Có một người kể rằng: Ngày xưa, trong nhóm bạn của tôi có
một anh bạn yêu thầm một cô trong nhóm. Chúng tôi ủng hộ tinh thần cho anh
chàng thổ lộ. Nhưng …cô bạn từ chối.
May sao tình bạn vẫn được duy trì. Nhưng tình yêu đơn phương
của anh bạn cũng vậy. Anh nói "không cần em đáp lại, nhưng đừng cấm anh
tiếp tục yêu”. Thì không cấm, bởi tình yêu ai mà cấm được. Tình yêu là điều
không thể lên kế hoạch. Người ta đâu thể yêu chỉ vì được yêu, và cũng khó mà
hết yêu ngay chỉ vì bị từ chối.
Nhóm bạn của tôi vẫn thân thiết êm đềm với nhau cho đến khi
cô bạn có ý trung nhân. Lúc đó cô mới…phiền lòng, vì cô luôn thấy tồn tại rất
gần, quanh quẩn bên cuộc sống của mình một anh chàng trồng cây si trong bóng
tối. Mặc dù khi gặp cô anh luôn vui vẻ chân thành "chúc em hạnh phúc”
nhưng thỉnh thoảng vẫn thổ lộ tâm sự với người này người nọ. Tất nhiên đến tai
cô. Điều đó khiến cô cảm thấy như một phần trái tim mình bị cầm tù ngoài ý
muốn.
Chúng tôi đột nhiên bị chia làm hai phe. Một phe nói rằng
tình yêu phải xuất phát từ hai phía, nếu anh bạn kia thực sự vì cô thì hãy quên
cô đi mà tìm người khác. Chứ nếu cứ yêu …đơn phương như vậy hoài thì không phải
thủy chung mà là ngoan cố. Một phe bênh anh chàng, bảo rằng "Người ta chỉ
yêu thôi thì đâu có lỗi gì. Người ta đã chấp nhận "yêu chay”, không mong
nhận lại, không đòi hỏi, không làm phiền. Mắc mớ gì mà cấm.” Có người còn trích
dẫn Larmartine "yêu vì mong được yêu lại là con người, yêu chỉ để yêu là
thiên thần” và hùng hồn tuyên bố anh bạn tôi thuộc dạng…thiên thần!
Thiên Chúa yêu con người. Xem ra Người cũng không chờ hồi
đáp của con người. Ngài yêu và yêu thế thôi, vì bản tính Ngài là tình yêu. Cho
dù con người có mải mê chạy theo những ham muốn của ảo ảnh phù vân, Ngài vẫn
yêu và chờ đợi. Cho dù con người có bỏ rơi Ngài, lạnh lùng với Ngài, lẩn tránh
Ngài, Ngài vẫn kiên nhẫn bày tỏ tình yêu của mình cho con người. Ngài vẫn gửi
thông điệp tình yêu đến cho con người, dù biết rằng bị từ chối, dù biết rằng
con người chưa thể quay về với Ngài, nhưng Ngài vẫn yêu và yêu cho đến cùng, vì tình yêu của Ngài là tình
yêu của thần linh, yêu mà không chờ nhận lại.
Tình yêu của Thiên Chúa còn thể hiện một cách mãnh liệt qua
cái chết làm dấu chỉ cho tình yêu. “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu
dám chết cho người mình yêu”. Thế mà, Ngài đã yêu và đi vào cái chết để đền tội
thay cho người mình yêu. Ngài muốn dùng cái chết để chuộc lại lỗi lầm cho người
mình yêu. Ngài muốn chết để đảm bảo sự sống trường sinh cho người mình yêu.
Ngài muốn thông qua cái chết để gửi thông điệp yêu thương đến cùng dành cho con
người.
Thế nhưng, con người như một người tình nhẹ dạ. Một người
tình dễ bị cám dỗ bởi danh lợi thú nên dễ xa rời tình Người. Con người khi say
mê những danh lợi thú mà không hiểu hết những cạm bẫy sự chết đang chờ mình. Con người chỉ biết
lao vào của cải phù vân mà quên đi tình yêu nhiệm màu với Đấng tạo dựng nên
mình trong tình yêu. Con người vẫn dửng dưng, phụ bạc lại tình Ngài yêu thương.
Trong Mùa Phục Sinh, Giáo hội mời gọi các tín hữu hãy lặng
thinh trước cái chết vì yêu của Thiên Chúa. Hãy chiêm ngắm, hãy tưởng niệm, về
cái chết cao quý mà Thiên Chúa đã dành cho con người. Con người chính là người
tình của Thiên Chúa. Chúa yêu con người. Chúa đeo đuổi con người. Chúa đi cho
đến cùng của tình yêu là dùng cái chết để mang lại sự sống trường sinh cho con
người. Đây quả thực là một tình yêu cao sâu nhiệm màu. Chỉ có tình yêu Thiên
Chúa mới hoàn hảo, cao quý như vậy. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới dám cho đi
mà không mong nhận lãnh. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới vô vị lợi và quảng đại
bao dung.
Xin cho chúng ta đừng phụ bạc ân tình của Chúa. Xin cho
chúng ta biết can đảm rũ bỏ những ảo ảnh phù vân để quay trở về với Chúa. Xin
cho chúng ta luôn biết mở rộng lòng đón nhận tình yêu cao sâu của Chúa. Và xin
cho tình yêu của Chúa dẫn chúng ta vào cửa sự sống đời đời khi biết nương tựa
tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét