Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Nghèo khó, cánh cửa dẫn đến tự do



Được nuôi dưỡng bởi các Bí tích cũng như được đào tạo bởi việc cầu nguyện và giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta không cần phải tìm kiếm điều gì khác ngoài vị trí đặc thù theo ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Hội Thánh. Một khi tìm được vị trí đó, cuộc sống cũng như việc cầu nguyện của chúng ta lập tức trở nên cực kỳ đơn giản

Tiếp đến, chúng ta sẽ khám phá ý nghĩa của một đời sống thiêng liêng đích thực. Đó không phải là vấn đề làm việc này tốt hơn việc kia, sống nơi này tốt hơn là sống nơi kia, cầu nguyện cách này tốt hơn cầu nguyện cách khác.
 
Đó cũng không phải là vấn đề của bất cứ hiệu quả tâm lý đặc biệt nào trong chính tâm hồn chúng ta. Nhưng đó chính là sự lặng thinh của toàn thể con người chúng ta trong tâm tình ăn năn và thờ phượng trước Thiên Chúa đang khi thường xuyên nhận biết Ngài là mọi sự và chúng ta là hư không. Ngài là Trung Tâm mà mọi thọ tạo đang quy về, là Đấng mà mọi hoạt động của chúng ta phải hướng đến. Đời sống và sức mạnh của chúng ta bắt nguồn từ Ngài, chúng ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào Ngài cả khi sống lẫn khi chết, dòng đời chúng ta được Ngài biết trước và không trệch ra ngoài kế hoạch Quan Phòng khôn ngoan và nhân từ của Ngài. Quả là vô lý khi chúng ta sống cho mình và vì mình như thể không có Ngài. Mọi kế hoạch và tham vọng thiêng liêng của chúng ta đều trở nên vô dụng nếu không xuất phát từ Ngài và kết thúc trong Ngài, và rằng, cuối cùng, điều quan trọng duy nhất là vinh quang của Ngài.

Chúng ta sẽ làm phương hại đời sống cầu nguyện của mình nếu cứ mãi xét xem nó cũng như tìm kiếm hoa trái từ đó trong một sự bình an vốn không gì khác hơn là một quá trình tâm lý. Điều duy nhất đáng tìm kiếm trong việc cầu nguyện chiêm ngắm chính là Thiên Chúa; và chúng ta tìm được Ngài khi nhận ra rằng, không thể tìm kiếm Ngài trừ phi Ngài tỏ mình cho chúng ta, vậy mà cùng lúc ấy, Ngài sẽ không thôi thúc chúng ta tìm kiếm Ngài trừ phi chúng ta đã tìm được Ngài.

Càng bằng lòng với sự túng thiếu của mình, chúng ta càng gần Thiên Chúa hơn, vì bấy giờ, chúng ta chấp nhận sự túng quẫn trong bình an, không mong đợi gì từ chính mình nhưng trông chờ mọi sự từ Ngài.

Nghèo khó là cánh cửa dẫn đến tự do, không phải bởi chúng ta bị giam hãm trong lo lắng và miễn cưỡng do sự nghèo túng tự nó kéo theo, nhưng vì khi không tìm thấy điều gì nơi mình vốn có thể trở nên nguồn hy vọng để rồi biết rằng,  chẳng có gì nơi bản thân mình đáng để bảo vệ cả. Cũng không có gì đặc biệt để quý chuộng. Vì thế, ra khỏi chính mình, chúng ta ở lại trong Thiên Chúa, và chỉ trong Ngài chúng ta mới có niềm hy vọng của mình.

Có một giai đoạn trong đời sống thiêng liêng, ở đó, chúng ta tìm thấy Thiên Chúa trong chính mình - sự hiện diện này là hiệu quả có được do tình yêu của Ngài. Đó là quà tặng Ngài dành cho chúng ta. Nó ở lại trong chúng ta. Mọi quà tặng của Thiên Chúa đều tốt lành, nhưng nếu chúng ta ở lại trong chúng, hơn là trong Ngài, chúng sẽ đánh mất tính tốt lành của chúng. Với quà tặng này cũng vậy.

Thời gian thích hợp đến, chúng ta chuyển sang những điều khác, và Thiên Chúa rút lại cảm giác hiện diện của Ngài hầu củng cố đức tin của chúng ta. Sau đó, quả là vô ích khi tìm kiếm Ngài ngang qua trung gian của bất kỳ hiệu quả tâm lý nào. Vô ích khi tìm kiếm bất kỳ cảm nhận nào về Ngài trong tâm hồn. Đã đến lúc phải ra khỏi chính mình, vượt trên chính mình và không còn tìm Ngài trong chúng ta nữa nhưng tìm Ngài bên ngoài và bên trên chúng ta. Trước tiên, chúng ta làm điều này bằng niềm tin khô khan của mình, bằng niềm cậy trông bùng cháy như những hòn than hồng dưới lớp tro tàn của sự túng quẫn. Chúng ta cũng tìm kiếm Ngài bởi lòng bác ái khiêm tốn trong việc phục vụ anh em. Rồi khi Thiên Chúa muốn, Ngài nâng chúng ta lên tận chính Ngài trong sự đơn sơ.

Đâu là lợi ích của việc nhìn nhận sự yếu hèn nơi chính mình nếu chúng ta không nài xin Thiên Chúa quyền năng nâng đỡ? Đâu là giá trị của việc nhìn nhận sự nghèo túng nơi bản thân nếu chúng ta không bao giờ vận dụng nó để nài xin lòng thương xót của Ngài? Quả thật tồi tệ để tự mãn trong ý nghĩ rằng, chúng ta đạo đức; nhưng sẽ tồi tệ hơn khi chúng ta ở lì trong sự trì trệ dẫu đã ý thức đầy đủ những yếu đuối và tội lỗi của mình.

Giá trị của yếu đuối và nghèo khó ở chỗ, khi chúng là mảnh đất trong đó Thiên Chúa gieo vãi hạt giống khát vọng. Và không thành vấn đề xem chúng ta bị bỏ rơi làm sao, niềm khao khát liều lĩnh được yêu mến Ngài bất chấp sự khốn cùng tuyệt vọng của mình chính là dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa với lời hứa cứu độ chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét