Có người sánh ví cuộc đời giống như con tàu tốc hành. Nó luôn lao về phía trước, để lại đằng sau là những người thân cùng với những kỷ niệm vui buồn. Con tàu nào, dù hành trình dài hay ngắn cũng có lúc dừng lại ở một sân ga. Sân ga là đích điểm của hành trình. Người đi tàu đến sân ga thì phải xuống. Chẳng có ai đến sân ga mà lại nấn ná mãi trong toa. Sân ga cũng là điểm hẹn. Vợ đón chồng, cha mẹ đón con, ông bà đón cháu, bạn bè đón nhau. Cuộc gặp gỡ ở sân ga bao giờ cũng cảm động, vì đó thường là cuộc gặp lại sau những tháng ngày xa vắng, nhớ thương.
Con người khi sinh ra là khởi đầu một cuộc hành trình. Cuộc hành trình xa bao nhiêu rồi cũng có lúc dừng, cuộc sống con người trường thọ đến mấy rồi cũng đến hồi kết thúc, như con tàu dừng ở một sân ga, để hành khách xuống tàu gặp người thân đang chờ đợi. Thời điểm kết thúc cuộc đời được người ta gọi với nhiều danh từ khác nhau: an nghỉ, qua đời, chết, từ trần. Người theo Đạo Ông Bà thì nói chết là về với tiên tổ. Người tin Phật thì chết là về cõi niết bàn, người tin Chúa gọi khi chết là “về Nhà Cha trên trời”. Con người kết thúc cuộc đời trần thế, giống như hành khách xuống tàu ở sân ga để gặp người thân của mình.
Người tín hữu tin rằng khi nhắm mắt xuôi tay là về gặp Chúa. Đây là cuộc gặp gỡ mà họ đã chuẩn bị suốt một đời. Thực ra, cuộc gặp gỡ với Chúa đã khởi đầu khi con người được tái sinh nhờ bí tích Thanh Tẩy, vì nhờ bí tích này mà họ được ban ơn Đức Tin. Đức Tin chính là cuộc gặp gỡ thân tình, cá vị giữa người tín hữu với Chúa. Thế rồi, trong suốt cuộc đời dương thế, nhờ đời sống cầu nguyện và thực thi Lời Chúa, cuộc gặp gỡ ấy ngày càng thêm mặn nồng, thân thiết, đến nỗi Chúa với người tín hữu trở nên một, “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Cuộc gặp gỡ với Chúa sau khi kết thúc cuộc đời trần gian chính là hạnh phúc thiên đàng. Hạnh phúc này không phải là một điều gì trên trời đột ngột rơi xuống, trúng vào ai người đó hưởng, nhưng đó là kết quả của một cuộc sống tốt lành, mến Chúa yêu người. Đây là cuộc gặp gỡ trong tình Cha con thân thiết. Trong quan niệm thông thường, nhiều khi chúng ta quá chú trọng đến sự căng thẳng của ngày phán xét, mà quên đi hình ảnh của Thiên Chúa được diễn tả như người cha nhân hậu, luôn chờ đợi và mong con trở về, mặc dù người con ấy còn nhiều tội lỗi.
Khi kết thúc cuộc đời, chúng ta còn được gặp lại những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta. Chúng ta gọi họ là “các thánh” vì họ đang hưởng vinh quang Thiên Chúa. Trong hành trình cuộc đời, chúng ta có sự hiệp thông và đồng hành thiêng liêng của họ. Họ cũng đang chờ đợi chúng ta, để cùng với chúng ta tôn vinh Chúa. Lời chúc tụng của chúng ta được hòa vào bản trường ca vô tận của các thiên thần và các thánh nam nữ.
Hành trình nào cũng có một đích điểm, con tàu nào cũng có một sân ga. Xác định điều đó, chúng ta sẽ nhìn đời lạc quan hơn. Chúng ta sẽ cố gắng nhiều hơn vì biết rằng những đau khổ sẽ qua, tốt xấu ở đời sẽ được phân xử. Đức Tin còn nhắc bảo chúng ta, có Chúa đang cùng đi với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Ngài đồng hành với chúng ta một cách thiêng liêng vô hình, và Ngài sẽ xuất hiện hữu hình khi chúng ta đến đích, kết thúc chuyến-đi-cuộc-đời.
Sân ga là bến đợi những người trở về, cũng là nơi tiễn những người đi xa. Hằng ngày, sân ga chứng kiến biết bao nước mắt. Đó là những giọt lệ buồn khi tiễn người thân, nhưng cũng là những giọt nước mắt hân hoan khi đón người đi xa trở về. Một người nằm xuống là đến sân ga bến đợi. Những người ở lại khóc thương đưa tiễn người ra đi. Nhưng, nếu biết chắc người thân của chúng ta vừa ra đi sẽ được đón tiếp nồng hậu ở đích điểm cuộc hành trình, thì cớ sao lại bi quan chán nản? Vẫn biết rằng, chết chóc ra đi là ly biệt, xuôi tay nhắm mắt là đau thương. Nhưng nhờ Đức Tin vào sự sống bên kia cõi chết, người ở lại sẽ bớt đau buồn vì hy vọng sẽ có ngày gặp lại người thân vừa nằm xuống. Màu tím của lễ phục cầu hồn diễn tả niềm hy vọng của người tín hữu khi tiễn đưa một người thân, như lời hẹn sẽ tái ngộ.
Sân ga vừa là điểm kết thúc một chuyến đi, cũng là điểm khởi đầu một hành trình mới, tức là hành trình vĩnh cửu. Khi nhắm mắt xuôi tay, ta kết thúc cuộc đời dương thế, đồng thời bắt đầu một cuộc sống mới. Chết không phải là hết, mà là bắt đầu sống. Chết còn là “sinh thì”, tức là giờ phút sinh ra để sống mãi mãi, “chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”. Thân xác con người được vùi trong lòng đất, không phải để an nghỉ ngàn thu, nhưng như hạt giống gieo xuống sẽ nảy mầm để mọc lên một cây mới, xanh tươi kết trái dồi dào.
Mỗi chúng ta đang đi trên chuyến tàu cuộc đời, và sớm hay muộn cũng có ngày dừng lại ở bến đỗ. Ý thức điều này, mỗi người được mời gọi chuẩn bị sẵn sàng, để lúc con tàu vào sân ga, chúng ta được gặp Chúa trong tâm trạng vui mừng thánh thiện. Nếu người hành khách biết rõ thời điểm nào mình sẽ tới sân ga, thì mỗi chúng ta lại không biết ngày nào giờ nào Chúa đến gọi mình. Chúa Giêsu đã nói về việc Người sẽ đến “giống như kẻ trộm”. Lúc người ta không ngờ, thì Chúa đến. Chính vì thế, tôi phải sống tốt ngày hôm nay, vì biết đâu đó là ngày cuối trong đời. Tôi phải tranh thủ làm tròn bổn phận mỗi ngày, vì biết đâu ngày mai tôi chẳng còn hiện hữu trên đời. Tôi phải sống thân thiện với những người xung quanh vì biết đâu ngày mai tôi không còn gặp lại họ nữa. Mỗi ngày sống là một cơ hội mà tôi phải nắm lấy để sống tốt với mọi người. Tâm niệm điều ấy, “hôm nay, tôi phải sống tốt hơn hôm qua, và ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay”.
Lạy Chúa! chúng con tin rằng Chúa đang đợi chúng con ở cuối đường đời. Xin ban thêm nghị lực cho chúng con, để chúng con can đảm vượt lên mọi chông gai thử thách, trung thành theo Chúa đến cùng, vì Chúa là gia nghiệp và là hạnh phúc của chúng con. Amen.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét