Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Quà của CHÚA



Món quà Chúa tặng cho con:
Một giấc mộng đẹp trở về giữa đêm
Nghe như tiếng Mẹ ru êm
Ngọt ngào ấp ủ từng đêm thuở nào.

Món quà Chúa tặng cho con:
Tỉnh giấc mộng đẹp tâm hồn lâng lâng
Lòng con cảm mến lệ rưng
Nhận ra ơn Chúa đã từng cho con.

Món quà Chúa tặng cho con:
Mỗi ngày còn sống con còn phải lo
Lo cho cuộc sống ấm no
Không quên tĩnh lũy lẫm kho Nước Trời.

Món quà Chúa tặng cho con:
Biết sống tín thác trong tay Chúa Trời
Dẫu rằng một sợi tóc rơi
Chúa Cha đã đếm từ thời thiên thu.

Món quà Chúa tặng cho con:
Dẫu trong đau khổ nhìn ra ơn lành
Vì Cha không bỏ chẳng đành
Cho con cơ hội trưởng thành Đức Tin.

Món quà Chúa tặng cho con:
Con biết phân biệt điều lành chuyện sai
Để con cố gắng ngày mai
Tô đời thêm đẹp tương lai mỗi ngày.

Món quà Chúa tặng cho con:
Bạn bè thân hữu của con xa gần
Nhất là những bạn kém phần
Sống trong cơ cực con cần lưu tâm.

Món quà Chúa tặng cho con:
Người thương kẻ mến đỡ nâng mỗi ngày
Mặc ai toan tính đổi thay
Con xin chỉ biết ăn ngay ở lành.

Món quà Chúa tặng cho con:
Qua bao gian khổ con còn bình an
Chúa cho nhiều lắm vô vàn
Con không kể xiết…, vạn ngàn lời ca.

Món quà Chúa tặng cho con:
Sáng trưa chiều tối mãi còn nguyện xin
Cho con sống trọn niềm tin
Không ai ngoài Chúa con tin, con thờ.

-adgs Trích Thoảng Lời Kinh Nguyện 2-

Linh mục và điệu nhảy mục vụ

Đời sống bao tháng ngày còn lại,
e ngại những cơn mưa đời sẽ làm lòng con úa phai (sẽ làm lòng con úa phai).
Lời Chúa là ánh sáng soi trên đường dài, là gió thổi dẫn đưa con thuyền đến nơi, trót đời con đây nhỏ bé, trót đời xin dâng tiến Ngài.
(Con chỉ là tạo vật - Phanxicô)



Đời sống tận hiến theo ơn gọi của các linh mục không lẽ dễ dàng phai nhạt với những năm tháng mà các ngài làm ngôn sứ hay phục vụ cho cộng đoàn dân Chúa? Hay sự nhạt phai đó chính là mọi chước cám dỗ của Satan mà điển hình là tiền bạc và dục vọng?!!

Tôi không nghiêm khắc nhằm so sánh đời sống của linh mục làm việc mục vụ với các linh mục khổ tu hay ẩn tu. Nhưng ít ra các linh mục phải biết vai trò mình đang làm gì: mục vụ, ẩn tu hay khổ tu mà trung thành với xứ vụ này và trung thành với lời khấn của họ. Đặc biệt hơn nữa là các “ngài” đừng quá “tham, sân, si” để làm trò hề cho mọi người xem, và làm xấu đi hình ảnh “Chúa Giêsu linh mục”.

Chúa Giêsu ngày xưa cũng không tránh khỏi mọi sự ghen ghét, dèm pha, và mưu hại thì các linh mục ngày nay cũng vậy, dễ dàng bị soi mói, để nhằm bôi xấu và đánh phá Giáo Hội của Chúa từ mọi phía. Sự tục hóa của các linh mục sau những “Thánh lễ mở tay”, “Thánh lễ bổn mạng”, “Thánh lễ ngân khánh” hay “Thánh lễ kim khánh” …v.v.. ngoài tổ chức rình rang ở giáo xứ, cộng đoàn, các vị còn bồi thêm là tổ chức kéo nhau ra nhà hàng với mấy chục bàn với đủ các món ăn, thức uống; cả băng nhạc, ca sĩ để mà chúc mừng, rồi “cha, cha, cha…”, rồi “con, con, con…” rồi phong thư trao tay xem như mình xứng đáng được hưởng lợi vì ơn gọi làm linh mục.

Không lẽ các linh mục lại tự tục hóa lấy mình vì tiền hay mua đòi danh lợi “hư không” mà đánh mất bản chất thiêng liêng mà Chúa đã gọi họ giữa bao nhiêu người? Hay các linh mục cảm thấy mình thật sự xứng đáng trong vai trò “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em.” (Mc 10,43) nên tự cao, tự đại mà lãnh nhận sự chúc tụng đó? Hay các linh mục lại trơ trẽn đổ thừa là để làm vui lòng các tín hữu, hay hòa hợp với anh em Kitô hữu muốn kỷ niệm cho các linh mục và chấp nhận tổ chức rình rang như thế cho tăng thêm công lao của mình!

Ngay từ những năm đầu học tập ở Tiểu Chủng Viện (bây giờ nhiều nơi không còn nữa) hay trong Đại Chủng Viện cũng vậy, đời sống linh mục luôn được cảnh báo về sự giới hạn so với những nhu cầu của con người, cộng đoàn như dòng thác lũ về đời sống tâm linh. Việc mục vụ luôn là hố sâu không đáy và mỗi ngày vị linh mục luôn phải đối mặt với sự chọn lựa để quyết định những nhu cầu nào ngài có thể đáp ứng và những nhu cầu nào phải chối từ vì đời sống tu trì không cho phép.

Thẳng thắn mà nói rằng, một số linh mục đã không có những quyết định đúng đắn và cũng có nhiều vị lại khuếch trương một cách quá độ. Không lẽ vì mục đích chia sẻ niềm vui “ơn gọi linh mục”, “Năm Thánh”, hay “Năm Linh Mục” và để cổ võ “Ơn Gọi” đó trong cánh đồng truyền giáo mà những linh mục là người hướng dẫn thiêng liêng của mọi người trong cộng đoàn, bây giờ lại lăn xả hết mình “show up” lời ca, tiếng hát, và tài năng đóng kịch, hài hước và nhảy nhót lung tung như các nghệ sĩ chuyên nghiệp hết mình vì nghệ thuật hầu góp thêm vào khoảng “văn hóa” trống vắng chưa bao giờ có các bậc tu sĩ nam nữ nào dám làm và dám tham gia cho nghệ thuật vốn đã quá bát nháu này. Việc mặc áo giáo sĩ là một dấu chỉ rõ ràng là họ mang lấy trên mình cái khác biệt của sự hy sinh, của ngôn sứ Đức Chúa Trời. Ngoài ra các linh mục còn phải chấp nhận sự cô đơn mang tính độc đáo đáng kính như Đấng tốt lành Giêsu chí ái.

Đây là một vấn đề mà mọi linh mục phải đối diện và vì thế chính các linh mục cần xác định những giới hạn hợp lý của mình khi mình làm công tác tông đồ mục vụ. Một số người nêu lên ý kiến cho rằng độc thân chỉ phù hợp với đời sống thánh hiến, bởi vì những người sống trong đời sống thánh hiến được nâng đỡ một cách đặc biệt trong các cộng đoàn mình sống, trong khi đó một linh mục trong đời mục vụ sống trong nhà xứ không có được sự nâng đỡ này. Thêm nữa, các ngài phải sống giữa những người không cùng cách sống với mình, không hiểu mình và lại không ủng hộ mình nữa. Điều này đặc biệt làm cho vị linh mục cảm thấy cô đơn và bị thách đố liên tục. Nhưng tu hành vẫn là tu hành, đời sống tận hiến vẫn là đời sống tận hiến…không thể vì buồn chán hãy quá rỗi việc Chúa mà các linh mục có thể có thể dễ dàng chấp nhận đồng hành với thế tục, với danh vọng, với đồng tiền.

Xem qua “Linh Ca I, II & III”, các bạn cũng như tôi đều giật thót mình khi nhìn thấy chức năng ngôn sứ của linh mục gần thế tục cho tới nổi các ngài tự biến mình thành những anh hề hay những anh cao bồi quần áo lố lăng nhảy nhót, ca hát, hài hước dỡ ẹt nhưng lại bốc phét là “Linh Ca được Chúa chúc phúc và mang lại nhiều lợi ích tâm linh cho nhiều tâm hồn và đánh động được tấm lòng quảng đại dấn thân của giới trẻ cho Giáo Hội hôm naỵ.” Thật là nực cười cho sự ngây dại và không trưởng thành của các vị linh mục này khi xem sứ mạng rao giảng nước trời chỉ là thứ có thể mua vui và giải trí rẻ tiền “$10 đồng” một đĩa DVD.

Bất cứ ai quen thuộc với đời sống của một đan sĩ Xitô hay một ẩn sĩ dòng thánh Brunô hẳn biết rằng các vị này cam kết sống một đời sống từ bỏ và đền tội mà tu luật của họ đề ra. Họ thật sự tách hẳn khỏi thế tục, không màng đến chuyện thế gian để sống tu hành và “chiêm niệm” lời Chúa.

Vậy còn các linh mục sống đời sống mục vụ?
Một cha xứ hay một cha tuyên uý chẳng hạn?

Khi nhìn thoáng qua, dường như đời sống của một linh mục đang làm việc mục vụ có vẻ dễ dàng hơn; vì có tiền trong túi (có thể là không nhiều) lại sống gần với thế tục. Xem ra các linh mục này cũng tự do, và đời sống của họ coi như chẳng phải quá khắc khổ hay quá khắc nghiệt. Một cha xứ hay một cha tuyên uý gần như luôn sống trong tình trạng sẵn sàng và khẩn cấp ngày cũng như đêm. Người ta sẽ thật sự cần đến họ bất cứ khi nào. Người cha hay người mẹ có đứa con vừa qua đời sẽ cần ngay đến vị linh mục. Những đứa con trong bệnh viện đang đau buồn nhìn cha mẹ của mình quằn quại trên giường bệnh hay Chúa gọi ra đi cũng sẽ chạy ngay đến vị linh mục và mong chờ được ngài tới viếng thăm. Những người cô đơn trong tù ngục hay những ai gặp rắc rối sẽ tìm đến họ để mong được sự thông cảm và an ủi. Các hội đoàn đoàn thể cũng cần đến họ linh đạo, hướng dẫn…v.v..

Chúng ta cũng cảm thông cho các linh mục vì tất cả những nhu cầu như thế này không bao giờ chỉ đơn giản gói gọn trong một thời khoá biểu cố định từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Rất nhiều khi các Cha xứ này rơi vào cảm giác là “họ không có một cuộc sống riêng của chính mình” ngay cả một vị ẩn tu, người cam kết sống một cuộc sống yên ổn trong đan viện cũng mất đi quyền kiểm soát chính thời gian và không gian của mình. Như thế, các linh mục này mới biểu hiện hết năng lực tận tụy phục vụ và không có nhiều thời gian và không gian cho họ nữa. Điều này là rất thật, vì từ bỏ việc làm chủ thời gian của chính mình là một điều hy sinh hết sức lớn lao vì “nước trời”.

Linh mục sống giữa mọi người như thế càng làm rõ ràng thêm chứng từ của họ cam kết với Thiên Chúa. Đặc biệt trong thời đại bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hóa tôn thờ dục vọng, vật chất, và bản thân; linh mục phải là chứng tá của đời sống quên mình, hoàn toàn dấn thân lại càng cần thiết hơn nữa. Linh mục sống đời độc thân là chứng cớ sống động cho sự hiện diện của Thiên Chúa ngay tại trần gian này và là nguồn ân sủng dồi dào cho cả cộng đoàn cũng như chính vị linh mục. Tuy nhiên, đây là một đời sống khó khăn và hy sinh. Linh mục dưới con mắt mẹ tôi là thánh thiện, là thiên liêng và tuyệt đối đúng đắn (vì là người được Chúa tuyển chọn,) là quan tòa của sự “Thiện-Ác”, là bất khả xâm phạm…v.v.. như bà và các tín hữu từ rất xa xưa đã vô hình trung nâng họ lên quá cao để họ thêm tội kiêu ngạo.

Linh mục thiếu trưởng thành mà giáo dân lại quá thần thánh họ nên khiến phần đông linh mục tự nghĩ họ có power và có quyền sinh sát trong tay nên làm muốn làm gì thì làm. Họ có biết đâu theo tinh thần của Đức Kitô thì “Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20, 27-28).
-adgs BV-