Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016
Hành hương
Dẫn nhập
Nhờ toàn cầu hóa và sự tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, các quốc gia và con người ngày nay đã xích lại gần nhau hơn. Những rào cản về khoảng cách địa dư, ngôn ngữ, văn hóa dần được thu hẹp và xóa bỏ. Nhờ đó, con người có thể dễ dàng “xuất hành” tham quan nhiều địa điểm du lịch trong cũng như ngoài nước trong thời gian rất ngắn. Nhờ các tour du lịch mà phạm vi hiểu biết thực tế của con người ngày được mở rộng chứ không chỉ gói gọn trong một khu vực, một quốc gia. Một phân khúc của nghành công nghiệp không khói là loại hình du lịch tâm linh. Bài viết ngắn dưới đây, xin nêu lên một số vấn đề xoay quanh vấn đề du lịch tâm linh của người Kitô hữu.
1- Từ ngữ
Du lịch tâm linh - hành hương (pilgrimage- tiếng Anh, pèlerinage- tiếng Pháp) - là một từ được Việt hóa từ chữ “pelegrin” trong phương ngữ Provençal, có nguồn gốc từ chữ peregrinus trong tiếng Latin có nghĩa là nước ngoài, hải ngoại, được thành lập từ tiền tố per: xuyên qua và ager vùng đất, cánh đồng. Hành hương là hành trình của cá nhân hay cộng đoàn Kitô hữu về một nơi thánh ở cách xa một khoảng cách nào đó hay một nơi đã được thánh hiến. Các cuộc hành hương có căn bản và mục tiêu là yếu tố tâm linh và tôn giáo. Quả vậy, ngày nay với nhiều áp lực trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc, con người tìm đến hành hương như là giải pháp xả stress và thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Hành hương là sự kết hợp giữa tôn giáo và nhu cầu hiểu biết, tham quan, học hỏi thêm về con người và vùng đất nơi mình đến.
2- Mục đích
Ngay từ thời thượng trung cổ, người Kitô hữu có quan niệm những chuyến đi như thế là sự biểu lộ của sự hy vọng về một quê trời đích thực. Theo các sử gia công giáo thì vào Thế kỷ thứ 4 khi Constantinus I ban hành "Sắc lệnh Milanô" năm 313 bãi bỏ các hình phạt bách hại dã man Kitô hữu trên toàn đế quốc và công nhận Kitô giáo là quốc giáo, việc hành hương được “nở rộ”. Người Kitô hữu thường hành hương đến Giêrusalem viếng các nơi thánh và đến Rôma viếng mộ thánh Phêrô và thánh Phaolô (ad limina apostolorum ), mà ngày nay các Giám mục vẫn giữ truyền thống này; đi viếng các hầm mộ và các vương cung thánh đường. Cũng vậy, việc hành hương mộ Thánh Giacôbê ở Compostella (nước Tây Ban Nha) được tổ chức rất thường xuyên giữa thế kỷ IX và XVI và còn mãi đến nay. Các Kitô hữu ở Việt nam cũng tổ chức các cuộc hành hương đến Đức mẹ La Vang, Trà Kiệu, Tà Pao, Bãi Dâu, Hòn Chông, cha Diệp như là phương thế giúp nuôi dưỡng, củng cố và làm phong phú đời sống đạo.
Ban đầu, khách hành hương xem mục đích của những cuộc hành hương nhằm ăn năn đền bù những tội đặc biệt nặng. Vì thế, khi đi hành hương họ thường đi bộ để đền bù tội lỗi vì họ tin rằng nhờ “công nghiệp” của những hy sinh hãm mình ấy họ sẽ lập được đại công trước mặt Chúa, xóa bỏ tội lỗi, trở nên công chính và được hưởng phúc thiên đàng (x.Youcat, số 276); nhưng ngày nay thì quan niệm lệch lạc này dần được “thanh tẩy” khi các Kitô hữu đã ý thức được ý nghĩa đích thực của việc hành hương là giúp cho họ kiếm tìm được sự bình an trong tâm hồn và có thể lấy được sức mạnh từ những nơi thánh. Ngoài ra, những chuyến hành hương ấy giúp họ củng cố lòng đạo đức; tìm được sự nâng đỡ tinh thần hoặc có thể là bước ngoặt giúp thay đổi cuộc sống vì được gặp Chúa, hiện diện trước Ngài, tôn kính thờ lạy và mở tấm lòng ra với Chúa để được biến đổi…
3- Người Việt Nam và hành hương
Cách chung người Việt sống nặng về tình cảm nên có những cảm thức tâm tình rất đặc biệt với các hoạt động tâm linh. Ngay từ khi đạo Chúa được các thừa sai truyền đến nước Việt, nắm được tâm lý thích lễ hội và ca hát của người Việt, nên các thừa sai và những mục tử bản xứ cũng có những cách thích nghi để truyền tải giáo lý, đức tin phù hợp với tâm tính và văn hóa Việt; sáng tác những bài giáo lý, kinh thường đọc theo cung giọng của các bài hát bình dân, truyền thống, những lễ hội. Đây là cách thích nghi và hội nhập văn hóa rất tốt và rất sâu. Đó là những hình thức của lòng đạo đức bình dân, đặc biệt người Việt rất “nhiệt tình” tổ chức các cuộc hành hương về các trung tâm kính Đức Mẹ, các vị thánh, hay cả ở đất thánh tại Israel.
Thật vậy, cuộc sống thường nhật với những bon chen, vội vã khiến con người cảm thấy nặng nề, nhiều người đã đến với hành hương như một phương thế thoát ra những bó buộc ấy, để tìm về với chính mình, nhìn lại bản thân và kết nối với Thiên Chúa và họ đã tìm được sự bình an sâu lắng trong tâm hồn. Tuy nhiên, bên cạnh những điều tốt đẹp lãnh nhận từ những cuộc hành hương ấy, nhiều người Kitô hữu có những ngộ nhận về việc hành hương.
Người Kitô hữu có thể rơi vào những lệch lạc mà không ý thức được như: mê tín, thể hiện niềm tin cách thái quá, có phần lệch lạc như vuốt ảnh tượng Chúa, các thánh và thoa lên chỗ đau cần chữa trị trên cơ thể, nên không lạ gì khi các bức tượng ở các trung tâm hành hương hay bị “tróc nước sơn”; hay phàm tục hóa, thương mại hóa các cuộc hành (đứng ra tổ chức thành các nhóm, để thu lợi mà không nhắm đến ý nghĩa đích thực của hành hương). Hơn thế nữa, nhiều người còn mang tâm lý “trả giá, thử nghiệm”- đi thử xem sao nếu xin được ơn thì đi tiếp, nếu không thì thôi! Hay bị tác động bởi tâm lý đám đông theo kiểu “Tấp tễnh người đi tớ cũng đi (Trần Tế Xương, Đi Thi). Những lệch lạc đó làm mất đi ý nghĩa thánh thiêng và tôn giáo; mang tính hình thức giả tạo chứ không đi vào ý nghĩa đích thực. Thế nên, cần xét lại xem đâu là động lực chính cho cuộc hành hương của chúng ta. Động lực tình yêu hay lợi nhuận? Làm phong phú đời sống thiêng liêng qua những cảm nhận có được từ hành hương hay nhu cầu du lịch đơn thuần? Để điều chỉnh cần phải thanh luyện để có một nếp suy nghĩ mới, nếp sống mới, nhờ đó thực sự gặp gỡ được chính Đức Kitô qua những lần hành hương và không chỉ dừng lại ở đó, nhưng phải để cho tinh thần của cuộc gặp gỡ và cảm nghiệm ấy kéo dài trong cuộc sống thường nhật.
Ngoài ra, không ít Kitô hữu “quên” mất điều quan trọng này: mỗi người Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh cũng đang là những người đang lữ hành tiến về thành Giêrusalem trên trời; một cuộc hành hương tối hậu về vương quốc trường cửu của Thiên Chúa. Quả vậy, không ai được thờ ơ với cuộc hành hương này vì hiện nay chúng ta là khách lữ hành đang trên đường tiến về quê hương đích thực trên trời. Vì vậy, cần phải điều chỉnh và thanh luyện những ngộ nhận này để hướng người Kitô hữu đến việc trưởng thành hơn trong việc hiểu và sống đức tin (x. Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Catechesis Tradendae, số 54)
4- Những điều chỉnh
Theo người viết, trước hết cần xác tín chính Chúa Giêsu cùng đích duy nhất mà con người phải hành hương và vẫn khuyến khích các cuộc hành hương tôn giáo. Thật ra, cũng có nhiều ý kiến muốn “tẩy chay” việc hành hương tôn giáo, tâm linh. Những người ủng hộ chủ trương này lý giải rằng: Ở đâu mà chẳng có Chúa, Chúa ở khắp mọi nơi mà. Quan điểm này chưa hoàn toàn xác đáng và thuyết phục. Những nơi gắn liền với những sự kiện trong Kinh Thánh, hay những cuộc “hiện ra” được nhìn nhận sẽ là những nơi dễ dàng khơi lên trong lòng những khách hành hương những tâm tình tôn giáo và lòng đạo đức cách mãnh liệt. Ông bà ta có câu: trăm nghe không bằng một thấy mà! Nhưng điều quan trọng là cần phải kết hợp việc hành hương tâm linh và hướng đến đi vào chiều sâu linh thánh để có được những cảm thức đức tin tốt hơn và ý thức đúng đắn về cuộc lữ hành tiến về thiên quốc. Đó chính là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho bước chân chúng ta dù cuộc lữ hành tối hậu đầy những gian lao và thách thức phải vượt qua. Tại sao? Xin thưa, nhờ sự kết hợp này sẽ giúp chúng ta có những tâm tình, thái độ đúng đắn hơn vì theo cách nói triết học thì có hình thức sẽ dễ đi vào nội dung hơn. Qua những cuộc hành hương theo kiểu tâm linh người tín hữu sẽ có cơ hội nhận ra rằng không phải những cuộc hành hương ấy là cùng đích, nhưng chỉ là phương tiện giúp chúng ta thờ phượng Chúa cách chân thật, là theo chân Đức Kitô, Đấng“là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).
Kết luận
Qua Bí tích Rửa tội, đời sống Kitô hữu được tháp nhập vào Hội Thánh, Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và được mời gọi bước theo Đức Kitô trên hành trình tiến về Giêrusalem trên trời. Một thái độ đúng đắn về những cuộc hành hương tôn giáo về những trung tâm hành hương sẽ giúp người Kitô hữu sống và diễn tả niềm tin cách phong phú để từ đó biết kết hợp tâm tình, cảm thức từ những chuyến hành hương, hầu có thể đón nhận dồi dào ơn sủng Chúa ban, dám can đảm từ bỏ con người cũ để Chúa biến đổi trở nên nhạy bén nhận ra thánh ý Chúa và thi hành. Hành hương là một cách thế sống những giá trị thiêng thánh ngay ở đời này, để hướng đến những thực tại trời cao. Đó chẳng phải là bàn đạp và điểm tựa vững chắc cho cuộc lữ hành về quê trời vĩnh cửu sao?
-Felicitas-
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét