Sáng Thứ Tư Tuần Thánh 16-4-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã
có buổi tiếp kiến chung hằng tuần, với sự tham dự của rất đông tín hữu và du
khách hành hương tuốn vế Roma để dự các lễ nghi Tam Nhật Tuần Thánh.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý
”Con đường lột bỏ của Chúa Kitô”. Ngài nói: Anh chị em thân mến, vào giữa Tuần
Thánh phụng vụ giới thiệu với chúng ta trình thuật sự phản bội của Giuđa, là
người đã đến tìm các thủ lãnh của Hội Đồng Do thái để trả giá và giao nộp Thầy
mình cho họ. ”Các ông cho tôi bao nhiêu để tôi nộp Người cho các ông?” Và từ
lúc đó Đức Giêsu có một giá.
Cử chỉ thê thảm này ghi dấu sự khởi đầu cuộc Khổ Nạn của
Chúa Kitô, một lộ trình đau đớn mà Người lựa chọn với sự tự do hoàn toàn. Chính
Người đã nói lên điều đó: ”Tôi trao ban sự sống mình… Không ai lấy đi được mạng
sống của Tôi: nhưng chính Tôi hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và
có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10,17-18). Và con đường sự hạ mình, của sự
lột bỏ bắt đầu với vụ phản bội ấy. Đức Giêsu… như thể ở trong chợ: ”Cái này giá
30 đồng… ” Và Đức Giêsu bước đi trên con đường của sự khiêm hạ và lột bỏ đó cho
tới cùng.
Một khi đã bước đi trên con đường của sự hạ mình và lột bỏ,
Chúa Giêsu đi đến cùng. Chúa Giêsu đạt tới sự khiêm hạ hoàn toàn với ”cái chết
trên thập giá”. Đây là cái chết tệ hại nhất dành cho các nô lệ và các tội phạm.
Chúa Giêsu đã được coi như một ngôn sứ, nhưng chết như một kẻ tội phạm. Khi
nhìn Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Người, chúng ta thấy như trong một tấm
gương các nỗi khổ đau của nhân loại và tìm thấy câu trả lời thiên linh cho mầu
nhiệm của sự dữ, khổ đau, và cái chết.
Biết bao lần chúng ta cảm thấy kinh hoàng đối với sự dữ và
khổ đau bao quanh chúng ta và chúng ta tự hỏi: ”Tại sao Thiên Chúa lại cho phép
điều đó xảy ra?”. Đây là một vết thương sâu đậm đối với chúng ta, khi thấy nỗi
khổ đau và cái chết, đặc biệt là cái chết của những người vô tội. Khi chúng ta
thấy các trẻ em đau khổ, nó là một vết thương trong tim. Nó là một mầu nhiệm.
Và Đức Giêsu nhận lấy tất cả sự dữ ấy, tất cả nỗi khổ đau này trên mình. Trong
tuần này thật là điều tốt cho tất cả chúng ta nhìn vào Chúa bị đóng đanh, hôn
các vết thương của Chúa Giêsu, hôn chúng nơi Chúa bị đóng đanh. Người đã nhận
và mang lấy tất cả nỗi khổ đau của con người.
Chúng ta chờ đợi Thiên Chúa đánh bại bất công, sự dữ, tội
lỗi và khổ đau trong tự toàn quyền của Người và với một chiến thắng vẻ vang.
Trái lại Thiên Chúa cho chúng ta thấy một chiến thắng khiêm tốn, xem ra là một
thất bại trong tâm thức của loài người. Và chúng ta có thể nói rằng: Thiên Chúa
chiến thắng trong thất bại.
Thật thế, trên thập giá Con Thiên Chúa xem ra là một người
thất bại: đau khổ, bị phản bội, bị khinh miệt và sau cùng chết đi. Nhưng Đức
Giêsu cho phép sự dữ bám riết lấy Người và mang lấy nó trên mình để chiến thắng
nó. Cuộc khổ nạn của Người không phải là một tai nạn; cái chết của Người, cái
chết ấy đã được ”ghi chép”. Đây là một mầu nhiệm gây lạc hướng, mầu nhiệm sự
khiêm hạ lớn lao của Thiên Chúa, nhưng chúng ta biết bí mật của mầu nhiệm này,
của sự khiêm hạ ngoại thường này: ”Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến độ
trao ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16). Trong tuần này chúng ta nghĩ
biết bao tới nỗi khổ đau của Chúa Giêsu và chúng ta tự nhủ: ”Đó là để cho tôi.
Cả khi tôi có là người duy nhất trên trần gian này, Người cũng làm điều đó.
Người đã làm điều đó cho tôi. Và chúng ta hãy hôn Đấng bị đóng đanh và nói:
”Cho con. Cám ơn Chúa Giêsu. Cho con.”
Cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu và các tước đoạt của
biết bao nhiêu niềm hy vọng nhân loại là con đường chính, qua đó Thiên Chúa
hoàn thành ơn cứu độ. Một con đường không tương ứng với các tiêu chuẩn nhân
loại, trái lại lật ngược chúng. Bởi các vết thương của Người chúng ta được chữa
lành (x. 1 Pr 2,24).
Khi tất cả mọi sự xem ra bị mất, khi không còn có ai bởi vì
chúng sẽ “đánh chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác” (Mt 26,31), thì khi đó Thiên
Chúa can thiệp với quyền năng của sự sống lại.
Sự phục sinh của Đức Giêsu không phải là kết thúc tươi vui
của một chuyện thần tiên đẹp đẽ, không phải là kết cục hạnh phúc của một cuốn
phim, nhưng là sự can thiệp của Thiên Chúa Cha ở nơi niềm hy vọng của con người
bị tan vỡ. Trong lúc khổ đau, trong đó biết bao người cảm thấy nhu cầu xuống
khỏi thập giá, thì đó là lúc gần sự phục sinh nhất. Đêm xem ra tối hơn trước
khi ban sáng bắt đầu, trước khi ánh sáng bắt đầu. Trong lúc đen tối nhất thì
Thiên Chúa can thiệp. Người sống lại.
Đức Giêsu, Người đã lựa chọn đi qua con đường này, mời gọi
chúng ta theo Người trong chính con đường của sự hạ mình. Khi trong một vài lúc
của cuộc sống chúng ta không tìm thấy lối ra nào cả cho các khó khăn của chúng
ta, khi chúng ta lún sâu trong sự tối tăm dầy đặc nhất, đó là lúc khiêm hạ và
lột bỏ hoàn toàn của chúng ta, là giờ trong đó chúng ta sống kinh nghiệm giòn
mỏng và tội lỗi. Và chính khi đó chúng ta không phải che đậy sự thất bại của
chúng ta, nhưng rộng mở chính mình cho niềm hy vọng của Thiên Chúa như Đức
Giêsu đã làm. Anh chị em thân mến, trong tuần này thật là thiện ích cho chúng
ta cầm lấy thánh giá trên tay và hôn biết bao nhiều lần và nói: ”Lậy Chúa
Giêsu, con cảm tạ Chúa”. Ước chi được như vậy.
Sáng Thứ Tư Tuần Thánh đã có khoảng 70.000 người tham dự
buổi tiếp kiến. Bên cạnh các các nhóm Bắc Mỹ và Tây Âu, có các nhóm đến từ
Australia, Puerto Ricco, Guatemala, Argentina, Mêhicô, Uruguay, Brasil. Đức
Thánh Cha đã chúc mọi người Tam Nhật Tuần Thánh sốt sắng và tràn đầy ơn của
Chúa Phục Sinh.
Trong số các nhóm được Đức Thánh Cha chào đặc biệt có một
phái đoàn của tổ chức Nato Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, các tham dự viên đại hội
các sinh viên đại học về môi sinh của bản vị con người và khung cảnh sống do
giáo phận Opus Dei tổ chức. Ngoài ra còn có nhiều hiệp hội, các đoàn hành hương
giáo xứ, giáo phận và cộng đoàn Rumani ở Roma.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới
Đức Thánh Cha nói ngày mai bắt đầu Tam Nhật Thánh, là trọng tâm của năm phụng
vụ. Ngài cầu mong các bạn trẻ suy tư về giá máu mà Chúa Giêsu Kitô đã đổ ra cho
ơn cứu chuộc của chúng ta. Đức Thánh Cha xin cuộc khổ nạn của Chúa dậy cho các
người đau yếu sự kiên nhẫn trong những lúc vác thánh giá của khổ đau. Và ngài
nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới làm tràn đầy gia đình họ với niềm vui của sự
phục sinh.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc vởi Kinh Lậy Cha và phép lành tòa
thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
-Vatican Radio Tiếng Việt-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét