Một bóng mát bên đường luôn là hấp lực lôi kéo người khách bộ hành đang dong duổi giữa cái nắng chói chang trưa hè. Thế nhưng, chúng ta đã bao giờ tự hỏi, người khách bộ hành này có đến được nơi cần đến hay không, nếu như không dám từ bỏ bóng mát quyến rũ kia?
Thế mới biết, không ai có thể đi đến đích nếu không can đảm dứt bỏ những bóng mát bên đường. Như thế, mọi cố gắng để không phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, chỉ là ảo tưởng, và bước đường trải thảm, nơi nhiều người trẻ ngày nay mong muốn, thì không thực tế.
Điều thiết yếu đặt ra, là làm thế nào để sống và vượt qua thử thách, chứ không phải là làm sao để không có khó khăn.
Khi nhận ra điều này, mỗi người sẽ nuôi dưỡng cho bản thân sự can đảm và tinh thần vượt khó, để có thể kiến tạo cho tương lai một cuộc sống tốt hơn.
Thập Giá, dấu chỉ cho những gian nan phận người, thì các bạn tìm cách trách xa là điều phải lẽ rồi còn gì. Nhiều lần, tôi đã có suy nghĩ như thế, và có lẽ nhiều bạn trẻ cũng đồng quan điểm này. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra rằng người Kitô hữu không đón nhận đường Thập Giá Đức Giêsu đã đi, thì không còn là con cái Thiên Chúa nữa.
Thật vậy, người tín hữu, cách riêng những người trẻ Công giáo, không thể thực sự bước theo Đức Kitô nếu không đảm nhận con đường Thập Giá. Những gì gọi là đường tắt, sẽ không dẫn người Kitô hữu đến bến bờ hạnh phúc, bởi vì người môn đệ đích thực của Thầy Giêsu phải là người bước đi trên con đường Thập Giá và theo Thầy lên đỉnh đồi Canvê.
Những ai muốn tìm kiếm một “Thầy Giêsu không thập giá” thì rất có nguy cơ sẽ phải vác thập giá không có Chúa Giêsu. Thánh Giá có Thầy Giêsu cùng vác, cùng đồng hành, mà chúng ta còn ngại bước vào, thì thử hỏi thập giá chỉ riêng mình ta vác, sẽ gian nan biết chừng nào.
Thế nhưng, người trẻ hôm nay rất thường bị cám dỗ đi tìm một Giêsu không có Thánh Giá, đó là một Giêsu siêu sao, một Giêsu đáp ứng được những sở thích của bản thân. Họ mong muốn được lắng nghe Lời Chúa không chất vấn lương tâm, và đi theo một Đạo Công giáo dễ dãi, không ràng buộc. Nghĩa là họ theo đạo chỉ để tìm một sự an toàn nào đó sau khi không còn sống trên cõi đời này nữa.
Cứ theo lẽ này, chúng ta - rất có thể như thánh Phêrô ngày xưa- sẽ bị Chúa Giêsu khiển trách rằng: “Satan, hãy xéo đi khỏi mặt Ta!” (Mc 8,33). Tại sao vậy? Rất đơn giản, vì chúng ta đã không thực hiện công trình của Thiên Chúa, lại còn sống cho những dự định của bản thân.
Cũng cần biết rằng, Thập Giá không phải là điểm tới, nhưng là cánh cổng dẫn người Kitô hữu bước vào sự sống mới: ai đánh mất mạng sống mình thì sẽ tìm gặp lại sự sống, ai can đảm chết đi sẽ sống muôn đời... Và để cụ thể hóa con đường Thập Giá trong thời đại hôm nay, những người trẻ phải nhận ra rằng chúng ta được mời gọi để dấn thân cho cuộc đời này nhiều hơn nữa
Để cống hiến những khả năng của mình vì lợi ích xã hội, nhiều bạn trẻ ngày nay đã dấn thân hết mình cho những công việc của cộng đồng mà không đòi hỏi một quyền lợi nào cho bản thân. Họ sẵn sàng đón nhận những thua thiệt về mình chỉ vì muốn đem lại hạnh phúc cho người khác.
Người ngoài nhìn vào, không thể phủ nhận những đóng góp mà những người trẻ này đã và đang cống hiến cho xã hội. Sự chọn lựa của những người trẻ có tấm lòng quảng đại, khiến cho nhiều người cảm phục vì trong số họ, có người đã thành đạt, đã kiến tạo được sự nghiệp, nhưng cũng có người đang là sinh viên, là công nhân và cuộc sống còn nhiều khó khăn. Có lẽ điểm chung của tất cả các bạn trẻ này là nơi họ luôn ấp ủ một khát vọng được cống hiến, và cách thức tốt nhất họ chọn lựa, là con đường dấn thân.
Với người Kitô hữu, dấn thân cho hạnh phúc của người khác, luôn là lời mời gọi khẩn thiết và ưu tiên hàng đầu trong hành trình cuộc đời. Người trẻ Công giáo không chỉ sống tốt cho mình, với những cố gắng hoàn thiện bản thân, nhưng phải là cuộc đời dám chia sẻ với người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thể hiện điều này không đương nhiên dễ dàng, bởi một lẽ đơn giản là chúng ta còn phải nghĩ đến mình, một lối nhìn “quy ngã” rất tự nhiên của con người. Thế nhưng, nhiều người đã làm được điều này với tất cả con tim của họ, thì hẳn nhiên những người khác cũng sẽ thực hiện được khi biết đặt mình trong tương quan như những người con của Chúa.
Thật vậy, khi hướng lòng mình về Chúa, con người sẽ có những động lực để dá
Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn, nhưng với lòng tin và niềm hy vọng, người trẻ Công giáo sẽ đón nhận con đường dấn thân với tất cả tấm lòng của mình.
-Mai Văn, OP-photos NNT-