Có một bài tình ca mang tựa đề “Trái tim không ngủ yên” diễn
tả tâm trạng của đôi bạn trẻ nam nữ yêu nhau. Dù xa nhau, họ vẫn cảm thấy gần
gũi. Dù giận hờn, họ vẫn thấy dễ thương. Trái tim họ không ngủ yên, nhưng luôn
thôi thúc người này nhớ tới người kia. Vì thế mà xa hóa nên gần, lạ hóa thành
quen, và khổ đau được biến thành hạnh phúc.
Trong Cựu ước, bằng một lối hành văn “nhân cách hóa”, ngôn
sứ Hô-sê đã diễn tả Thiên Chúa có một trái tim như trái tim nhân loại: “Trái
tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8). Thổn thức, bồi hồi, đó là tâm
trạng cảm thương, băn khoăn trước một sự việc xảy đến cho mình hoặc cho người
mình yêu mến, nhất là lúc gặp phải thử thách gian nan trong cuộc sống.
Trái tim Thiên Chúa “thổn thức, bồi hồi” vì “không nỡ từ
chối Ép-ra-im, không nỡ nộp Ít-ra-en vào tay quân thù”. Thiên Chúa không lãnh
đạm trước nỗi đau khổ bất hạnh của con người. Vì Ngài là tình yêu, nên trái tim
của Ngài “không ngủ yên”. Ngài luôn yêu thương che chở con người và tạo vật.
“Có phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và
được sống ư?” (Ed 18,22). Ngay cả đối với những tội nhân, Ngài cũng không muốn
họ phải chết, nhưng mong cho họ được may mắn và hưởng mọi sự tốt lành. Thiên
Chúa yêu thương con người. Ngài luôn sẵn sàng tha thứ cho họ và Ngài cũng mời
gọi họ hãy sống với nhau bằng trái tim. Chúng ta cùng suy tư về tình yêu thương
bao la rộng mở của Ngài đối với mọi loài thụ tạo.
1- Trái tim Thiên Chúa là tình yêu thương vô bờ
Thiên Chúa yêu thương con người. Toàn bộ nội dung Kinh Thánh
đều nhằm nói với chúng ta điều ấy. Thiên Chúa vừa mang gương mặt cương quyết
của người Cha, vừa mang tấm lòng bao dung của người mẹ. Là Cha, Thiên Chúa mạnh
mẽ dẫn đưa con người trên con đường ngay thẳng, quở phạt khi họ bất trung, tội
lỗi. Là Mẹ, Thiên Chúa êm đềm che chở con người trước những bão giông, vỗ về
động viên khi họ yếu đuối sai lầm.
Tình thương của Thiên Chúa đã được mặc khải nơi Đức Giêsu,
Ngôi Lời giáng thế. Đức Giêsu là Thiên Chúa. Người mang trong mình một trái tim
nhân loại. Trái tim của Chúa Giêsu đã rung cảm trước nỗi đau của con người, khi
đối diện với bệnh tật, đau khổ và sự chết. Người đã “chạnh lòng thương” và đem
lại cho con người niềm vui, ơn chữa lành và tha thứ. Nhờ việc Thiên Chúa mang
trái tim nhân loại mà con người thấp hèn có thể gặp gỡ Đấng tối cao để tâm sự
với Ngài. Đức Giêsu còn giới thiệu cho nhân loại biết rằng Thiên Chúa là Cha.
Ngài cũng có một trái tim, vì Ngài là tình yêu. Nơi tình yêu của Ngài, không ai
bị loại trừ hay phân biệt, vì Ngài làm cho mặt trời mọc lên nơi người công
chính cũng như kẻ bất lương (x. Mt 5,45). Có biết bao phép lạ Đức Giêsu đã làm
để minh chứng cho tình yêu diệu kỳ của Thiên Chúa. Bằng chứng lớn lao nhất cho
tình yêu của Thiên Chúa là cuộc tử nạn của Người trên thập giá. Thập giá là lời
tôn vinh quyền năng cao cả và tình thương vô biên của Thiên Chúa. Thập giá cũng
biểu lộ vinh quang ngàn đời của Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo và Cứu độ thế gian.
Khi chứng tỏ cho con người thấy tình thương vô biên của
Thiên Chúa, Đức Giêsu mời gọi con người hãy thương yêu nhau. Thương yêu là cốt
lõi của giáo huấn Tin Mừng, là bổn phận chính yếu của các tín hữu. “Yêu thương
là chu toàn Lề Luật ” (Rm 13,8-10). Không ai có thể tuyên xưng đức tin vào Chúa
Giêsu mà lại sống ngược với giới răn tình yêu. Không ai có thể nhận mình là môn
đệ của Chúa mà vẫn sống trong hận thù. “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12). Tình yêu do Đức
Giêsu đề nghị mang một chiều kích bao la, đến mức dành cho cả kẻ thù: “Thầy bảo
anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Đức Giêsu là mẫu mực cho việc thực thi đức yêu thương, để rồi khi chúng ta bắt
chước Chúa, là chúng ta nhân rộng những nghĩa cử của Người trên khắp trần gian,
cho đến tận cùng thế giới.
2- Trái tim Thiên Chúa nhân hậu và bao dung
Thiên Chúa cũng là Đấng bao dung tha thứ đối với những ai
thành tâm trở lại cùng Ngài. Lịch sử cứu độ là một chuỗi những sa ngã phạm tội
của dân Ít-ra-en, đồng thời cũng ghi lại lòng nhân từ của Chúa. Câu chuyện vua
Đa-vít là bằng chứng của lòng bao dung nhân từ của Chúa. Ông đã phạm tội, nhưng
cũng đã sám hối. Lòng sám hối của ông đã làm nguôi cơn giận của Chúa và Ngài đã
thứ tha. Hình ảnh người cha nhân hậu được Đức Giêsu diễn tả trong Tin Mừng Thánh
Luca chương 15 cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người đến mức nào. Ngài tôn
trọng tự do của con người. Ngài sẵn sàng đón nhận những ai thành tâm sám hối
trở về và cho họ được phục hồi phẩm giá của người con trong mối tương quan với
Chúa. Người cha nhân hậu đó chính là Thiên Chúa. Ngài có trái tim không ngủ
yên, khi thấy con người sống trong tội lỗi. Ngài mong chờ họ trở về với chính
lộ để được chia sẻ hạnh phúc và vinh quang của Ngài. Đức Giêsu đến trần gian để
tìm kiếm con người lầm lạc, đưa họ về với Chúa. Người giống như người chăn
chiên, tận tâm kiên nhẫn đi tìm con chiên lạc, vác lên vai, đưa về với đàn
chiên.
“Hãy tha thứ!”, đó là một trong những nét nhấn quan trọng
trong lời giảng dạy của Đức Giêsu. Thế giới hôm nay có nguy cơ hủy diệt lẫn nhau
vì thiếu lòng bao dung tha thứ. Theo Chúa Giêsu, sự tha thứ không được đong đếm
bằng số lượng, nhưng phải tha thứ hết lòng (x. Mt 18,21-22). Phải tha thứ luôn
luôn, một cách bao dung, quảng đại. Nền tảng của lời mời gọi tha thứ là vì mỗi
người chúng ta đều bất toàn và vì chính Chúa đã tha thứ cho chúng ta: “Như Chúa
đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự,
anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện” (Cl
3,13-14). Trên thập giá, Chúa đã cầu nguyện cho những người làm hại mình. Người
đã làm gương cho chúng ta về sự tha thứ. Chính sự tha thứ sẽ đem lại cho chúng
ta niềm vui tràn đầy và tâm hồn bình an.
3- Trái tim Thiên Chúa trao ban hạnh phúc cho con người
Tình yêu đích thực là mong muốn cho người khác được hạnh
phúc. Khi dấn thân phục vụ, chúng ta tìm được niềm vui. Khi cho đi chính bản
thân mình, chúng ta cảm nghiệm được hạnh phúc dồi dào. Từ thuở ban đầu của lịch
sử, Thiên Chúa tạo dựng con người để chia sẻ cho họ vinh quang của Ngài. Hành
động sáng tạo chính là sự chia sẻ kỳ diệu ấy. Một tác giả đã viết: Giống như
nước thủy triều, rút xuống nhường chỗ cho đất khô, Thiên Chúa sáng tạo như thu
mình lại để nhường chỗ cho con người và tạo vật được hiện hữu.Thật thế, công
trình sáng tạo cho thấy một Thiên Chúa yêu thương, muốn cho con người được hạnh
phúc và chia sẻ vinh quang của Ngài.
Đức Giêsu đến trần gian để phục vụ con người. Mầu nhiệm nhập
thể là sự “tự hủy mình ra hư không” để nên giống con người trong mọi sự, ngoại
trừ tội lỗi. Các môn đệ và những người đương thời đã hết sức ngạc nhiên, khi
thấy Đức Giêsu mạc khải một quan niệm mới về Đấng Thiên Sai, không giống như
quan niệm của họ: ‘Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là
để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Phêrô đã can
ngăn Chúa, vì ông không thể chấp nhận một quan niệm Thiên sai như vậy. Điều này
khiến ông trả giá qua lời khiển trách của Chúa, như thể đó là ý muốn của Satan.
Khi chiêm ngưỡng thập giá, chúng ta thấy sứ mạng dấn thân phục vụ của Đức Giêsu
được thể hiện cách rõ ràng: Đức Giêsu đã tự nguyện nộp mình chịu khổ hình vì
chúng ta. Người chấp nhận chết để cho chúng ta được sống. Người chịu lăng mạ để
cho chúng ta được tôn vinh.
Trên thập giá, Đức Giêsu đã thốt lên: “Ta khát” (Ga 19,28).
Cơn khát của Đức Giêsu không chỉ là cơn khát thể lý, mà Người khao khát đem cho
con người tình yêu của Chúa Cha. Ngài cũng mong cho con người học bài học nơi
thập giá để biết hy sinh cho nhau. Vì thế, trải dài cho đến tận cùng thời gian,
cơn khát của Đức Giêsu vẫn thôi thúc chúng ta phải làm gì để mưu cầu hạnh phúc
cho tha nhân. Mẹ Têrêsa Calcutta, người sáng lập Dòng Thừa sai Bác ái đã đặt
thành mục tiêu ưu tiên của dòng mình là dấn thân vì phần rồi các linh hồn, “đáp
ứng cơn khát của Chúa Giêsu trên thập giá”. Người tín hữu được mời gọi chia sẻ
cơn khát của Đức Giêsu bằng việc thao thức đem Tin Mừng cho anh chị em đồng
loại. Loan báo Tin Mừng đối với chúng ta không chỉ là một việc làm thêm có tính
tình nguyện, nhưng đó còn là một bổn phận gắn liền với đời sống Kitô hữu: “Khốn
cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).
Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho trái tim chúng con trở nên giống
như trái tim Chúa. Nên thánh đối với chúng ta chính là mang trong mình một trái
tim của Chúa, một trái tim không ngủ yên trước nỗi đau của đồng loại. Khi có
một “trái tim không ngủ yên”, chúng ta sẽ luôn thao thức để trở thành hoàn
thiện, đồng thời giúp cho anh chị em mình gặp gỡ Thiên Chúa tình yêu.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: WHĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét