Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Tháng Sáu - Tháng Kính THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Bổn mạng Nhà Thờ Thánh Tâm-Giáo xứ Tân Thạnh
Thánh tâm Chúa Giêsu
Bao la niềm thương xót
Cho lòng con yêu mãi
Kính Chúa mến tha nhân
Xin Chúa thương ân cần
Ban ơn cho xứ đạo
Dẫu bao nguy gian khó
Luôn chạy đến cùng người
Thánh tâm Chúa Giêsu
Trái tim của tình yêu.
-adgs-

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

KHÔNG HỐI TIẾC

GIẢI VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG Mã số 13-004
“ Ủa, ông thầy hồi trước đi tu ngoài Huế mà, phải hôn?”. Cái gật đầu của chú làm mấy người giật nẩy, có người còn la lên: “Trời đất ơi, sao vậy nè?”. Chú chỉ cười, cười để tránh trả lời những câu hỏi khó, như hồi bữa đang lui cui vo gạo dưới bếp, vợ chú nhìn da diết tấm lưng chồng, hỏi: “Tâm xuất tu để lấy em, Tâm có hối hận không ?”…
Má nhìn ra bầu trời đục ngầu, thở dài nói, không biết mùa mưa năm nay kéo dài bao lâu. Tôi nao lòng chờ đợi cơn mưa đầu mùa. Lâu lắm tôi chưa được thấy mưa ở thôn quê, ở nhà mình. Nghe mưa rào rạt ở xa, rồi mưa thả từng tiếng lách tách trên mái tôn, rồi mưa ào ào chảy thành từng dòng xuống, mưa lặng lẽ đi vào lòng đất. Trong tiếng mưa rền rĩ dội xuống mái tôn, tôi nghe tiếng chuông leng keng của người bán kem. Tiếng chuông nhỏ dần theo độ lớn của hạt mưa một lúc rồi ngưng bặt. Má nhìn người đàn ông với chiếc xe kem buồn teo, cái chuông không buồn lắc, khẽ chép miệng “Ngày trước ổng là thầy tu”. Câu nói của má đội nón đi ra cái quán xiêu té trước nhà. Cái quán bỏ không đó vẫn làm chổ trú mưa núp nắng cho những người qua đường. Chiều nay quán nhỏ đón người bán kem. Người bán kem day cái lưng buồn tênh về phía tôi, đôi mắt chắc đang ngắm bầu trời đầy nước. Mưa đầu mùa vẫn chưa thấm chưa lạnh, phải đến lúc dầm dề mới buốt cắt da thịt người. Tôi giấu những ý nghĩ mông lung trong lòng, không biết chiều nay số kem đó ra làm sao, không biết ông bán kem làm gì khi mưa vô mùa day diết?

Ba má tôi (cũng như nhiều người khác ở cái vùng quê còn nhiều hủ tục này) không mấy thiện cảm với người xuất tu. Có lẽ trong mắt mọi người, họ phải mang một gánh nặng vô hình, một món nợ không thể trả. Má tôi còn mạnh miệng “Ăn cơm của Chúa mà còn hai lòng…”. Tôi dằn đôi đũa xuống chén cơm, thấy nghẹn ngào dâng lên đầy ứ trong cổ họng. Người đời thích lên án nhau, còn Chúa nào có lên án ai. Chúa chỉ có yêu thương và tha thứ.
Vợ chồng chú Tâm mới dọn về đây. Hai vợ chồng ở trong căn nhà cũ, rách nát ở cuối xóm. Chú mới về hôm trước, hôm sau xách giỏ đi chợ đã có người nhìn mặt thảng thốt hỏi “Ủa, ông thầy hồi trước đi tu ngoài Huế mà, phải hôn?”. Cái gật đầu của chú làm mấy người giật nẩy, có người còn la lên: “Trời đất ơi, sao vậy nè?”. Chú chỉ cười, cười để tránh trả lời những câu hỏi khó, như hồi bữa đang lui cui vo gạo dưới bếp, vợ chú nhìn da diết tấm lưng chồng, hỏi: “Tâm xuất tu để lấy em, Tâm có hối hận không?”…
Trời mưa kéo dài ngày này qua ngày khác. Ban sáng còn ửng mấy chùm nắng, chiều đến trời kéo đầy những đám mây thâm u. Tôi lững thững lội nước đi về cuối xóm. Tôi có ý ghé thăm vợ chồng chú một lúc trước khi ra lại chủng viện, nhưng rồi lại nghĩ, có phải mình đang vô ý khơi lại vết thương đã lành (hay chưa lành, tôi cũng không biết). Hoặc không có vết thương nào hết, vì đó là một lựa chọn không làm chú hối tiếc. “Chú không hối hận vì đã xuất tu”. Chú trả lời, mặc dù tôi không hỏi, mà có thể ánh mắt tôi, thái độ của tôi đã hỏi thay. Cuối cùng tôi cũng đã ngồi trên cái giường tre trước hiên nhà. Chú thấy tôi lấp ló ngoài hàng bông bụt đỏ, chú kêu vô chơi. Câu nói của chú nghe ấm áp vững vàng. Chú nói câu ấy còn giành cho vợ chú. Vợ chú bệnh quanh năm, gầy rạc dán mình trên chõng, đôi mắt sáng dịu dàng trên khuôn mặt dễ nhìn. Vợ chú cười nói: “Cố gắng nghen con, đừng như chú Tâm, khổ lắm”. Câu nói của thím bay về phía chú Tâm, chú quay lại cười.
Thỉnh thoảng tôi nhớ lại câu nói của chú tâm chiều hôm đó. Tôi định hỏi, sống khổ vậy mà không hối hận ư, nhưng một ý nghĩ khác xuất hiện trong đầu, ủa, vậy là mình đi tu vì sợ khổ sao?
Người đời (và đôi khi cả người trong cuộc) gắn cho họ cái mác “Dân tu xuất”. Mỗi lần nhắc đến họ thì đều nhắc đến cái sự “từng đi tu” của họ, mặc dù nay họ đã là ông nọ bà kia, hay cả đời chỉ là ông bán kem như chú Tâm. Ra đời, nếu thành đạt và hạnh phúc (điều này thật khó đo lường) thì thôi. Còn nếu gặp khó khăn đau khổ thì đành phải chịu miệng lưỡi thiên hạ. Nhiều khi đời đã quên, đời đã không còn nhắc gì tới, nhưng họ lại tự coi cuộc sống như một kiếp đọa đày. Bạn cũ của ba tôi nói “Cuộc sống cực hết chổ nói, nhưng phải sống để trả nợ, anh à”. Hai cha con tôi nhìn mãi chiếc xích lô cũ kĩ ọt ẹt chen lánh giữa lòng phố thị. Trên chiếc xe đó, có người đang vật lộn với cuộc sống để kiếm miếng cơm, để lo cho đàn con nheo nhóc. Người đó cũng từng đi tu.
Tôi gọi cho anh bạn, hỏi hồi bữa mới ra khỏi dòng tu anh thấy sao? Câu hỏi vô duyên vô chừng của tôi làm anh im lặng một lúc, chỉ nghe đầu dây tiếng nuốt nước bọt nhẹ trong cổ. Hồi lâu anh nói “Lúc xách đồ ra khỏi chủng viện, anh không thấy đường đi”. Tôi mường tượng ra con đường chênh chao trước mắt anh. Những hình ảnh tươi rói hiện về chập chờn trước mặt. Con đường nhòe nhoẹt hay nước mắt đã ngập tràn đôi mắt? Bước ra khỏi cánh cổng đó có thể đôi chân anh run rẩy muốn ngã quỵ. Anh sẽ mất nhiều cơ hội được gần gũi Chúa, được phục vụ Ngài. Anh sẽ không được vào căn phòng mà tối qua anh nằm ngủ, không được ngồi trên chiếc ghế ngáp ơi hời chờ hết tiết học … và không được nói “Dạ ,con đi tu”…
Chú Tâm nói hồi mới ra chú cực dữ lắm. Mẹ chú khóc ròng mấy tuần liền. Đi ra bếp, thấy mẹ ngồi trong bếp khóc. Đi qua cửa phòng, thấy mẹ nằm trong phòng khóc. Nghe ai nhắc đến cha nào đó, mẹ cũng khóc. Mẹ đau mẹ khóc, còn nỗi đau của chú lặn vào bên trong. Căn nhà buồn như có đám tang. Ba chú không thèm nhìn mặt chú. Còn gì đau khổ bằng khi sống trong nhà mà đã không còn là người trong nhà. Vết dao ba chú chém lên cột nhà như một lời thề vẫn chưa hao mòn “Nó mà ra khỏi nhà dòng thì không phải là con trong nhà này”. Ra ngõ mọi người xầm xì bàn tán, nói chú thế này thế kia. Đến nỗi vào nhà thờ mà lòng chú cũng không bình yên cầu nguyện. Có bữa khổ tâm quá chú cười hề hề, nói vài bữa con đẻ một bầy con, cho tụi nó đi tu hết. Câu nói chưa ra khỏi miệng đã nghe lòng xót xa.
Đứa con đầu lòng của chú mất khi mới sinh. Mẹ chú xách cái nón đi qua, ngó vô căn lều lụp xụp bên hè của vợ chồng chú xỉa xói “Đó, đã thấy sáng mắt ra chưa?”. Có lẽ vì câu nói này mà chú đem vợ đi khỏi quê, mỏi mòn tìm kiếm đến bạc nữa mái đầu mà vẫn chưa có thêm đứa con nào. Một hôm chú lưu lạc đến xóm tôi …
Hai năm sau tôi có dịp ghé thăm chú. Bữa đó nắng chiều hắt hết mái hiên mà trong nhà vẫn tối. Chú nắm còng queo trên chiếc chõng vợ chú từng nằm. Thấy tôi chú gượng ngồi dậy, đắp hờ chiếc áo ấm trên thân thể gầy guộc. Tôi nhìn chú mệt mỏi tiều tụy, như chú được đắp nên từ những nỗi đau. Bữa đó chú cũng nói câu mà tôi đã nghe cách đây hai năm “Chú không hối hận”.
Người đi tu rồi xuất cũng nhiều, nhưng không biết mấy ai dám nói như chú. Tôi không lý giải được, nhưng tôi tin lời chú nói.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Những việc nhỏ bé

Trong một xã hội, một cộng đoàn, mỗi người, khi đóng góp cho thiện ích chung, thì dù nhỏ bé đến đâu cũng chính là đang làm cho thế giới và cuộc sống tốt đẹp hơn lên so với tình trạng hiện tại của nó. Thánh Phaolô khuyên chúng ta :“Hãy luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (Tx 5, 15) Việc thiện, chúng ta không phải tìm đâu xa, nhưng là những gì rất cụ thể và bình thường ta làm hàng ngày : những tương quan, những lời nói, những bổn phận… Tất cả sẽ trở nên thánh thiện nếu ta làm với tất cả tấm lòng, với một tình yêu.
Cuộc đời ngắn ngủi ! Mỗi người chỉ sống một lần trên đời và mỗi người đều có 24 giờ một ngày để sống. Thật ra ai cũng muốn tận dụng hết cuộc sống mình để đạt được những kết quả tốt đẹp. Nhưng điều quan trọng là tìm ra bí quyết sống : đó là làm mọi việc với lòng yêu thương và trong tâm tình cầu nguyện. Dù cuộc sống ra sao, dù làm gì thì cũng với mục đích ấy. Đó là đường nên thánh đơn sơ nhỏ bé mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã mở màn cho chúng ta : “Con chăm chú đến những hành động nhỏ mọn và âm thầm. Vâng, con thích gấp những cái áo mưa mà chị em bỏ quên và tìm muôn vàn cơ hội để giúp chị em… Chúa không nhìn xem những việc con làm lớn chừng nào nhưng Ngài chỉ nhìn xem con có đặt vào đó một tình yêu”.
Sr Marie Rose Vũ Loan


Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Thực thi bác ái

Chúa Kitô không chỉ đồng cảm và thấu hiểu thân phận của con người mà còn làm gương sáng về đời sống yêu thương. Ngài mời gọi và trao cho ta phương tiện để thực thi lòng bác ái. Đó là của ăn, thức uống, quần áo, ngôn ngữ, thời gian... Điều quan trọng nhất vẫn là trái tim rộng mở của con người.

Trong cuốn “Con đường dẫn đến Tình Yêu”, Cha Anthony De Mello, S.J đã cho ta thấy phần thưởng tuyệt vời của việc bác ái. “Hãy đưa những người nghèo về đây” là tựa đề của một suy niệm hết sức thâm thúy về lợi ích của công việc bác ái. Ngài viết: “... bạn sẽ nhận thấy người hành khất (người nghèo) này đã đến nhà bạn với một món quà cho bạn – họ đã mở rộng trái tim của bạn ra trong niềm cảm thông và giải thoát tinh thần của bạnnơi trước kia bạn chịu ức chế, giờ đây bạn được món quà tự do để không còn tránh mặt một ai và có thể đi bất cứ nơi đâu...”. Đó là hiệu quả của việc bạn tiếp rước, đón nhận những những người nghèo khổ, bất hạnh với những cử chỉ giúp đỡ tốt đẹp.

Phải chăng làm việc bác ái khó đến vậy hay nó quá tẻ nhạt để phải bận tâm? Thiết nghĩ việc bác ái phải được đặt lên hàng đầu. Nó cần thiết vì chính Thiên Chúa, Đức Giêsu và Hội mời gọi. Hãy lấy Đức Giêsu làm mẫu mực để yêu thương phục vụ. Hãy tận dụng những gì chúng ta có như nước lã, thức ăn, áo quần, sự tiếp rước, sự thăm viếng... Chúng ta không thiếu phương tiện để thực thi bác ái, nhưng nhiều khi thiếu tấm lòng rộng rãi và trái tim quảng đại mà thôi.
-Hiên Sắc-


Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Lời kinh đêm con dâng

Lời kinh đêm con dâng lên Mẹ
Dâng tâm hồn với lòng cậy trông
Lời kinh đêm từng lời quen thuộc
Xin Mẹ hiền thương xót hoài nghe

Lời kinh đêm con dâng lên Mẹ
Dâng trái tim rất thánh Đức bà
Lời kinh đêm từng lời vang ca
Kính mừng Maria ơn phúc đầy tràn

Lời kinh đêm con dâng nhịp nhàng
Từng chuỗi hạt mai khôi trìu mến
Đây xứ đạo xin Mẹ thương đến
Cho chúng con nguyện ước bình an.

-adgs NNT-


Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Hoa

"Tình yêu là một đoá hoa. Sắc là dâng hiến, hương là hy sinh"
Lạy Chúa, con muốn được trở thành một đóa hoa dại của Chúa để con biết sống tinh thần nhỏ bé, đơn sơ. Xin cho con can đảm, dám chọn những việc bé nhỏ, hèn mọn mỗi ngày, nhờ đó con sẽ vui tươi phục vụ mọi người. Và mỗi khi con sống tự cao, sin cho con biết ngắm nhìn Chúa – mẫu gương về sự khiêm hạ.
-Maria Hoàng Yến-


Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Những ai phải hứng chịu những bất công do những lời nói xấu xa của người khác, thì “Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn không phải hổ ngươi bẽ mặt.” (Tv 34, 6). Hãy nhìn về Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng phải chịu biết bao lời sỉ nhục, nguyền rủa và vu khống của con người. Chúa còn như vậy nữa, huống chi chúng ta. Điều đó cho thấy sự tệ rạc của con người nhân loại chúng ta trong cách cư xử với nhau, nhưng rồi trên thập giá, Chúa vẫn nói lời yêu thương tha thứ.
Vì thế, khi phải chịu những nỗi đắng cay do lời nói người khác gây ra, thì chúng ta biết là Chúa đã chịu thay cho chúng ta và đang cùng chịu với chúng ta, để rồi khi phải nói, chúng ta cũng nói lời yêu thương tha thứ cho mọi người như Chúa đã nói. Nhưng cũng đừng quên rằng, bản thân ta vẫn luôn mỏng giòn và yếu đuối, nên có nhiều khi người khác phải chịu những lời thóa mạ của ta còn hơn là ta chịu vì họ. Vì thế, bù qua sớt lại cũng khó mà cân lượng.
Lạy Chúa, chỉ khi nào con biết dùng những lời nói chân thật, khiêm tốn và khoan dung để đem lại an vui thuận hòa, để yêu thương và tha thứ, để bênh vực và che chở, để quan tâm nâng đỡ và khích lệ, đồng thời dám để cho người khác trổi vượt hơn con thì tâm hồn con mới thực sự trong sáng và cao đẹp. Khi biết dùng những lời lẽ như thế con mới biết mình là người sống trong Chúa và Chúa sống trong con.
Xin cho con biết tha thiết sống hiệp nhất với Chúa và khao khát lắng nghe tiếng Chúa nói trong thâm tâm con, để ý Chúa muốn nói trở thành lời con nói, và đó chính là những lời nói gieo rắc mầm sống của ơn cứu độ mà Chúa muốn mời gọi con góp phần để xây dựng một trời mới đất mới mà Chúa đang kiến tạo cho nhân loại chúng con. Amen.
L.m. Thái Nguyên


Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016


Mẹ ơi xứ đạo con đây, nguyện xin dâng hiến Mẹ Từ Bi, xin Mẹ luôn đỡ nâng phù trì và thương dẩn dắt trên đường đi. 
Me Maria, xin thương đến xứ đạo con đây. Ban nguồn an bình, hiệp nhất yêu thương. Mẹ luôn thăm viếng giúp đỡ mãi xứ đạo con đây. Trong tình yêu Mẹ liên kết muôn tâm hồn. 
Mẹ thương kết hợp đoàn chiên, được luôn duy nhất với chủ chiên. Cho dù bao khó nguy trên đường. Ðồng tâm nhất trí trong tình thương.
-ns Văn Chi-Như Mai-adgs-


Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Tháng mấy

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi anh
Nắng vàng nhiều quá đậu trên cành
Giáo đường nghiêng bóng màu mắt hạ
Mây nhịp trôi về gió mỏng manh

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi anh
Hoa vàng phủ nhung lá biếc xanh
Ai có đi lễ ngày Chúa nhật
Để dâng nguyện ước lời chân thành

-NNT-