Hương Giang mở cửa bước vào căn nhà ngói năm gian cũ kĩ. Mùi ẩm mốc và bụi bặm xộc lên khiến cô phải lấy khăn che mũi. Cô lấy điện thoại ra soi để tìm công tắc điện. Loay hoay mãi, cuối cùng cô cũng tìm thấy một đầu ổ cắm đã bị chuột gặm nham nhở, hở cả lõi đồng, may mà vẫn dùng được. Khi điện được bật sáng, căn nhà bỗng trở nên ấm cúng lạ thường. Hương Giang đảo mắt nhìn quanh. Bộ trường kỉ màu nâu gụ vẫn được đặt ngay giữa nhà, bên cạnh là chiếc giường gỗ có một chân bị mối mọt ăn nên phải thay bằng một gốc tre được sơn đen bóng. Bức tranh “Bát mã truy phong” do chính tay cô thêu được treo ở gian giữa, ngay dưới bàn thờ tổ tiên được phủ cẩn thận bởi một lớp ni lông. Một chút cay cay nơi khóe mắt cô. Rồi Hương Giang rảo bước nhanh xuống bếp. Một bếp lửa có cái kiềng ba chân và cái chum đựng nước cao quá bụng cô vẫn sừng sững đứng đó như để ghi dấu cả một thời ấu thơ.
Khi Hương Giang tròn 6 tuổi, bố mẹ cô phải đi làm ăn xa nên gửi cô về nhà ngoại. Lúc đó, ngoại chưa già lắm, da dẻ vẫn hồng hào nhưng răng đã rụng hết nên mỗi khi ăn trầu đều phải cho vào ống, giã thật kĩ rồi mới nhai. Những ngày đầu, cô nhớ bố mẹ, chẳng chịu ăn uống, khi ngủ lại khóc rưng rức như bị ai mắt nạt. Ngoại dỗ thế nào cũng không chịu nín. Thêm nữa, cô chưa quen được với cái mùi nồng nồng, cay cay mà cô luôn ngửi thấy khi ngoại ôm cô vào lòng. Vậy nên, cứ mỗi khi ngoại đến gần, cô lại chun mũi lại, đẩy ngoại ra. Bữa cơm ngoại nấu lúc nào cũng đạm bạc, các món ăn đều nhạt và chủ yếu là rau xanh. Chỉ có một món thịt hoặc cá để dành cho cô. Có lần cô hỏi:
- Ngoại ơi, ngoại không thích ăn thịt cá à? Con toàn thấy ngoại ăn rau thôi.
- Ngoại ăn chay trường con ạ.
- Thế nào là ăn chay trường hả ngoại?
- Là chỉ ăn rau củ quả, đậu, lạc hoặc trứng thôi.
- Thế tại sao ngoại lại thích ăn chay trường?
- Vì ngoại nghĩ các con vật chẳng có tội tình gì, chúng cũng nên được sống con ạ.
Hương Giang không hỏi nữa. Cô chưa đủ lớn để hiểu sâu sắc những điều ngoại nói. Nhưng trí óc trẻ con ngây thơ hồi đó đủ xúc cảm để cô cảm nhận thấy tấm lòng nhân hậu của ngoại. Vì thực tình cô cũng đã từng khóc khi con gà trống choai có cái mào đỏ rất đẹp của cô bị bố làm thịt cách đó khoảng một năm. Cô nhớ lúc đó, mắt nó cứ mở trừng trừng nhìn cô, vừa như oán trách, vừa như cầu xin. Cô quay đi, không dám nhìn, và còn khóc thút thít một mình dưới gốc cây đào nữa. Nhưng vẫn ăn thịt gà, vì mẹ rang sả ớt thơm điếc mũi.
- Lớn lên con cũng ăn chay trường.
Cô vừa nói vừa nhìn ngoại đang móm mém trai trầu. Khóe miệng cô hơi cong lên một chút, cố giấu nụ cười tự mãn vì thấy mình thật oách khi đã quyết định như vậy.
Sáu tháng, rồi một năm trôi qua. Hương Giang bắt đầu nghiện hít hà cái mùi hương cay nồng gần giống mùi lá trầu tỏa ra từ người ngoại. Mỗi khi đêm về, cô chẳng còn ú ớ khóc gọi mẹ hay giật mình thức giấc nữa bởi lúc nào vòng tay ngoại cũng ôm cô thật chặt. Cô cũng dần quen với những bữa ăn thanh đạm mà vẫn đủ chất mà ngoại nấu cho cô. Đặc biệt là món thịt cuốn rau cải bắp. Một ít thịt băm được ngoại cuốn trong lá cải bắp rồi hấp lên, ăn thơm ngậy, ngon lành lắm.
Cái Tết đầu tiên của hai bà cháu thật đáng nhớ. Từ 23 Tết, một già một trẻ háo hức sửa sang, quét dọn nhà cửa, đợi bố mẹ về thăm. Thương cháu, ngoại còn đổi ba yến gạo để lấy năm cân cả thịt cả mỡ về vừa làm giò vừa nấu các món mà Hương Giang thích để cô ăn trong mấy ngày Tết. Hôm ngoại gói bánh chưng, Hương Giang cứ ríu rít nói cười và quấn quít bên ngoại như chú mèo con. Thi thoảng, khi ngoại đứng dậy cho đỡ mỏi lưng, cô lại nhào đến, ôm lấy chân và rúc vào người ngoại như chú gà con rúc vào bộ lông ấm áp của mẹ. Ngoại cười móm mém, nụ cười thơm nức hương trầu.
Ảnh minh họa
29 Tết, nhưng cũng là 30 vì năm đó tháng Chạp thiếu một ngày. Hương Giang cứ đứng ngồi không yên, hết chạy vào lại chạy ra. Cô chờ bố mẹ về mang theo quà tết. Vì ngày đi bố đã hứa sẽ mang về nào là búp bê, quần áo mới, kẹp tóc và cả những gói kẹo nhiều màu mà cô rất thích nữa. Chờ mãi, đến chiều tối, vẫn chưa nghe thấy tiếng chó sủa từ đầu ngõ. Cô bé buồn thiu, ngồi dưới gốc xà cừ đào hố chôn vài sợi rơm vương vãi trên nền đất.
- Hương Giang, về thôi con. Chắc bố mẹ không mua được vé tàu về rồi.
Cô bé ngẩng lên, mắt ầng ậc nước. Nhưng hai chân như tê cứng, bất động. Cô bé không nhìn ngoại nữa, mà nhìn theo hướng con đường hun hút trước mặt, nơi mà cô nghĩ biết đâu bố mẹ sẽ xuất hiện ngay bây giờ và sẽ ôm cô thật chặt. Rồi cô sẽ hít hà hương hoa bưởi thơm ngọt trên tóc mẹ, sẽ nằm gọn trong vòng tay bố để chơi trò tung hứng mà mẹ từng quát cả hai bố con vì rất nguy hiểm.
- Về thôi con, ngoại nấu nhiều món ngon lắm. Có cả bánh chưng, giò mỡ và hành muối nữa đó.
- Thế có bắp cải cuốn thịt không hả ngoại? – Cô nhìn ngoại, đôi mắt vẫn nhòe nước.
- Có chứ, ngoại còn luộc cho con cả một con cua gạch to bằng nắm tay này này.
Thế là cô bé lại ngoan ngoãn dắt tay ngoại về. Ngoại thích để cô dắt tay đi lắm. Vì ngoại nói ngoại không nhớ đường và mắt nhìn không rõ lắm nên phải có Hương Giang dắt đi cơ. Ngày đó cô bé tưởng thật, lớn lên mới hiểu, ngoại muốn cháu biết lo lắng và chăm sóc người khác nên mới nói vậy.
Và tám cái Tết bên ngoại cứ bình yên trôi đi như thế.
Bỗng có tiếng chân người bước vào kéo Hương Giang ra khỏi dòng suy tưởng.
- Ai vậy? Sao sáng sớm tinh mơ thế này đã đến đây?
- Chú Thành à? Cháu Hương Giang mà. Cháu đi qua đây, xe ô tô bị hỏng nên phải sửa khoảng một tiếng, cháu tiện ghé thăm căn nhà cũ của ngoại một chút.
- Cháu lớn quá rồi, chú suýt không nhận ra. Đã là 26 Tết rồi mà cháu còn phải đi công tác à?
- Vâng ạ, có hợp đồng với khách nước ngoài nên năm nay cháu không nghỉ Tết.
- Ngày bà cụ đi, mắt cứ nhìn ra đầu ngõ, mãi đến khi có tiếng chó sủa cụ mới đi được. Chắc cụ mong cháu lắm. Thôi, cháu thăm nhà một chút rồi đi may mắn nhé. Chúc cháu năm mới mọi điều tốt đẹp nhé.
- Dạ. Cháu cảm ơn chú nhiều. Cháu cũng chúc gia đình chú năm mới làm ăn phát đạt.
Tiếng bước chân nhỏ dần rồi tắt hẳn. Hình ảnh một cô bé ngồi dưới gốc cây xà cừ đợi bố mẹ về trong ngày 30 Tết của một năm xa xăm nào đó hiện về rõ mồn một như một cuốn phim quay chậm. Cô còn cảm nhận thấy vị mặn chát của những giọt nước mắt ngày đó thi nhau rớt trên gò má ửng đỏ lên vì lạnh rồi chạm vào khóe môi đang run lên vì những nức nở cứ cuộn trào. Sự chờ đợi chỉ có thể là hạnh phúc khi nó được đáp lại, bằng không, nó sẽ đẩy con người xuống nỗi tuyệt vọng không đáy. Ở đó, họ cứ rơi mãi, rơi mãi, tất cả cái còn lại chỉ là sự hụt hẫng. Trẻ nhỏ dễ quên, sự chờ đợi ấy chỉ như một vết sẹo nhỏ trên da, gần như bị quên lãng. Còn với ngoại, ngoại đã chờ con về bao nhiêu cái Tết? Rồi đến lúc ngoại đi, ngoại vẫn chờ con. Vậy mà con đã làm gì? Con vẫn bận bịu những hợp đồng quan trọng, bận bịu chớp lấy những cơ hội tiến thân và lãng quên một mái nhà đơn sơ, có ngoại, có vòng tay ôm con thật chặt khi con cô đơn nhất.
Như sực nhớ ra điều gì. Hương Giang chạy vội vào gian buồng. Chiếc hộp gỗ nhỏ chứa mọi kho báu tuổi thơ của cô vẫn còn ở đó. Run run cầm nó trên tay, cô mở ra. Một lá thư được viết bằng nét chữ to và vụng về như chữ trẻ con: “Hương Giang con, ngoại học viết chữ với cái Thu con chú Thành hàng xóm. Học 8 tháng thì viết được. Con nhớ chăm ngoan, học giỏi. Tết năm nào ngoại cũng sẽ làm rau cải cuốn thịt và luộc cua gạch cho con. À, ngoại nhờ người đánh lại sợi dây chuyền và làm cái mặt dây chuyền mới cho con đấy. Ngoại để dưới đáy hộp. Để tự con tìm thấy vì chỉ con biết hộp kho báu này để đâu thôi. Ngoại yêu con lắm, và yêu cả cái tên của con nữa, nó hiền hòa, lắng đọng như một dòng sông”.
Hương Giang bật khóc nức nở, cô ôm chặt lá thư vào lòng như để níu giữ hơi ấm của ngoại. Rồi cô lần tay xuống đáy hộp tìm sợi dây chuyền. Màu vàng ánh lên dưới ánh đèn điện nê ông. Cô khẽ tách mặt dây chuyền ra, là ảnh bố, mẹ và cô cùng chụp hồi cô còn bé xíu. Bố và mẹ còn trẻ quá, và cô bé cười toe toét trong ảnh kia chính là cô của những ngày xa xưa.
Một lúc sau, Hương Giang rời căn nhà ngói năm gian ấy để ra chỗ xe đang đỗ. Chú lái xe mệt mỏi thả mình trên ghế lái. Hương Giang không ngại đánh thức chú dây.
- Chú ơi, lát nữa chú chở cháu về nhà rồi chú đánh thẳng xe cơ quan về quê ăn Tết nhé. Công ty sẽ hủy hợp đồng trong 7 ngày Tết.
Người lái xe mỉm cười nhẹ nhõm. Chú rút điện thoại gọi: “Em ơi, sáng mai anh về với em và các con. Yêu em”. Hương Giang cũng mỉm cười dẫu mắt còn rơm rớm nước. Cô nhìn ánh trăng xế chênh chếch trên bầu trời rồi thì thầm: “Ngoại ơi, Tết này con về nhà ăn Tết, vậy ngoại ăn Tết ở đâu?”. Trăng xế tà khẽ nháy mắt với cô, và cô thấy dường như không gian bỗng phảng phất mùi cay nồng của lá trầu quen thuộc.
Ngọc Hân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét