hòa hợp với nhau trong hy sinh, nhẫn nại và tha thứ cho nhau. Nghĩa là “Yêu nhau củ ấu cũng tròn – Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”.
Qua những phân tích trên cho chúng ta thấy tình yêu nơi con người được chia thành hai loại. Tình yêu dâng hiến (Agape) và tình yêu chiếm đoạt (Eros).
Tình yêu chiếm đoạt: đó là tình yêu vị kỷ. Họ chỉ nhắm đến nhu cầu của mình mà quên mất nhu cầu của người mình yêu. Họ luôn đòi hỏi người yêu phải mang lại hạnh phúc cho mình, tìm mọi cách để khai thác người yêu như phương tiện thỏa mãn nhu cầu thể xác và tâm hồn  của mình. Bất chấp luật lệ và thiếu tôn trọng người mình yêu. 
Tình yêu dâng hiến là tình yêu chân thực nhất, vì cả hai đều cảm thấy một nhu cầu trao ban đến cho người mình yêu, chấp nhận sự thiệt thòi để người mình yêu được hạnh phúc. Tình yêu luôn mang chiều kích hướng đến tha nhân, lo lắng cho người mình yêu và làm tất cả những gì có thể để người mình yêu được hạnh phúc. Khi hai người quan tâm đến nhau, chia sẻ với nhau đến độ mọi vấn đề không còn là của riêng ai thì đó là một tình yêu đích thực, sẵn sàng dâng hiến cho nhau để mang lại hạnh phúc cho nhau. Đó cũng chính là tình yêu của Đức Kytô đã sẵn lòng chết thay cho người mình yêu. Đó chính là tình yêu mà CGS đã dâng hiến chính thịt máu mình để kiến tạo hạnh phúc cho người mình yêu.
Chúc các bạn hiểu được thế nào là tình yêu chân thật, và dám sống tình yêu cho tha nhân, cho bạn bè để kiến tạo mùa xuân ngập tràn hạnh phúc cho trần gian. Chúc các bạn luôn tìm được niềm vui đích thực trong cuộc sống hôm nay. Amen

Đức ông Linh Tiến Khải

MẢNH GHÉP!

MẢNH GHÉP!
 
Mỗi người là một mảnh ghép trong bức tranh lớn là cuộc đời – người ta nói vậy”.  Mấy hôm nay trong đầu nó cứ miên man suy nghĩ về cô gái câm – điếc ở một “Mái ấm” mà nó may mắn được đi cùng với một nhóm sinh viên hôm chủ nhật vừa qua.

 
Nó là đứa cũng hay tà lanh. Vừa cùng các anh chị đặt chân đến mái ấm, sau khi chào hỏi Sơ quản lý ở đó và giới thiệu về nhóm cho Sơ biết, nó bắt đầu thỏa mãn sự tò mò vốn có của mình bằng cách đi tham quan hết các phòng sinh hoạt ở đó. Đi quanh một vòng, chụp hình cho đã đời, nó dừng lại ở một góc nhỏ. Nó ấn tượng với cô bé đang ngồi một mình khâu khâu vá vá một tấm chăn – tấm chăn nhiều màu, nhiều mảnh ghép. Cô bé đó nhìn duyên lắm – nó thầm nghĩ vậy trong lòng. Nghĩ vậy nên nó lấy máy hình ra chộp trộm 1 tấm hình. Cô bé biết có người chụp hình mình. Cô nhìn lên rồi lại cúi xuống tiếp tục công việc của mình một cách lặng thinh làm nó cũng thấy ngại ngại. Nó lấy hết sự mạnh dạn can đảm hiếm hoi của mình ngồi xuống cạnh đó hỏi vài câu hỏi mang tính chất xã giao, cô bé vẫn lặng thinh không trả lời và tiếp tục công việc dường như đã rất thành thạo của mình. Nó cũng chưa biết phải làm sao thì có một bạn nữ trong nhóm cũng ngồi xuống đó rồi câu chuyện bắt đầu khi bạn gái kia hỏi chuyện cô bé. Cô bé ý chạy đi lấy một cuốn vở và một cái bút. Khi đó nó mới biết được rằng cô bé không nghe được và cũng không có khả năng nói (theo lẽ thường: “Người nào không nghe được thì cũng đồng thời sẽ không nói được” người ta bảo thế.) Nhờ cái bút và cuốn vở, nó và vài người trong nhóm có một cuộc trò chuyện vui vẻ, cởi mở với cô bé tội nghiệp đó. Nó thầm nghĩ khi được sinh ra là một con người bình thường, khỏe mạnh đó đã là một ân ban lớn biết chừng nào mà Thiên Chúa trao ban cho nó rồi. (Nó thầm cảm ơn cô bé câm – điếc đó đã chỉ cho nó nhận biết điều đó). Cô bé chỉ cho nó và mọi người trong nhóm ngôn ngữ bằng tay. Nó vui lắm vì ngày hôm nay nó học được biết bao điều từ cô bé câm điếc đó.
 
Hình ảnh cô bé ngồi may chiếc chăn bằng chính đôi tay của mình, một chiếc chăn với nhiều mảnh vải ghép lại rất đẹp rất dễ thương cứ in đậm trong tâm tưởng của nó – lòng nó vui vui. Chiếc chăn được hình thành từ nhiều mảnh vải nhỏ ghép lại với nhau, trở nên một mảnh vải lớn – Mỗi con người nơi mái ấm này là một hoàn cảnh khác nhau trôi dạt về đây, tụ họp lại bởi tình thương của Chúa qua bàn tay các Sơ hình thành một tình yêu lớn, trở nên một ngôi nhà, hóa thành một Mái ấm.
 
Lạy Chúa Giê-su yêu mến, mỗi chúng con là một mảnh tình yêu còn thiếu của nhau trong cuộc lữ hành trần thế này, xin ban cho chúng con luôn biết mở trái tim ra để đón nhận, để chia san, để nâng đỡ, để yêu thương nhau. Để rồi chúng con khi biết yêu thương nhau sẽ trở nên một mảnh ghép lớn trong tình yêu của Đức Kitô là tình yêu – Vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 16).
Giải Viết Văn Đường Trường số 8

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Đời là khoảng lặng


Nếu Chúa biết đời là 
khoảng lặng
tả tơi lòng như
từng cánh hoa rơi
con xin tìm về nơi bé nhỏ
một góc buồn
Bên cạnh Chúa mà thôi!
-adgs-


Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Chúa ơi sao Ngài cô đơn quá. Lạy Chúa, con cũng đơn côi.

Khi tiếng chân xa hút không nghe nữa, cũng là lúc cánh cửa cuối của nhà thờ, tôi khép lại. Giờ xong lễ, chỉ còn bóng lặng thinh nơi giáo đường. Gắng bước khẽ nhưng bước chân tôi vẫn vang từ tiếng vọng của không gian nhà thờ. Ngước nhìn lên Thánh giá, Chúa ơi sao Ngài cô đơn quá. Lạy Chúa, con cũng đơn côi. –adgs-

Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, là muốn nhận mà chẳng có ai cho.Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ đợi chẳng xảy đến.Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông, nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng. Bởi đó, vợ chồng có thể cô đơn bên nhau.
Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt. Đã cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn.
Người ta gần nhau mà vẫn có thể xa nhau, vì trong cuộc đời, mỗi người đều có hai thế giới. Thế giới riêng trong cõi lòng tôi và thế giới ngoài vũ trụ. Thế giới tâm hồn tôi sụp đổ thì thế giới bên ngoài thành hoang vắng, vô nghĩa. “Lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Vì thế, tôi có thể cô đơn giữa đám đông. Cả vườn hoa chẳng có nghĩa gì nếu không có loài hoa tôi kiếm tìm. Người đưa thư trở thành thừa thãi nếu không có cánh thư tôi đang chờ mong. Chỉ một cánh hoa của lòng tôi thôi cũng đủ làm cho cả khu đồi thành dễ thương. Chỉ một cánh thư thôi cũng đủ làm cho bầu trời xanh thăm thẳm. Làm gì còn cô đơn nữa nếu đã có bắt gặp.
Tôi cô đơn khi thấy quanh mình chỉ là những dòng sông lững lờ, chỉ là những con nước thờ ơ. Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến được với người. Tôi cũng có thể cô đơn vì người không muốn đến với tôi. Cô đơn nào thì cũng là một hải đảo. Nhưng nỗi cô đơn bị người khác hờ hững thì cay đắng hơn. Khi tự mình không bước tới thì tôi cũng có thể tự mình bước ra khỏi hàng rào cô đơn đó. Còn nỗi cô đơn bị người khác thờ ơ thì đưa tôi vào nỗi buồn mà có khi đau đớn hơn tù đầy, có khi u ám hơn sự chết, vì đây là nỗi cô đơn tôi muốn chạy trốn mà chẳng trốn chạy được. Tôi thương, nhưng người khác có thương tôi không đấy là tự do của họ. Cho đi phần đời của mình mà không được đáp trả vì thế mới có xót xa.

Cô đơn của Chúa là nỗi cô đơn này.
Chúa đến với kẻ khác nhưng bị kẻ khác chối từ, gọi mà không có tiếng đáp trả, bởi thế, trong vườn Cây Dầu Ngài mới thấy cõi lòng trống trải. Trong cái trống trải ấy, theo Tin Mừng Máccô, Ngài tỏ lộ: “Linh hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc. 14:34).
Làm gì có cô đơn nếu có lời đáp trả. Không có lời đáp trả nên mới cứ phải chờ đợi. Đợi chờ không là khởi điểm của cô đơn sao. (vài tiếng piano nhẹ) Đợi chờ càng lâu thì nỗi cô đơn càng dài. Chờ đợi mà chẳng bao giờ xảy tới thì nỗi cô đơn càng héo hắt. Làm gì có cô đơn nếu không có kiếm tìm. Làm gì phải kiếm tìm nếu đã đầy đủ. Vì thiếu vắng nên mới phải đi tìm. Khi sự thiếu vắng quá cay đắng thì nỗi cô đơn dẫn đến sự chết.
Sự thiếu vắng không hệ tại im lặng của không gian hoặc vắng bóng người mà hệ tại sự trống vắng của con tim. Có những quãng đời cô tịch, tôi đi một mình, nhưng càng lặng lẽ tôi càng thấy niềm vui nhiệm mầu trong hồn. Có những khúc đời chung quanh tôi tấp nập bước chân, rộn rã lời cầu chúc mà tôi vẫn nghe hiu hắt. Chúa cũng vậy, những đêm dài ở sa mạc chỉ có trăng và cỏ cây, chỉ có núi đồi và gió, nhưng Chúa không cô đơn. Chiều thứ sáu ở Jêrusalem tấp nập chân người mà cõi lòng Chúa thì hoang vắng. Trong vườn Cây Dầu có các môn đệ đi theo mà Chúa vẫn thấy lẻ loi.
Kẻ cô đơn là kẻ đi tìm niềm cảm thông nhưng chẳng gặp. Vì không gặp nên họ đành trở về thế giới nội tâm cô lẻ của riêng mình. Vì thế giới nội tâm đó đang heo hút trống vắng, nên họ chỉ bắt gặp sự thiếu thốn ở đó mà thôi. Sống trong thiếu thốn để rồi nhìn kẻ khác đầy đủ vì thế mới có nước mắt xót thương cho đời mình.
Ai cũng có lúc cô đơn vì chẳng ai đầy đủ. Ai cũng phải đi tìm vì ai cũng thiếu vắng. Nhưng có những thiếu vắng dễ tìm thấy. Có những thiếu vắng như mênh mông vô hạn. Khi Chúa mất hết tình thân, Chúa tìm đến với Chúa Cha: “Ôi! Cha cũng bỏ con sao”. Khi lòng tôi tan nát, khi đời tôi đắng cay, tôi cũng vẫn còn hy vọng là Chúa. Nếu tôi mất Chúa thì đây mới là sự thiếu vắng hoang tàn nhất. Đây là cô đơn không còn lối thoát.
Trong nỗi cô đơn của tôi hôm nay, khi mà tôi không còn tìm đâu được niềm vui, tôi cũng sẽ nói với Chúa như chính Ngài đã nói với Chúa Cha: — Ôi! Cha cũng bỏ con sao.
Lậy chúa, con tin là Chúa hiểu cõi lòng con. “Ôi! Cha cũng bỏ con sao?”. Đấy chính là lời nguyện của Chúa, lời nguyện của kẻ cô đơn trong giờ cô đơn nhất..
Chỉ có ai đã cô đơn mới có thể hiểu nỗi buồn, mới thấy cái hoang dại trong cuộc đời của kẻ cô đơn. Chúa đã cô đơn trên thập giá.
LM.Nguyễn Tầm Thường.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Như một cánh hồng






NHƯ MỘT CÁNH  HỒNG

Thân em như một cánh hồng,
Nổi trôi giữa cảnh mênh mông đất trời.
Bỗng đâu từ giữa biển khơi,
Một con sóng nhỏ thương mời em đi.
Cánh hồng trong cõi sân si,
Nương theo ngọn sóng ngại gì nước non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Biển khơi chấp cánh mảnh hồn phù du.
Phiêu diêu trong cõi mịt mù,
Em tìm về chốn thiên thu hữu tình.
Bầu trời hồng phúc lung linh,
Hồn say hương gió gợi hình thiên thai.
Tình yêu như trải bóng dài,
Quê cha một dải sao hoài vấn vương.
Từ ngày sống kiếp tha hương,
Em như thân khách dặm trường  vơ,

Từ khi em biết mộng mơ,
Vẫn mong về bến đợi chờ thân thương.
Trăm năm thoát kiếp tủi hờn,
Nghìn năm mở hội dập dồn tiếng ca.
Dù em chỉ một cánh hoa,
Vẫn mang những nét mượt mà tình yêu.
Tâm tư nặng nợ bao nhiêu,
Làm sao hết cảnh sớm chiều bể dâu ?

Từ nghìn xưa đến ngàn sau,
Vẫn còn trĩu nặng biển sâu ân tình.
Dù đi hết kiếp phù sinh,
Cánh hồng in mãi bóng hình ngày xưa.
Hai tay ôm mấy cho vừa,
Khổ hình thập giá cho thừa niềm đau.
Nguồn ơn giải nghĩa nhiệm mầu,
Chết cho nhân loại khởi đầu phục sinh.

Vườn hồng rực ánh bình minh,
Cánh hồng e ấp nép mình trong mơ.
Nguồn ơn như thác vỡ bờ,
Tình hồng giao ước bây giờ hiện thân.
Tin mừng giục giã bước chân,
Tình yêu vượt ngọn sóng thần lên ngôi.
Càng xa muôn dặm mù khơi,
Càng gần điểm nối đất trời vô biên.  

Vân Lực





Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

QUÊ HƯƠNG TẠM VÀ QUÊ HƯƠNG THẬT



Quê hương là gì? Có rất nhiều khái niệm và định nghĩa về hai chữ quê hương , nhưng đề định nghĩa rõ rệt và tường minh về hai tiếng quê hương thì chắc chắn là khó mà định nghĩa cho hết được. Có biết bao thi sĩ và nhạc sĩ viết về quê hương nhưng chủ đề quê hương là vô tận viết không bao giờ hết , cho nên có thể nói quê hương là một khái niệm chứ định nghĩa thì làm sao mà định nghĩa được.
Có thể nói với ai đó quê hương là cái gì đó trừu tượng và khó tả lắm. Nhưng với nhà Đỗ Trung Quân thì :
Quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học ,con về rợp bướm vàng bay…
Còn với nhà  thơ  Tế Hanh thì:
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc  những hàng tre
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương.
Hay đến  với Giang Nam thì kí ức của quê hương  rất gần gũi  và mang đầy cảm xúc .
Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ…
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được…
Chưa đánh roi nào đã khóc…
Quả thật quê hương là một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng , hình ảnh quê hương là vô tận không biết diễn tả thế nào cho hết cảm xúc của mổi người có khi là một làn khói lam ban chiều của ai đốt đồng, hay những cánh diều lơ lững trên mây…
Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không  lớn nỗi thành người.
 Vâng với quê hương qua các tác phẩm và nhạc phẩm thì những câu từ nó rất mộc mạc giản dị và gần gũi với mỗi con người . Nhưng với quê hương ở hành tinh này thì ta còn quê hương nào khác nữa không và cuộc hành trình ở trần gian này rồi con người sẽ đi về đâu? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết một nhạc phẩm rất nổi tiêng  Một cõi đi về ( đi đâu và về đâu)
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nào là chốn quê nhà
….
Từng lời tà dương là lời mộ địa…
Còn nhạc sĩ Lê Dinh thì có bài Trở về cát bụi
Người ơi hãy nhớ cát bụi là ta
Nào ai biết trước số phận ngày sau Ông Trời sẽ trao
Ta cứ đi đi mãi theo tiếng thời gian “ vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ…” Rồi cuối cùng cũng trở về cát bụi.



Trong  kinh thánh Cựu ước thì với dân Do Thái ngày xưa bị lưu đày ở Babylon họ cũng nhớ đến quê hương của mình và trong cuộc lưu đày biết bao đau khổ về thể xác họ đi bộ cả ngàn cây số cuộc sống thiếu thốn,công việc cực nhọc nơi lưu đày và họ cũng tự hỏi mình sẽ đi về đâu?
 Đau khổ về tinh thần: Họ bị thử thách về đức tin, Hoàn cảnh đặt ra cho Họ những câu hỏi nhức nhối : Có Gia Vê thật hay không , và họ bắt đầu mất niềm tin ở trong Chúa . Ngày đêm họ ngóng trông về cố hương hy vọng ngày nào được trở về cố Quốc.
Gần sông Babylon
Tôi ngồi, tôi khóc
Tôi nhớ Xion (Tv,137:1)
Sau 50 năm lưu đày xa xứ, năm 538 tcn, người Do Thái được hồi hương và họ đã xây lại được đền thờ và tường thành Giêrusalem và qua cuộc lưu đày đã giúp họ  thanh tẩy và canh tân lại đời sống đức tin một cách trưởng thành hơn , và họ lại hồi tưởng
Khi Chúa phục hồi thịnh vượng cho Xion
Chúng tôi như người đang mơ
Ai gieo trong nước mắt sẽ gặt trong hân hoan (Tv 126)
Nhớ lại tổ phụ chúng ta ngày xưa Abraham thiên chúa đã bảo Ông hãy rời quê cha đất tổ mà đi đến đất chúa hứa ban
"Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, 
khỏi nhà cha ngươi, 
đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 
Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn, 
Ta sẽ chúc lành cho ngươi, 
và Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, 
ngươi sẽ là một mối chúc lành" (Kn 12:1-2).

Abraham đã vâng lệnh chúa và từ đây chuẩn bị cho một triều đại mới của đấng cứu thế
Qua thời các tổ phụ đến thời các vua, Giavê tiếp tục ban những lời hứa mới nhuốm màu sắc triều đại Mêsia. Từ môi miệng ngôn sứ Nathan, lời hứa về một triều đại vĩnh cửu được tiên báo:
"Lòng nhân nghĩa của Ta sẽ không rời xa nó, 
như Ta đã cho rời khỏi Saul, 
kẻ Ta đã truất khỏi trước mặt người. 
Nhà ngươi và vương quyền của ngươi 
sẽ kiên cố trước mặt Ta, 
ngai ngươi sẽ vững bền mãi mãi" (2 Sam 7:15-16).

Vậy đâu là quê tạm và đâu là quê thật và đâu là đất Chúa hứa . Trong  kinh tin kính ta đọc “…Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại…” kinh tin kính xác tín một điều là : Quê hương ta chính là quê trời và đất chúa hứa chính là thiên đàng vinh phúc . Đối với quê hương trần  gian mà ta còn  tha thiết lo lắng  nhớ nhung như thế , còn quê thật của người Công giáo thì sao? Trong con tàu lữ hành trần gian này ai trong chúng ta cũng vậy , rồi cũng phải tự hỏi mình sẽ đi về đâu và quê hương thứ hai của mình sẽ ra sao? chúng ta có kịp chuẩn bị về quê thật đầy đủ hành trang cân thiết hay chưa? , quê trời mới là quê thật lời chúa đã hứa ban thì dù một chấm một phẩy cũng không bao giờ thay đổi.Thiên chúa công bằng lòng lành vô cùng , lòng nhân từ của chúa từ đời này sang đời khác. Người vẫn luôn yêu thương ta và hứa thiên đàng cho mỗi người chúng ta . Vậy ta phải trung tín với chúa phải sống đúng và giữ các giới răn của Người , Ngõ hầu mai sau chúng ta được về với chúa hưởng hạnh phúc muôn đời như lời chúa hứa ban.
Lạy chúa trong xã hội ngày nay có rất nhiều người mãi lo hưởng thụ thiên đàng trần gian mà quên đi quê hương thật của mình , Họ đã sống buông thả Họ đã dần dần không nhận ra chúa nữa . Thế giới ngày thêm văn minh hiện đại, họ muốn chinh phục vũ trụ. Nhưng họ đâu biết với những văn minh hiện đại đã dần dần đẩy họ xa rời chúa và tự hủy diệt mình trong bước tiến của nhân loại . Nguyện xin lòng từ nhân của Thiên chúa xin soi dẫn cho họ chỉ có chúa nếu không có bàn tay của chúa thì không thể làm được gì , chúa đã phán “Không có thầy các con không thể làm được việc gì”.
Chúc tụng danh chúa vinh hiển muôn đời.

                                                                                         LAM CHIỀU
                                                                                  
                                                                                    HĐGX TÂN THẠNH