Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Năm Thánh đòi chúng ta phải hoán cải. Nghĩa là chúng ta phải đổi mới chính mình. Đổi mới ở nhiều lãnh vực. Trong suy nghĩ, trong đánh giá, trong ước muốn, trong chọn lựa, trong phong cách. Đặc biệt phải đổi mới cách giới thiệu Tin Mừng, sao cho hữu hiệu hơn trong thời kỳ mới, đúng như ý Chúa.
Để thực hiện việc đổi mới này, trước hết chúng ta phải có nhận thức rộng rãi về các chuyển biến thực tế trong xã hội, văn hóa, kinh tế có liên hệ mật thiết đến nhân sinh. Để rồi qua đó chúng ta lắng nghe nhu cầu và khát vọng thầm kín sâu xa của thời đại.
Lắng nghe đó gợi lên thao thức về một trách nhiệm. Trách nhiệm phải đồng cảm với nhu cầu và khát vọng của con người thời đại, nhất là phải góp phần kiếm tìm những gì có thể đáp ứng khát vọng và nhu cầu ấy. Cách góp phần tốt nhất là chính chúng ta phải phấn đấu nên người tốt hơn, mới hơn, sống thích hợp hơn với thời kỳ mới, có ích hơn cho xã hội đang chuyển biến mau lẹ. Riêng đối với tôi, tôi thực hiện tất cả các việc trên đây dựa trên tiêu chuẩn Lời Chúa và gặp gỡ Chúa.
HÀNH TRÌNH
Như thế, việc đổi mới là một hành trình dài. Hành trình này là một chuyến đi tìm kiếm. Phải rảo bước như nhóm mục đồng đến hang đá xưa. Phải lên đường như ba đạo sĩ từ phương đông đến Belem xưa. Phải đi, phải về như hai môn đệ trên đường Emau – Giêrusalem xưa. Những hành trình ấy gồm ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất là nắm bắt tình hình. Họ trao đổi với nhau. Đề tài là thời sự bên ngoài về những gì xảy ra lúc ấy có liên quan đến Đấng cứu thế. Thêm vào đó là thời sự nội tâm của mỗi người, như những cảm nghĩ, những xao xuyến, băn khoăn và hy vọng.
Giai đoạn thứ hai là gặp gỡ Chúa Gíêsu Kitô.Nhóm mục đồng và nhóm đạo sĩ gặp được Đức Kitô là chính Ngôi Lời, một Ngôi Lời không nói lên tiếng, nhưng nói bằng chính mình. Hai môn đệ trên đường Emau gặp Đức Kitô cùng đồng hành và cắt nghĩa Kinh Thánh cho họ. Chúa mở trí khôn họ, đốt nóng trái tim họ, chỉ cho họ đường hướng phải chọn.
Giai đoạn thứ ba là trở về cộng đồng của mình, để kể lại những gì mình đã thấy. Họ thấy Tin Mừng nơi Đức Kitô đã được chính Đức Kitô giới thiệu bằng cách sống hiền lành, khiêm nhường, gần gũi với con người và chia sẻ thân phận những người nghèo khổ, yếu đuối. Tin Mừng không phải chủ yếu là những giáo lý, nhưng là chính Đức Kitô yêu thương, từ bỏ mình, dấn thân cứu đời. Sự gặp gỡ một Đức Kitô như thế đã giải thoát họ khỏi những gánh nặng sợ hãi tạo ra do cơ chế các lề luật lỗi thời và các trung gian nhân sự hẹp hòi. Cuộc gặp gỡ Đức Kitô đã cho họ một chiếc phao thiêng liêng, nhẹ nhàng mà hữu hiệu, để họ bám vào mà bơi lội giữa biển đời sóng gió. Họ được đổi mới. Sự đổi mới ấy đã đáp ứng nhu cầu và khát vọng sâu xa của họ, giúp họ sống niềm tin một cách đơn sơ thực chất và giúp cho đời họ có một ý nghĩa cao đẹp, đầy hy vọng.
KHÁM PHÁ
Khi áp dụng mẫu gương xưa vào cuộc đời mục vụ hôm nay, tôi thấy hành trình kiếm tìm đổi mới là hành trình rất dài luôn phải tiếp tục. Phải biết mình kém, phải bắt đầu lại. Càng đi càng khám phá được nhiều điều thú vị.
Thực vậy, theo dõi thời sự những dấu chỉ về Nước Trời trong nhân loại nói chung và tại Việt Nam nói riêng, tôi nhận ra nhiều người tốt việc tốt trong Hội Thánh và ngoài Hội Thánh. Chân thiện mỹ không bị nhốt trong ranh giới một dân tộc, một tôn giáo, một nền văn hóa. Khắp nơi vẫn lấp lánh những gương sáng về những giá trị thiêng liêng cao cả, như khiêm nhường, bao dung, tinh thần trách nhiệm, chân thành, trung thực, bác ái, công bình, chiêm niệm, dũng cảm.
Khi lắng nghe nhu cầu và khát vọng của hồn dân tộc Việt Nam, của hồn văn hóa Việt Nam, của hồn thời đại tại Việt Nam, tôi cảm nhận được từ sâu thẳm những thao thức sôi sục về phát huy và sáng tạo chân thiện mỹ. Mục đích là cho con người và cuộc đời được tốt đẹp hơn về mọi mặt, hợp với chuyển biến của lịch sử.
Điều làm tôi ngỡ ngàng hơn cả, đó là con người thời nay không còn dễ được thuyết phục bởi những lý thuyết hứa hẹn, những hội nghị long trọng, những cuộc lễ lớn, những nghi thức và biểu tượng đẹp. Trái lại, yếu tố chinh phục họ nhất chính là những con người sống quyết liệt với những giá trị cao. Họ đi tìm những người như thế. Cái phao đời họ là những người như vậy.
Theo tôi, những người có giá trị cao hơn hết đang được đa số khâm phục chính là những ai luôn phấn đấu tự đào tạo nên người có bản lãnh, biết phân định thực hư, dám từ bỏ mình vì lợi ích chung, đầy lửa thương cảm đối với con người, nhất là đối với kẻ nghèo khổ. Đôi khi tôi có cảm tưởng thứ tình yêu được tôi luyện bằng hy sinh có một vận tốc thiêng liêng tựa như ánh sáng, và có thể tạo ra một thứ năng lượng tâm lý khổng lồ.
Chính những người mang lửa đó sẽ góp phần lớn trong việc đổi mới đất nước và Hội Thánh.
TẾ NHỊ
Những gương sáng như vậy sẽ là những bản thời sự có giá trị về Nước Trời. Với những giá trị cao cả thiêng liêng, họ tham gia vào việc phong phú hóa hồn một thời đại, hồn một nền văn hóa, hồn một dân tộc. Sự hiện diện của họ là đa dạng, cho dù sự hiện diện ấy là âm thầm như của Chúa Giêsu trong hang đá Belem, nó cũng vẫn là máng chuyển tải ơn thánh, có khả năng đánh thức lương tâm con người.
Những người Công giáo địa phận tôi là một thiểu số bé nhỏ sống giữa một vùng đông dân cư mộ đạo. Khối dân cư đáng kính này thuộc nhiều tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo Hòa Hảo. Hằng ngày trong dân vẫn luôn chuyển đổi những dư luận tốt về các tôn giáo bạn. Thời sự là những tin người tốt việc tốt đối với gia đình, địa phương, đồng bào, đất nước. Sống đạo của họ hầu như không căn cứ vào những khuôn khổ cử hành lễ lạy bề ngoài, nhưng căn cứ vào cầu nguyện, liên đới, tương thân tương ái và học tập tu nhân. Họ gắn bó với dân tộc, và nhạy bén với các hình thức hiếu thảo đối với tổ tiên, đất nước.
Trong một thực tế như vậy, việc giới thiệu Đức Kitô và Hội Thánh Người phải được thực hiện một cách khôn khéo, tế nhị, hài hòa. Tôi có kinh nghiệm này: Khi những giá trị thiêng liêng chung của hồn thời đại, của hồn dân tộc, của hồn văn hóa được coi như những giá trị căn bản do Thánh Linh thổi vào, thì việc dùng những giá trị chung đó để giới thiệu Tin Mừng trong xã hội ta là một chọn lựa bước đầu thích hợp. Đó là một cách rất tốt dọn đường cho Đức Kitô và làm cho người ta có thiện cảm với Hội Thánh. Tất nhiên những giá trị chung đó không thay thế được những giá trị riêng của người môn đệ Đức Kitô, mà chúng ta luôn tự hào.
Cách giới thiệu Tin Mừng bằng chính con người và đời sống mang những giá trị như thế đòi hỏi nhiều đổi mới nội tâm và phong cách. Sự đổi mới này cần được thực hiện một cách cụ thể ít nhất ở cấp cộng đoàn nhỏ. Khó đấy, nhưng phải ráng làm.
Tình hình nội tâm đa số đồng bào Việt Nam hôm nay đang có những chuyển biến đi tìm những giá trị cao. Nếu sự đổi mới của chúng ta không là sự đổi mới chính mình, dựa trên Lời Chúa và gặp gỡ Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, là đường, là sự thực và là sự sống, thì tôi sợ những chọn lựa giới thiệu Tin Mừng của chúng ta sẽ nghèo nàn giá trị Phúc Âm, sẽ không đúng ý Chúa. Lúc đó biết đâu chúng ta sẽ đầu tư thời giờ và của cải vào những việc vô bổ.
Trái lại, một sự đổi mới chính mình có chất lượng cao sẽ là một anh hùng ca, giới thiệu mùa xuân chiến thắng của Nước Trời đang tới, góp phần đem lại bình an hạnh phúc cho đồng bào Việt Nam ta.
-ĐGM GB. Bùi Tuần-


Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Có nhiều định nghĩa về linh mục. Theo truyền thống, thì linh mục là mục tử, dựa trên hình ảnh của Chúa là đấng chăn chiên lành; là alter Christus, nghĩa là Đức Kitô đệ nhị vì ngài thi hành các bí tích thay mặt Chúa Giêsu; là môn đệ theo Chúa. Theo lối mới, linh mục là người Chúa gọi và chọn, thi hành ba nhiệm vụ căn bản trong Giáo hội: điều hành, giảng dậy và tư tế. Linh mục là người phục vụ, và Giáo hoàng là tôi tớ của các tôi tớ Chúa (servus servorum Dei). Vị giáo hoàng đầu tiên dùng cụm từ “tôi tớ của các tôi tớ Chúa” là thánh Gregory I (590-604). Vào thời đó, bị ảnh hưởng trần tục, tổng giám mục thành Constantinople là John the Faster chọn tước hiệu Giáo phụ Toàn Cầu (Ecumenical Patriarch). Đức giáo hoàng Gregory nhận tước hiệu khiêm hạ để chỉ vai trò và chức tước của người thay mặt thánh Pherô ở Roma. Sau đó, các vị giáo hoàng khác đôi khi cũng dùng tước hiệu này. Đến thế kỷ thứ 9 thì các vị giáo hoàng dùng thường xuyên hơn. Có vẻ “hay hay” vài hoàng đế Âu châu thời trung cổ cũng nhận mình là tôi tớ các tôi tớ. Từ thế kỷ thứ 12, cụm từ dành riêng cho Giáo hoàng. Sau công đồng Vatican II, các vị giáo hoàng dùng tước hiệu này rất thường xuyên thay vì những cụm từ khác quá nghi thức và trần thế.
Một định nghĩa mà nhiều người hiện nay, nhất là các bạn trẻ, ưa thích “linh mục là người bình thường có ơn gọi thần thiêng.” (Priests are “the ordinary people with a holy call.”)
Đúng vậy, linh mục là người bình thường như muôn vàn người khác. Theo kiểu nói Á đông, thì vẫn còn hỉ, nộ, ái, ố, thất tình, lục dục và khuyết điểm. Trong khi cần giảng hay nói giỏi, có vị nói “cà lăm,” lắp bắp; cần điều hành tốt, thì trước khi đi tu, đứng gần bét các môn kinh tế và quản trị; cần xuất sắc với vai trò tư tế, tức là cử hành bí tích, thì “luống ca luống cuống, lập cà lập cập” trước đám đông. Có vị gặp người khác phái, run lẩy bẩy như thằn lằn đứt đuôi. Ngược lại, có vị bị phê bình, là nói chuyện cứ tươm tướp, dòn như pháo rang. Vị khác luôn xưng mình là cha, dù nói chuyện với các cụ lớn hơn cả tuổi bố mẹ mình. Lại đôi khi đi vào “lịch sử” cách không oai hùng cho lắm. Việt Nam chúng ta có nhiều đời vua, nào Tiền Lê rồi Hậu Lê, nào Tiền Lý rồi Hậu Lý. Tiền đây nghĩa là trước, nay bị ghép vào tên riêng các ngài thành ra tiền bạc.
Nhưng linh mục là người có ơn gọi thần thiêng. Điểm quan trọng, làm sao nhận ra ơn gọi thần thiêng? Phải chăng trong giấc ngủ, Chúa hiện ra và nói “cha chọn con” hay một dấu chỉ hữu hình cho thấy ứng viên là linh mục? Đã có nhiều câu truyện rất “thơ mộng” về ơn gọi, nhưng hình như trong vạn người, mấy ai được như vậy? Vài vị quả quyết “nếu Chúa chọn làm linh mục, dù ở trong bụi tre, Chúa cũng lôi ra.” Hỡi ơi, trên thực tế thì chưa thấy ai ở trong bụi tre mà Chúa gọi ra bao giờ, chỉ bị tre cào rách mặt thì nhiều!!!
Làm cách nào nhận ra ơn gọi thần thiêng?
Ứng viên, khi bước lên đại chủng viện, cùng với văn hóa và hiểu biết trần thế, lưu tâm đến ba khía cạnh quan trọng “tu đức, trí thức và mục vụ.” Bên cạnh ba khía cạnh này, Hội đồng Giám mục Hoa kỳ trong “Priestly Formation Program” (PPF) nhấn mạnh huấn luyện nhân bản. Mục đích huấn luyện nhân bản giúp ứng viên nhận ra mình và tha nhân cùng nhịp cầu nối kết chứ không cản trở nhau. Nói cách khác, không sợ tha nhân, và không coi bản thân hoặc tha nhân như cơn cám dỗ. Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II đưa ra tiêu chuẩn huấn luyện qua “Pastores Dabo Vobis.” Nếu ứng viên nhận thấy hội đủ điều kiện như học vấn -ít là trung bình- chấp nhận sống đời thanh khiết, vâng phục quyền bính, không mê thích của cải trần thế, không đi tu trốn nợ đời, thì như vậy, có dấu hiệu làm linh mục, tức là ơn gọi thần thiêng.
Các loại linh mục: triều và dòng.
Khi đi tu, ứng viên lựa chọn một trong hai lối sống: triều hoặc dòng. Linh mục triều chú trọng mục vụ nơi xứ đạo, còn linh mục dòng, với ơn đặc sủng, thường chú tâm đến sinh hoạt liên xứ đạo, liên địa phận, như truyền giáo, cấm phòng chung, dậy học, truyền thanh, truyền hình, báo chí.. Linh mục triều ngày xưa còn được gọi là các cha quan triều. Lý do, các ngài đội mũ ba chòm trong giống mũ các quan. Lại có người giải thích quan triều vì làm quan cho Chúa. Linh mục triều tuyên thệ thanh khiết và vâng phục giám mục. Với nhu cầu mục vụ, ngài có quyền tư hữu sống độc lập. Còn linh mục dòng thì chung sống trong cộng đoàn. Nhà dòng đặt nền tảng trên đời sống chung và ba lời khuyên phúc âm, vâng lời, thanh sạch và thanh khiết, nên tu sĩ khấn ít là ba lời này. Tuy nhiên, thời nay, luật lệ về tư hữu và sống chung nơi linh mục dòng không đòi hỏi như xưa. Nhiều dòng cho phép tu sĩ ở riêng và sở hữu một số bất động sản thiết yếu như xe cộ, sách vở, quần áo, máy móc…
Số linh mục trên thế giới.
Dù là triều hay dòng, các vị được gọi chung là linh mục. Theo số thống kê hằng năm gửi đến tòa thánh, và do trung tâm CARA nghiên cứu tôn giáo của đại học Georgetown phổ biến, hiện có khoảng 408. 024 linh mục trên toàn thế giới.
• Bình quân, một linh mục coi sóc mục vụ hơn 3. 500 người Công giáo.

Tổng số linh mục không khác biệt nhiều tính từ năm 1970 đến 2007. Hơn thế nữa, hiện đang có chiều hướng ổn định và đi lên, nếu nhìn đến số tân linh mục (6.660 vị vào năm 2007). Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số tín hữu gia tăng rất nhanh. Từ 653.600.000 vào năm 1970 thành 1.147.000.000 người, tức là gần gấp đôi.
Như vậy, tổng số nam nữ tu sĩ giảm rất nhiều.
Riêng tại Hoa kỳ, thống kê bình quân, một linh mục coi sóc mục vụ 6. 200 người Công giáo.
Còn tại Việt Nam, bình quân, một linh mục Việt Nam coi sóc mục vụ 1. 600 người.

Các giáo phận có nhiều linh mục nhất tại miền Nam là tổng giáo phận thành phố Sài gòn (Hồ chí Minh) với 610; miền Trung là Nha Trang 179 và miền Bắc là Bùi chu 224. Tuy nhiên, nếu tính cả linh mục dòng không làm việc trực tiếp cho giáo phận, có lẽ con số còn cao hơn?

Mục vụ linh mục.
Như đã nêu trên, ba bổn phận chính của linh mục là tư tế (munus liturgicum,) giảng dậy (ngày trước gọi là tiên tri -munus docendi-) và điều hành (ngày trước gọi là vương giả -munus regendi-).
• Bổn phận tư tế. Bổn phận này tập trung vào bí tích mà phổ thông nhất là bí tích thánh thể và giao hòa, tức là dâng lễ và giải tội.
• Bổn phận giảng dậy. Linh mục có trách nhiệm rao giảng và dậy dỗ lời Chúa. Cùng với giám mục, ngài là người thay mặt Giáo hội giải thích Thánh-Kinh, lời Chúa và các giáo huấn của Giáo hội.
• Bổn phận điều hành. Có lẽ không gì rõ nét cho bằng lời dậy dỗ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II gửi đến giám mục hai tiểu bang Pensylvania và New Jersey dịp “Ad Limina” vào năm 2004 do hãng thông tấn Zenith đăng tải. “Dựa trên nền tảng tốt đẹp của bổn phận “munus regendi” (điều hành) và với những thách đố của tân truyền giáo…vị giám mục, trước hết cần phải là một chứng nhân, một bậc thầy và là người điều hành khôn ngoan tài sản của Giáo hội..tất cả những gì vị giám mục nói và làm, diễn đạt uy quyền của lời nói và việc làm của Chúa. Anh em không chỉ là người kế vị các tông đồ với quyền bính và năng lực, nhưng trên hết, cần là chứng nhân qua đời sống tông đồ.”
Nếu giám mục có trách nhiệm “munus regendi” nơi giáo phận, thì linh mục cũng có bổn phận như vậy trong giáo xứ mà mình được bổ nhiệm.
Sau khi hội đủ đòi hỏi cần thiết và căn bản trong đại chủng viện, linh mục cần tiếp tục cập nhật hóa khả năng, qua khóa thường huấn do giáo phận hoặc dòng tu tổ chức. Khóa thường huấn không chỉ giúp linh mục giảng dậy hay và chính xác, mà còn hoàn thiện thêm bổn phận tư tế và điều hành. Nên nhìn nhận nơi đây, việc tham dự các khóa thường huấn không được chú trọng cho lắm. Đây là điểm đáng buồn. Thực tế cho thấy nhiều giáo dân tiếp tục cập nhật hóa hiểu biết về thần học, thánh kinh và mục vụ, trong khi bậc chủ chăn sống những “giáo huấn” của vài chục năm về trước. Chính vì vậy nhiều ngộ nhận đã xẩy ra.
Bổn phận linh mục với giáo xứ.
Bổn phận tư tế, giảng dậy, điều hành rất rõ nét trong mục vụ nơi xứ đạo.
• Bổn phận tư tế nơi giáo xứ. Vì Giáo hội Công giáo điều hành theo hệ thống kim tự tháp, nên xứ đạo là xương sống của giáo phận, và giáo phận là xương sống giáo hội. Giáo xứ hằng ngày có thánh lễ, hàng tuần có bí tích giải tội. Tang ma, hôn nhân, hội họp, sinh hoạt, ngay cả không thuộc phạm vi tôn giáo, cũng ở giáo xứ. Nhiều chức sắc tôn giáo bạn tỏ vẻ ngưỡng mộ lòng sùng đạo của giáo dân Công giáo. Thánh lễ Chúa nhật đầy chật nhà thờ. Trong khi đó, trừ những dịp đặc biệt như Tết, Trung thu, Ngày Vía, các tín đồ mới đến nơi thờ phượng. Bên cạnh bí tích là những phụng vụ tôn giáo –có khi được gọi là “á bí tích”- như chầu thánh thể, phụng vụ các giờ kinh, ngắm đàng thánh giá, lần hạt..Đa số đoàn thể Công giáo tiến hành đều quen thuộc với sinh hoạt phụng vụ này.
• Bổn phận giảng dậy. Giáo xứ khác nhau không chỉ vì cấu trúc và văn hóa, nhưng còn do khả năng Chúa ban cho các vị mục tử khi giảng dậy. Một giáo xứ có các cha soạn bài giảng kỹ lưỡng cộng thêm với năng khiếu truyền đạt tư tưởng sẽ thu hút nhiều người nghe hơn. Một số dòng tu chú trọng giảng thuyết và dùng giảng thuyết như phương tiện truyền giáo chính. Địa phận St. Peterburgh bang Florida, số báo ngày 12-12-2009 khuyên linh mục nên chuẩn bị bài giảng ít là trước một tuần để vừa sống, vừa chiêm niệm và soạn bài. Ngoài ra, thăm dò cho biết, bài giảng trung bình vừa đủ để người nghe ghi nhớ là khoảng từ 10-13 phút. Có lẽ cần ghi nhận nơi đây sự khác biệt giữa bài giảng của mục sư tin lành và linh mục Công giáo. Linh mục Công giáo soạn bài giảng (homily) theo khuôn mẫu phụng vụ. Còn mục sư tin lành soạn bài giảng theo chủ đề (sermon). Chủ đề có thể dựa trên khía cạnh xã hội, mục vụ, triết lý và Thánh-Kinh. Tuy nhiên, thực sự thời giờ mục sư dành cho soạn bài giảng 20 tiếng cho một tuần! Bên cạnh chú ý đến bài giảng như trung tâm phụng vụ, lợi điểm nữa nơi mục sư là họ nhận được sự góp ý chân thành và nâng đỡ từ gia đình. Thường thường mục sư “giảng” cho vợ con –có khi nhiều lần- nghe trước khi giảng cho cộng đoàn. Vợ con hiểu thì cộng đoàn hiểu? Còn nơi linh mục Công giáo thì không rõ thống kê thực tập bao nhiêu lần và dành bao nhiêu giờ cho bài giảng!!!
• Bổn phận điều hành nơi giáo xứ. Đây là thách đố lớn nữa nơi các linh mục. Một mặt các ngài cố tránh khỏi ràng buộc của vật chất, mặt khác cần rành rẽ điều hành, mà có điều hành nào không liên quan đến vật chất? Hơn thế nữa, chủng viện không dậy quản trị kinh doanh, đến lúc làm cha xứ thì phải lo cả kinh doanh lẫn quản trị. Vào thời buổi kinh tế khó khăn, cha xứ bận tâm lo tài chánh. Không đủ chi thu thì không thể điều hành giáo xứ tốt đẹp; muốn đủ chi thu thì phải nói đến tiền; nói đến tiền thì rất dễ bị gắn thêm bảng hiệu tiền vào tên mình. Bên cạnh đó, còn trăm thứ phải lo, nào là thuế má, tu bổ, sửa sang, xây dựng, trả các thứ “bill,” bảo hiểm. Đấy là chưa kể đến một vài thuế khác đóng cho địa phận ngoài số phần trăm dựa trên tiền thu nhập hằng năm. Tưởng cũng nên biết, ý nhất có 3 loại cần nộp cho địa phận hằng năm: thuế dựa trên lợi tức giáo xứ, tiền truyền giáo (DSF –Diocesan Service Fund hoặc DDF –Diocesan Development Fund), và tiền phí tổn trả cho nhân viên thu tiền của mình !!! Nhiều cha xứ than phiền về loại đóng góp cuối cùng. Đã phải đóng tiền mà còn trả tiền cho việc đóng tiền. Đương nhiên hàng năm địa phận thường xuyên cử nhân viên xuống kiểm soát sổ chi tiêu, tài sản cách kỹ lưỡng. Nhân viên không là người của địa phận người là của công ty tư nhân độc lập, nhờ vậy, các nhận xét và phê bình mang tính cách khách quan.
Bên cạnh các bổn phận chính, một giáo xứ sinh động nhờ sinh hoạt trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến giáo xứ. Nhiều địa phận phân chia đoàn thể hoặc ủy ban làm nhiều loại:
• Ủy ban phụng vụ: đây là những hội đoàn trực tiếp liên quan đến sinh hoạt phụng vụ như ca đoàn, đọc sách thánh, thừa tác viên thánh thể ngoại lệ, giúp lễ.
• Ủy ban điều hành giáo xứ như nhân viên văn phòng, hội đồng tài chánh, hội đồng mục vụ.
• Công giáo tiến hành như hội các bà mẹ Công giáo, thiếu nhi thánh thể, liên minh thánh tâm, dòng ba Đa minh, Phanxicô, Giới trẻ.
• Công giáo tương trợ như Guadalupanas, Knight of Columbus, yểm trợ ơn gọi.
• Dĩ nhiên không thể quên xót một sinh hoạt rất quan trọng phải có. Đó là giáo lý cho tân tòng và các em xưng tội rước lễ, thêm sức. Giáo xứ Hoa kỳ rất chú trọng chương trình này, và không ngần ngại đầu tư công sức cũng như tài chánh vào huấn luyện thiếu nhi. Nói cách khác đi, một giáo xứ chết và không tương lai nếu không lưu tâm chương trình giáo lý.

Tất cả sinh hoạt của những đoàn thể trên cần sự nâng đỡ của cha xứ.

Liên hệ giữa giáo xứ, giáo dân và cha xứ
Chuyên gia tôn giáo nhận định, tệ hại nhất sẽ xẩy ra khi chỉ nhìn giáo xứ như thể chế thế quyền mà cha xứ đóng vai trò “manager”, chủ nhân, quản trị, điều hành, nhân viên được thuê. Vai trò này có thể do giáo dân nhìn vào cha xứ, có thể do cha xứ sống như vậy. Thực rõ ràng, một cha xứ được giáo dân thương mến nhiều hay ít, phần lớn nhờ khả năng và cố gắng, hơn là chức vị ngài đang mang. Dĩ nhiên, với tư cách linh mục, giáo dân thường dễ bầy tỏ lòng yêu thương và nâng đỡ, nhưng không có nghĩa đó sẽ là việc tất nhiên.
Giáo xứ là thân thể hữu hình của Đức Kitô. Giáo xứ đem mọi người hợp nhất trong Nước Trời. Đây là nơi chốn chuẩn bị mầu nhiệm Nước Trời khi sống yêu thương, đùm bọc và tha thứ. Qua việc cử hành bí tích, mọi người nhận ra mình là anh em của cùng một Cha, dù khác mầu da, ngôn ngữ, trẻ già, nam nữ, nhân dạng.
Liên hệ giữa giáo xứ, giáo dân và cha xứ được định đoạt qua trình độ tinh thần của giáo xứ. Linh mục là vị lãnh đạo, là mục tử hướng dẫn đoàn chiên mà giám mục ủy thác. Linh mục không phải chỉ là người điều hành. Ngài là người lo lắng đời sống tinh thần và xã hội cho giáo xứ, cho giáo dân của ngài. Ngài chịu trách nhiệm trước giám mục và hơn thế nữa, trước Thiên Chúa.
Nhưng giáo xứ cũng làm nên linh mục. Cầu nguyện cho các ngài, góp ý, thực thi chương trình, tham gia sinh hoạt giáo xứ, tích cực đóng góp truyền giáo qua giáo xứ. Và đương nhiên, nhất là qua yêu thương, tương kính giữa cha xứ với giáo dân. Nhiều cha chánh, phó xứ đã buồn rầu chia sẻ: “Mình có làm gì đâu mà sao cả nhà họ chê bai, dèm pha mình? Mình chào, họ cũng phớt lờ đi.” Trong khi đó, giáo dân thì cho biết: “làm cha mà không khiêm tốn, mặt lúc nào cũng nghếch lên trời, giống như vừa đi vừa vác cằm!” Khổ nỗi chính cha cũng không biết thế nào là “vác cằm.” Mà không biết ai vác cằm nhỉ? Cha hay giáo dân?
Câu truyện phổ thông kể lại, đức giám mục địa phận đến thăm hầu hiểu dân trước khi bổ nhiệm cha xứ mới. Đa số nguyện vọng đều rất giá trị như “chúng con xin một cha giảng hay; chú tâm đến giới trẻ đang bị bỏ rơi; lo lắng các cụ già cô đơn; đừng chỉ đến với người giầu; tận tâm truyền giáo cho anh em tân tòng, người bỏ đạo; mở thêm lớp dậy Thánh-Kinh; lưu ý ý dân, đừng độc tài; không kiêu hãnh; hòa nhã; nối lại nhịp cầu với các vị chức sắc của hội đồng mục vụ đã bị cha xứ cũ bỏ quên; đừng chỉ nghe người thân cận; liên hệ tốt với nhà nước..” Vài tháng sau, giáo xứ vẫn chưa có cha xứ mới. Giáo dân viết thư hỏi tại sao. Đức giám mục trả lời: “Tôi vẫn chưa tìm ra, vì chính tôi cũng không hội đủ tiêu chuẩn mà ông bà đề nghị.”
-Lm Đào Quang Chính. OP-

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Mối tình lặng lẽ năm xưa
Mối tình còn đó vẫn chưa nhạt màu
Mối tình hằn vết thương đau
Mối tình chất chứa thâm sâu ơn trời
Mối tình còn mãi sáng ngời
Mối tình được viết tên Người, Giêsu
Mối tình tưởng sẽ hoang vu
Mối tình, Người chết đền bù tội con
Mối tình hằng mãi sắt son
Mối tình, con hát thắm tròn tin yêu.

-Giuse Trần Thế Tiến-

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Giữ đạo và sống đạo

Không biết vì “quen” hay “cố ý” mà chúng ta thường nói “giữ đạo”. Nếu chỉ “giữ đạo” thì quá đơn giản, quá dễ, còn “sống đạo” mới khó. Giữ đạo là dạng sơ đẳng và tiêu cực, sống đạo mới là cao đẳng và tích cực.
Thánh Giacôbê đã xác định: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17 & 26).
Học phải đi đôi với hành, lời nói phải đi đôi với việc làm, và đức tin cũng phải đi đôi với hành động để chứng tỏ đức tin đó sống động, chứ không thể nói suông!
Vào nhà thờ, ai cũng tỏ ra khiêm cung lâm râm khấn nguyện, nhưng sau thời gian phụng vụ đó, chúng ta vào đời có chuyển tải được động thái đó để minh chứng là Kitô hữu? Chúa Giêsu khẳng định: “Không phải cứ Lạy Chúa! Lạy Chúa! thì được vào Nước Trời, nhưng là người làm theo Thiên Ý”. Cũng vậy, miệng luôn nói yêu thương tha nhân mà sao lại cho hòn đá khi họ xin bánh, sao lại cho con rắn khi họ cần trứng? Kiểu đó, theo cách nói của thánh Phaolô, chỉ là tiếng kêu vang của thanh la, não bạt. Còn Đức Kitô cho đó là “mồ mả tô vôi”.
Kinh Thánh nói rất rõ, thậm chí nói theo nghĩa đen chứ không nói bóng gió, trực khởi chứ không lung khởi, đừng suy diễn lệch lạc và tự biện hộ cho động thái của mình. Trong Phúc Âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu chỉ rõ: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh chị em là môn đệ của Tôi, đó là anh chị em hãy yêu thương nhau”. Yêu nhau thì phải biết sống CHO NHAU và VÌ NHAU, với cả con tim và đôi tay rộng mở, thậm chí là yêu cả kẻ thù ghét mình. Không gì đáng nói nếu chỉ yêu người yêu mình, thân thiện vói người đồng quan điểm hoặc cùng phe với mình!
Yêu thương luôn có hệ lụy với tha thứ. Sống đạo không chỉ giữ trọn ba đức đối thần mà còn phải sống trọn các đức đối nhân nữa.
Đường vào Thiên đường vừa thênh thang vừa hẹp, “thênh thang” vì chúng ta hoàn toàn được tự do chọn lựa, không bị ép buộc, nhưng “hẹp” vì phải sống tích cực theo Luật Yêu Thương của Thiên Chúa, phải dứt khoát và rạch ròi chứ không được “hâm hâm”, không nóng, không lạnh. Quả thật, sự khôn ngoan của người đời là sự dại dột của Thiên Chúa, và sự dại dột của người đời lại là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Chính Chúa Giêsu không giống ai, như một “gã điên”, luôn bị chỉ trích và bị chê trách là “không bình thường”, vì Tình Ngài cũng khác thường, khác đến nỗi Ngài đã chết cho cả những kẻ khinh ghét Ngài. Trái tim Ngài luôn rộng mở, Tình Ngài quá bao la, sẵn sàng vâng lời cho đến chết trên Thập giá!
- Trầm Thiên Thu -


Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Trong tình yêu mến chứa chan
Lời kinh tha thiết như ngàn hoa xinh
Dâng về Đức Nữ đồng trinh
Tấm lòng con thảo hết tình mến yêu.
Trái tim nhịp đập bao nhiêu
Lời kinh chuỗi ngọc sớm chiều con dâng,
Noi gương Mẹ đã xin vâng
Một lòng yêu mến, thi ân cõi đời.
Mẹ thương ban, xuống muôn ơn
Địa cầu nức tiếng nào hơn đáp đền,
Hợp lời chúc tụng ca khen
Lời kinh chiếu sáng, đêm đêm vọng về.
Lời kinh sáng mãi trời quê
Lời kinh chúc tụng dâng về Mẹ yêu
Đức tin luôn vững sớm chiều
Lời kinh sáng mãi, mỹ miều đẹp xinh!
-Vanang68-


Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Mẹ ghi nhớ điều gì vậy Mẹ
Chuyện buồn vui cất giữ trong lòng
Kể cả lúc mẹ chưa hiểu hết
Vẫn ngọt ngào hai tiếng “ Xin vâng”

Sao hiểu được tình yêu Thiên Chúa
Xuống trần gian làm kiếp con người
Sao không chọn vàng son nhung lụa
Lại chọn nơi máng cỏ bò lừa

Chân loạn nhịp miền xa đất lạ
Mẹ tìm con, lòng dạ lo âu
Thấy con đứng giữa người cao cả
Lòng băn khoăn, chẳng biết gì đâu

“Con còn việc cho Cha con nữa
Đấng quyền năng ở tận trên cao”
Nghe con nói mà lòng bỡ ngỡ
Lặng yên thôi chẳng biết thế nào

Mẹ chỉ biết một điều duy nhất
Đấng Tối Cao là đứa trẻ này
Mẹ chỉ biết đưa tay ôm ấp
Nuôi cho con khôn lớn từng ngày

Mẹ, Mẹ ơi! Chúa thương Mẹ lắm
Tình yêu như suối ngọt mát lành
Lòng Mẹ như trời cao xanh thẳm
Lời ru như khúc nhạc êm đềm

Cuộc đời Mẹ hiền như cây lúa
Chờ một mùa hoa trái trổ bông
Mẹ yên lặng để tình yêu Thiên Chúa
Đổ xuống trần gian mưa Hồng Ân

-ĐA MINH THIÊN SA-